Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ - Vẫn khó tìm tiếng nói chung

Thứ Năm, 02/07/2020, 18:50
Gần như “đến hẹn lại lên”, nhiều năm trở lại đây, mỗi đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là mỗi lần dư luận lại có những phản ứng trái chiều khiến không ít người trong cuộc phiền lòng, hội đồng xét tặng cũng lúng túng.

Nhằm khắc phục tình trạng này, vinh danh đúng người nhưng không bỏ quên những nghệ sĩ xứng đáng, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện, chỉnh sửa các điều quy định về giải thưởng, về số lượng thành viên hội đồng các cấp, về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của hội đồng các cấp cho phù hợp hơn với thực tế được đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nội dung, tiêu chí được Ban soạn thảo đưa ra vẫn tiếp tục gây tranh cãi ngay trong giới nghệ sĩ, nhà quản lý lâu năm của lĩnh vực này.

9 người 10 ý

Đã là NSND, NSƯT thì phải tiêu biểu, xuất sắc. Đó là quan điểm chung của tất cả người làm nghệ thuật và nhà quản lý. Nhưng, tiêu chuẩn nào cho danh hiệu thì “9 người 10 ý”. Phần lớn các nghệ sĩ đã thành danh ở các khu vực trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Xuân Bắc, NSND Lê Huy Quang... đều cho rằng đã là NSND thì phải có huy chương vàng cho cá nhân, không nên quy đổi giải thưởng, huy chương khác ra huy chương vàng trong phong tặng danh hiệu NSND.

Diễn viên nghệ thuật truyền thống được cho là có nhiều lợi thế hơn trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ cũng chỉ ra rằng, nếu buộc nghệ sĩ phải có giải thưởng, huy chương vàng cho cá nhân mới được xét tặng NSND thì rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều nghệ sĩ có vai trò quan trọng, đóng góp lớn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật sẽ bị gạt đi.

NSND Hoàng Dũng cho rằng dự thảo Nghị định đã chặt chẽ hơn nhưng vẫn có những lỗ hổng. Trước đây, trong lĩnh vực sân khấu, vở diễn được huy chương vàng thì đương nhiên đạo diễn được huy chương vàng. Bây giờ, theo dự thảo Nghị định bổ sung, sửa đổi thì đạo diễn phải có huy chương vàng cá nhân. Trong quy chế chấm giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại không có giải thưởng cho đạo diễn.

Như thế thì đạo diễn sân khấu “muôn đời” không có giải thưởng cá nhân để tham gia xét tặng danh hiệu theo đúng tiêu chuẩn đề ra. Chưa kể, tại mỗi hội diễn, nếu có khoảng 30 chương trình, vở diễn tham dự thì cũng chỉ chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất, tương đương với một huy chương vàng.

Còn diễn viên lại có rất nhiều giải thưởng dành cho cá nhân. Như thế đạo diễn sẽ rất thiệt thòi. Trong khi đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật, vai trò đạo diễn rất quan trọng. Tác phẩm thành công hay thất bại đều có một phần quan trọng ở vai trò đạo diễn.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, nghệ thuật xiếc có đặc thù riêng và tại Việt Nam có quá ít cuộc thi, liên hoan, hội diễn dành cho xiếc. Trong nghệ thuật xiếc rất khó để có giải cho cá nhân và khó phân định ai là chính ai là phụ trong một tiết mục.

Thậm chí, nghệ sĩ có được quốc tế công nhận, được trao giải thưởng uy tín của quốc tế, nếu áp theo tiêu chí của Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi là phải có giải vàng cho cá nhân thì cũng bị đánh trượt. Như trường hợp 2 nghệ sĩ tài năng Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, dù đã nổi tiếng thế giới, trong đó tiết mục chồng đầu, sức mạnh của đôi tay, không ai có thể phân định ai là chính, ai là phụ để mà trao giải vì cả 2 người đều là diễn viên chính. Quốc tế trao giải cho hai nghệ sĩ này cũng là trao giải cho tiết mục chứ không bao giờ cấp giải cho cá nhân.

Nhạc công trong các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống - đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi xét tặng danh hiệu.

NSƯT Vũ Thị Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định cũng chỉ ra rằng, tiêu chuẩn phải có giải vàng cá nhân mới được phong tặng danh hiệu NSND là chuyện “không tưởng” đối với các chỉ huy dàn nhạc, nhạc công, kể cả nhạc công chính, nhạc công tài năng, nổi tiếng trong nghệ thuật sân khấu truyền thống. Lý do là liên hoan, hội diễn không có giải riêng cho cá nhân các nghệ sĩ này. Giải thưởng cho họ thường “ăn theo” giải thưởng của tác phẩm.

Trong khi đó, với một nhà hát địa phương, việc có một giải vàng cho tác phẩm rất khó. Ngay cả khi Ban soạn thảo cho quy đổi ra huy chương vàng để xét tặng NSND cũng còn khó. Có nhà hát địa phương đã hoạt động 60 năm nhưng dù hội đồng xét tặng danh hiệu cho quy đổi giải thưởng thì chỉ huy dàn nhạc vẫn khó có cơ hội được trao danh hiệu NSND. Bởi, để có đủ huy chương, họ phải chỉ huy của rất nhiều vở đạt giải, mà đơn vị địa phương rất khó đạt giải vàng trong các liên hoan, hội diễn.

Một bất cập khác khác mà NSƯT Diệu Hằng và nhiều nghệ sĩ khác cùng chỉ ra là quy định về thời gian đạt được các thành tích sau khi nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSƯT thiếu rõ ràng. Ở Nam Định đã có nghệ sĩ rất tài năng, con nhà nòi, theo nghề từ bé, vào văn công khi mới hết lớp 8 nhưng mãi sau này mới đi học bổ sung văn bằng. Nếu xét thời gian từ lúc tốt nghiệp thì “coi như xong” vì không đạt.

Chưa kể, có nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSƯT khi đã có đến 4 giải vàng quốc gia, trong đó có 2 giải vàng cá nhân. Tức là, về điều kiện xét tặng thì... có thừa nhưng hồ sơ xét tặng hoàn thành từ đầu năm 2011. Đến đầu năm 2012, danh hiệu NSƯT mới được trao tặng chính thức.

Trong khoảng thời gian này, vào cuối năm 2011, nghệ sĩ tham gia 1 liên hoan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đạt huy chương vàng. Nếu tính thành tích để đề nghị xét tặng NSND, đơn vị và địa phương cũng lúng túng.

Nếu không tính thành tích cho nghệ sĩ thì rất thiệt cho họ. Nếu tính để xét tặng thì rõ ràng là thời điểm nghệ sĩ này đạt huy vàng, danh hiệu NSƯT chưa được trao. Vì vậy, ban soạn thảo Nghị định sửa đổi nên quy định rõ ràng hơn, thời gian tính thành tích để xét danh hiệu NSND sau khi được xét tặng danh hiệu NSƯT là thời gian nào.

Cùng quan điểm này, NSƯT Nguyễn Quang Lai, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình đưa ra một ví dụ rất đau xót cho các nghệ sĩ - nhạc công của nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đó là trường hợp của nghệ sĩ Văn Nhân.

Ông là người nổi tiếng trong “làng” chèo cả nước, có rất nhiều sáng tác được phổ biến rộng rãi nhưng đã không thể chờ đến lúc được phong tặng danh hiệu. Đến nay, nếu có danh hiệu NSND cho ông thì cũng chỉ có thể truy tặng.

Mỗi tác phẩm sân khấu có vai trò quan trọng của người chỉ đạo nghệ thuật nhưng vai trò này chưa được thể hiện trong dự thảo Nghị định.

Lý do không phải vì ông không có tài hay tài năng không thuyết phục được đồng nghiệp và công chúng mà là vì ông không có giải thưởng, huy chương và không có liên hoan, hội diễn trao giải thưởng cá nhân cho nhạc công, dù nhạc công chính trong vở diễn cũng có vai trò không khác nhạc trưởng trong đêm biểu diễn.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng cũng cho rằng với các trường hợp đặc biệt cần đặc cách xét tặng, Ban soạn thảo nên có những “gạch đầu dòng cụ thể” như thế nào là trường hợp đặc biệt, đặc biệt ở chỗ nào.

Ví dụ như tại Đà Nẵng, có nghệ sĩ 3 lần làm hồ sơ, cơ sở đưa lên nhưng đều không đạt. Lý do không phải nghệ sĩ không tài năng, không có nhiều cống hiến mà vì ông là nghệ sĩ làm công tác đào tạo đã nhiều năm nay. Làm hồ sơ phong tặng Nhà giáo ưu tú thì ông không có bằng sư phạm. Làm hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian thì không được vì ông đã từng ăn lương Nhà nước. Làm hồ sơ phong tặng danh hiệu NSƯT cũng không xong vì không có huy chương. Trong khi đó, ông từng đào tạo được 18 NSND, khoảng 200 NSƯT tuồng, chuyên ngành về vũ đạo tuồng và nghệ thuật biểu diễn.

Nhiều vai trò bị bỏ qua

Thực tế, những bất cập nói trên không chỉ xảy ra với riêng lĩnh vực nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà cũng chỉ ra rằng, có nhiều giải thưởng không hề được ban tổ chức liên hoan, hội diễn, giải thưởng trao cho cá nhân thì các nghệ sĩ trong lĩnh vực này không thể có giải vàng, bạc cá nhân để đủ tiêu chí xét tặng NSND.

Ví dụ, giải thưởng điện ảnh Cánh Diều không có giải cá nhân cho người làm âm thanh. Tương tự, nhiều liên hoan, giải thưởng, hội diễn không trao giải thưởng cho cá nhân các họa sĩ tạo hình con rối, động tác phim hoạt hình, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng... Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ này sẽ không có giải vàng cá nhân để mà được xét tặng theo danh hiệu NSND theo tiêu chuẩn đề ra.

Mà việc trao giải cho các cá nhân này hay không là quyết định của ban tổ chức các liên hoan, hội diễn, giải thưởng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể chi phối được hoạt động này.

Trong khi đó, việc Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này bỏ qua vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm thanh ánh sáng, chỉ huy biểu diễn... lại bị các nghệ sĩ, nhà quản lý đồng loạt phản ứng gay gắt. Hầu hết các nghệ sĩ đều cho rằng đã là chỉ đạo nghệ thuật thì phải giỏi chuyên môn mới làm được. Họ là người có vai trò mang tính quyết định đường hướng, chất lượng nghệ thuật, thành công của tác phẩm. Nếu loại vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật là thiếu sót lớn.

NSND Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho rằng, vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong tất cả các chương trình, tác phẩm đã được thể hiện ngay từ trên kịch bản văn học cho đến khi tác phẩm hoàn thiện, ra mắt hội đồng nghệ thuật các cấp. Khi đã thừa nhận vị trí chuyên môn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật thì không có lý do gì lại loại bỏ họ trong quá trình xét tặng danh hiệu...

Về vấn đề các nghệ sĩ nêu, NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, khi soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung, Ban soạn thảo đã cố gắng tối đa để vinh danh đúng nghệ sĩ tài năng, xuất sắc. Danh hiệu NSND, NSƯT là để vinh danh nghệ sĩ biểu diễn. Trong mỗi tác phẩm có nhiều thành phần sáng tạo nghệ thuật nhưng có thể vinh danh bằng hình thức khác, không nhất định phải là danh hiệu NSND, NSƯT.

Bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của các nghệ sĩ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Khánh Hải cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị, hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ nhằm bám sát đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật, để không thiệt thòi cho các nghệ sĩ, tôn vinh đúng người, không bỏ sót tài năng, bám sát đặc thù địa phương để có những quy định phù hợp hơn.

Minh Hà
.
.