Xem báo An ninh thế giới in và phát hành ở cộng đồng chung châu Âu

Thứ Sáu, 02/01/2009, 13:45
Cuối tháng 8/2008, anh Nghiêm Tiến Quang, Giám đốc Công ty in báo Hà Nội mới được Văn phòng đại diện Công ty IPP - Hà Nội mời sang dự Hội chợ ngành in Drupa 2008 tại CHLB Đức. Trên đường trở về Việt Nam, trong lúc chờ đợi tại sân bay Frankfurt, anh mua tờ ANTG số 776 ra ngày 26/7/2008, tưởng là sản phẩm của công ty mình in ở Hà Nội và phát hành sang CHLB Đức.

Khi lật hết 32 trang chuyên đề in trên giấy trắng tinh, anh mới nhận ra đây là báo in và phát hành ở nước ngoài, đẹp hơn báo của công ty anh in ở Hà Nội.

Khi tết Kỷ Sửu 2009 đang đến, anh dành thì giờ kể câu chuyện lý thú này, giúp chúng tôi - có lẽ cả số đông bạn đọc trong nước - biết được một điều bây giờ mới biết: ANTG là tờ báo duy nhất của Việt Nam in và phát hành rộng rãi ở nước ngoài, nâng cao được tín nhiệm với bà con người Việt ở nơi xa xứ.

Bên cành đào bích chíu chít nụ, Giám đốc Quang mở đầu câu chuyện: Tôi mời hai ông cùng tôi đi ngược dòng thời gian 12 năm về trước. Đó là những ngày mùa thu năm 1996, Công ty in báo Hà Nội mới nhận in ANTG, chuyên đề của Báo CAND, phát hành trên toàn miền Bắc, còn ở miền Nam đã có những nhà in khác nhận in. Chuyên đề ANTG lúc ấy mới phát hành ngày thứ Tư hàng tuần, có 32 trang với 16 trang chuyên đề phong phú, hấp dẫn.

Cứ vào trưa thứ Ba, tòa soạn lại truyền 32 trang báo tới Phòng chế bản của công ty. Đến 14 giờ, phòng máy lắp bản và bắt đầu in. Hai giờ sau, báo in xong. Tòa soạn cho ôtô tới công ty lấy báo, đưa tới Phòng phát hành ở 70 Trần Quốc Toản. Tại đây, mấy chục đại lý đã chờ nhận báo để phát hành ở miền Bắc và ra nước ngoài.

Với tuyến trong nước, các đại lý khai thác theo từng vùng, miền ở hầu hết các tỉnh, thành phố miền Bắc. Còn tuyến nước ngoài, một số đại lý lớn, ngoài số vốn, năng lực, mối quan hệ, còn thông thạo các tuyến liên vận phát hành ở các nước Đông Âu, Tây Âu và các châu lục khác trên thế giới.

Tại các điểm tiếp nhận ở nước ngoài, các đại lý người Việt tổ chức vận chuyển, kết hợp với các chuyến hàng kinh doanh trên lĩnh vực tiêu dùng. Trên đường ôtô tỏa về các ngả, xe dừng ở các điểm do các đại lý nhỏ đặt trước.

Nghe tới đây, những hình ảnh cũ bỗng hiện ra trước mắt chúng tôi. Cách đây ít năm, có dịp tới thăm thủ đô các nước Pháp, CHLB Đức, Bỉ, Hà Lan, Italia, chúng tôi đã tới các siêu thị, cửa hàng châu Á, khu chợ của người Việt, cả bưu điện nước ngoài.

Ở những nơi này có nhiều quầy bán các báo từ Hà Nội, TP HCM gửi sang, treo trên dây hoặc bán trên quầy. Tại chợ người  Việt ở thủ đô Berlin (Đức), tôi gặp một ông mua một lúc 5 tờ ANTG.

Tôi bắt tay ông hỏi: “Sao bác mua nhiều thế?”. Ông cười: “Tôi mua hộ mấy ông bạn  cùng làm ở chỗ tôi”. Tôi hỏi tiếp: “Ở Đức có nhiều người đọc ANTG không?”. Ông gật đầu: “Nhiều đấy. Đọc xong lại cho mượn, rồi chẳng thấy ai trả lại.  Bởi báo có nhiều bài cần đọc”. Rồi ông chào tôi, vội vã ra xe.

Anh Quang tiếp tục câu chuyện:

8 năm sau, vào đầu năm 2004,  Hà Nội có thêm một cơ sở cùng gánh vác việc in ANTG phát hành ở miền Bắc. Đó là Công ty in Ba Đình. Từ đây, báo phát hành thêm ngày thứ Bảy hàng tuần và buổi trưa tòa soạn truyền cùng một lúc 32 trang báo tới hai phòng chế bản của hai công ty in.

12 năm qua, số lượng phát hành ANTG  ở miền Bắc vẫn giữ vững  ở con số 18 vạn bản một kỳ. Do giá giấy tăng  nên đã 4 lần báo buộc tăng giá, từ 1.900 đồng nay lên 2.900 đồng.

Chuyển sang chuyện thời sự - chuyện lý thú chúng tôi đang chờ được nghe.

Giám đốc Quang hỏi:

- Các ông có biết Báo ANTG tổ chức in và phát hành ở nước ngoài từ bao giờ không?

Rồi ông trả lời luôn:

Từ năm 2002, tới nay đã tròn 7 năm. Báo in tại một nhà in ở thủ đô Praha (Cộng hòa Séc) do một doanh nhân người Việt hoạt động trên lĩnh vực văn hóa chịu trách nhiệm về ấn loát và phát hành.

Vậy việc truyền 32 trang báo  sang Praha như thế nào? - Tôi hỏi.

À, tòa soạn truyền vào lúc 11 giờ ngày thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần - Anh Quang trả lời - bằng đường truyền Internet băng thông rộng, tốc độ cao, chính xác, an toàn tuyệt đối. Tại trung tâm chế bản của nhà in, các chuyên gia máy tính khi nhận xong, liền in thử 32 trang báo để kiểm tra morat so với bản gốc.

Báo được in với chất lượng cao, công nghệ chế bản CTP (computer to plat) - ghi bản trực tiếp, bỏ qua những công đoạn thủ công trước đây. Như vậy nhà in ở Praha nhận truyền các trang báo chỉ sau các nhà in ở Việt Nam có 15 phút.

Thú vị quá, tôi hỏi ngay:

- Số lượng in bao nhiêu, anh?

Giám đốc Quang trả lời:

- Năm 2002, năm đầu mới phát hành khoảng 4.000 số, sau lên dần từng năm, tới năm 2008, báo tăng từ 15 nghìn tới 18 nghìn/số, phát hành rộng rãi tới Cộng đồng chung châu Âu (EC).

- Thế còn giá bán?

- Mỗi số bán 4 euro, tương đương 88.000 đồng Việt Nam.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh giải thích ngay:

- Giá cao nhưng báo đẹp, trông bắt mắt, có thể sánh với các báo ở nước ngoài. Vừa nói anh vừa đưa tờ báo cho chúng tôi xem.

Lướt nhanh tờ ANTG in màu xanh lá cây mang ở Đức về, tôi thấy báo được in trên giấy trắng toát, dày làm nổi bật bài và  ảnh in sắc nét, sáng sủa trên các trang. Báo lại vuông vắn, không xộc xệch do giữa báo được đóng ghim cẩn thận. Ở chân 32 trang báo đều đặt thêm khung quảng cáo hình chữ nhật, cao 1,5cm, in màu, giới thiệu với bà con người Việt biết rõ địa chỉ, điện thoại, các đại sứ quán nước CHXHCNVN tại các nước châu Âu, các tổng đại lý và đại lý phát hành độc quyền Báo ANTG tại CHLB Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungari… cùng các văn phòng, công ty, cửa hàng… của người Việt tại các nước EC.

Cuối câu chuyện, như chợt nhớ ra, Giám đốc Quang kể:

Ngồi cạnh tôi trên máy bay là một chị người Hà Nội về thăm gia đình, có cửa hàng ăn lớn ở Berlin. Chị chỉ vào tờ ANTG tôi để trước mặt, nói: “Tôi vẫn mua đều tờ báo này”. Tôi liền hỏi: “Chị thích những trang nào?”. Chị cười: “Báo có nhiều chuyên trang, tôi thích các trang An ninh trong nước, Tình báo; ông xã nhà tôi lại thích trang Nhân vật, An ninh văn hóa, An ninh kinh tế”.

Ngừng một lát, chị tiếp: “Ở xa quê hương, bận làm ăn, nhưng nhờ đọc báo, tôi biết được nhiều thông tin về đất nước, những thành tựu  và phát triển kinh tế, xã hội từ những năm “Đổi mới”.

Tôi được biết Việt Nam là một thị trường mới nổi, được coi là nền kinh tế đang phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ… là nhờ đọc ANTG”.

Trước khi chia tay, tôi hỏi Giám đốc Quang:

- Công ty in của ta có thể in đẹp Chuyên đề ANTG được không?

Anh cười:

- Ông quên rồi. Từ năm 2007, Công ty in báo Hà Nội mới đã có dây chuyền máy in, công nghệ chế bản CTP như các nước bên châu Âu. Chẳng qua là do thu nhập của bạn đọc trong nước chưa cao nên Báo ANTG vẫn phải dùng giấy in báo do Công ty Giấy Tân Mai sản xuất. Chắc ông đã đọc ANTG số Xuân Mậu Tý 2008, rồi số Xuân Kỷ Sửu 2009, đều in trên giấy cútsê, trắng, mới thấy chất lượng in của công ty chúng tôi không hề thua  kém nước ngoài.

Xuân Kỷ Sửu 2009 

T.C .- V.V.
.
.