Wolrd Cup và chuyện quảng cáo các nhãn hàng

Chủ Nhật, 04/07/2010, 20:40
Không chỉ có các cầu thủ bóng đá và người hâm mộ, mà cả các hãng lớn, đều chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá thế giới. Trong lĩnh vực marketing thể thao, cuộc tranh đua bóng đá thế giới là sự kiện thậm chí có ý nghĩa lớn hơn so với Thế vận hội.

Nhưng nếu các nhãn hàng danh tiếng chi hàng triệu đôla cho quảng cáo chính thức, thì những hãng còn lại tìm cách ăn theo, thậm chí nhiều hãng vi phạm quyền quảng cáo đã được chi trả.

Trong số các thương hiệu nhảy được vào Mundial ở những vị thế khác nhau (6 đối tác chính của FIFA và 7 nhà tài trợ cho giải vô địch thế giới) có những gã khổng lồ Coca-Cola, McDonald's, Adidas, Visa và Anheuser-Busch InBe. Trong khi Nike không nằm trong số các nhà tài trợ chính thức cho giải vô địch.

Nhưng dù là nhà tài trợ cho Mundial hay không, các nhãn hàng đều cố gắng tung ra quảng cáo mang hơi thở bóng đá. Coca-Cola chọn "điệu nhảy chiến thắng" - theo kiểu các cầu thủ ăn mừng cú ghi bàn, làm nền cho ý tưởng của mình, còn Nike sử dụng đề tài tự hoàn thiện của vận động viên  với sắc màu "siêu nhân".

Đối tác chính thức của giải vô địch là Adidas phải cạnh tranh với Nike và Puma. Adidas bắt đầu chiến dịch quảng cáo của mình từ tháng 11 năm ngoái, bằng cách tung ra áo phông khổng lồ của Đội tuyển Nam Phi với khẩu hiệu: "Nam Phi, hãy đoàn kết lại".

Tại giải vô địch thế giới năm 2006, diễn ra ở Đức, người ta đã ghi nhận 3.300 vụ "vi phạm quyền tài trợ" tại 84 nước. Điều bất ngờ là những kẻ vi phạm lại được quảng bá tốt hơn so với người đã chi trả chính thức.

Người ta còn nhớ vụ quảng cáo "khiêu khích" của Hãng bia Bavaria, khi họ phân phát cho những người hâm mộ Đội tuyển Hà Lan quần soóc với sắc màu da cam nổi bật. Trong nỗ lực bảo vệ quyền của nhà tài trợ bia độc quyền Anheuser-Busch đối với giải vô địch, FIFA đã cấm các cổ động viên vào sân vận động với loại quần soóc như vậy, kết quả là nhiều fan hâm mộ vào sân cổ vũ cho đội của mình phải mặC quần lót. Chuyện xảy ra rõ ràng có tác dụng quảng bá nhiều cho Bavaria và đặt Anheuser-Busch vào thế "nhân vật phản diện".

Hãng Lufthansa của Đức đã tỏ rõ nỗ lực bằng cách đặt trái bóng đá lên mũi máy bay của mình. Vì giải vô địch khi đó diễn ra ở Đức, những người đến cổ vũ tin rằng họ đang bay trên máy bay của hãng chuyên chở chính thức của cuộc thi. Trong khi Emirates mới là hãng hàng không phải trả tiền để có quyền chuyên chở này.

Tại giải vô địch có không ít kẻ vi phạm các quyền quảng cáo đã được chi trả. FIFA đã chú ý đến những sự cố như vậy. Liên đoàn đã chính thức cấm loại "quần áo và phụ trang do các hãng thương mại, có dụng ý  rõ ràng nhằm vào người hâm mộ giải vô địch bóng đá thế giới, tung ra trước các trận đấu.

Trong số các hãng được cảnh báo có Hãng Hàng không Nam Phi Kulula với ý đồ quảng cáo mình như "hãng hàng không quốc gia không chính thức". Còn những hãng nhỏ ở địa phương đều là các chuyên gia trong việc tiếp thị "du kích" và khiêu khích

Hoàng Thương (theo Sự thật thanh niên - Nga)
.
.