Xuất khẩu lao động năm 2009: Không còn chỗ cho lao động không nghề

Thứ Tư, 24/12/2008, 13:45
Cùng với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009 được đánh giá sẽ rất khó khăn với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) bởi thị trường ngày càng kén chọn lao động. Vì vậy với lao động không có nghề sẽ ngày càng khó đi xuất khẩu lao động.

"Bài học" Qatar

Trở về sau chuyến khảo sát tình hình thị trường Trung Đông, gặp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vui, TGĐ Công ty Airseco, doanh nghiệp hiện có nhiều lao động nhất tại thị trường này cho biết hiện thị trường Arập Xêút và Dubai vẫn khá tốt, đặc biệt chủ sử dụng mới đây đã bao luôn tiền ăn cho người lao động, vì vậy thu nhập vẫn ổn định mức 7 triệu đồng/tháng; đáng lo ngại nhất là Qatar bởi nguy cơ thị trường này sẽ đóng cửa với lao động Việt Nam.

Kể từ khi những lao động đầu tiên tới Qatar năm 2006, tới nay đã có hơn 8.000 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại đây. Từng được kỳ vọng là thị trường sẽ thay thế cho Malaysia bởi cần nhiều lao động nước ngoài làm trong các ngành nghề từ dịch vụ, giúp việc gia đình, xây dựng đến lao động kỹ thuật cao.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sang đây, lao động Việt Nam đã mất điểm do quá nhiều vi phạm, từ trộm cắp, đánh nhau, nấu rượu lậu... vì vậy cuối năm 2007, Qatar đã tạm ngừng cấp visa cho lao động Việt Nam để chấn chỉnh.

Tháng 1-2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội (LĐ&XH) Qatar đã ký kết hiệp định về hợp tác lao động giữa hai nước. Tuy nhiên tình hình vẫn không khá hơn khiến chính phủ nước này phải áp dụng biện pháp mạnh.

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, lý do mà Chính phủ Qatar đưa ra để ngừng gia hạn visa cho lao động Việt Nam dù số lao động này chưa kết thúc hợp đồng 2 năm là thời gian gần đây, một số lao động Việt Nam đã có những hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội của nước sở tại.

Trong khi đó Qatar có chủ trương siết chặt việc tiếp nhận lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động phổ thông, nhằm tiến tới nhất thể hóa hợp tác lao động trong khối các nước Vùng Vịnh.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì để xảy ra tình trạng này là do tự ta làm khó cho ta. Lâu nay với những thị trường dễ tính, các doanh nghiệp chỉ quan tâm tới số lượng mà ít khi tính tới đào tạo nghề. Vào lúc thị trường đang cần lao động, nhiều doanh nghiệp khi tuyển xong, thay vì đào tạo theo quy định thì chỉ làm cho có rồi đưa đi.

Khi ký hợp đồng với đối tác thì ký lao động có nghề, nhưng khi sang tới nơi, chủ sử dụng kiểm tra lại thấy không đạt yêu cầu, đưa xuống lao động không nghề với mức lương thấp hơn, từ đây nảy sinh mâu thuẫn vì người lao động không chấp nhận mức lương lao động phổ thông.

Bất mãn vì công việc và thu nhập không được như hứa hẹn, nhiều lao động quay ra phá đám, trộm cắp... đó là chưa kể có nhiều doanh nghiệp đưa lao động sang Qatar nhưng không cử cán bộ đại diện quản lý lao động, dẫn đến chậm giải quyết các vụ việc phát sinh, không kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động... tất cả những nguyên nhân này khiến cho lao động Việt Nam "mất điểm" với chủ sử dụng.

Năm 2009, chỉ còn "cửa" cho lao động có nghề

Năm 2009, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là sẽ đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Đây sẽ là cái đích không dễ dàng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu lao động từ đối tác nước ngoài đã bị thu hẹp về số lượng tuyển dụng. Những thị trường mà số lượng vẫn ổn định thì lại có xu hướng giảm lương.

Ông Lê Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Inmasco, doanh nghiệp từ nhiều năm nay vẫn "chung thủy" với mảng thị trường thuyền viên, cho biết dù gặp không ít khó khăn về thị trường nhưng năm nay doanh nghiệp này vẫn đưa được trên 1.000 lao động đi, trong đó chủ yếu là lao động thuyền viên đi đánh cá cho các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc.

Tuy nhiên cái khó hiện nay với số thuyền viên Hàn Quốc là đồng tiền mất giá nên thu nhập bị giảm đáng kể. Trước kia, với mức lương 800.000 won/tháng, quy đổi tương đương với 800 USD, nhưng nay số tiền ấy chỉ bằng 500 USD.

Nhìn nhận tình hình thị trường năm 2009, ông Hà cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với cái khó khách quan là khủng hoảng kinh tế chưa biết sẽ kéo dài đến bao giờ thì với doanh nghiệp, khó nhất hiện nay là khó tuyển lao động có nghề. Lao động trình độ thấp đã trở thành trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc giữ thị trường đã có và mở thị trường mới.

Theo ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, ở nhiều thị trường lao động Việt Nam không nghề không thể cạnh tranh nổi về giá nhân công với một số nước cung cấp lao động ở các vùng lân cận.

Thực tế hơn 1 năm qua cho thấy, đơn hàng phổ thông không những ít đi mà còn khó thực hiện. Trong khi đó, đơn hàng cần lao động có nghề rất nhiều song lại không có người. Nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối các đơn hàng hấp dẫn, lương cao mà đòi hỏi của chủ sử dụng là lao động phải có nghề 3G, 6G.

Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào đào tạo nghề. Theo ông Lê Thanh Hà, để chuẩn bị cho đơn hàng cung ứng công nhân cho công ty sản xuất giày da ở Nga, sau khi tuyển được người, Inmasco đã phải đưa lao động xuống Hưng Yên học nghề trong một công ty chuyên sản xuất giày.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tiền tỉ xây dựng cơ sở đào tạo, mua sắm thiết bị, tuyển chọn giáo viên tốt để đào tạo nghề theo yêu cầu thực tế thị trường.

 Ông Nguyễn Xuân Vui cho biết, Công ty Airseco đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng cho xưởng hàn công nghệ cao và xưởng may chuyên đào tạo lao động cho thị trường Trung Đông và Đông Âu.

Khi đã được đào tạo nghề bài bản, lao động sẽ có thu nhập ổn định, không những thế khi trở về cũng không lo thất nghiệp. Theo ông Vui, Airseco vừa ký  thỏa thuận đưa  thợ hàn sang làm việc tại  tập đoàn thép Zamil tại Arập Xêút. Khi lao động quay về nước sẽ được nhận vào làm việc trong Khu công nghiệp Nghi Sơn - Thanh Hóa.

Nhận định về tình hình thị trường XKLĐ năm 2009, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho rằng Trung Đông,  Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là những thị trường trọng điểm. Đặc biệt, Đài Loan năm 2008 số lượng lao động đi tăng cao.

Tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với phía Đài Loan để mở cửa cấp giấy phép mới cho các doanh nghiệp cung ứng lao động sang Đài Loan, mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam.

Về chiến lược lâu dài, ông Hòa cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có cơ chế đầu tư cho công tác XKLĐ, đặc biệt là tạo điều kiện, ưu đãi vốn vay và khuyến khích đầu tư để xã hội hóa công tác dạy nghề, đào tạo nghề theo nhu cầu.

Năm nay, Bộ đã thí điểm đào tạo đặt hàng nếu thành công thì sẽ mở rộng lên. "Theo tôi đây cũng là cơ hội  tốt cho doanh nghiệp đầu tư vào công tác đào tạo nghề, ngoài đào tạo cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có thể đào tạo cho xã hội nữa để không lãng phí nguồn lực đã đầu tư" - ông Hòa nói

Nguyễn Thiêm
.
.