Xung quanh dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc

Thứ Năm, 18/05/2017, 15:45
Trong hai ngày 14 và 15-5, tại Bắc Kinh, vừa diễn ra Diễn đàn hợp tác quốc tế “Một Vành đai, Một Con đường”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết một ngân khoản 124 tỷ USD dành cho dự án đầy tham vọng này. Trong khi nhiều nước tỏ ra hào hứng thì không ít quốc gia lại hững hờ, thậm chí không tán thành.

Phía sau động lực kéo tăng trưởng kinh tế là gia tăng ảnh hưởng trên các lĩnh vực khác

Phát biểu trước 29 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chấm dứt mô hình hợp tác cũ dựa trên sự tranh giành quyền lực ngoại giao. “Chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở và duy trì cũng như mở rộng một nền kinh tế mở trên thế giới” - ông Tập Cận Bình nói.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định ông có đầy đủ lý do để tin vào tương lai của dự án này, một sáng kiến mang đậm dấu ấn của ông, do chính ông đưa ra vào năm 2013, nhằm thúc đẩy con đường tự do thương mại toàn cầu, bắt đầu với đại lục Á - Âu. Theo ông Tập Cận Bình, mặc dù cam kết về con đường hướng tới "hòa bình và thịnh vượng" vẫn còn là một chặng đường dài nhưng có thể đạt được nếu tất cả các bên liên quan cùng nỗ lực.

Từ lâu, các chuyên gia đã cho rằng, với việc thúc đẩy xây dựng chương trình “Một vành đai, Một con đường” (còn được ví von là “Con đường tơ lụa” mới quy tụ một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu Âu), Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của riêng mình, làm suy yếu ảnh hưởng của các đối thủ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Florida, ngày 6-4-2017.

Một số khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo đang trong tình trạng nợ nần chồng chất nhận được trợ giúp của Trung Quốc.

Cách đây 2.000 năm, đế chế Trung Hoa đã dùng Con đường tơ lụa để vận chuyển sản phẩm của họ sang châu Âu bằng lạc đà. Ngày nay, sự khôi phục tuyến đường này sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt uy thế của cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo Tom Miller, tác giả quyển biên khảo “Giấc mơ châu Á của Trung Quốc”, “một bước ngoặt quan trọng đã được thực hiện dưới thời ông Tập Cận Bình. Ngày nay, Trung Quốc muốn đóng một vai trò tích cực trên sân khấu quốc tế. Trung Quốc thực sự hiện diện ở hàng đầu và đang tìm cách đóng vai trò chủ đạo”.

Ông Miller cho rằng, guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cố gắng cho mọi người tin rằng các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống hải cảng được tài trợ với hàng tỉ đôla, sẽ có lợi cho tất cả.

Trên thực tế, nước chủ yếu được lợi là Trung Quốc. “Trung Quốc muốn trở thành động lực kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi lên và thành nhà lãnh đạo ở châu Á. Trung Quốc tin rằng, khi giúp các nước khác phát triển, các nước đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng về chính trị!” - ông Tom Miller nhận định.

Nhưng Trung Quốc cũng nhìn thấy rằng dự án đó là một giải pháp mầu nhiệm cho nền kinh tế của chính họ. Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, và Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới ở nước ngoài. Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép. Vì vậy, nếu có thể xuất khẩu sản phẩm này, họ có thể giảm bớt tình trạng sản xuất thừa.

Chính vì những điểm còn mơ hồ trong dự án này mà nhiều nước còn tỏ ra nghi ngờ về lợi ích đem lại từ Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Từ giữa tháng 7-2017, Bắc Kinh sẽ cho phép tái nhập khẩu thịt bò Mỹ.

Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Quốc. New Delhi không hài lòng với việc các công ty do Chính phủ Trung Quốc quản lý đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Quốc có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.

Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga rất cần Trung Quốc trong thời gian gần đây. Theo giới phân tích, Moskva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Quốc vốn năng động hơn Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6-2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con đường tơ lụa của Trung Quốc bằng cách đề xuất một “Đại dự án Á-Âu”, trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Moskva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Warsaw, sáng kiến đó cho phép Điện Kremlin “duy trì được thế chủ động chính trị trong khu vực”.

Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.

Mỹ - Trung Quốc đạt được một “Thỏa hiệp phi thường”

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Mỹ. Một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị ở Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.

Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Quốc tự do tung hoành, khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Quốc. Và còn ngạc nhiên hơn là ngay trước ngày diễn ra thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, Mỹ đã đạt được những thỏa thuận thương mại “rất có ý nghĩa” với Trung Quốc.

Ngày 12-5-2017, Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận quan trọng liên quan đến 3 lĩnh vực. Thứ nhất, từ nay đến giữa tháng 7-2017, Bắc Kinh sẽ cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò của Mỹ vào thị trường nội địa. Thịt bò Mỹ bị cấm nhập vào Trung Quốc từ năm 2003 sau khi phát hiện virus gây bệnh bò dại.

Tháng 9-2016, lệnh cấm này đã phần nào được nới lỏng, trước nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn tại Trung Quốc. Đổi lại Mỹ cũng vừa thông báo sẽ sớm dỡ bỏ biện pháp cấm nhập thịt gà, vịt của Trung Quốc vì sợ lây nhiễm cúm gia cầm.

Thứ hai, Washington cho phép các tập đoàn Trung Quốc mua khí đốt của Mỹ và bảo đảm là các “doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng như tất cả các quốc gia” chưa hoặc không ký hiệp định thương mại với Mỹ.

Sau cùng, Bắc Kinh hứa sẽ cho phép các hãng nước ngoài cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân Trung Quốc, nhanh chóng mở cửa các dịch vụ giao dịch và thanh toán qua hệ thống điện tử.

Theo giới quan sát, Mỹ và Trung Quốc đã sang trang giai đoạn Tổng thống Trump dọa trừng phạt Trung Quốc nhập hàng rẻ vào thị trường Mỹ. Đây là tiến bộ cụ thể nhất từ khi Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng sau khi nhiều việc ông muốn làm vấp phải rắc rối không đi đến kết quả gì.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các lãnh đạo tham gia diễn đàn “Một Vành đai, Một Con đường” tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14-5-2017.

Khi tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần than phiền về tình hình nhập siêu mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc, và đe dọa nếu đắc cử ông có thể cho áp dụng biện pháp trừng phạt quan thuế trên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng cho đến bây giờ, ông lại tỏ ra sẵn sàng mở rộng trao đổi mậu dịch song phương, và quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ nồng ấm hơn thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama.

Chính quyền Donald Trump coi thỏa hiệp trên là bước tiến mới để phát triển xuất khẩu và giảm thâm hụt mậu dịch Mỹ-Trung. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gọi thỏa hiệp là “thành tựu phi thường, một thành quả lớn nhất trong lịch sử thương thuyết mậu dịch Mỹ-Trung”.

Tuy nhiên, Joshua Meltzer, thành viên chương trình Phát triển và Kinh tế toàn cầu của Brookings Institution, cho rằng tuyên bố ấy hơi lố, dù cho đây là một bước tích cực của cuộc đối thoại về vấn đề xem xét lại toàn diện quan hệ kinh tế Mỹ-Trung. Theo ông Meltzer, thỏa hiệp này có thể mở ra những cơ hội mới cho Mỹ ở các ngành từ nông nghiệp, năng lượng, đến tài chính, các lĩnh vực thường gặp khó khăn trong việc xâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhưng ông nhắc nhở là trong quá khứ Trung Quốc từng có nhiều cam kết tích cực rồi không tuân hành đầy đủ.

Nhiều chuyên gia thương mại khác cũng đánh giá thỏa hiệp trên là chỉ đạt kết quả bình thường so với những điều Trung Quốc hứa hẹn trước kia. Ông David Dollar, cựu viên chức Bộ Tài chính Mỹ và thành viên Brookings Institution, cho rằng thỏa thuận sẽ chỉ ít có ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ. Thịt bò và thanh toán tài chính điện tử đều là những cái Trung Quốc từng nhiều lần hứa hẹn.

Tháng 9-2016, Trung Quốc đồng ý giải tỏa lệnh cấm thịt bò Mỹ với điều kiện thịt bò phải không quá 30 tháng tuổi, tuy vậy, với nhiều thủ tục khác chưa được quy định dứt khoát, nên sau đó Trung Quốc vẫn chưa mua thịt bò Mỹ. Bán thịt bò qua Trung Quốc là một mục tiêu ưu tiên của nông gia Mỹ vì sức tiêu thụ của thị trường này đang lên nhanh, tăng gấp 10 lần từ 2010 đến 2015, do dân chúng có mức sống khá hơn. Mỗi năm Mỹ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn thịt bò qua 112 nước, trị giá 6.3 tỷ USD.

Không được vào thị trường Trung Quốc, thịt bò Mỹ chỉ có thể bán qua Mexico, Nhật, Hàn Quốc, và Canada, trong khi một số nước châu Âu cũng làm khó. Những nước khác bán thịt bò cho Trung Quốc, thị trường đứng thứ nhì thế giới hiện nay là Úc, tiếp sau là Uruguay và New Zealand. Giới tài chính Mỹ hy vọng, qua thỏa thuận này, đến cuối năm 2017, mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ giảm được đáng kể.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2016 đã lên tới 347 tỷ USD. Trong khi đó, thịt gà nhập từ Trung Quốc chắc chắn sẽ có giá rẻ hơn gà Mỹ và như thế các nông gia nuôi gà ở Mỹ sẽ bị khó khăn. Vấn đề còn lại sẽ là dân Mỹ có sẵn sàng tiêu thụ thịt gà Trung Quốc hay chọn “Nước Mỹ trên hết” theo Tổng thống Trump.

Theo lời ông Ross, Washington cũng đồng ý công nhận sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc có tiềm năng là kế hoạch phát triển lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc muốn bằng chiến lược này nắm vai trò chủ đạo trong thời đại toàn cầu hóa trong khi Mỹ muốn lui bước về quốc nội.

Mặc dù dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc sẽ liên quan tới hàng trăm quốc gia, nhưng cho đến nay Tổng thống Donald Trump của Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật, và Thủ tướng Angela Merkel của Đức, chưa tham gia vào sáng kiến này. Tuy nhiên, trong hội nghị vừa qua tại Bắc Kinh, Mỹ đã gửi một phái đoàn đến quan sát.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.