Xung đột Nagorno – Karabakh và nguồn khí đốt của EU

Thứ Ba, 03/11/2020, 14:28
Cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước láng giềng Aramenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh liệu có trở thành một cuộc chiến toàn diện hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga Konstantin Simonov cảnh báo một trong những hậu quả có thể mang tính toàn cầu của cuộc xung đột này là khiến việc vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ bị gián đoạn.

Chiến sự ở Nagorno - Karabakh nổ ra trước khi dự án TANAP-TAP được hoàn tất. Giai đoạn đầu của dự án này, đường ống dẫn khí xuyên Tiểu Á (TANAP) được khởi động vào năm 2018, là con đường chính để Thổ Nhĩ Kỳ nhận khí đốt của Azerbaijan. Thời điểm hiện tại là giai đoạn sau của dự án đường ống dẫn khí xuyên biển Adriatic (TAP) gần như đã hoàn thành.

Thông qua TAP, khí đốt của Azerbaijan được đưa đến Italy. Xung đột Nagorno-Karabakh nhắc nhở châu Âu rằng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tạo cơ hội cho các tuyến vận chuyển khí đốt thay thế mà còn có thể gây ra những rủi ro đáng kể.

Kho trung chuyển dầu mỏ và khí đốt Sangachal ở Azerbaijan.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, EU  đưa ra chủ trương đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Nga lúc bấy giờ được cho là một đối tác "cứng rắn", các quốc gia hậu Xôviết được coi là những lựa chọn thay thế tiềm năng. Và vấn đề chính là khí đốt. Thế nhưng, điều quan trọng không chỉ là dầu chảy từ đâu mà còn là dầu chảy qua đâu. Ý tưởng xây dựng Hành lang khí đốt phương Nam nảy sinh từ đó. Đây là vấn đề rất quan trọng với châu Âu vì Nga chi phối gần như toàn bộ thị trường khí đốt.

Khu vực Tây Bắc châu Âu có nhiều lựa chọn thay thế khác Nga nhưng khu vực phía Nam lại trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với EU. Trước đó, dự án Nabucco được đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, cơ sở tài nguyên đã khiến nó trở thành dự án đáng thất vọng. Ai Cập sụp đổ vì bản thân nước này đã trở thành nước nhập khẩu khí đốt. Iran giàu tiềm năng nhưng vẫn là một giấc mơ xa vời của châu Âu.

Vì vậy, hy vọng cuối cùng là Azerbaijan lập tức được tán thành. Điều này đã làm thay đổi vị thế và lập trường của Baku. Azerbaijan đã lập tức nhận ra vai trò có cơ hội gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, đồng thời có tiền để tái trang bị cho quân đội do xuất khẩu dầu và giá dầu đều tăng. Chi tiết về các hợp đồng khí đốt do châu Âu (chủ yếu là Italy) không được làm rõ, chỉ biết rằng chúng có lợi cho Azerbaijan. EU từng tuyên bố sẽ không còn các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn gắn với giá dầu nữa nhưng họ buộc phải ký các hợp đồng như vậy với Azerbaijan.

Ngoài ra, nước này còn được độc quyền sử dụng TAP: Các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ không được phép chuyển khí đốt vào đường ống này. TAP có công suất 16 tỷ mét khối một năm, trong đó 6 tỷ mét khối cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, 8 tỷ cho Italy còn 2 tỷ chia đều cho Hy Lạp và Bulgaria. Công suất này chưa phải là lớn, song nó có thể giúp khôi phục ý tưởng về Hành lang khí đốt phía Nam phiên bản nhỏ.

Đây là lý do dẫn đến sự ra đời của dự án TANAP-TAP. Các tuyến vận tải đều đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia này cũng nhận ra rằng họ đang đóng vai trò quan trọng đối với châu Âu. Cuối cùng, tham vọng của họ đã lớn dần với dự án đường ống dẫn khí từ Nga. Moscow đang tích cực tìm cách không phải vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường tránh phía Nam sẽ đi qua Bulgaria. Tuy nhiên, nước này đã từ bỏ dự án trước sức ép trực tiếp của Mỹ.

Sau đó, 4 đường ống của dự án Dòng chảy phương Nam được chia thành các phần bằng nhau theo hướng Bắc và Nam. Một nửa của dự án trở thành Dòng chảy phương Bắc 2. Và ở phía Nam có một biến thể với Thổ Nhĩ Kỳ. Các tuyến đường phía Bắc và Nam được cho là kết nối tại trung tâm Baumgarter của Áo. Thổ Nhĩ Kỳ suýt phá bỏ kế hoạch sau khi chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi ở Syria hồi tháng 11-2015.

Dự án Đường ống dẫn khí xuyên biển Adriatic (TAP) gần như đã hoàn thành.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình bắt đầu trở lại bình thường và Ankara nảy ra ý tưởng về một trung tâm khí đốt. Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ không trở thành nhà bán lẻ khí đốt được nhưng việc quá cảnh cũng thực sự có lợi. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cửa ngõ phía Nam để đưa khí đốt vào châu Âu.

Tuy nhiên, các số liệu năm 2020 cho thấy nguồn cung khí đốt từ Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ đang sụt giảm. Điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không còn nguồn cung khí đốt. Ngược lại, họ là một trong những quốc gia có nhiều nguồn cung nhất ở châu Âu, bao gồm 3 nguồn cung khí đốt từ Nga, Azerbaijan, Iran và 4 kho nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG). Đồng thời, khí đốt của Nga được cung cấp theo các hợp đồng dầu khí dài hạn. Do đó, giá khí đốt của nước này đã trở nên khá cao vào năm 2019.

Hiện tại, cho dù đại dịch COVID-19 đang hoành hành và các công ty trong lĩnh vực LNG buộc phải ngừng kinh doanh nhưng LNG vẫn tiếp tục được đưa sang châu Âu và  Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm được phương án thay thế việc nhập khẩu khí bằng đường ống truyền thống. Năm 2020, Azerbaijan trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vẫn coi Azerbaijan là đối tác thân thiết.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.