Xe máy chạy bằng xăng pha nước có khả thi?

Thứ Năm, 02/08/2007, 17:30
Dư luận đang xôn xao chuyện một nhóm sinh viên người Pháp cùng các giảng viên trẻ ngành Động lực, khoa Cơ khí, thuộc Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, thực hiện đề tài nghiên cứu và chế tạo thêm cho xe máy bộ phận động cơ dùng nước lã pha xăng.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Liệu có quá sớm không để đặt niềm hy vọng vào đề tài nghiên cứu xe máy chạy bằng nước lã pha xăng này?...

Bình cũ, rượu mới

Chủ đề tài nghiên cứu, chế tạo thêm động cơ cho xe máy chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp, gồm 75% nước lã pha với 25% xăng (bất cứ loại xăng gì, kể cả xăng bẩn – NV) là hai sinh viên người Pháp: Thibaud Revil Baudary và Fabrien Chancel. Thibaud học ngành Nhiệt, Trường cao đẳng Công nghệ I, TP Grenoble, còn Fabrien học Trường Cao đẳng Thiết kế, Paris.

Tôi cùng Fabrien chuyện trò về việc pha xăng với nước lã để chạy xe máy ngay tại xưởng cơ khí của Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng, nằm trên đường Cao Thắng. “Có phải Fabrien và Thibaud đã nghĩ ra đề tài này và nỗ lực để biến nó thành hiện thực?”.

Chàng sinh viên 21 tuổi có khổ người cao dong dỏng, gương mặt khá điển trai và mái tóc vàng bồng bềnh nghệ sĩ, lắc đầu cười bẽn lẽn: “Không! Ở châu Âu người ta đã nghĩ ra việc này từ lâu lắm rồi và cũng đã áp dụng vào những động cơ ổn định, cụ thể là máy cắt cỏ”.

Fabrien nói rằng, anh lấy làm khó hiểu là vì sao người ta không áp dụng vào việc chạy động cơ xe máy. Cũng vì thế mà Fabrien quyết định đeo đuổi đề tài và nuôi hy vọng nó sẽ thành công...

Nói như Fabrien thì rõ ràng đề tài chế tạo động cơ nước lã pha xăng để chạy xe máy là “bình cũ rượu mới”. Và nếu thế, chứng tỏ các nhà khoa học kỹ thuật ở châu Âu không đem nó áp dụng vào chạy động cơ xe máy là có lý do, chứ chắc chắn người ta không hời hợt.

Đa phần các nhà khoa học kỹ thuật ở châu Âu chế tạo động cơ gì cũng xem nặng việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiếng ồn...

Tôi hỏi anh về cơ duyên đến với Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng và được một số giảng viên trẻ trường này giúp nghiên cứu, thực hiện ước mơ đã ấp ủ bấy lâu.

Thầy giáo trẻ Trần Lực Sỹ đang loay hoay sửa lại các dây dẫn từ hệ thống nước lã pha xăng vào động cơ chiếc xe máy Suzuki 125cc, liền tiếp lời kể lại đầu đuôi mọi chuyện. Mới hay, thầy Sỹ nguyên là cựu học sinh Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng. Khi bước sang năm học thứ 3 (2003-2004), thầy sang Pháp học chương trình cử nhân chuyên nghiệp ngành Động lực và đã quan hệ thân thiết với thầy giáo Goubier.

Đầu năm 2007, thầy giáo Goubier đưa hai sinh viên Fabrien và Thibaud qua thực tập tại Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng. Cảm kích nghĩa xưa, thầy Sỹ cùng một số giảng viên trẻ khác hỗ trợ giúp hai sinh viên là học trò “ruột” của thầy Goubier nghiên cứu đề tài biogaz và động cơ xe máy chạy bằng nước lã pha xăng.

Họ đã chạy tìm mua giùm chiếc xe máy Suzuki 125cc cũ cho Fabrien và Thibaud dùng thí nghiệm, với giá 8,8 triệu đồng. Lúc đầu ai cũng nghi hoặc, nhưng thực tế thì họ đã chạy chiếc Suzuki trên đoạn đường từ Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng lên đến chân đèo Hải Vân và trở về lại bằng chính hệ thống động cơ mà Fabrien và Thibaud chế tạo gắn vào...     

Có khả thi?

Giảng viên Trần Lực Sỹ và Fabrien chỉ cho tôi từng chi tiết của hệ thống động cơ nước lã thay xăng và giải thích nguyên lý hoạt động của nó trên chiếc Suzuki 125cc.

Đó là một cái thùng hình khối chữ nhật gắn dựng đứng bên hông xe máy trên cái ống pô xả khí thải, dùng để đổ vào đấy nước lã pha xăng. Nhưng, cái ống pô nguyên thủy của xe máy đã bị cắt bỏ để thay vào đó là một ống có kích thước tương tự, bên trong ống được chia thành hai đường dẫn và gắn một bộ phản ứng.

Các đường dẫn có hai chức năng: Một đường ống dẫn khí thải từ động cơ xe máy ra theo dây dẫn vào thùng nước lã pha xăng gọi là hồi lưu khí thải. Chính việc hồi lưu khí thải này sẽ làm đun nóng và sục đều “hỗn hợp” nước lã pha xăng (Tạm gọi như thế, vì xăng nhẹ hơn nước nên nó nổi lên trên nước, chứ không thể hòa tan trong nước – NV). Một đường dẫn một phần khí thải thừa đưa ra ống thoát nhỏ phía sau để thoát ra ngoài...

Quan trọng là khí thải sục và làm nóng “hỗn hợp” nước lã pha xăng trong thùng hình khối chữ nhật. Thầy giáo Sỹ bảo: “Bình xăng của chiếc Suzuki này vẫn phải giữ nguyên và khi chạy xe vẫn phải đổ xăng vào. Vì lượng xăng “zin” cần để khởi động động cơ xe máy”.

Khởi động xe máy chạy.

Máy xe nổ trong vòng 5-10 phút thì mới có được lượng khí thải vào thùng hình khối chữ nhật sục “hỗn hợp” nước lã pha xăng. Sau khi được sục và làm nóng lên sẽ tạo ra một lượng hơi nước, hơi xăng và khí thải để cùng theo một ống dây dẫn khác từ thùng ra bộ phản ứng ở vị trí ống pô.

Từ đó, hơi nước, hơi xăng và khí thải trở thành loại khí mới (tạm gọi là chất đốt) và được dẫn theo 2 ống nhỏ bằng nhựa trong (loại ống những người bán rượu thường dùng để hút rượu sang qua các bình đựng) dẫn ngược lại đưa vào bộ chế hòa khí, rồi vào động cơ xe máy.

Tuy nhiên, giữa 2 đường ống dẫn này được gắn 2 bộ kết lưu chân không (loại này hiện đang ứng dụng cho xe máy tay ga). Chính các bộ kết lưu chân không sẽ biến chất đốt từ hơi nước, hơi xăng và khí thải thành khí như gaz cấp cho xe máy để động cơ chạy bình thường...

Tôi ngồi đợi thầy giáo Trần Lực Sỹ cùng Fabrien và một vài giáo viên nữa khởi động động cơ chiếc Suzuki. Tiếng xe máy nổ phành phạch y chang tiếng nổ của xe công nông. Khác chăng, âm thanh của nó nhỏ hơn một chút.

Sau gần 30 phút, các “nhà nghiên cứu” mới khóa xăng từ thùng xăng của xe xuống động cơ và mở van trên ống dẫn từ các bộ kết lưu chân không vào bộ chế hòa khí. Động cơ vẫn cứ phành phạch đều đều. Nhưng hễ thầy giáo Sỹ mở khóa van lớn ra thì tiếng nổ to lên, còn đóng bớt lại nó nổ nhỏ hơn, thậm chí tắt ngóm, phải đạp xe khởi động lại...

Tôi để ý thì thấy trong đường ống nhựa trong có hơi nước bám li ti, ống mờ đục dần. Chứng tỏ dù đã chạy qua bộ phản ứng để phản ứng cùng hơi xăng, khí thải thành khí mới chạy lên qua bộ kết lưu chân không, hơi nước vẫn còn. Mà như thế thì tất sẽ làm... “khó” cho động cơ xe máy.

Lượng hơi nước vào động cơ nhiều thì chắc chắn xe hết nổ mà động cơ cũng mau hỏng. Một giáo viên trẻ cũng công nhận với tôi điều đó. Anh cũng bày tỏ quan điểm của mình, rằng: Việc chế tạo động cơ chạy bằng nước lã pha xăng cho xe máy rất khó khả thi.

Nếu cho là ở châu Âu người ta đã áp dụng nguyên lý này vào máy cắt cỏ để rồi đưa nó áp dụng cho xe máy thì rất khiên cưỡng. Bởi vì, động cơ máy cắt cỏ nổ ổn định, còn xe máy thì lúc tăng, lúc giảm do người điều khiển. Hai động cơ ấy hoàn toàn khác nhau...

Chúng tôi đang nói chuyện với nhau trong tiếng máy xe nổ phành phạch thì bất ngờ có một vị giảng viên đứng tuổi, đến cười mỉm, hỏi: “Ai nghĩ ra đề tài này vậy?”.

Thầy giáo Trần Lực Sỹ trả lời: “Thưa anh,  Fabrien và Thibaud. Họ là hai sinh viên người Pháp”. Vị giáo viên nọ nói: “Các anh coi lại, với động cơ mới thì tiêu hao bao nhiêu nhiên liệu. Hoặc nó chạy được nhưng mau hỏng động cơ xe thì cũng chẳng nên tích sự gì”. Rồi ông lại cười mỉm và bỏ đi.

Thầy giáo Trần Lực Sỹ bảo tôi rằng họ mới chạy thử, vận tốc xe tối đa khoảng 60km/h, chứ chưa tính đến vấn đề tiêu hao nhiên liệu. Đây cũng mới là giai đoạn nghiên cứu nên đề tài xe máy chạy bằng nước lã pha xăng hiện chưa chính thức đăng ký với nhà trường.

Còn khoảng 2 tuần nữa thì Fabrien và Thibaud hết đợt thực tập trở về lại Pháp. Đề tài sẽ được chuyển giao cho các giáo viên trẻ ngành Động lực của Trường cao đẳng Công nghệ TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu thêm. Thành công hay thất bại vẫn phải chờ thời gian trả lời...

Long Vân
.
.