Xiếc Việt: Nhìn đâu cũng khó!
- Khai mạc Cuộc thi tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018
- "Liên đoàn" xiếc thú trình diễn trên phố đi bộ Hồ Gươm
- Tìm kiếm tài năng cho Xiếc
Trên thực tế, ngành xiếc đang ngày càng bị thu nhỏ lại vì diễn viên rất khó sống được bằng nghề, khâu đào tạo, tuyển dụng ngày càng gian nan.
Nhọc nhằn tuyển sinh
Trong tất cả các ngành nghệ thuật, thì xiếc có một đặc thù riêng, liên quan chặt chẽ đến vấn đề đào tạo diễn viên. Ở các lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, người nghệ sĩ có thể không được học hành, đào tạo cơ bản, nhưng có tài năng vẫn có thể tham gia sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Riêng ở xiếc, nếu không được đào tạo thì có tài đến mấy cũng bằng không. Để có một diễn viên xiếc thành thục các kỹ năng, có thể biểu diễn được trước khán giả, phải mất cả chục năm đào tạo, tập luyện.
Không có một đoàn xiếc, một rạp xiếc nào có thể tự đào tạo diễn viên, tự sáng tạo tác phẩm rồi tập luyện, dàn dựng là có thể biểu diễn... Tất cả các khâu đó phải được thực hiện tại các trường đào tạo. Chỉ có nhà trường mới có đủ thời gian, điều kiện để huấn luyện diễn viên, dưới sự dìu dắt của những người thầy giàu kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng.
Một tiết mục trong vở xiếc “Làng tôi” của Liên đoàn xiếc Việt Nam. |
Ở nước ta, chỉ có vài ngôi trường đào tạo diễn viên xiếc bài bản. Tất cả những diễn viên xiếc đều đi ra từ những lò đào tạo đó. Câu nói cực kỳ đúng với ngành xiếc luôn là “Không thầy đố mày làm nên”. Một số lĩnh vực khác có thể đi tắt hay bỏ qua một khâu nào đó liên quan đến đào tạo, riêng xiếc là không thể.
Lãnh đạo Trường Xiếc Việt Nam cung cấp thông tin, những năm gần đây, để tuyển sinh được đủ số lượng học sinh vào trường để đào tạo là vô cùng khó khăn. Năm ngoái, trong hơn 8.000 học sinh thi tuyển, trường chỉ lựa được 36 em. Năm nay số lượng học sinh tuyển được vào trường còn ít hơn, chỉ có 35 em. Phần lớn học sinh không vượt qua được những thử thách vô cùng khắc nghiệt ở vòng sơ tuyển để vào trường. Một số em có khả năng thì không theo học, vì ngại khó, ngại khổ, nhìn vào cuộc sống khó khăn của các anh chị nghệ sĩ đi trước họ nản.
Để tuyển được cơ bản đủ số lượng học sinh vào trường, các giáo viên Trường Xiếc phải lặn lội đến tận các vùng miền xa xôi của đất nước, đặc biệt là các vùng miền núi, những nơi có điều kiện sống và học tập khó khăn.
Thường thường các giáo viên phải mất 4 tháng từ cuối mùa xuân đến hết mùa hè để tìm kiếm học sinh có năng lực về xiếc. Sở dĩ phải tìm kiếm các học sinh ở các vùng nông thôn hẻo lánh, miền núi, vùng sâu vùng xa là bởi nếu trúng tuyển, khả năng các em đến trường theo học sẽ lớn hơn. Vì đa số các em đều là con nhà nghèo, là con em của những gia đình nông dân eo hẹp về kinh tế, muốn được ra Hà Nội học để thoát nghèo.
Chế độ học tập ở trường xiếc là con em đồng bào dân tộc thiểu số thì được miễn, giảm học phí nên nhiều gia đình chọn cho con đi học vì đỡ phải lo gánh nặng chi phí. Một số giáo viên trường xiếc tỏ ra tiếc nuối khi có nhiều học sinh có tài năng, thậm chí được lựa vào trường rồi, nhưng học được một thời gian thì… bỏ. Vì quá trình tập luyện gian nan, thời gian đằng đẵng, lại nghe nói ngành xiếc không có tương lai nên hết mặn mà.
Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Xiếc Việt Nam chia sẻ: Ngành xiếc ngày càng không hấp dẫn học sinh. Học sinh vào trường là được tuyển theo diện năng khiếu, tài năng, và có những ưu đãi riêng, nhưng càng ngày càng ít em theo học. Những em nhà có điều kiện thường bố mẹ không cho theo học ngành này.
Giáo viên của nhà trường phải đi xa, đến từng ngôi trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở nhiều tỉnh thành để sơ tuyển, tìm những học sinh có khả năng trở thành nghệ sĩ xiếc. Nếu không cần mẫn như vậy, thì rất khó để tuyển sinh đủ học sinh theo chỉ tiêu đào tạo mỗi năm. Nhà trường luôn phải chủ động trong việc đi tìm thí sinh, đây là một thực trạng đáng buồn của đào tạo ngành xiếc.
Nghệ sĩ làm nghề trong chật vật
Hai anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp - Quốc Cơ được mệnh danh là những “hoàng tử xiếc” Việt Nam. Họ từng được ghi danh vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới với màn giữ thăng bằng trên đầu để leo 90 bậc thang nhà thờ Chánh tòa ở Girona, Tây Ban Nha trong 52 giây. Họ cũng là một cặp nghệ sĩ xiếc gây bão trong cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nước Anh” (Britains Got Talent) với màn chống đầu, giữ thăng bằng trên không khiến ban giám khảo và khán giả thót tim.
Hai anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp trong tiết mục biểu diễn tại chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nước Anh”. |
Nói về nghề xiếc, cả hai nghệ sĩ thừa nhận sự nhọc nhằn mà họ đã phải trải qua: “Chỉ 10 phút cho một tiết mục biểu diễn, nhưng chúng tôi đã phải tập luyện nó trong vài ba năm, vô cùng khổ cực, nguy hiểm. Chúng tôi cảm thấy nghề xiếc ở ta chưa được xem trọng như những loại hình nghệ thuật khác. Với công sức sáng tạo phải bỏ ra, cộng với muôn vàn nguy hiểm phải đối mặt, chúng tôi cảm thấy mình được đối xử chưa công bằng”.
Lương của Quốc Nghiệp - Quốc Cơ ở Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, một đơn vị nghệ thuật nhà nước, hiện nay chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Quốc Nghiệp - Quốc Cơ vẫn là những nghệ sĩ may mắn, khi họ vươn ra được thế giới, nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả quốc tế và có khả năng cải thiện thu nhập của mình. Còn rất nhiều nghệ sĩ xiếc khác thì không có cơ hội như vậy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong xếp hạng ngạch bậc, lương của các nghệ sĩ xiếc được xếp là bậc 3, bậc lương trung cấp. Có nghệ sĩ cống hiến hơn 20 năm, lương vẫn không hơn mức khởi điểm là bao. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng đoàn Xiếc 1 của Liên đoàn xiếc Việt Nam có tới 40 năm trong nghề, lương vẫn chỉ dừng lại ở con số 5 triệu đồng/ tháng. Các diễn viên vừa mới ra nghề, thì đương nhiên chỉ nhận mức lương 2-3 triệu đồng, một con số quá tượng trưng trong thời buổi này.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn, hai nghệ sĩ Quốc Nghiệp - Quốc Cơ đã bộc lộ mong muốn, thu nhập của các nghệ sĩ xiếc được cải thiện, để họ có thể đủ trang trải cuộc sống và giữ lửa đam mê với nghề.
“Chúng tôi nghĩ, nếu được mức lương từ 20-30 triệu đồng/tháng thì nghệ sĩ xiếc sẽ toàn tâm toàn ý với nghề, cống hiến hết mình cho nghệ thuật”. Hai nghệ sĩ này chia sẻ thêm, một nghệ sĩ xiếc phải học ít nhất là 5 năm trong trường.
Tốt nghiệp rồi, họ phải tập luyện thêm khoảng 3 năm nữa mới có thể đi biểu diễn. Một tiết mục mới để trình làng cũng mất vài ba năm là chuyện thường. Hơn nữa, nếu rủi ro nguy hiểm trong quá trình tập luyện, biểu diễn, họ sẽ phải tự gánh chịu hậu quả. Với tính chất công việc như vậy, mà thu nhập chỉ dưới 5 triệu, thì khó giữ chân người nghệ sĩ ở lại với nghề, dù họ có yêu công việc đến đâu đi nữa. Nếu nhìn sang thu nhập nghệ sĩ một số lĩnh vực khác, như âm nhạc chẳng hạn, thì đó quả là một sự hài hước.
Nhìn một cách nghiêm túc vào ngành xiếc, và so sánh ngành xiếc với các ngành nghệ thuật khác, chúng ta thấy rõ ràng, không nghệ sĩ nào có thể “ăn gian” trong xiếc. Mồ hôi của họ là thật. Nếu các ngành biểu diễn khác như âm nhạc, sân khấu, nghệ sĩ có thể nhanh chóng nổi tiếng nhờ công nghệ lăng-xê hay bày chiêu, diễn trò, câu kéo sự tò mò quan tâm của khán giả, thì nghệ sĩ xiếc không thể nổi tiếng bằng cách đó.
Mọi thành công của họ đều là kết quả của sự tập luyện chăm chỉ, kiên nhẫn, nhiều năm tháng, dũng cảm đối mặt với nguy hiểm. Người ta đã thống kê được rằng, xiếc là một trong 3 lĩnh vực nghệ thuật có nguy cơ bị tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất với tần suất tai nạn lên tới 40%/năm, gấp gần 20 lần so với các nghề khác.
Diễn viên nhào lộn dễ bị ngã, bị cong vẹo cột sống, chấn thương vùng đầu, cổ. Nghệ sĩ lắc vòng thì thường xuyên bị đau dạ dày. Nghệ sĩ uốn dẻo thì nếu còn muốn làm nghề đừng sinh con, mà nếu sinh con chắc chắn phải bỏ nghề. Những nghệ sĩ theo đuổi xiếc thú, huấn luyện những con vật hoang dã làm trò vui cho khán giả thưởng thức thì nguy cơ gặp nạn còn cao hơn nhiều.
Chúng ta đã nghe và thấy không ít chuyện, con trăn hiền lành một hôm “trở trời” biến thành quái vật tấn công người huấn luyện mình. Chuyện nghệ sĩ bị gấu tát tổn thương vùng mặt, voi quật chấn thương, hổ tấn công, ngựa đá, khỉ cắn... không phải là chuyện hiếm trong làng xiếc.
Một điểm nữa, tuổi cống hiến của nghệ sĩ xiếc rất ngắn, nữ là 35 đến 40 tuổi, nam là 45 đến 50 tuổi. Hiện nay, Liên đoàn Xiếc có khoảng trên 100 nghệ sĩ, nhưng số nghệ sĩ cao tuổi, không còn cống hiến được nhiều nhưng vẫn trong tuổi chưa về hưu khá đông. Lực lượng lao động chính lại phụ thuộc vào số diễn viên trẻ, nhưng số này luôn thiếu hụt vì đầu ra ở trường đào tạo ít, cộng với nhiều người nản lòng bỏ nghề giữa chừng đi làm việc khác, hoặc đến những đơn vị nghệ thuật có mức thu nhập ổn định hơn.
Có không ít ví dụ cho thấy, Liên đoàn Xiếc đã “mất trắng” diễn viên trẻ tài năng cho những đơn vị nghệ thuật giải trí tư nhân. Đơn giản là những đơn vị này có những cách thức chiêu mộ nhân tài hấp dẫn, trả lương cao, chế độ đãi ngộ tốt. Không ít tiết mục đang diễn nhiều năm tự nhiên bỏ trống vị trí diễn viên trụ cột vì đã chuyển công tác hoặc nghỉ việc, gây áp lực nặng nề cho những người còn lại.
NSND Nguyễn Thị Tâm Chính ngậm ngùi chia sẻ, nhiều gia đình xiếc gia truyền giờ đây không muốn cho con em mình nối nghiệp cha ông. Học sinh ở thành phố và những trung tâm văn hóa lớn, dù có tài năng cũng không theo đuổi ngành xiếc vì lương thấp, tuổi nghề ngắn, chính sách đãi ngộ kém.
Một tiết mục xiếc thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam. |
Những bất cập trong ngành xiếc từ lâu đã được phản ánh nhiều trên báo chí, truyền thông, nhưng thực tế chưa được cải thiện là bao. Thiết nghĩ, cần phải có một cuộc thay đổi mang tính hệ thống, toàn diện mới mong vực dậy ngành nghệ thuật vốn có nhiều thành tựu và có không ít nghệ sĩ được thế giới biết đến, thừa nhận này.
Cần phải xây dựng một chiến lược phát triển nhân lực cho ngành xiếc, nâng cấp trường xiếc từ hệ trung cấp lên hệ cao đẳng hoặc đại học, mời các chuyên gia giỏi nước ngoài tới đào tạo sinh viên, và gửi sinh viên sang các nước phát triển đào tạo. Cùng với đó cần đề xuất các chính sách phù hợp, thỏa đáng đãi ngộ nghệ sĩ trong lĩnh vực này.
Cần phải tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để đổi mới đồng bộ các khâu từ đào tạo đến tuyển lựa nghệ sĩ biểu diễn. Có như vậy mới mong trong 5, 10 năm tới, xiếc Việt có thể tự hào sánh ngang tầm với các ngành nghệ thuật khác vào tạo ra những thành quả tích cực cả trong nước và quốc tế.
Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 4 đến 10-12 với sự tham gia của 67 nghệ sĩ đến từ 6 đơn vị: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Phương Nam - TP. Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Long An, Đoàn Nghệ thuật Tây Hồ - Hải Dương. Theo Ban tổ chức, mỗi diễn viên dự thi biểu diễn 1 tiết mục tự chọn phù hợp với sở trường của mình, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật xiếc. Mỗi tiết mục có thời lượng biểu diễn trên sân khấu từ 7-12 phút. Đây là những tiết mục hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật, đạt được sự chính xác cao những động tác phức tạp, thể hiện kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn mang tính chuyên nghiệp. Trong khuôn khổ cuộc thi, ngày 8-12 tới sẽ có cuộc tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây là cơ hội để lãnh đạo các đơn vị xiếc, các nhà chuyên môn cùng các nghệ sĩ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ đó đề ra phương hướng phát triển nghệ thuật xiếc trong xu thế hội nhập của ngành xiếc. |