XKLĐ sang Libya - Thị trường mới cho người nghèo

Chủ Nhật, 17/10/2010, 05:20
Không cần lao động có trình độ cao, chi phí ban đầu thấp, lương khá cao, Libya được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chọn là thị trường triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người nghèo đi XKLĐ. Nhưng sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, thị trường này đã phát sinh nhiều vấn đề cần được xử lý sớm...

Thị trường mới, nhu cầu lớn

Nằm ở Bắc Phi, Libya là quốc gia lớn thứ tư ở châu Phi và thứ 17 trên thế giới với diện tích khoảng 1,8 triệu km2, gần bằng tổng diện tích của Anh, Pháp, Đức cộng lại. Libya rất giàu tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, quặng sắt, uranium... Trong đó, dầu mỏ là tài nguyên quan trọng nhất với trữ lượng đã được thăm dò lên đến hơn 40 tỉ thùng dầu thô. Dân số ít, lại có nguồn thu lớn từ dầu mỏ, vì vậy hiện Libya đã trở thành một trong những quốc gia có GDP trên đầu người cao nhất châu Phi (năm 2007 khoảng 13.100USD).

Libya hiện tập trung đầu tư cho xây dựng hạ tầng với nhiều công trình xây dựng lớn. Vì vậy, hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia là chủ thầu tại đây đang có nhu cầu tiếp nhận một số lượng lớn lao động nam trong lĩnh vực xây dựng.

Điều đáng nói là theo luật pháp Libya, người lao động nước ngoài đến làm việc sẽ không phải đóng thuế thu nhập cũng như không phải đóng bất kỳ khoản thuế phí nào khác trong suốt thời gian làm việc theo hợp đồng là 2 năm và có thể được gia hạn thêm 1 năm. Không những thế, chủ sử dụng còn cung cấp phương tiện đi lại cho người lao động.

Vì vậy mà năm 2009, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ phương án đưa lao động huyện nghèo (thuộc diện hỗ trợ theo QĐ 71 của Thủ tướng Chính phủ) đi làm việc tại thị trường này. Tiếp đó, cuối tháng 5/2010, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định phê duyệt đề án tăng cường quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Libya, nhằm ổn định và phát triển thị trường. Đây được coi là thị trường mà Bộ LĐ-TB&XH triển khai rất thận trọng khi qua 6 tháng thẩm định, đề án mới được ban hành, các doanh nghiệp triển khai đề án cũng được chọn lọc kỹ lưỡng; đơn hàng cũng được cán bộ của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) thẩm định tại Libya, đảm bảo mức lương tối thiểu và các điều kiện lao động khác mới được tiến hành đưa lao động sang.

Theo đề án này, Việt Nam dự kiến sẽ đưa 5.000 đến 7.000 lao động sang Libya làm việc mỗi năm, trong đó 80% là lao động có nghề. Các doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng phải cam kết tuyển chọn tối thiểu 30% lao động thuộc các huyện nghèo; đồng thời phải đảm bảo rất nhiều  quyền lợi và điều kiện làm việc cho người lao động, phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu như thời hạn hợp đồng, mức lương cơ bản tối thiểu (sau khi trừ thuế, bảo hiểm và các khoản đóng góp khác). Đối với lao động phổ thông, mức lương tối thiểu phải đạt 220USD/tháng; đối với lao động có nghề là 250USD/tháng.

Thực tế với mức chi phí xuất cảnh khoảng 1.600USD, đây được coi là thị trường dành cho người nghèo bởi mức lương trong hợp đồng vào khoảng 250USD, cộng với làm thêm giờ, người lao động có mức thu nhập thực tế khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Airseco, một trong những doanh nghiệp đang cung ứng lao động xây dựng cho đối tác là nhà thầu xây dựng tại Libya cho rằng "mức lương này cạnh tranh hơn hẳn so với các thị trường ở khu vực Trung Đông như Dubai, Qatar, Arập Xêút, đó là chưa kể chủ sử dụng tại Libya nếu là tập đoàn đa quốc gia thì quyền lợi của người lao động sẽ luôn được đảm bảo". Vì vậy mà Airseco đã mạnh dạn cam kết với người lao động nếu có rủi ro như lương không đúng hợp đồng hay không đủ việc làm thì Airseco sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho người lao động.

Và những nỗi lo cũ

Năm 2009, cả nước đã đưa được hơn 4.000 lao động đi Libya. Còn theo thống kê mới nhất của Cục QLLĐNN, trong tổng số 58.710 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm nay, Libya tiếp nhận 3.910 lao động, trở thành 1 trong 7 thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm khai thác, thị trường này đã phát sinh nhiều vấn đề. Theo ông Nguyễn Xuân Vui, để hạn chế rủi ro khi khai thác thị trường này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác và hợp đồng. Vì theo quy định của Libya, đơn hàng phải còn ít nhất đủ 1 năm làm việc mới được cấp visa cho lao động.

Ngoài ra, một câu chuyện muôn thuở của lĩnh vực xuất khẩu lao động là chất lượng lao động cũng rất đáng quan tâm. Mới đây đã có hơn 100 lao động của 4 doanh nghiệp đưa đi đã bị trả về nước trước hạn mà lý do không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả vì lỗi của người lao động. Giám đốc một doanh nghiệp mới có gần 30 lao động bị trả về nước trước hạn than thở trong khi pháp luật Libya cấm đình công, nấu rượu, uống rượu, đánh bạc, giết thịt chó mèo... dù trước khi đi đã được học giáo dục định hướng nói rõ tất cả các quy định nhưng chỉ sang một thời gian, một số lao động đã ăn cắp vặt, đình công, thậm chí tụ tập nấu rượu lậu, uống rượu say rồi đánh nhau...

Để giữ thị trường nhiều tiềm năng này, được biết mới đây Cục QLLĐNN đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tham gia thị trường Libya tăng cường quản lý lao động. Theo đó Cục yêu cầu doanh nghiệp khi thẩm định hợp đồng phải chứng minh tư cách pháp nhân của công ty sử dụng lao động và được cơ quan có thẩm quyền của Libya cho phép thực hiện. Doanh nghiệp còn phải cung cấp phương án thực hiện hợp đồng một cách cụ thể từ tuyển chọn đến đào tạo, đưa lao động đi cũng như quản lý lao động tại Libya. Tại Libya, doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý lao động có đủ trình độ, nghiệp vụ, hoạt động dưới ba chức danh: điều phối viên hoặc kỹ sư, đốc công

Nguyễn Thiêm
.
.