Xung điện xóa bỏ ký ức xấu

Thứ Sáu, 04/04/2014, 19:30

Liệu pháp xung điện hay sốc điện (ECT) từ lâu được sử dụng để chữa trị bệnh tâm thần nhưng nay lại có thể dùng để xóa bỏ ký ức xấu. Trong khi sử dụng xung điện tác động đến não bộ với hy vọng chữa trị hội chứng rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD), các nhà khoa học Hà Lan phát hiện các ký ức đau buồn trong quá khứ của bệnh nhân cũng tan biến.

Nhà thần kinh học Marjin Kroes ở Viện Não, Nhận thức và Hành vi Donders thuộc Đại học Radboud Nijmegen (Hà Lan), cho biết: "Ký ức được lưu trữ trong các kết nối giữa các tế bào trong não bộ. Tuy nhiên, nếu những kết nối này bị phá vỡ thì ký ức cũng sẽ bị mất đi".

Nói cách khác, một trong những hiệu quả phụ của ECT là ký ức cũ bị mất đi. Từ lâu, ECT được công nhận là phương pháp điều trị một số bệnh lý tâm thần rất có hiệu quả song cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về liệu pháp này trong giới y học.

ECT hiện vẫn còn được sử dụng tại Hà Lan, Anh và nhiều quốc gia khác như là phương pháp điều trị cuối cùng đối với chứng trầm cảm này. Người ta cho rằng, kỹ thuật xung điện cho não bộ giống như tra tấn bệnh nhân bằng bạo lực nhưng những thử nghiệm xóa bỏ ký ức xấu được nghiên cứu tại Bệnh viện Rijnstate là bức tranh hoàn toàn khác. Bên trong một căn phòng hiện đại ngập ánh sáng, bác sĩ Jeroen van Waarde chữa trị cho khoảng 20 đến 30 bệnh nhân mỗi tuần bằng liệu pháp xung điện.

Để thực hiện ECT, những lá thép mỏng được dán ngay bên trên thái dương của các bệnh nhân. Những sợi dây được nối đến thiết bị phát gửi các xung điện đi ngang qua não bộ gây ra phản ứng co giật tương tự như cơn động kinh - có lẽ vì thế mà người ta cho rằng bệnh nhân bị tra tấn bạo lực! Thời gian đầu, toàn bộ cơ thể bệnh nhân sẽ cứng lại và giật từng cơn do hiệu quả kết hợp giữa sự giảm căng cơ và gây mê.

Dụng cụ tạo xung điện trong điều trị bệnh trầm cảm bằng ECT.

Theo Đại học Hoàng gia Hà Lan (RCOP), sự mất ký ức chỉ là tạm thời song một số bệnh nhân, họ cho biết các ký ức xấu và kéo dài của họ không còn nữa sau khi được điều trị bằng ECT. Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan hy vọng sẽ lợi dụng hiệu quả phụ của ECT để xử lý những ký ức đặc biệt.

Thời gian qua, bác sĩ Kroes và nhóm của ông đã tiến hành nghiên cứu xóa ký ức nơi các bệnh nhân đã trải qua điều trị chứng trầm cảm nặng bằng ECT. Những người tham gia cuộc nghiên cứu của nhóm Kroes được yêu cầu kể lại một câu chuyện cảm xúc của mình. Kết quả cuối cùng cho thấy họ không nhớ được những gì đã xảy ra trước khi được điều trị bằng ECT.

Bệnh nhân Ineke Brussard được điều trị chứng trầm cảm tại bệnh viện và bây giờ chị cho biết "hạnh phúc" hơn trước đây do không nhớ được những chuyện trước khi trải qua ECT. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy trong suốt tiến trình tái củng cố các ký ức thường dễ bị hỏng hay bị xóa sạch.

Simon Buckden, cựu binh từ chiến trường Iraq và Bosnia, mắc phải PTSD và bị ám ảnh suốt với những hình ảnh đen tối của chiến tranh cho biết, anh sẽ ủng hộ phương pháp điều trị ECT nếu nó được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện. Simon cũng tuyên bố nếu các ký ức đau buồn được xóa sạch khỏi não bộ thì anh sẽ cố gắng điều trị bằng ECT.

ECT được phát triển từ thập niên 30 thế kỷ trước bằng cách đặt các điện cực trên trán để đưa dòng điện đi qua não bộ từ đó gây ra cơn co giật cho cơ thể kéo dài 30 đến 60 giây nhưng không được gây mê, và các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng một số bệnh nhân trầm cảm hay tâm thần phân liệt dường như có trạng thái tinh thần được cải thiện hơn sau các cơn co giật như động kinh.

ECT bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong suốt những năm 50 và 60. Hiện nay, ECT trở nên an toàn hơn khi bệnh nhân được gây mê và sử dụng lượng điện kích thích có kiểm soát nhưng liệu pháp thường chỉ được dùng cho số ít các bệnh tâm thần nặng như là trầm cảm nếu như các phương pháp điều trị khác không có kết quả khả quan. Trong khi một số bệnh nhân tâm thần từng có ý định tự sát cho rằng, ECT thật sự đã cứu mạng họ thì một số người khác lập luận rằng liệu pháp xung điện không có tính nhân đạo và thậm chí nhiều người còn muốn phương pháp này bị cấm.

Một bệnh nhân đang được điều trị bằng ECT.

Ngày nay, ước tính có khoảng 1 triệu người trên thế giới được chỉ định điều trị bằng ECT mỗi năm, thường là từ 6 đến 12 đợt trị liệu kéo dài 2-3 lần/tuần. Mặc dù ECT được sử dụng trong điều trị lâm sàng suốt hơn 70 năm qua song cho đến nay, các nhà khoa học vẫn còn mù mờ về cơ chế hoạt động của nó.

Để giải mã bí ẩn này, các nhà khoa học Scotland đã sử dụng kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đối với não bộ của một số bệnh nhân trầm cảm nặng trước và sau khi được điều trị bằng ECT, và sau đó tìm hiểu khả năng kết nối giữa các tế bào não. Kết quả cuối cùng cho thấy, ECT làm giảm bớt các mối kết nối thái quá giữa các vùng xử lý cảm xúc với các vùng kiểm soát tư duy và sự tập trung trong não bộ các bệnh nhân trầm cảm nặng.

Theo các nhà nghiên cứu Scotland, kết quả tương tự như một nghiên cứu trước đó tiết lộ chất ma túy gây ra ảo giác cũng phá vỡ mạng lưới liên kết giữa các tế bào não cho nên có thể hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm nặng.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, ECT có thể được tiếp tục sử dụng trong khi chờ đợi một loại thuốc hay chất ức chế như thế nào đó có thể làm đảo lộn tiến trình ghi nhớ của não bộ nhưng điều này hãy còn xa vời và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa trong giới y học

An An (tổng hợp)
.
.