Xiếc Trung Quốc chật vật sinh tồn

Chủ Nhật, 08/03/2020, 15:30
Không như những trầm trồ thán phục của khán giả thường xuyên dành cho, trên thực tế, các trường đào tạo bộ môn nghệ thuật xiếc tại Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu học sinh nghiêm trọng. Mà điểm mấu chốt là "có thực mới vực được đạo", với thực tế rằng diễn viên xiếc Trung Quốc hiện nay không sống nổi với nghề.

Gian nan con đường đào tạo nghệ sĩ xiếc

Trước đây, bộ môn xiếc từng được coi là ánh hào quang trong nền văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng ít gia đình gửi con đi học môn này.

5 giờ 50 phút sáng. Ánh sáng tím nhạt mới chỉ hé lên phía chân trời. Một nhóm trẻ từ 6 đến 15 tuổi siêng năng tiến về phía lớp học tại Trường Đào tạo xiếc Thẩm Dương. 6 giờ 15 phút, chúng bắt đầu các bài học bằng tiếng Trung, tiếng Anh và toán.

7 giờ 30 phút, bọn trẻ dừng để ăn sáng. Không có thời gian để nán lại, học sinh phải lên tầng 2 với 2 phòng rộng rãi tại một tòa nhà hình chữ L gần trung tâm thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, Thẩm Dương. Ở đây, việc đào tạo xiếc thực sự bắt đầu.

Các bé trai và bé gái chuẩn bị uốn ngược cơ thể về phía sau cho đến khi tay chúng túm được cổ chân. Nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy xương khớp như bị nứt ra, rất lâu trước khi chạm đến vị trí yêu cầu. Còn những đứa trẻ này có thể giữ nguyên tư thế đó trong hơn 1 phút. Một số học sinh nhỏ tuổi cảm thấy đau đớn, nước mắt lăn dài trên má, song không đứa nào từ bỏ hay khóc to. Phần lớn, chúng chỉ thở phào nhẹ nhõm khi được phép thôi tư thế này.

Học sinh tập luyện động tác uốn dẻo. Ảnh: SCMP.

"Giáo viên dạy chúng tất cả kỹ thuật nhưng độ mềm dẻo linh hoạt mới là điều quan trọng nhất ở độ tuổi này. Ngay cả sau 2 tuần nghỉ, việc tập luyện dường như sẽ phải bắt đầu lại từ đầu nhưng không học sinh nào phàn nàn hay khó chịu. Chúng là những đứa trẻ ngoan ngoãn. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em có thể trình diễn xiếc sau 2 đến 3 năm đào tạo, trước khi được cấp bằng sau chương trình 7 năm bắt buộc” - Wang Ying (47 tuổi), huấn luyện viên phụ trách nhóm trẻ tại trường xiếc Thẩm Dương, nói.

Tư thế tiếp theo yêu cầu uốn cong ngược người qua vai cho đến khi cằm chạm đất, chân đặt trên sàn, cách mũi chỉ vài cm. Tư thế này như một thách thức đối với cơ thể con người. Song rõ ràng, tư thế này lại khiến học sinh thoải mái hơn, một số thậm chí còn cười và trò chuyện.

Tuy nhiên, vấn đề của trường xiếc này không phải do các em thiếu kỹ năng mà bởi số lượng học sinh đang giảm đáng kể. Theo thống kê mới nhất của Diễn đàn Xiếc Trung Quốc năm 2010, cả nước có 124 đoàn biểu diễn, bao gồm 12.000 nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp và 100.000 người trực tiếp tham gia ngành. Mặc dù những con số này có vẻ ấn tượng nhưng Trường Đào tạo xiếc Thẩm Dương lại chỉ có 20 học sinh dưới 15 tuổi được đào tạo toàn thời gian.

“Khi bắt đầu được biểu diễn xiếc, tôi nhận ra bộ môn này như một cuốn hộ chiếu cho những ai muốn bước ra thế giới. Nhờ công việc này, tôi đã được đi tới nhiều quốc gia và có cơ hội ở lại Mỹ 5 năm. Vào những năm 90, chúng tôi có thể dễ dàng chọn ra 60 đứa trẻ có khả năng tốt nhất trong số rất nhiều ứng cử viên mỗi năm. Nhưng, hiện tại, chúng tôi may mắn lắm mới có thể nhận đào tạo được 10 đứa trẻ/năm” - huấn luyện viên Tong Tianshu (34 tuổi), một nghệ sĩ xiếc đồng thời là huấn luyện viên - chia sẻ.

Ông Wang Xiao - Phó Tổng Giám đốc đoàn xiếc và trường học này - cho biết: “Trước đây, chúng tôi có 120 nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Chúng tôi có thể chia họ thành 3 nhóm để tham gia vào nhiều chương trình cùng thời điểm. Nhưng, giờ đây, số nghệ sĩ chỉ còn 40 và thậm chí, chúng tôi rất khó khăn để chia họ thành 2 nhóm. Vì vậy, chúng tôi phải từ chối nhiều lời mời biểu diễn ở nước ngoài”.

Xiếc ra đời từ 3.700 năm trước và trở thành một bộ môn nghệ thuật nở rộ ở Trung Quốc trong các triều đại nhà Tần, nhà Hán (năm 221 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên). "Tuy nhiên, do kinh tế ngày càng phát triển, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn. Vì vậy, hầu hết phụ huynh đều muốn con mình đi học đại học. Việc trở thành nghệ sĩ xiếc dường như quá gian nan. Chính sách 1 con cũng khiến việc tìm kiếm học sinh mới trở nên khó khăn” - ông An Ning, Giám đốc Trường Đào tạo xiếc Thẩm Dương từ năm 1997, nhận định.

"Có thực mới vực được đạo"

Khác xa những năm trước, khi chính phủ rất coi trọng bộ môn xiếc, nó được coi như một hình thức nghệ thuật biểu tượng của quốc gia, đóng góp nhiều tiết mục cho các nhà hát, đoàn kịch ở hầu hết thành phố lớn. Hiện nay, xiếc không được quan tâm đầu tư, mức thu nhập thấp từ nghề xiếc trở thành rào cản với người học.

Shan Dan (36 tuổi) - một trong những nghệ sĩ xiếc có nhiều kinh nghiệm nhất - cho hay, thu nhập của công việc này cũng là một rào cản trong việc tuyển sinh.

“Cha tôi làm việc trong một công ty hậu cần, mẹ là công nhân. Sau khi tốt nghiệp trường xiếc, lương của tôi cao hơn cha mẹ mình. Nhưng, trong khi tiền lương của mọi người ở các ngành công nghiệp khác tăng lên, thu nhập của các nghệ sĩ xiếc vẫn vậy. Hiện tại, tôi cần có một công việc 'làm tay trái' để phụ vợ chăm lo cho gia đình” - anh Shan nói.

Màn nhào lộn Panda trình diễn tại Nhà hát lớn Shengjing. Ảnh: SCMP.

Shan cũng cho biết thêm, ở độ tuổi trung niên, anh phải nỗ lực luyện tập hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, khi trường học đào tạo xiếc khan hiếm học sinh mới, các nghệ sĩ lâu năm sẽ phải biểu diễn nhiều hơn.

Do đó, mặc dù là nghệ sĩ biểu diễn hạng nhất được chính phủ công nhận, song Shan không muốn con "nối gót" mình. "Tôi sẽ tôn trọng quyết định của con mình. Song, từ tận đáy lòng, tôi muốn ngăn cản. Tôi đã bị 2 chấn thương khá nặng ở đầu đối và thắt lưng. Tôi biết nghề này khó khăn như thế nào. Tôi hy vọng chỉ biểu diễn đến năm 40 tuổi" - Shan chia sẻ.

Nhưng, nhiều gia đình có thu nhập thấp vẫn coi theo học bộ môn xiếc là cách để con cái họ được chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp nhận giáo dục - Tong Tianshu cho biết. Trên khắp Trung Quốc, các đoàn nhỏ hơn, thường là tư nhân, chiêu sinh những đứa trẻ mồ côi hoặc những đứa trẻ bơ vơ khi bố mẹ đã di cư đến các thành phố khác để làm việc.

Cho dù động cơ phía sau là gì thì những nghệ sĩ giỏi nhất biểu diễn ở những nơi như công viên Disneyland thường được trả hơn 10.000 NDT/tháng (khoảng 1.400 USD/tháng), song sự cạnh tranh rất khốc liệt. Chỉ một số ít người may mắn làm được điều đó, Shan cho hay.

“Em đoán em sẽ kiếm được khoảng 2.000 NDT/tháng (286 USD/tháng) khi mới vào nghề. Nhưng, mức lương sẽ tăng theo khả năng của chúng em” - cô bé Sun Qiyue (14 tuổi) nói.

Sau giờ nghỉ trưa, vào 14 giờ, các học sinh tiếp tục tham gia những lớp học kéo dài 3 tiếng, chủ yếu là bật nhảy, giữ thăng bằng và sử dụng đạo cụ. Tại phía sân khấu trường, Sun Qiyue đang đạp một chiếc xe 3 bánh để chuẩn bị cho buổi trình diễn. Các học sinh tập luyện từ thứ hai đến thứ bảy.

Cha mẹ Qiyue ghi danh cho em vào trường xiếc sau khi một người quen của gia đình cho rằng, môn học này có thể thay thế cho giáo dục thường xuyên. “Em thích công việc này. Nó rất mệt mỏi và đau đớn nhưng không có phần thưởng nào tuyệt vời hơn tiếng vỗ tay dài sau một buổi diễn” - cô bé 14 tuổi chia sẻ. Qiyue được giáo viên khen ngợi về sự nhanh nhẹn, tính cách vui vẻ cũng như giới thiệu cô bé là một trong những học sinh triển vọng nhất.

Một “nghệ sĩ xiếc” nhí chườm đá cho đầu gối bị thương khi luyện tập. Ảnh: SCMP.

Ở một góc, một nhóm nhỏ các bé gái đang tập dượt cho chương trình biểu diễn "Panda: Hành trình tìm kiếm giấc mơ" được tổ chức trong 2 ngày tại Nhà hát Lớn Shengjing của Thẩm Dương. Qiyue thì giúp Zhang Yongheng (13 tuổi, đến từ Thông Liêu, Nội Mông), cải thiện kỹ năng đạp xe vì cậu bé còn vụng về. Cậu bé là một trong số ít học viên phải gây áp lực với gia đình để theo học.

"Em luôn bị thu hút bởi những màn trình diễn xiếc. Mặc dù em biết rằng em sẽ nhận loại bằng cấp giáo dục chính quy thấp nhất ở Trung Quốc và sẽ không bao giờ giàu có. Song, em muốn học đu dây và thích thú với nó" - Yongheng nói.

Tung hứng 3 chiếc mũ mây, Sun Mingjun (16 tuổi) bày tỏ lo lắng về việc không được đào tạo đầy đủ như các bạn theo học giáo dục chính quy. “Điều đó khiến em lo sợ cho tương lai. Nhưng em không thể làm gì được. Em chưa bao giờ là một học sinh giỏi” - cậu bé cho hay.

Bên cạnh Mingjun là cô bé Wang Junlin (15 tuổi) đang tập luyện với chiếc ô quá khổ, cũng nhớ lại quãng thời gian còn theo học ở một ngôi trường bình thường tại quê nhà. “Em đoán phần lớn chúng em ở đây đều vì cha mẹ chúng em nghĩ rằng, xiếc là một lối thoát. Và chúng em không phản đối điều đó. Sau đó, chúng em dần dần yêu thích bộ môn này” - Junlin nói.

Ở phía bên phải sân khấu, hai cô gái 16 tuổi tách khỏi nhóm chính và thực hành bài tung hứng 4 chiếc đĩa. Đó là 2 cô gái đến từ Đoàn xiếc Bắc Kinh. "Họ cần nhiều nghệ sĩ hơn cho buổi biểu diễn đang trong quá trình tranh tài tại Liên hoan nghệ thuật xiếc quốc tế Ngô Kiều (được tổ chức tại tỉnh Bắc Hà, Trung Quốc). Vì vậy, chúng em ở đây đã 1 tháng. Miễn là điểm của chúng em đủ cao thì ở Bắc Kinh, chúng em có thể vào thẳng đại học mà không cần trải qua thi tuyển. Đây là một chính sách tốt để thu hút thêm nhiều học sinh cho bộ môn nghệ thuật xiếc" - Cai Yanqiu, một trong hai cô gái, cho biết.

Nghệ sĩ biên đạo kỳ cựu của quân đội Li Chunyan (46 tuổi) nói rằng, bà thiết kế riêng một số màn trình diễn ngoạn mục cho chương trình này như nhào lộn với xe đạp 3 chỗ. Bà cho hay, bà bắt đầu sự nghiệp với vai trò là nghệ sĩ múa cho đoàn quân đội Nam Kinh (tỉnh Giang Tô).

"Tôi đang già đi. Tôi bị chấn thương nặng ở lưng và chân. Tôi không biết mình còn có thể trụ trên sân khấu bao lâu. Thế nên, tôi bắt đầu nghề biên đạo. Đoàn xiếc Thẩm Dương đã liên hệ với tôi và lên một số ý tưởng cho chương trình. Họ muốn trình diễn một số tiết mục gì đó mới. Tôi đã thiết kế một số tiết mục hiện đại, mạnh mẽ, song rất khó để thành thục" - bà Chunyan cho hay.

Vấn đề không phải là kỹ thuật. "Những đứa trẻ này là những nghệ sĩ xiếc nhí tuyệt vời. Các em rất giỏi trong các tiết mục tập thể và hy sinh rất nhiều để đạt đến sự hoàn hảo. Tuy nhiên, điều cần thiết là các em phải cải thiện kỹ năng thể hiện cảm xúc trong diễn xuất. Những đứa trẻ không "phiêu" được khi biểu diễn. Các em cần cảm nhận âm nhạc và hiểu rằng mình đang kể một câu chuyện chứ không chỉ đơn giản là di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác" - bà Chunyan phân tích.

Điều đó đặc biệt khó đạt được, nhất là khi người biểu diễn cần tập trung vào việc giữ thăng bằng để không bị ngã và gãy xương. Một phút trên sân khấu đòi hỏi 10 năm khổ luyện và mọi thứ lại luôn có thể sai sót.

Trên sân khấu và thực tế, các nhà chức trách đang cố gắng khôi phục xiếc trở lại thành bộ môn nghệ thuật hào quang vốn có. Trung Quốc đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc tranh tài mới như Liên hoan xiếc quốc tế Chu Hải, sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, huấn luyện viên Tong cho rằng ngoài điều đó, tiền lương của những nghệ sĩ xiếc cũng cần được cải thiện để cuộc sống của họ ổn định thì mới có thể cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật.

"Việc đào tạo xiếc đang chật vật đến mức mọi người sẽ chỉ quan tâm đến xiếc nếu nó có thể bảo đảm được cuộc sống của họ tốt hơn. Một vận động viên đầy đủ vật chất mới có thể cống hiến được nhiều hơn và đó là điều mà bộ môn xiếc đang thiếu. Bộ môn này cần được bảo tồn và phát huy" - huấn luyện viên Tong Tianshu chia sẻ.

Gia Minh
.
.