Xông đất “Vương quốc… voọc”

Thứ Tư, 27/02/2013, 00:40

Trước sự kiện Ninh Vân là quê hương của "cây thần dược", ai biết chuyện cũng nhận định đấy là báu vật trời ban cho Ninh Vân. Nhưng nếu chỉ biết đến Ninh Vân là "vương quốc" của cây xáo tam phân thì hơi thiếu sót. Xã miền biển này còn có báu vật trời ban quý hiếm vô ngần khác. Đó là loài voọc chà vá chân đen mà các nhà bảo tồn ví là… "ngọc chà vá"...

Nhắc đến bán đảo Hòn Hèo, người ta thường liên tưởng đến xã Ninh Vân - nơi phát tích loài cây thảo dược xáo tam phân được Viện dược liệu-Bộ y tế ghi nhận có thể điều trị được 5 dòng tế bào ung thư vào cận cuối năm 2012.

Ninh Vân nằm cách quốc lộ 1A gần 50km, đường vào xã là đường độc đạo, lối vào cũng là lối ra, bên vực sâu thăm thẳm, bên núi cao vời vợi. Đường vào Ninh Vân sâu hun hút là vậy lại thêm lắm hiểm nguy khôn lường nhưng những ngày thông tin về cây xáo tam phân được công bố, dòng người từ khắp nơi đổ về nơi đây săn "thần dược" đông nghìn nghịt.

Trước sự kiện Ninh Vân là quê hương của "cây thần dược", ai biết chuyện cũng nhận định đấy là báu vật trời ban cho Ninh Vân. Nhưng nếu chỉ biết đến Ninh Vân là "vương quốc" của cây xáo tam phân thì hơi thiếu sót. Xã miền biển này còn có báu vật trời ban quý hiếm vô ngần khác. Đó là loài voọc chà vá chân đen mà các nhà bảo tồn ví là… "ngọc chà vá".

1. Bán đảo Hòn Hèo trải rộng trên địa bàn các xã Ninh Phú, Ninh Phước và Ninh Vân… nhưng Ninh Vân là nơi có số lượng voọc tập trung đông nhất: "Nguyên nhân vì nơi này đất rộng người thưa, rừng núi ngút ngàn, nguồn thức ăn dồi dào là môi trường sống lý tưởng của loài voọc".

Một sáng đầu năm, ông Trà Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân, mở đầu câu chuyện về loài voọc ngọc chà vá chân xám Ninh Vân bằng hồi ức của những ngày xưa cũ: "Mươi năm trước voọc nhiều vô kể, đếm không xuể. Mỗi khi di chuyển chúng kéo bầy đàn đông đen như một cơn lốc. Ngày ấy ai đi rừng cũng bắt gặp voọc đầy rẫy ở thung lũng Ba Dao, mũi Hòn Cỏ, mũi Đá Chồng, gộp đá Bót Gác…".

Sinh ra và lớn lên ở Ninh Vân nên ông Hải rành rẽ chuyện voọc ở Ninh Vân như lòng bàn tay. Trong ký ức voọc của mình, ông Hải hào hứng kể voọc là loài sống bầy đàn, mỗi đàn có từ vài chục đến cả trăm con, do một con đực làm thủ lĩnh cai quản cả bầy đàn. "Voọc thông minh lắm, chúng hành xử với nhau như người với người. Voọc mẹ rất thương con, luôn chở che bao bọc cho con…".

Không chỉ ông Trà Văn Hải, vì sống ở địa danh "vương quốc voọc" nên từ người già đến trẻ em ở Ninh Vân ai nấy đều rành rẽ, luôn "thủ" sẵn trong mình những chuyện lý thú về voọc. Người nói voọc không hung hãn, không tấn công người như loài khỉ. Có người còn tiết lộ tính cạnh tranh giữa các bầy đàn, đặc biệt trong đàn voọc rất khốc liệt. Voọc chúa, thủ lĩnh bầy đàn khi còn đương kim oai phong liệt lẫm là thế với dáng vóc cao to, toàn thân màu đen, lông đuôi trắng lúc nào cũng dựng đứng, luôn trong tư thế phòng bị vì dễ bị những con voọc trẻ khỏe mạnh nào đó soán ngôi. Khi bị hạ bệ, voọc chúa sẽ như khỉ chúa, lặng lẽ tách khỏi bầy đàn và sống lầm lũi một mình cho đến chết!

Núi rừng Ninh Vân nói riêng - bán đảo Hòn Hèo nói chung rất thích hợp cho loài voọc sinh sống.

Ấn tượng nhất khi tôi được ông Trần Lâm, 62 tuổi, ngụ thôn Đông cho biết ngày trước voọc nhiều vô kể, chỉ riêng số voọc sinh sống tại khu vực mũi Hòn Cỏ đã nhiều hơn số dân của xã. "Nó phải lên đến hàng ngàn con, hễ cứ vào rừng là thấy voọc. Khi gặp người, voọc chúa sẽ báo hiệu cho cả đàn lẩn trốn vào các hang đá hay cây cao. Lúc chúng di chuyển nghe rào rào, chỉ thấy những bóng đen nhảy múa tứ tán và biến mất trong chớp mắt"…

2. Ấy là chuyện của một thời quá vãng.  Chứ bây giờ, câu chuyện về loài voọc ở Ninh Vân ngổn ngang những dấu lặng buồn. Hôm theo chân ông Hải xuyên rừng tìm ngắm voọc, mới thấy sự thật phũ phàng rằng chuyện hễ vào rừng là thấy voọc là chuyện xa lắc xa lơ của cái thuở nào. Bây giờ, len lỏi xuyên rừng, băng qua những gộp đá lớn, men theo triền những con suối khô khốc trong cảnh bị gai đâm gai cứa tứa máu nhưng tìm đỏ mắt chúng tôi cũng chẳng thấy được dáng con voọc nào ở những cánh rừng mà ngày trước cư dân sở tại ghi nhận sự hiện diện bầy đàn đông đúc lên đến hàng ngàn con.

Hôm sau, quyết không bỏ cuộc, chúng tôi tiếp tục xuyên rừng với sự dẫn đường của anh Sáu Dẫn, tay săn voọc khét tiếng ngày nào nay đã hoàn lương. Trên đường đến thung lũng Ba Dao - nơi voọc thường xuất hiện, Sáu Dẫn thành thạo tiết lộ rằng muốn ngắm voọc phải có ống nhòm bởi voọc là loài rất tinh quái, chỉ cần gió thoảng đưa mùi người lướt qua là chúng vội báo động cho bầy đàn ẩn náu ngay. Và voọc chỉ chuyền cành kiếm tìm thức ăn là các loại lá như lá cóc, ngũ gia bì, trái say… từ lúc bình minh đến hơn 10h sáng. Khi nắng lên cao là chúng náu mình trên những cành cây cổ thụ ngủ nên khi ấy muốn gặp cũng chẳng được…

Lần theo chân Sáu Dẫn, chúng tôi gặp may khi được chiêm ngưỡng đàn voọc hơn chục con khi chúng đứng ngồi lố nhố trên một tảng đá được phủ bởi dây leo um tùm. Khu vực chúng tôi ngắm đàn voọc cách xa hơn 500 mét ấy thế nhưng tài làm sao, chừng như đánh hơi thấy mùi người nên đàn voọc biến mất trong tích tắc. Sáu Dẫn tặc lưỡi nói: "Bị săn dữ quá nên voọc rất sợ người. Chứ ngày trước, chúng dạn dĩ lắm. Khi nhận thấy người đi rừng không có ý sát hại mình là chúng chẳng phải lánh mặt, mặc sức chuyền cành đùa giỡn kêu hú rộn rã cả mảng rừng".

Tác giả cùng ông Trà Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân trong một lần vào rừng theo dấu voọc.

Nhắc chuyện sát hại voọc, những gì chúng tôi ghi nhận thật sự hãi hùng với loài động vật vốn dĩ rất gần gũi với con người. Những cư dân bản địa cho biết, ngày trước voọc sinh sản bầy đàn đông đúc, voọc nhiều vô kể bởi dân Ninh Vân đa phần sống bằng nghề biển nên chỉ thích ăn cá, quen ăn cá chứ chẳng khoái giết voọc xả thịt. "Thi thoảng đi rừng, để thay đổi khẩu vị thì tôi bắn một vài con thôi. Dầu gì thì mình là dân biển quen việc buông lưới hơn vác súng vào rừng" - Sáu Dẫn tỏ bày.

Dân ở khu vực bán đảo Hòn Hèo cho biết cơn “đại hồng thủy” đến với loài voọc chà vá chân đen vào khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2000. Trong chục năm này, loài voọc bị lạm sát thê lương. Thời điểm này trào lưu ăn thịt rừng, đặc biệt là mốt tẩm bổ, luyện "nội công" từ tinh hoàn voọc, xương cốt voọc nấu cao, óc voọc… từ những người lắm tiền ở các thành phố lớn đã như liều doping kích thích lòng tham của nhiều người. Thời điểm này, nhiều toán thợ săn ở nơi khác đổ đến kết hợp với người dân ở các xã Ninh Phước, Ninh Vân túa lên rừng bắn bẫy voọc, rồi hình thành trào lưu săn voọc rộng khắp. Để rồi từ binh đoàn hùng mạnh, số lượng đàn voọc hao hụt dần, có thời điểm chỉ còn ngoài 100 con, một con số vô cùng thê thảm! 

3. Mãi đến gần cuối năm 2005, từ thông tin của người dân, đặc biệt là từ nhiệt huyết của ông Sylvio Lamarche - một kỹ sư nông nghiệp người Canada (57 tuổi, đến Việt Nam năm 1994  và định cư tại xã Ninh Phước từ năm 2001) từng ghi nhận sự tồn tại của đàn voọc hàng trăm con và đấu tranh quyết liệt với người dân trong việc ngăn chặn nạn sát hại voọc, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện rừng Hòn Hèo tồn tại quần thể khá lớn voọc chà vá chân đen quý hiếm được IUCN (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) xác nhận đang trong tình trạng nguy cấp.

Đến năm 2007, đoàn khảo sát liên ngành gồm Viện Điều tra quy hoạch rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng quý hiếm Việt Nam thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương qua khảo sát tại 3 xã Ninh Phước, Ninh Phú và Ninh Vân phát hiện có tối thiểu khoảng 100 - 110 cá thể voọc chà vá chân đen.

Sau những phát hiện ấy, tưởng rằng số phận của loài voọc quý hiếm sẽ được bừng sáng trở lại, nhưng không, tình trạng càng thê thảm hơn. Năm 2011, khi được hỏi thăm về quân số voọc, ông Tây "kiểm lâm" Sylvio trĩu giọng cho biết từ năm 2010, ông đã chẳng còn thấy voọc.  Nguyên nhân bởi súng vẫn nổ trong những cánh rừng và phường săn đặt bẫy bọng khắp nơi.

Thức ăn của voọc chà vá là quả cây rừng, lá nõn cây, ngô, khoai, sắn và rau xanh trên nương rẫy, núi rừng... Mỗi năm voọc đẻ 1 con, voọc con xuất hiện trong đàn vào mùa xuân đầu mùa hạ. Theo Sách đỏ Việt Nam, cùng với voọc chà vá chân đen, Việt Nam còn có nhiều loài voọc khác cũng được Sách đỏ Việt Nam và thế giới ghi nhận sự nguy cấp về giống nòi như voọc ngũ sắc, voọc đầu trắng, voọc mũi hếch, voọc Hà Tĩnh, voọc đen má trắng, voọc mông trắng…

Voọc được Sách đỏ ghi nhận là họ khỉ, thuộc bộ linh trưởng, mức độ đe dọa bậc E (đang bị đe dọa tuyệt chủng) do nạn săn bắn và phá rừng bừa bãi…

Tính từ năm 2009 đến cuối năm 2011, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã có 6 vụ săn bắn, giết hại, vận chuyển voọc ở Hòn Hèo được phát hiện với 21 cá thể voọc bị giết chết và xâm hại. Trước vấn nạn ấy, đầu năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức chiến dịch truy quét thợ săn ở Hòn Hèo và qua đó phát hiện dưới một gộp đá tại chân núi đá Trải (thôn Tiên Du 2, xã Ninh Phú) một bao xác rắn bên trong có súng Ak với 10 viên đạn, 4 viên đạn cácbin, 4 viên đại hoa cải…

Đầu năm mới 2013 đến Ninh Vân, chúng tôi cứ mãi băn khoăn với câu hỏi voọc ở Hòn Hèo còn hay đã tuyệt chủng. Và sau chuyến xuyên rừng ngắm voọc, chúng tôi có thể khẳng định rằng những viên ngọc chà vá ấy vẫn còn nhưng số lượng bao nhiêu thì chẳng thể nào đoán định được.

Tuy nhiên, có một điều khởi sắc mà chúng tôi ghi nhận được từ lãnh đạo xã Ninh Vân và người dân ở đây là sau nhiều vụ sát thủ voọc bị đưa ra xét xử nhận án tù và với sự vào cuộc quyết liệt, tuần tra rừng thường xuyên của trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh thì phường săn đã biết sợ. Có lẽ nhờ vậy mà đã có nhiều người khi vào rừng đã thấy voọc, thấy cả khi voọc kéo bầy đàn về resort Ninh Vân nô đùa gây hứng thú cho khách quốc tế khi nghỉ dưỡng ở đây…

Hay tin đàn voọc đang có dấu hiệu tăng trưởng, ai cũng rạng ngời niềm vui. Thế nên trong tâm tình đầu năm, ông Trà Văn Hải tỏ lộ sự kiên quyết sẽ bảo vệ "ngọc quý" ở quê hương mình. Ông nói đàn voọc là linh hồn của núi rừng Ninh Vân nói riêng, bán đảo Hòn Hèo nói chung nên mọi người cùng chung tay bảo vệ. Nếu để mất chúng vĩnh viễn thì có tội với núi rừng, cái tội ấy, khó mà thứ tha được!

Thành Dũng
.
.