“Xa khơi” và định mệnh cuộc đời nghệ sĩ Tân Nhân

Thứ Năm, 12/01/2017, 14:25
Mỗi lần nhắc đến ca khúc "Xa khơi" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một bản tình ca về sự chia ly và khát vọng thống nhất non sông, người yêu nhạc nhớ ngay đến hình ảnh nghệ sĩ Tân Nhân, ca sĩ đã gắn liền với "Xa khơi" như một định mệnh trong cuộc đời long đong duyên phận của bà.

Dễ hiểu vì sao ca khúc ấy như là rút tơ cõi lòng người nghệ sĩ, để bà có thể sống mãi cùng dòng chảy âm nhạc chiến tranh cách mạng của dân tộc với giọng hát trong trẻo, ngân vang da diết: "Nắng tỏa chiều nay/ Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi/ Gió lộng buồn mây ướm chân trời/ Biển lặng sóng thuyền em dong khơi/ Khoan giọng hò thương anh cách vời...".

Con trai nghệ sĩ Tân Nhân, nhà văn Châu La Việt, mỗi lần từ miền Nam ra Hà Nội, luôn dành một khoảng thời gian đủ lâu để tri ân những người bạn cùng thời với mẹ anh, dù họ cũng đã nhiều người trở về cõi niết bàn. Anh cũng là một trong những người con có thể dành hàng giờ đồng hồ, để nói về mẹ và những kỷ niệm của một thời không thể nào quên của những người nghệ sĩ đã đi qua những cuộc chiến tranh gian khổ của dân tộc.

Nghệ sĩ Tân Nhân.

Sức ảnh hưởng của họ đối với thế hệ trẻ ngày nay là không thể phủ nhận được, dù chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm qua. Nhà văn Châu La Việt kể lại: Cây cầu Hiền Lương bảy nhịp với 186 tấm ván lim lát mặt cầu thôi, nhưng không ai được đặt chân lên từ sau ngày ký Hiệp định Genève.

Chiếc cầu sơn hai màu khác nhau bởi kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước. Mẹ tôi đã về bên sông cất lên câu hát "Câu hò bên bến Hiền Lương": "Thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền…". Mẹ tôi đã hát bằng nỗi lòng mình, cả trái tim vì tình yêu cay đắng của mình ngày kẻ thù cắt chia đất nước. 175 mét chiều ngang con sông, thế mà cứ như vời vợi nghìn trùng. Không có ống nhòm để nhìn tận mặt người thân bên kia sông, bao người chỉ biết ngóng sang, vẫy tay, vẫy nón mà gửi nhớ thương qua cho nhau. Đặc biệt sau này tuyệt phẩm“Xa khơi”... mẹ tôi đã chinh phục người nghe.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác bài này trong cuộc vận động sáng tác bài hát hưởng ứng phong trào đồng khởi Bến Tre. Lúc đi thực tế ở Vĩnh Linh, mỗi lần đứng bên biển Cửa Tùng, chỉ có cái nhìn là không giới tuyến, tôi nghĩ con cá, con chim tự do vùng vẫy, mà sao con người đành đoạn xa nhau. Bởi lời ca không nhắc tới chiến tranh bom đạn và ý chí tiến công, nên lúc đầu “Xa khơi” gần như bị loại.

Sau nhờ ông Trưởng ban thống nhất Trung ương đề nghị phát trên Đài TNVN để lấy ý kiến thính giả. Không ngờ nhiều người đã đề cử cho “Xa khơi” để đến chung kết đoạt giải nhì (không có giải nhất). Người thể hiện thành công để “Xa khơi” chinh phục thính giả là Tân Nhân.

Trong hồi ký của mình, nghệ sĩ Tân Nhân tâm sự: “Xa khơi là ca khúc nổi danh của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết về đề tài Bắc - Nam thời đất nước còn phân đôi. Nhân một chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn Ca múa Trung ương, tôi chuyên hát dân ca nên được phân hát “Xa khơi”.

Ba người con của nghệ sĩ Tân Nhân khi còn nhỏ.

Thật thú vị vì biển là quê tôi, đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ. Nơi ấy là cha mẹ tôi, các em nhỏ của tôi mà khi tôi lên rừng theo cách mạng, có đứa còn chưa ra đời. Bước ra sân khấu là như tắm trong nắng chiều của biển, với mặt biển lung linh, những đám mây bay vờn, có khi che mặt biển thành tím ngắt. Tất cả sống động, những ký ức tuổi thơ trỗi dậy khiến tim tôi rung lên, từng đường gân thớ thịt chan hòa theo tiếng hát".

Tôi hỏi nhà văn Châu La Việt câu chuyện về "đứa con chưa ra đời" mà nghệ sĩ Tân Nhân nhắc đến trong hồi ký. Anh chia sẻ: Đó là một câu chuyện buồn mà mỗi lần nhắc lại, tôi vẫn thương mẹ vô cùng. Mẹ tôi Trương Tân Nhân vốn là con gái của một doanh gia thời Pháp thuộc, bà được học hành tử tế, từ học văn hóa đến học ăn học nói, là kết quả tình yêu của của ông đốc Hy quê Cam Lộ với người đàn bà xứ biển Mai Xá, Gio Linh, Quảng Trị. Ông ngoại tôi dường như đã tiên đoán được con đường mà mẹ tôi sẽ phải theo đuổi nên đã quyết định đưa mẹ tôi ra Vinh, Nghệ An học thi vào Trường Huỳnh Thúc Kháng thay vì cho tiếp tục học Trường Đồng Khánh, Huế.

Một lý do quan trọng nữa là thời kỳ ấy mẹ tôi tham gia hoạt động phản gián trong nội thành Huế, sau nghi bị lộ nên bà đã trở về nhà tránh bắt bớ có thể xảy ra. Ông ngoại tôi đã quyết định cho con gái ra Bắc đi học. Mẹ tôi đã khăn gói theo người cậu là Nguyễn Khắc Thứ lên tàu xa Quảng Trị. Cậu gia nhập Vệ quốc quân, còn mẹ tôi học thi vào Trường Huỳnh Thúc Kháng.

Cậu sau trở thành nhà văn, còn mẹ tôi đi theo ông bầu Bửu Tiến làm nghệ sĩ. Ông Bửu Tiến, một trí thức thuộc hoàng tộc đi kháng chiến, được giao thành lập Đoàn Văn công cho mặt trận Bình - Trị - Thiên.

Ông Bửu Tiến chọn ở Đoàn Văn công Quân khu 4 được một số nghệ sĩ. Số còn thiếu, ông bầu này đã may mắn tuyển từ Trường Huỳnh Thúc Kháng khi có phong trào Xếp bút nghiên lên đường ra trận của học sinh. Trong số những người đi kháng chiến từ ngôi trường nổi tiếng đất Nghệ ấy có cô nữ sinh Trương Tân Nhân. Đoàn của Bửu Tiến lúc này có những gương mặt sáng giá như Cao Xuân Hạo, Tố Lan, Tân Nhân...

Hồi ấy Đoàn Văn công Bình - Trị - Thiên vừa thành lập chưa kịp đỏ đèn biểu diễn phục vụ kháng chiến thì bị địch càn. Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính của Việt Minh nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ - Tĩnh. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường Trường Huỳnh Thúc Kháng, trường đã làm lễ tưởng niệm cho bà và xót thương vì người nghệ sĩ ra đi khi còn quá trẻ.

Người bạn học cùng quê sau này là Hoàng Thi Thơ nghe tin đã đau đớn đến tột cùng. Trong nỗi đau chia lìa, ông đã viết ca khúc "Xuân chết trong lòng tôi”: "…Xuân ơi Xuân/ Chim xa đàn/ Xuân ơi Xuân/ Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi/ Trong tiếng đàn… Ôi chim xa cành/ Bướm lìa hoa/ Trùng phùng xa lắm…".

Điều đó đã làm cho nghệ sĩ Tân Nhân "chết hụt" trở về cảm mến và xúc động vô ngần. Và dường như duyên phận đã an bài, khi bà lên đường ra Bắc thì gặp lại Hoàng Thi Thơ, và một câu chuyện tình đẹp đã đến với họ. Nhưng cuộc đời vốn lắm éo le. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong một lần về thăm nhà đã bị kẹt lại vùng tạm chiếm, bặt vô âm tín.

Ông đã buộc phải bỏ lại người nghệ sỹ Tân Nhân không hiểu chuyện gì xảy ra, thời ấy chiến tranh không thể liên lạc. Bà đã được nhận về Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, trở thành một tên tuổi nổi danh, và cùng với đứa con bé bỏng được sinh ra mang họ mẹ, chính là nhà văn Trương Nguyên Việt (Sau này ông đổi thành bút danh Châu La Việt).

Nhà văn Châu La Việt và em trai bên nhà tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu.

Những ngày trên đất Bắc, Tân Nhân đã gặp lại người bạn học năm nào ở Huế, sau tham gia hoạt động cách mạng là Lê Khánh Căn. Một lần tình cờ, bà được nhà thơ Tố Hữu gợi chuyện chồng con và có ý giới thiệu Lê Khánh Căn (một thời là thư ký của ông) với bà. Họ đã lấy nhau và sinh thêm hai người con. Một điều đặc biệt hơn là sau này khi con trai lớn của bà và nhà báo Lê Khánh Căn, anh Lê Khánh Châu lại lấy con gái đầu lòng của  nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Thanh Hoa khi họ cùng du học ở Nga.

Nhà văn Châu La Việt chia sẻ, những ngày Tết đối với anh là những ký ức không bao giờ nguôi bởi nó gắn liền với những ký ức về mẹ anh: Trong một buổi sáng cuối năm, như mọi sáng mai khi mẹ tôi ra quét sân, mẹ bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ. Em tôi đã liền gọi xe cấp cứu, và kể từ khi ấy, mẹ tôi không một lần mở mắt và không còn biết một điều gì…

Thật ra mẹ tôi đã chuẩn bị cho ngày ra đi từ rất lâu rồi. Mẹ có một chúc thư căn dặn chúng tôi từ nhiều năm trước, và cũng từ ấy, tôi hứa với mẹ sẽ quyết thực hiện chúc thư của mẹ không sai một điều gì… Ngay sau khi vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 175, bởi là một nghệ sỹ có tên tuổi, nên mẹ tôi được các y bác sỹ quân đội ở đây cứu chữa rất tận tình, khi ấy mẹ tôi tuổi đã cao (75 tuổi).

Ngày 28 Tết, do bệnh viện yêu cầu mọi bệnh nhân, tạm về nhà ăn Tết, nên xe của viện đưa mẹ tôi về. Cùng về lo cho mẹ tôi, có người cán bộ của viện tôi coi như ruột thịt, có thuốc men bác sỹ đã cho sẵn để điều trị cho mẹ tôi trong những ngày Tết và hai điều dưỡng viên sẽ thay nhau túc trực chăm sóc mẹ. Ngoài ra, là em Như ở cùng mẹ, chị Phụng nhà bên, em Diễn cũng muốn đến ở chăm sóc mẹ tôi, cùng các cậu, các mợ và bà con…

Cũng phải nói thêm rằng, Tết năm ấy dù mẹ tôi đã “sống thực vật”, nhưng chúng tôi vẫn sắm sửa Tết cho mẹ tôi rất đầy đủ, hệt như khi mẹ tôi khỏe mạnh. Cũng cành đào cành mai, cũng thịt muối dưa hành, cũng bánh chưng bánh tét. Những ngày tết ấy, ngày nào chúng tôi cũng đến để chăm sóc mẹ.

Từng ngày Tết trôi qua, chúng tôi cứ ước mong năm mới, mẹ sẽ mạnh khỏe hơn, sẽ đưa mẹ vào lại bệnh viện để cậy nhờ các bác sỹ còn nước còn tát chữa chạy cho mẹ, thì bất ngờ sáng mồng 8, hơi thở mẹ tôi rất yếu ớt, phải vội đưa lên xe vào viện cấp cứu. Nhưng đã không kịp nữa, mẹ tôi đã ra đi vào một ngày mùa xuân trong niềm tiếc thương vô hạn của con cháu, rất nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ.

Nhà văn Châu La Việt có được nét hào hoa nghệ sĩ của mẹ và cha. Anh là nhà thơ nhưng lại viết nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng. Anh bảo rằng, nếu cuộc đời đã an bài cho chúng ta một số phận, thì rõ ràng, mẹ anh đã được định mệnh trao gửi "Xa khơi" như là một dự báo trong cuộc đời bất trắc tình duyên với mối tình lãng mạn. Anh yêu và thương mẹ, đồng cảm cùng mẹ trong suốt cả hành trình cuộc sống.

Tiếng hát người mẹ nghệ sĩ ấy cũng đã chi phối rất nhiều trang viết của anh: “Tôi yêu  cuộc  đời bằng  nước mắt/ Nếu đêm ấy tôi  không nghe khúc  hát/ Đêm hát cuối cùng  người ca  sỹ bạc  đầu/ Về một tình yêu khổ  đau với nghệ  thuật/ Về một tình yêu khắc khoải  với mai  sau…”

NSƯT Tân Nhân tên thật là Trương Tân Nhân, sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị, trong một gia đình bố là doanh nhân và mẹ gắn bó với đồng ruộng. Từ năm 13 tuổi, bà theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Ở đây, bà tham gia đội phản gián của cách mạng, làm nhiệm vụ đưa tin, rải truyền đơn.

Bị lộ, bà được đưa lên chiến khu. Năm 1949, bà vào Đoàn Văn công Quân đội Bình Trị Thiên và Trung Lào. Năm 1954, bà là diễn viên Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Năm 1963, bà theo học Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.

Về nước năm 1973, bà làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II. Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Bà mất vào ngày 14 tháng 2 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.