Xóm lồng đèn giấy kiếng

Thứ Năm, 28/08/2008, 12:45
Đến với xóm làm thủ công lồng đèn trong những ngày gần đến Tết Trung thu này, sự tất bật hối hả của “thời kỳ vàng son” nay đã hết. Thay vào đó là một khu phố đa phần người dân nơi đây sống bằng nghề thủ công, đã chuyển đổi hình thức sản xuất hộ gia đình với bao niềm trăn trở.

Một thời để nhớ

Vào những năm 90 thế kỷ XX, làng nghề nơi đây thuộc khu cư xá Phú Bình, phường 5, quận 11, TP HCM được biết đến với địa danh “làng lồng đèn” hoạt động khá tất bật. Ngay từ những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, học sinh, em nhỏ đã phải lao vào phụ giúp gia đình mưu sinh với một mùa sản xuất mới để kiếm tiền sinh sống cho cả năm.

Ông Nguyễn Văn Tư, đã trên 80 tuổi, một nghệ nhân sản xuất lồng đèn tại số nhà 7B cư xá Phú Bình, phường 5, quận 11 làm lồng đèn từ năm ông 18 tuổi cho đến nay bồi hồi nhớ lại: “Thời đó vui lắm, tận mãi khuya nhưng nhà nào cũng thắp đèn, chẻ cây hồ lô, vót thành những cây mỏng, tạo nên thứ âm thanh vang khắp xóm”.

Thời đó, một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... hay xa hơn là tận những vùng nông thôn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng lặn lội lên Sài Gòn để đặt hàng. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, làng nghề thủ công này đang tàn lụi dần theo năm tháng...

Nghề làm lồng đèn liệu có mai một?

Nhiều nghệ nhân lồng đèn, nối nghiệp gia đình từ khi còn bé. Vì đây được xem là nghề “tổ truyền” nên những khi vào mùa làm lồng đèn thường trùng với những buổi đi học trên lớp.

Theo bà  Bùi Thị Xuân, 50 tuổi, một nghệ nhân làm lồng đèn, ngụ tại số 15A, khu Phú Bình, phường 5, quận 11 trầm ngâm: “Hết rồi thời lồng đèn giấy kiếng, chắc sang năm tôi không làm nữa vì nhu cầu của người chơi lồng đèn giấy kiếng không còn được như trước”.

Bà Xuân cho biết thêm, năm nay gia đình bà chỉ tiêu thụ được khoảng 1.000 cái, trung bình mỗi cái có giá từ 30 đến 40 ngàn đồng. Mặc dù vậy nhưng lợi nhuận không cao bởi giá cả nguyên vật liệu, công vận chuyển ngày càng tăng.

Sự mất giá của lồng đèn thủ công còn khiến những nghệ nhân phải vật lộn từ kiểu dáng, mẫu mã cho đến chất liệu  sao cho ngày càng phù hợp thẩm mỹ của khách hàng

Trong mùa làm lồng đèn, chị Xuân huy động cả gia đình cùng xắn tay vào công việc, bởi ngoài việc làm để duy trì kinh tế gia đình còn là niềm đam mê và giữ gìn nghề truyền thống của ông cha.

Nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn!

Thời đại ngày nay, với công nghệ khá hiện đại nên việc sản xuất ra những mẫu lồng đèn mới không có gì là khó khăn như trước. Từ việc thiết kế, tạo mẫu đều qua máy vi tính. Tuy nhiên, công đoạn sản xuất hàng loạt vẫn phải thao tác bằng tay, tỉ mỉ từng chi tiết.

Từ việc sơn phết màu bảng thô lồng đèn cho đến tô vẽ đều phải làm thủ công để tăng sự khác biệt trên từng sản phẩm. Vẫn còn đó xóm làm lồng đèn giấy kiếng và những nhân chứng sống qua bao nhiêu thập niên khi từng năm trăn trở cuộc sống của chiếc lồng đèn giấy.

Thế nhưng, một thực tế không thay đổi, “thời vang bóng” của xóm làm lồng đèn nay đã dần dần nhường bước, chuyển giao cho thế hệ lồng đèn thủ công, giấy ép và của cả hàng ngoại nhập từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Tư, trăn trở: “Tôi mong sao các cấp chính quyền cần có những phương hướng bảo tồn những làng nghề như thế này, dẫu sao đây cũng là nét đẹp văn hóa được truyền từ bao thế hệ nay.

Nó đã đi vào tâm thức của những người ở tuổi thất thập cổ lai hy như chúng tôi. Mong rằng con cháu sau này có thể biết đến ngày xưa có một làng nghề và những chiếc lồng đèn được làm thủ công từ chính đôi bàn tay của những nghệ nhân”

Đỗ Hưng
.
.