Xung quanh giải Nobel Y học 2010

Thứ Ba, 12/10/2010, 11:20
Ngay sau khi danh tính của người đoạt giải Nobel Y học 2010 được công bố chiều 4/10 vừa qua, giới chuyên môn trên thế giới đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục xung quanh công trình của Giáo sư Robert Edwards trong việc tìm ra phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cũng như vấn đề nhạy cảm này có thể có một vài hệ lụy?

Gái có công, chồng không phụ

Khi bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật IVF cách đây hơn 50 năm (cuối thập niên 50) ông Robert Edwards và cộng sự đắc lực Patrick Steptoe không ngờ rằng, phát minh của họ không những là một bước tiến lớn trong y học, mà còn giúp hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sinh con theo ý muốn. Tuy nhà khoa học Patrick Steptoe đã qua đời cách đây 22 năm (1988), nhưng sự hợp tác của ông với Robert Edwards đã giúp tạo nên thành quả hôm nay.

Theo đó, ông Robert Edwards sẽ được nhận giải thưởng trị giá 10 triệu kronor (khoảng 1,5 triệu USD). Đây là tuyên bố hôm 4/10 tại Hội đồng Nobel của Thụy Điển đối với giải Nobel Y học năm nay. Viện Karolinska của Thụy Điển đã đánh giá rất cao đóng góp của ông Robert Edwards vì coi đây là một cột mốc quan trọng trong con đường phát triển y học hiện đại, đồng thời giúp chữa trị căn bệnh vô sinh. Giới chuyên môn đánh giá, phương pháp IVF của Giáo sư Robert Edwards là một trong những tiến bộ y học lớn nhất trong thế kỷ XX.

Theo phương pháp nghiên cứu của 2 nhà khoa học kể trên, các tế bào trứng được thụ tinh ở bên ngoài cơ thể, sau đó phôi sinh ra sẽ được cấy vào tử cung người mẹ. Người mẹ được thử máu 2 tuần sau khi đặt phôi vào để xác định có thai hay không... Nhưng để theo đuổi công trình nghiên cứu của mình đến cùng, Giáo sư Robert Edwards đã bị chỉ trích và công kích rất nhiều của dư luận, giới chuyên môn và tôn giáo.

Khi bắt tay nghiên cứu công trình này (1958), Giáo sư Robert Edwards thấy rằng, trứng người không trưởng thành sau 12 giờ như các nhà khoa học tiền bối tuyên bố trước đó - mà trứng chỉ trưởng thành sau ít nhất 24 giờ.

Mười năm sau (1958-1968), ông Robert Edwards đề nghị bác sĩ Patrick Steptoe giúp đỡ - chọc hút trứng bằng kỹ thuật nội soi để thụ tinh cho trứng. Mặc dù thử nghiệm hơn 100 lần đều thất bại, nhưng ông Robert Edwards vẫn không nản chí.

Đúng lúc chưa biết tiếp tục thế nào thì Giáo sư Robert Edwards biết tin về trường hợp của cặp vợ chồng Lesley Brown và John Brown - vô sinh 9 năm vì ống dẫn trứng của bà Lesley Brown bị tắc (1977). Nhưng khi mang thai, bà Lesley Brown đã phải trốn vì sự săn lùng ráo riết của giới truyền thông. Bác sĩ Patrick Steptoe là người phải đưa bà Lesley Brown tới trốn ở nhà mẹ đẻ mình cho tới gần ngày sinh.

Tuy nhiên, ngay sau khi bé gái Louise Joy Brown chào đời, phương pháp của Giáo sư Robert Edwards và bác sĩ Patrick Steptoe đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến nay đã có hơn 4 triệu trẻ em ra đời bằng phương pháp IVF. Giới khoa học cho biết, hiện có từ 20% đến 30% trứng được thụ tinh theo phương pháp IVF thành công, một tỉ lệ đáng khích lệ.

Giáo sư Robert Edwards, bà Lesley Brown, chị Louise Joy Brown và bé Cameron Mullinder chụp ảnh kỷ niệm tháng 7/2008.

Vẫn là bài toán khó?

Tuy đã 85 tuổi, nhưng nhà khoa học người Anh Robert Edwards vẫn thực sự cảm thấy hạnh phúc khi ông "sinh ra" cô Louise Joy Brown và đây là minh chứng thuyết phục nhất đối với kết quả của công trình nghiên cứu này.

Cách đây hơn 30 năm (25/7/1978), sự ra đời của Louise Joy Brown, người đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng phương pháp IVF đã khiến danh tính của Giáo sư Robert Edwards được cả thế giới biết tới.

Louise Joy Brown sinh lúc 11h 47’ ngày 25/7/1978 tại Bệnh viện Oldham General, nặng 5 pounds và 12 ounces (khoảng 2,608kg). Sự ra đời của Louise Joy Brown đã là một kỳ tích, nhưng "cô bé trong ống nghiệm" tiếp tục khiến thế giới phải quan tâm khi cô lấy chồng, sinh "hoàng tử" Cameron Mullinder và hiện đang sống tại Bristol, miền Tây Nam nước Anh.

Tối 20/12/2006, Louise Joy Brown đã sinh hạ bé Cameron Mullinder trước sự vui mừng của cả gia đình. Được biết, khi lập gia đình (2004), cô Louise Joy Brown không giấu niềm mong mỏi được làm mẹ bởi cô luôn lo rằng, sẽ khó có con theo cách bình thường vì bản thân mình là sản phẩm của ống nghiệm.

Giáo sư Robert Edwards tới dự đám cưới của họ bởi ông là "cha đẻ" của Louise Joy Brown. Louise Joy Brown đã mang thai, rồi đẻ hoàn toàn tự nhiên giống như người bình thường. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu mới đây của giới khoa học thì phương pháp IVF cũng tạo ra một số "phản ứng phụ".

Theo một công trình nghiên cứu của Pháp được công bố tại Hội nghị châu Âu về di truyền người diễn ra ở Goteborg, Thụy Điển cách đây không lâu thì phương pháp IVF là nguồn gốc của sự gia tăng quá mức của các bất thường nhiễm sắc thể, của các khối u hay của những dị dạng, cho dù tỉ lệ này rất thấp.

Cách đây hơn 2 năm, Giáo sư John Aitken của Trường đại học Newcastle, Australia cũng đưa ra cảnh báo, theo đó mọi người không nên quá tin tưởng rằng, chỉ vì đứa trẻ ra đời trông bình thường mà sẽ không có những khiếm khuyết nào xuất hiện khi trưởng thành.

Ngoài ra, người ta đã đánh giá thấp mức độ hư hại gien mà họ đang truyền sang cho các phôi - tỷ lệ khuyết tật bẩm sinh ở trẻ ra đời từ thụ tinh ống nghiệm cao gấp đôi so với trẻ sinh tự nhiên. Lời cảnh báo này được đăng trên Expert Review of Obstetrics and Gynecology số tháng 6/2008.

Giáo sư John Aitken cho biết, cứ 35 đứa trẻ ra đời ở Australia thì 1 cháu là sản phẩm của thụ tinh ống nghiệm. Tỉ lệ này ở một số quốc gia khá cao: 1/20 và sẽ là 1/10 trong thời gian tới, Giáo sư John Aitken nhận định. Tuy nhiên cách lập luận của Giáo sư John Aitken đã vấp phải sự phản đối của giới chuyên môn

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.