Xin đừng đội lốt… 1000 năm Thăng Long

Thứ Bảy, 09/01/2010, 16:25
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện trọng đại của đất nước trong năm nay, năm 2010. Nó thể hiện đạo lý tình cảm của con người Việt Nam, không quên cội rễ, tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Một Đại lễ hướng tới đó để mà cùng nhau tốt lên. Nhưng mượn cớ sự kiện ấy để quảng bá cho sản phẩm mình một cách thô thiển thì các doanh nghiệp đang cố tình tỏ ra coi thường ngày Đại lễ cũng như đang tự hạ thấp chính mình.

Đại lễ sẽ diễn ra như thế nào?

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điểm nhấn của Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ là Chương trình Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức liên tục trong 10 ngày liền, từ ngày 1 đến 10/10/2010.

Theo đó, ngày khai mạc Đại lễ sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng 1/10/2010 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cùng ngày, tại Hà Nội sẽ có các hoạt động: Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội; Triển lãm các tác phẩm văn học, nghệ thuật qua các thời kỳ; Cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Cả nước với Hà Nội" chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp do chuyên gia quốc tế đạo diễn.

9 ngày tiếp theo sẽ có các hoạt động văn hóa nghệ thuật; thể dục thể thao; liên hoan du lịch, hành trình di sản và lễ hội làng nghề, phố nghề; các hoạt động khởi công, khánh thành, gắn biển, triển lãm các công trình, đón nhận các danh hiệu nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ ra mắt Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" và công bố kết quả Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô".

Ngày chính lễ vào đúng kỷ niệm Giải phóng Thủ đô của năm 2010, Đại lễ kỷ niệm sẽ diễn ra với lễ mít tinh trọng thể cấp Nhà nước tại Quảng trường Ba Đình. Tại khu vực Hồ Tây sẽ có Đêm hội Văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cho đến ngày Đại lễ, các hoạt động kỷ niệm cũng sẽ được tổ chức gắn với các ngày lễ lớn của đất nước như: Các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Lễ hội Hoa vào dịp tết Dương lịch 2010; Liên hoan hợp xướng "Những bài ca dâng Đảng"; các chương trình biểu diễn nghệ thuật đón tết Nguyên đán Canh Dần "Chào Xuân mới 2010, mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi"...

Nhốn nháo ngoài một lễ hội là chuyện thường thấy.

Thông điệp trên đã chỉ rõ, dù muốn hay không muốn, một hoạt động, một sản phẩm "gắn mác" 1000 năm Thăng Long phải hội tụ những yếu tố vật thể và phi vật thể, phải đủ tầm đại diện cho mảnh đất, con người Thăng Long nghìn năm văn vật.

Nhưng thực tế, thời gian vừa qua, không ít những trường hợp, một vài cá nhân doanh nghiệp, núp bóng các cơ quan, đoàn thể có uy tín để tổ chức những hoạt động, sự kiện được gắn mác kỷ niệm 1000 năm Thăng Long để làm những điều có lợi cho riêng mình, đồng thời cũng là làm xấu đi hình ảnh ngày lễ trọng đại. Dư luận yêu cầu những sự việc như thế cần phải chấm dứt.

"Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội": Có cả chân giò hun khói

Mới đây, 200 sản phẩm đầu tiên được lựa chọn trao giải "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" qua sự lựa chọn của ban tổ chức đã gây nhiều phản hồi tiêu cực từ dư luận. Theo thông tin từ Ban tổ chức, giải thưởng này do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chỉ đạo Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Văn hóa Thông tin Việt Nam xây dựng.

Lễ trao giải “Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội”.

Cũng theo tiêu chí của Ban tổ chức giải thưởng, giải nhằm góp phần giới thiệu về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, về thủ đô hòa bình, ổn định, phát triển mạnh mẽ và là bạn của tất cả các nước trên thế giới, đồng thời đánh giá và tôn vinh những thành tích tiêu biểu của các doanh nghiệp, doanh nhân và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của thủ đô...

Tiêu chí thì như vậy, nhưng sản phẩm tham gia và giật giải thì có đủ mọi loại "thập cẩm" từ khắp nơi. Ví như nhóm sản phẩm "Cụm tời máy nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị" của Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi đến sản phẩm "Giày thể thao" của một công ty ở Đà Nẵng. Rồi thì "Yến sào Sài Gòn" hay có những sản phẩm tên hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài mà chỉ có những người làm trong lĩnh vực chuyên môn của ngành ấy biết được như sản phẩm “Genta costrim” của một công ty cổ phần về dược và vật tư thú y... Chẳng hiểu với tiêu chí của Ban tổ chức, những sản phẩm như thế này chứa đựng được bao nhiêu phần trăm của cái "trí tuệ" nói trên?

Chưa hết, cái gọi là "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" mà Ban tổ chức đưa ra lại có cả những sản phẩm xuất xứ từ...  nước ngoài mà mới chỉ nghe thôi, bạn đọc giàu trí tưởng tượng nhất cũng không tài nào nghĩ đến việc đưa nó vào danh sách, chứ đừng nói đến chuyện trao thưởng. Đó là "Cửa cuốn công nghệ Úc - Đức - Smartdoor" hay "Xe máy Attila" của một liên doanh Việt Nam - Hàn Quốc. Rõ ràng là một hành vi quảng cáo trá hình khi những loại sản phẩm nằm trong danh mục cấm quảng cáo được tuyên dương công khai như sản phẩm rượu Vodka VIORIGIN 30%V cũng nằm trong danh sách...

Nực cười là ngay chính bản thân những sản phẩm được đưa vào danh sách trao thưởng, trong những dòng thuyết minh về mình, đố tìm thấy có sự liên quan nào đến "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội".

Điển hình như trong danh sách này còn có một sản phẩm khá đặc biệt là hộp mực in XP pro. Theo như giới thiệu thì sản phẩm này đã "trang bị dây chuyền máy móc, thiết bị ngoại nhập hiện đại và đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế”...

Một sản phẩm khác là bia tươi Legend được giới thiệu như sau: "Sản phẩm bia tươi của Legend... sử dụng nguyên liệu chế biến bia nhập từ Đức và đã từ lâu trở nên quen thuộc với giới sành bia tại Hà Nội...".

Tương tự là các sản phẩm bánh gạo Gia Thái được giới thiệu là sản xuất trên dây chuyền công nghệ nhập khẩu từ Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... Quảng cáo, tự giới thiệu về mình không đúng chỗ, nhạo báng người tiêu dùng và nhạo báng chính cái tiêu chí cao đẹp của nội dung "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội", thật khó chấp nhận.--PageBreak--

Không những quá "đa dạng" về xuất xứ hàng hóa, về thể loại sản phẩm có một không hai mà người ta gọi là "tiêu biểu" trong chương trình "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" cũng có nhiều điều phải nói. Không thể tưởng tượng được, sản phẩm có tên "Công trình trụ sở làm việc Công an tỉnh Thái Bình" cũng nằm trong danh sách này. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm lạ vừa mới xuất hiện tại Việt Nam do du nhập từ nước ngoài như "Chân giò hun khói" hay "Kem Việt - Ý". Thêm một cái tên hoàn toàn "Tây" là sản phẩm "Hanvet KTEhi" mà người xem không hiểu là sản phẩm gì cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, theo giới thiệu của người dẫn chương trình trong lễ trao giải được tổ chức rầm rộ ngay giữa trung tâm thủ đô cuối tháng 12/2009 thì đây là sản phẩm "có tác dụng nhanh đặc hiệu gây ngưng kết tiêu diệt và trung hòa độc tố E.coli". Đấy là còn chưa kể nhiều loại sản phẩm mà công dụng cũng như tên tuổi của nó vẫn còn rất "mới", rất "lạ" với người Việt Nam cũng có trong danh sách này như "Kem tắm trắng NA Nhân Ái"...

Đành rằng, khi làm bất cứ một việc gì, để thành công, người ta đều phải cần suy nghĩ, cần có trí tuệ, chất xám trong đó. Nhưng khi chọn sản phẩm để trao giải, nhất là lại một giải nằm trong chương trình có cái tên thật là kêu: "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội", thì cần phải hết sức cân nhắc.

Ngoài việc các sản phẩm ấy phải thật xuất sắc, phải thật đặc biệt, thì điều quan trọng đầu tiên, đó phải là sản phẩm của Thăng Long - Hà Nội, hay chí ít ra thì cũng phải có xuất xứ hoặc mối liên quan thật sự gần gũi để ai nhìn thấy, nghe thấy cũng có thể nhận ra ngay. Những sản phẩm thậm chí chỉ vừa mới chân ướt chân ráo du nhập từ nước ngoài như sản phẩm “Chân giò hun khói” của một công ty chế biến thực phẩm hay những thứ mỹ phẩm lạ hoắc cũng được đưa vào danh sách trao giải càng chứng tỏ một sự nhố nhăng trong công tác tổ chức của giải. Thử làm phép kiểm chứng: Nếu xem xét một sản phẩm như "Công trình trụ sở làm việc Công an tỉnh Thái Bình", đố ai có thể tìm ra cái "Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội" ở đâu?

Nói của đáng tội, trong danh sách cũng có một số sản phẩm của các nghệ nhân trên địa bàn thủ đô như sản phẩm lụa tơ tằm mẫu hoa ban của nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, phường Vạn Phúc (Hà Đông); sản phẩm thêu phục chế Long bào Vua Đồng Khánh và áo công chúa đời Lê của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, xã Dũng Tiến (Thường Tín); bộ tác phẩm chum gốm phỏng theo mẫu chum gốm hoa nâu triều Trần (thế kỷ XIII-XIV) của nghệ nhân Trần Văn Độ, làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm)... Nhưng một vài đại diện như thế là quá ít ỏi so với con số 200 trong danh sách, và sẽ càng ít hơn nữa nếu 800 sản phẩm tiếp theo của chương trình được lựa chọn theo cách của Ban tổ chức đang làm.

1000 năm Thăng Long - Hà Nội không nhất thiết phải có 1000 sản phẩm, 1000 doanh nhân hay 1000 doanh nghiệp. Cái cần nhất là làm sao, những người dân thủ đô, đặc biệt là chính những người làm ra các sản phẩm này thấy thật sự tự hào về những tinh hoa mà người Hà Nội từ bao đời nay chắt lọc làm nên. Con số 1000 được tạo ra một cách miễn cưỡng, không những chẳng đem lại sự thành công, mà còn làm cho cả người trong cuộc lẫn người chứng kiến cảm thấy gượng gạo, khó chấp nhận.

Phải có lòng tự hào dân tộc và biết tôn trọng chính mình

Ký ức là đây sao?

Cách đây chưa lâu, người dân thủ đô còn chưa quên một lễ hội lớn được tổ chức ngay trên chính cây cầu lịch sử giữa thủ đô để lại nhiều ấn tượng xấu. Lễ hội ấy cũng khoác lên những dòng chữ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng rồi cái tâm và cái tầm của người đứng ra tổ chức nó lại chưa đạt. Không bán vé rồi bán vé, rồi lại không bán vé. Lễ hội thì được tổ chức quá cẩu thả so với tầm vóc của nó, và so với chính sự quảng cáo rầm rộ về nó trước đó. Với một kế hoạch tuyên truyền rầm rộ, nhiều người đã nghĩ rằng, thật sự đáng tiếc nếu bỏ qua lễ hội ấy. Nhưng trên thực tế, chỉ ngay sau khi diễn ra một thời gian, gần như người dân thủ đô và bạn bè quốc tế, chẳng ai nhắc một chữ nào đến cái buổi lộn xộn hôm ấy.

Rồi thì đây đó, thi thoảng ta lại bắt gặp những tấm biển quảng bá cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những logo hay nội dung quảng cáo của doanh nghiệp dựng nên tấm biển ấy còn nổi bật hơn cả nội dung quảng bá cho 1000 năm Thăng Long.

Và chắc hẳn nhiều người còn chưa quên câu chuyện mới đây về 2 chiếc thuyền rồng xin phép lưu hành trên hồ Thuyền Quang và Hồ Tây của một doanh nghiệp để quảng bá cho hình ảnh Hà Nội trong những ngày Đại lễ sắp tới. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong nội dung xin cấp phép của mình gửi lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, doanh nghiệp nói trên không đề xuất nguyện vọng rằng sau khi qua Đại lễ, 2 chiếc thuyền rồng ấy vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trên 2 hồ nói trên để... phát những hình ảnh quảng cáo về chính doanh nghiệp này!?

Chúng ta hoan nghênh các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay cùng các cấp, các ngành để làm sao có một Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho xứng tầm. Và xã hội hóa cũng là phương thức hợp lý để giải quyết vấn đề nguồn lực cho các hoạt động ấy. Nhưng đừng lợi dụng điều đó để kiếm tiền, quảng cáo trá hình. Trước một sự kiện lịch sử trọng đại của cả đất nước như thế, phải có lòng tự hào dân tộc và phải biết tôn trọng chính mình

Việt Anh
.
.