“Xe độ” - Một trò chơi ngông

Thứ Bảy, 27/08/2011, 04:40

Chương trình truyền hình thực tế Pimp My Ride nổi tiếng của nước Mỹ luôn thu hút được nhiều triệu khán giả khắp thế giới háo hức đón xem mỗi buổi phát sóng hàng tháng. Chủ đề không có gì mới lạ ngoài việc những người thực hiện chương trình sẽ "độ" lại một chiếc xe hơi cũ kỹ của một vị khán giả may mắn nào đó biến thành một siêu phẩm xe hơi mang đầy đủ tính chất đỉnh cao nghệ thuật, cơ khí và công nghệ.

Pimp My Ride là một chuẩn mực để những "con nhang đệ tử" môn phái độ xe nhiều nước noi theo. "Độ" xe dường như là một biểu hiện tâm lý thể hiện sự nổi loạn của tuổi trẻ. Và tất nhiên dân chơi "độ" xe Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng thời đại đó khi văn hóa xe hơi dần trở nên phổ biến, họ bất chấp tất cả những quy định của pháp luật về thay đổi kết cấu, màu sơn phương tiện để thỏa mãn thú chơi của những người có tiền.

1. Độ xe hơi là một cuộc chơi cầu kỳ và hết sức tốn kém, nó đòi hỏi nhiều yếu tố để đạt tới ngưỡng chấp nhận được về mặt kỹ thuật cơ khí và thẩm mỹ. Do làn sóng độ xe hơi mới chỉ du nhập vào Việt Nam được một thời gian ngắn nên trình độ kỹ thuật hết sức vừa phải và chính vì vậy đã nảy sinh nhiều chuyện hài hước về "độ" xe. Nếu một dân chơi "độ" xe mà có sự thay đổi thông số kỹ thuật, kết cấu nhiều thì chắc chắn 100% các phụ tùng linh kiện chuyên dụng đều được đặt mua từ nước ngoài vô cùng tốn kém. Chưa biết chuyện "độ" xe mang lại độ "sướng" cho chủ xe tới đâu nhưng trong giới buôn xe cũ nếu thấy khách chào bán một chiếc xe "độ" của dân chuyên đi "phượt" (chạy địa hình) thì đều giãy nảy từ chối mua vào. Một chiếc xe hơi sau khi "độ" can thiệp  quá sâu vào kết cấu xe thì chỉ một thời gian ngắn nó không khác gì một cục sắt 4 bánh rệu rã có khả năng di chuyển.

Ở Hà Nội vài năm trở lại đây hình thành phong trào độ xe để tỷ thí với địa hình xấu. Đơn cử một ví dụ đơn giản rằng bất kể ai khi nhìn thấy chiếc xe bán tải Triton "độ" tới bến của T. “đen”, một thành viên nổi tiếng trên diễn đàn mạng otofun thì đều phải ngao ngán vì sự dị hình của nó. Ngoài hình dáng cao lênh khênh vượt trội so với xe nguyên bản vì đã được thay đổi hoàn toàn hệ thống giảm xóc thì phía đằng trước còn là một hệ thống cản ARB kim loại ống to tổ chảng, nặng tới cả trăm cân có xuất xứ từ nước Úc, nó được thiết kế để những tay "lãng tử" nơi đó nếu có vô tình húc bay một chú chuột túi kangaroo trưởng thành trên đường vạn lý thì cũng chẳng hề hấn gì. Trên đầu xe nghễu nghện tời kéo điện cuộn tròn cả bó dây cáp đảm nhận cho chủ nhân việc dễ dàng móc xe khỏi những vũng lầy lội nhất, một giàn đèn pha treo kín mui xe, ống hút khí Safari dành cho dân thám hiểm châu Phi, bốn bánh xe được thay đổi vành và lốp siêu kích cỡ thò hẳn ra ngoài thành xe cả chục xentimét. Chỉ riêng ngần đó thứ "đồ chơi" cũng giá trị ngang ngửa ba phần tư chiếc xe.

Đó chỉ là một trong vô số những chiếc xe "độ" cẩn thận trong một nhóm tự phát gọi là Triton Club phía Bắc, ở phía Nam thậm chí có chủ nhân còn cẩn thận làm thêm một chiếc cần cẩu điện loẵng ngoẵng ở thùng sau cho xứng danh "full option". Ngoài những chuyến "offline" tại những cung đường chỉ thích hợp với xe tăng thì nhóm xe "độ" thi thoảng "tráng men" lòng sông Hồng khi nước xuống thấp, vài chục chiếc xế "độ" lũ lượt kéo nhau ra bãi cạn bì bõm vượt sông trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem, không ít xe mắc kẹt giữa mênh mông nước phù sa đục ngầu đợi cứu hộ. Khi đồng tiền trở nên khó kiếm thì thú chơi này quả là xa xỉ.

Tất nhiên sau nhiều cuộc tranh đua chọn lọc trong nước thì năm ngoái, lần đầu tiên trên bản đồ thi đấu xe ôtô địa hình có sự góp mặt của Việt Nam trong giải Rainforest Challenge tổ chức tại Malaysia, đội đua non trẻ Otofun Team xếp thứ 16/48 và giành giải khuyến khích toàn đoàn. Xe tham gia giải đấu này là một chiếc Land FZJ 75 sản xuất năm 1997 có một vóc dáng thô kệch cụt lủn hết sức mất thẩm mỹ, nhưng ít ai biết rằng riêng tiền "độ" để chủ nhân của nó có thể tự tin tham gia giải đấu RFC 2010 cũng đã phải bỏ ra ngót tỉ bạc và nhiều tháng lẩn mẩn tháo, lắp, chạy thử.

2. Như một thứ quan niệm "bất thành văn" về "văn hóa chơi xe" ở Việt Nam thì hiển nhiên những tay chơi "độ" xe chạy địa hình như kể trên luôn được đặt ở vị trí cao, họ luôn được đánh giá chung là hiểu biết về cơ khí, kỹ năng điều khiển xe siêu đẳng và chơi "sâu". Những cung đường heo hút rừng núi đầy nguy hiểm, những chính xác thô ráp kỹ thuật của cơ khí sản sinh ra những tay chơi "biết người, biết của", thật khó có thể nhìn thấy những dòng xe này quậy hay vi phạm luật lệ giao thông trên phố như những tay chơi mới giàu tóc xanh tóc đỏ chạy xe "độ" đèn đóm xanh đỏ như tàu vũ trụ. Đơn giản, cuộc chơi của những kẻ chơi kỹ luôn biết tìm cho mình một sân chơi thích hợp nơi núi rừng thậm chí cả là những địa điểm được cấp phép, cái "tôi" được thể hiện bằng những kỹ năng lái xe đã được luyện tập bài bản chứ không phải bằng một chiếc xế hộp đắt tiền và kẻ cầm vô lăng thì đã say khướt hay phê ma túy.

Nhưng thật đáng buồn khi nhóm thứ hai này lại chiếm số đông. Đơn cử một ví dụ chỉ mới đây thôi là một cuộc "show hàng" của những tay chơi siêu xe tiền tỉ mang xế "độ" ra quốc lộ đua với nhau với tốc độ lên tới 200 km/giờ gây bất bình trong dư luận bởi những clip ngắn thể hiện sự cuồng dại đó sau được tung lên mạng Internet.

Trên thế giới vẫn luôn tồn tại hai xu hướng "cá tính hóa" xe hơi là đi sâu vào việc cải tiến động cơ, hệ thống truyền động, treo, xả, hạ gầm, tăng khả năng khí động học. Hoặc cách khác chỉ đơn thuần nâng cấp khung vỏ, nội thất và âm thanh, cách làm này phổ biến ở Mỹ, nơi mà dân chơi xe thích vẻ ngoài lạ mắt, nổi trội, thể hiện "cái tôi" của mình và để phá phách.

Nếu là những chiếc xe hạng siêu đắt mang thương hiệu mạnh như Porcshe, BMW, Mercerdes... nếu muốn "độ" thì hầu hết dân chơi siêu giàu đất Việt đều đặt "option" sẵn từ hãng với chi phí đôi lúc đắt ngang bằng chiếc xe. Có nghĩa là cùng một chiếc siêu xe  có bề ngoài y xì nhưng khác nhau "đồ chơi" thì cũng đã "độn" thêm của chủ sở hữu vài tỉ đồng là chuyện bình thường. Số lượng những chiếc siêu xế "độ" loại này ở Việt Nam không nhiều.

Và khi chi phí đắt đỏ đến như vậy thì hiển nhiên cũng không ít trọc phú cũng phải chùn tay. Hiển nhiên với văn hóa "giàu sau một đêm" thì việc "độ" những chiếc xe hơi đẳng cấp thế giới thành một tác phẩm cười vỡ bụng cũng là chuyện tương xứng.

Xế “độ” có thể dễ dàng vượt qua những cung đường hiểm trở.

Người viết bài này đã từng được chiêm ngưỡng một chiếc xe Benley "độ" tại một gara bảo dưỡng xe hơi cao cấp bên lề khách sạn năm sao Hilton Hà Nội. Chủ nhân nó là một ông chủ trẻ tuổi của hệ thống nhà hàng karaoke trải khắp Hà Nội. Vốn xuất thân dân giang hồ, cơ thể xăm kín mít khiến tôi liên tưởng ngay đến câu "người sao của chiêm bao là vậy" quả không sai một ly. Chiếc xe thương hiệu hàng đầu Anh quốc nội thất bên trong được thay đổi hoàn toàn mang đậm màu sắc của núi rừng, mỗi chiếc ghế đều được bọc lại bằng da thuộc còn nguyên lông của một loại thú rừng như da hổ, da hươu và cả đại diện xứ lạnh là mảng da cừu nguyên lông khiến bên trong chiếc xe cao cấp chạy tại đất nước nhiệt đới nóng ẩm hiển nhiên hôi nồng mùi thú. Hoảng hồn hơn cả là trên trần xe còn treo làm cảnh vô số kiếm Nhật, mã tấu Trung Hoa, dao găm ấn Độ... loại hàng thửa như một bảo tàng vũ khí thô sơ. Một cậu thợ bảo dưỡng xe hơi loay hoay bên trong mà đứt tay máu chảy đầm đìa loang trên nội thất da thú nhìn mà thấy tội nghiệp.

Vô số tay chơi nửa mùa chạy xe "cỏ" khác cũng không muốn kém anh kém em mang xe ra "độ" ngoại thất để tối đi "rước đèn" dạo phố, đêm chạy ù ù khơi mào những cuộc đua xe trái phép cuối tuần trong phố cổ. Giới “độ” xe "cỏ" để đua bất hợp này trọng hình thức xe như một thứ "tôn giáo" và quên đi hoàn toàn các yếu tố kỹ thuật. Đó có thể là một chiếc Toyota đời sâu thẳm từ thế kỷ trước hay một chiếc Matiz hạng thấp nhất của Hàn Quốc cũng được lắp cẩn thận hệ thống đuôi gió như siêu xe thể thao Ferrari. Và tất nhiên những chiếc đuôi gió được gò ẩu bằng tôn đó không  hề có một giá trị nào về công năng ngoài tính năng "trang trí đường diềm" nhìn thoáng qua rất có vẻ... nguy hiểm.

3. Trong tháng 7/2011, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ được một số xe hơi đua trái phép quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Vô số trong đó được "độ" vô cùng cầu kỳ hệ thống đèn xanh đỏ quanh xe, thậm chí cả gầm xe cũng được chiếu sáng bằng đèn led Trung Quốc cho thêm phần hoành tráng. ống xả độ là những ống lon pô kim loại ọp ẹp nhưng cũng tạo ra âm thanh lanh tanh kích động. Giới đua xe này có vẻ rất yêu âm nhạc, bằng chứng là bất kỳ ai "trót" đi về muộn mà phải chứng kiến màn đua đêm của chúng đều thấy những xế "độ cỏ" này được kéo thấp hết kính, nhạc sàn nhảy thình thịch phát ra từ hệ thống âm thanh "thửa" vang phố phường, lố nhố trong xe những  mái đầu xanh đỏ mang gương mặt căng thẳng như mong ngóng gặp người quen để "được" nhìn thấy.

Những dòng xe "cỏ" này cũng thường được "độ" lại vành la-giăng và thay đổi lốp kích cỡ lớn hơn sai với sổ đăng kiểm, vì dòng xe "độ" như trên thường xuyên đi ngoài phố nên để đối phó với lực lượng chức năng kiểm tra xe thì tại một số lò "độ" còn có cả dịch vụ vẽ lại lốp. Có nghĩa là thợ vẽ sẽ dùng máy mài đánh sạch các thông số về kích cỡ lốp rồi dùng đầu vẽ nhiệt độ cao chỉnh sửa lại thông số lốp "độ" đúng theo sổ kiểm định gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra xe. Những thông số kỹ thuật sửa lại trên lốp "độ" rất khó phát hiện được bằng mắt thường.

Kinh tế phát triển, văn hóa sử dụng xe hơi cũng đã bắt đầu hình thành tại Việt Nam rõ rệt. "Độ" xe cũng là một phần của thứ văn hóa mới mẻ đó, với không ít người giàu thì việc làm này chỉ để giải trí, tận hưởng cảm giác lạ khi "độ" ra một chiếc xe có kiểu dáng không giống ai. Chắc chắn không ít người sẽ luôn ủng hộ cho giới "độ" xe nghiêm túc, để phát triển kỹ thuật cơ khí còn non nớt trong nước, hay khám phá, chinh phục thử thách của địa hình trong khuôn khổ luật pháp là một thứ văn hóa xe ôtô tốt đẹp. Trái lại, kiểu "độ" xe để quậy phá, gây nguy hiểm cho xã hội cần được sớm loại bỏ.

Nhưng, cũng cần phải nói thêm rằng, tất cả các trường hợp "độ" xe như trong bài viết ngắn này đều đã vi phạm pháp luật. Tại khoản 2, Điều 50 của Luật Giao thông đường bộ quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều 48 của luật này cũng quy định cụ thể điều kiện để xe cơ giới có thể tham gia giao thông. Theo đó, tất cả những bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải đảm bảo như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất đã được kiểm định

Lan Thy
.
.