Xung đột thương mại Nhật – Hàn chưa thể hạ nhiệt

Thứ Ba, 26/11/2019, 12:40
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết ngoài việc khởi kiện và đàm phán ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang tiếp xúc qua nhiều kênh khác nhau.

Sở dĩ Hàn Quốc cần đến đàm phán như vậy là do vừa có sức ép ở trong và ngoài nước, vừa là kết quả khuyến khích từ sự thay đổi ở phía Nhật Bản. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Xung đột thương mại giữa hai bên khiến môi trường phát triển kinh tế của Hàn Quốc bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. OECD hạ dự báo tăng trưởng từ 3,2% xuống 2,9%, là mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng.

Báo cáo của WTO nêu rõ  tổng lượng xuất khẩu của nước này từ tháng 1 đến tháng 7/2019 là 317,336 tỷ USD, giảm 8,9%, mức giảm mạnh nhất trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 27% và 12% tổng lượng xuất khẩu của Hàn Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm trung gian chủ yếu là mặt hàng điện tử như chất bán dẫn, bị tác động trực tiếp.

Tranh chấp thương mại Hàn - Nhật từ tháng 7-2019 đến nay có tác động nhiều đến kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn - một ngành trụ cột của nước này. Samsung là tập đoàn xuyên quốc gia lớn nhất của Hàn Quốc, ảnh hưởng của tập đoàn đối với chính sách của Hàn Quốc được thể hiện qua thị phần kinh tế cao. Kim ngạch tiêu thụ của Samsung Electronics, công ty con lớn nhất của Samsung, chiếm tới 14,6% GDP, kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019.

Trong lĩnh vực bán dẫn, doanh nghiệp Nhật Bản là nguồn cung ứng linh kiện chủ yếu của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tờ Nihon Keizai Shimbun phân tích trong tranh chấp thương mại giữa hai nước, Samsung Electronics vẫn rất coi trọng Nhật Bản và nhấn mạnh đối với Công ty Samsung chủ yếu nghiên cứu phát triển mặt hàng bán dẫn cao cấp thì mua linh kiện hàng đầu của Nhật Bản là điều tất yếu. Trong lĩnh vực bán dẫn, doanh nghiệp Nhật Bản là nguồn cung ứng linh kiện chủ yếu của Samsung.

Trong danh sách 100 nhà cung cấp linh kiện hàng đầu mà Samsung có quan hệ thương mại công khai, có 23 doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ đứng sau 39 doanh nghiệp của Hàn Quốc. Hai là Samsung hiểu rõ rủi ro của việc thay đổi nhà cung cấp, sản xuất chất bán dẫn cần 2-3 tháng để hoàn thành hàng nghìn công đoạn chi tiết, cho dù là cùng một nguyên liệu.

Tranh chấp thương mại kéo dài giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ lan sang lĩnh vực hạn chế nguyên liệu nhập khẩu, tác động đến các ngành khác. Đối với nguyên liệu bị hạn chế nhập khẩu, chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc tuy thông qua tăng cường đầu tư, thực hiện nội địa hóa nhưng những ngành nghề khác có thể bị ảnh hưởng đều phải tăng cường nội địa hóa, không những tốn kém mà bản thân sản phẩm cũng khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bên mua. Vì thế, thúc đẩy đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại là yếu tố quan trọng nhất giữa hai bên lúc này, đặc biệt là với phía Hàn Quốc.

Việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc và thái độ cứng rắn về vấn đề lao động cưỡng bức đã kích động tình cảm của người dân Hàn Quốc, khiến một số vấn đề mâu thuẫn trong thương mại dần mang hơi hướng chính trị. Tháng 9/2019, Hội đồng Lập pháp ở 5 tỉnh và thành phố của Hàn Quốc thông qua điều khoản “Doanh nghiệp tội phạm chiến tranh”, lấy lý do các doanh nghiệp này chưa chính thức xin lỗi và bồi thường bởi những gì quân phiệt Nhật Bản đã gây ra trong quá khứ, Thế chiến II. Những điều khoản này cũng bị coi là làm tổn hại đến giao lưu giữa chính quyền địa phương của hai nước.

Mâu thuẫn trong vòng đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc tại vòng đàm phán thứ 11 cũng khiến cho nước này thêm phần khó khăn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Hàn Quốc phải trả giá cao, mỗi năm phải gánh vác chi phí cho quân đồn trú Mỹ ở Hàn Quốc gấp 5 lần hiện tại, tức là tương đương 4,8 tỷ USD. Tuy thực sự lâm vào khó khăn nhưng trong tình thế cuộc tranh chấp thương mại Nhật - Hàn đang căng thẳng, Hàn Quốc chắc chắn không muốn thêm những sứt mẻ với đồng minh quan trọng nhất của họ, nước Mỹ.

Tuy thế, sự thay đổi thái độ của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán song phương với Hàn Quốc đã tạo điều kiện để tổ chức và nâng cấp hội đàm giữa hai bên. Từ khi thực hiện chính sách hạn chế thương mại đối với Hàn Quốc đến nay, Nhật Bản có sự thay đổi, từ lúc từ chối gặp mặt, tiến hành gặp mặt nhưng chỉ bàn về chính sách, đến đồng ý gặp mặt, Thủ tướng Shinzo Abe đã có sự thay đổi thái độ cần thiết cho hội đàm song phương với Hàn Quốc.

Vấn đề ở đây là mâu thuẫn hai nước không chỉ liên quan đến vấn đề tiền bạc mà còn có liên quan đến yếu tố lịch sử. Tuy Hàn Quốc và Nhật Bản đang cố gắng giải quyết sớm vấn đề này nhưng trong tình hình giao lưu nhân dân giảm đi, nền tảng hợp tác không vững chắc, vấn đề tồn tại rủi ro e là sẽ còn kéo dài. Chưa cần bàn đến tranh chấp thương mại Nhật - Hàn có thể giải quyết nhanh chóng hay không, một bài học rút ra là chính phủ phải thận trọng hơn khi xử lý vấn đề.

Sự phát triển của công nghệ khiến sự tiếp xúc với các nguồn tin dễ dàng hơn, cũng dễ bị tác động hơn, mà rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới và chênh lệch giàu nghèo gia tăng khiến sự bất bình của dân chúng gia tăng. Khi chính sách tác động tiêu cực đến dân chúng, tuy dễ dàng giành được chỗ dựa hợp pháp hóa chính sách nhưng cũng đối mặt với rủi ro cao hơn về mất kiểm soát dư luận có tâm lý chống đối.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.