Xung quanh trào lưu sáng tác kiêm biểu diễn phủ sóng truyền hình

Thứ Ba, 27/12/2016, 12:20
Sau phong trào tự sáng tác, biểu diễn, phổ biến tác phẩm trên mạng internet thì những sân chơi chuyên biệt trên sóng truyền hình với đội ngũ giám khảo có uy tín nghề nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho đội ngũ những người sáng tác kiêm biểu diễn. Chỉ có điều, đến thời điểm hiện tại, sự kỳ vọng ấy chưa thực sự như mong đợi?

Vàng thau lẫn lộn

Chỉ cần gõ cụm từ “ca khúc Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu” trên công cụ tìm kiếm google, sau vài giây, có hơn 2,2 triệu kết quả. Ca khúc xuất hiện ngay trong tập đầu của chương trình “Sing My Song – Bài hát hay nhất” đang làm mưa làm gió trong cộng đồng mạng, trở thành đề tài bàn tán của cả các nhóm bạn, gia đình ngoài đời thực. Sing My Song cũng đang được coi là cánh cửa rộng mở nhất cho những gương mặt biểu diễn kiêm sáng tác qua sóng truyền hình hiện nay.

Thực tế, “Sing My Song – Bài hát hay nhất” không phải là sân chơi đầu tiên có sự tham gia tranh tài của các thí sinh có khả năng biểu diễn kiêm sáng tác. Trước Sing My Song, người xem truyền hình từng có dịp thấy các thí sinh có khả năng này thể hiện tài năng của mình trên rất nhiều sân chơi đình đám khác. Trong đó, “Bài hát Việt” là một trong chương trình có tuổi thọ khá cao.

Gần đây hơn nhưng cũng vượt trội hơn hẳn về mức độ ồn ào phải kể đến X Factor - Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt… Không hẳn là sân chơi chuyên biệt dành riêng cho các thí sinh có khả năng biểu diễn kiêm sáng tác như Sing My Song nhưng các cuộc thi này đã góp phần không nhỏ trong vai trò cầu nối tích cực đưa nhiều gương mặt trẻ của làng nhạc Việt đến gần hơn với số đông công chúng.

Dàn giám khảo Sing My Song luôn dành nhiều lời khen có cánh cho thí sinh.

Chỉ riêng chương trình Bài hát Việt đã góp phần tạo bệ phóng về mặt tên tuổi cho khá nhiều gương mặt: Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Phạm Toàn Thắng, Tạ Quang Thắng… Trong đó, Tạ Quang Thắng từng là gương mặt liên tục được đánh giá cao trong chương trình với những ca khúc có nội dung bị mặc định mang tính phong trào nhưng đã thổi được sự tươi mới, trẻ trung, gần hơn với các bạn trẻ: Lá cờ, Sống như những đóa hoa...

Với X Factor – Nhân tố bí ẩn, những gương mặt biểu diễn kiêm sáng tác  cũng thấp thoáng trong những phần thi của chương trình với những Adam Lâm, Trương Phước Lộc, Kiều Diễm, Dolphins… Nhưng, phải đến Sing My Song, những giọng ca có khả năng sáng tác mới thực sự có sân chơi vừa chuyên biệt vừa có mức độ phủ sóng rộng và nhanh đến… chóng mặt như hiện tại.

Sau hiện tượng Lê Thiện Hiếu với ca khúc “Ông bà tôi”, Sing My Song tiếp tục đưa hàng loạt các tên tuổi mới có cùng khả năng đến với đông đảo công chúng. Đã quen thuộc phần nào với khán giả có Phạm Hồng Phước, Phạm Toàn Thắng, nhóm MTV.

Chiêu trò ngoài lề

Nhưng, ngay cả với những tên tuổi còn mới tinh như Trần Nhật Hà, Cao Bá Hưng, ban tổ chức cũng luôn khuyến mại thêm cho người xem chương trình giúp họ thỏa mãn trí tò mò. Kiểu Trần Nhật Hà là cháu gái nhà thơ nổi tiếng Phan Vũ, còn Cao Bá Hưng là cháu 7 đời của cụ Cao Bá Quát cùng cách trang trí cho tác phẩm bằng câu chuyện riêng tư kiểu “độc” và… “lạ”: “Lúc còn đi học mình có thích 1 chị lớn hơn hai tuổi. Không biết làm thế nào để tỏ tình cho độc đáo nên đã thử ngồi bên piano và cứ thế cho ra đời ca khúc đầu tiên của Hưng. Rồi một mình ôm cây đàn vừa đánh vừa hát tặng ca khúc đó và bị từ chối. Sau lần đó, Hưng chuyên tâm vào sáng tác nhiều hơn cho đến bây giờ, đa số cách sáng tác của Hưng đều được phổ từ thơ”. Và ca khúc dự thi là nói về cảm xúc thầm thương trộm nhớ của một người con trai dành cho con gái…

No nê với các thông tin  ngoài lề như thế nhưng những nhận xét mang tính định hướng về mặt chuyên môn – điều được chờ đợi nhiều nhất từ đội ngũ giám khảo – huấn luyện viên của chương trình lại gần như bị bỏ ngỏ. Thay vào đó, khán giả tha hồ choáng ngợp trước các mỹ từ và vô vàn những lời khen… có cánh. Mải tranh giành hoặc cố tình tỏ ra tranh giành các thí sinh khiến các huấn luyện viên không tiếc lời vàng ngọc cho tiết mục biểu diễn và gần như quên mất vai trò định hướng, vẽ đường chỉ lối cho sáng tác lẫn biểu diễn của thí sinh.

Thay vào đó, người xem được nhận vô số các nhận xét vô thưởng vô phạt, kiểu vui là chính như “Tôi thuộc mẫu người hay dùng bài hát để cưa gái lúc còn trẻ. Tôi viết rất nhiều bài hát, nhưng chưa bao giờ lấy bài hát để tặng cho hai ba người. Tôi nghĩ đó là một vũ khí rất lợi hại của những anh chàng nhạc sĩ” - Đức Trí chia sẻ sau tiết mục dự thi của Đinh Kai. Hoặc “Tại sao các bạn lại ở đây, tôi và Hải Phong chắc chắn là fan của các bạn, các bạn đừng dành suất của các em” (Đức Trí).

Cũng với tiết mục của Đinh Kai, Nguyễn Hải Phong còn bày tỏ sự tin tưởng ca khúc sẽ được khán giả yêu thích sau khi phát sóng. Những nhận xét khiến người xem có thể nhầm tưởng thí sinh là ngôi sao sáng chói và vẹn toàn trong nghệ thuật càng không ít.

Với Trương Thảo Nhi, nhạc sĩ Đức Trí quả thực không tiếc lời khi thốt lên: “Không phải cứ khó nghe là chúng tôi cổ vũ, em đã thể hiện được cá tính của em. Cho phép tôi gọi đây là một ca khúc nghệ thuật. Nó có cá tính, âm nhạc, sáng tạo và sự mới mẻ mà chúng ta chưa bao giờ thấy. Tôi rất ngạc nhiên khi gặp lại Trương Thảo Nhi, bạn nữ tính hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên vẫn điên dại trong âm nhạc. Tôi hy vọng bạn sẽ giữ mãi điều đó trong sáng tác của mình”.

Lê Minh Sơn cũng tỏ ra không kém cạnh khi ca ngợi: “Thật ra ở Việt Nam, những người điên trong âm nhạc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thật sự hôm nay tại đây, Sing My Song giật mình trước một cô gái bé nhỏ với sự sáng tạo của riêng bạn. Nếu được, tôi sẽ mời bạn về đội của tôi, bởi tôi muốn chia sẻ với bạn nhiều điều. Biết đâu, chúng ta sẽ thành 1 con đường đi chung bởi ngôn ngữ của bạn rất hợp với tôi. Đó sẽ là những gập ghềnh, chông gai nhưng được sống và trải nghiệm. Cám ơn chương trình Sing My Song hôm nay cho tôi được thưởng thức một vài tiết mục mà sẽ ở lại trong tôi không bao giờ tôi quên”.

Nguyễn Hải Phong cũng nhận xét: “Ngay đoạn đầu được vang lên, tôi đã thấy được cái chất của bạn. Tôi không cưỡng lại được phải đẩy cần để xem ai hát trên đó mà thông minh như thế…”.

Lê Thiện Hiếu, hiện tượng gây sốt.

Lạ lùng hơn nữa là ngay cả tiết mục của thí sinh bị đánh trượt cũng ăm ắp lời “mật ngọt”. Sau phần thi trong tập phát sóng thứ 3 của Sing My Song, thí sinh Nhật Hà không được huấn luyện viên nào lựa chọn để đi tiếp; còn nhiều khán giả không khỏi bật cười khi Nhật Hà được khen tặng và khích lệ rất ngoài câu chuyện chuyên môn: “Để tìm được một người phụ nữ cầm bút sáng tác rất quý và hiếm đối với cuộc sống tấp nập như hiện nay. Tôi nhận ra một điều là em rất lãng mạn, tuy hát ca khúc của mình là một điều gì đó rất khó, nhưng em đã là em và âm nhạc là một điều tuyệt vời trong cuộc sống”.

Giám khảo: Cầm cờ hay quất roi ngựa?

Thực tế, trước Sing My Song, khán giả truyền hình cũng từng chứng kiến những lời khen tặng kèm phán xét “chắc như đinh đóng cột” của các huấn luyện viên dành cho tiết mục của các bạn trẻ biểu diễn kiêm sáng tác đi dự thi: tài năng của em sẽ được tỏa sáng, bài hát sẽ trở thành ca khúc hit trên thị trường… Nhưng, có lẽ, người quen cũng đã quá quen với tình trạng giám khảo “phán” một đằng còn kết quả thực tế lại là một nẻo khác và việc thí sinh từng được ca ngợi như ngôi sao, ca khúc từng được đánh giá cao ngất ngưởng vẫn không “sống” lâu trong lòng khán giả sau chương trình chỉ là chuyện bình thường.

Sân chơi và cơ hội dành cho người có khả năng biểu diễn kiêm sáng tác hiện nay không thiếu, có thiếu chăng là đội ngũ người định hướng cho các em, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ. Ánh Tuyết cũng cho biết, khi ca khúc “Ông bà tôi” lan tỏa rộng trong cộng đồng, chị cũng nghe thử, xem thử chương trình và nhận thấy có những ca khúc rất dễ nghe, dễ hát, dễ phổ biến nhưng phần lớn là các sản phẩm vui là chính.

Không thể phủ nhận những sân chơi âm nhạc đang ngày càng nở rộ, kể cả sân chơi cho người có khả năng sáng tác kiêm biểu diễn đã góp phần không nhỏ trong việc tạo bệ phóng cho những người có năng khiếu nghệ thuật trong tiếp cận công chúng, tỏa sáng tài năng. Nhưng việc các huấn luyện viên, giám khảo dành quá nhiều lời khen có cánh cho thí sinh song lại thiếu những phê bình sâu mang tính chuyên môn, không chỉ Ánh Tuyết mà người trong giới đều không lạ, thậm chí còn rất dị ứng.

Gắn bó lâu năm với nghệ thuật âm nhạc, hơn ai hết, chị và các đồng nghiệp đều biết không ít các gương mặt nổi tiếng, kể cả về sáng tác âm nhạc hiện nay nhưng chưa hẳn đã là người biết… nhạc!? Cố nhiên, không phải cứ giỏi nhạc là đã sáng tác được nhạc, và cũng không hẳn không biết nhạc lý thì không thể sáng tác được nhạc.

Ca sĩ Ánh Tuyết.

Tuy nhiên, âm nhạc cũng giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, ngoài năng khiếu ra thì còn cần phải có sự rèn luyện, nếu không muốn nói là khổ luyện, để có được kiến thức, nhận thức và tư duy cơ bản. Đặc biệt là với sáng tác. Nếu không có những nền tảng nhất định thì cái gọi là sáng tác đó thực ra chỉ là câu chuyện lắp ghép các nốt nhạc lại với nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến những vụ đạo nhạc bị phát hiện ngày càng nhiều.

Nữ ca sĩ cũng bức xúc cảnh báo, sự tôn vinh thái quá và dễ dãi không chỉ khiến bản thân người sáng tạo ngộ nhận về khả năng của mình mà còn dễ gây hiểu nhầm trong đại đa số công chúng về nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng. Công chúng tin vào những gương mặt nổi tiếng, tin vào nhận xét của giám khảo nên nếu giám khảo nhận xét theo kiểu ba phải, chịu sự sắp đặt của nhà sản xuất, chưa kể nhiều người ngồi ghế giám khảo nhưng trình độ chuyên môn chưa tới, thậm chí thiếu kiến thức, nhận xét sai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cho tương lai.

Bởi lẽ, truyền hình phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị. Không phải người xem đều có trình độ am hiểu âm nhạc nên cái sai nếu không được nhận dạng một cách rõ ràng sẽ bị ngộ nhận thành cái đúng. Sự thiếu kiểm soát, định hướng cộng thêm sự lũng đoạn của các nhà sản xuất được tiếp tay bởi truyền thông, bởi các trang mạng xã hội, các công cụ khác khiến thị trường âm nhạc hiện nay giống như một cái chợ âm nhạc mà yếu tố giải trí trong đời sống âm nhạc đang bị lạm dụng quá mức. Âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên bị đánh đồng với nhau dễ gây suy nghĩ cái chợ âm nhạc này đang bị thả nổi.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng chưa bao giờ nghệ sĩ, kể cả nghệ sĩ biểu diễn kiêm sáng tác âm nhạc lại có nhiều cơ hội phát huy tài năng như hiện nay. Cơ hội nhiều và môi trường quá lớn, sự phát triển quá nhanh, nhiều khi nhận thức không theo kịp, luật lệ không theo kịp và sự phát triển của đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình cũng không theo kịp.

Trong đó, không riêng gì các sân chơi dành cho người có khả năng biểu diễn kiêm sáng tác âm nhạc mà các cuộc thi âm nhạc đều cần và luôn cần đội ngũ giám khảo đủ uy tín, trình độ chuyên môn và nhân cách. Khi chương trình được phủ sóng khắp nơi, giám khảo cuộc thi không chỉ là người chỉ ra mặt được, mặt chưa được về chuyên môn mà còn là người góp phần “hướng đạo” cho công chúng, hướng dẫn về văn hóa ứng xử trong cuộc sống.

Tâm lý chung của những người dự thi, đặc biệt là người làm nghệ thuật, chương trình biểu diễn phát sóng rộng rãi lại càng thích được khen. Giám khảo nhiều chương trình lâu nay cũng đang ra sức khen nhưng vấn đề là phải làm sao khen cho đúng và tác động tích cực tới sự phát triển của cộng đồng.

Người trong nghề đều hiểu, thí sinh chỉ cần qua vài phút biểu diễn là có thể xác định họ thực sự có tài năng hay không chứ không nhất thiết phải thi triền miên từ đêm này qua đêm khác. Các chương trình, nghệ sĩ càng nổi tiếng thì càng có sức ảnh hưởng lớn và càng cần có sự nghiêm khắc hơn vì rất dễ sai một ly đi một dặm. Ở đó, đội ngũ làm giám khảo, người làm nghề giống như người dẫn đường, người cầm cờ.

Đây là đội ngũ rất quan trọng, nhất là trong xã hội đang có rất nhiều vấn đề, con người bị lôi kéo, chi phối bởi rất nhiều quan điểm sống hiện nay. Nhưng, đội ngũ này chưa thực sự phát huy được vai trò của mình trong thực tế cuộc sống.

Minh Hải
.
.