Xung quanh việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện: Tiền nào thuốc nấy?
Câu chuyện đấu thầu giá thuốc vào bệnh viện theo quy định mới thực sự nóng lên trong vài ngày qua, sau khi Bệnh viện Việt Đức tổ chức một phiên đấu thầu thuốc vào bệnh viện với sự tham dự của gần chục cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Hai luồng quan điểm, một cho rằng thuốc cùng tên thương mại, cùng hàm lượng thì cứ rẻ mà dùng, giảm gánh nặng cho người bệnh và một khẳng định thuốc phải tốt, giá cả hợp lý, đang là nội dung chính của câu chuyện. Liệu có phải hồi kết của cuộc tranh luận này sẽ là đáp án cho câu hỏi: Ai sẽ là người quyết định thuốc vào bệnh viện?
30 tỉnh, thành tổ chức đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo Thông tư liên tịch 01
Thông tư liên tịch số 01 (TTLT 01) do liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành ngày 19/1/2012 và có hiệu lực từ 1/6/2012, có vẻ như qua một năm đi vào cuộc sống đã bắt đầu có những phản hồi. Được biết cho đến nay đã có khoảng 30 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu mua thuốc vào các bệnh viện theo thông tư này. Xét về mặt kinh tế, việc áp dụng theo TTLT 01 này đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo báo cáo của các Sở Y tế địa phương đã thực hiện, có nơi tiết kiệm được 24% chi phí mua thuốc so với trước. Cá biệt có nơi tỷ lệ tiết kiệm lên tới 31%, xấp xỉ con số 57 tỉ đồng như Sở Y tế Hậu Giang…
Một báo cáo phân tích khác của Bộ Y tế cho hay, trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng thuốc có tỉ trọng sử dụng cao tại các bệnh viện đã giảm được hơn 115 tỉ đồng so với năm 2012. So sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể và nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu trước nửa năm 2012 và năm 2013 tại các bệnh viện này, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm hơn so với năm 2012. Bên cạnh đó là không ít cơ hội cạnh tranh bình đẳng được cho là đã trao cho các doanh nghiệp dược trong nước, vốn xưa nay thường lép vế so với các hãng dược nước ngoài.
Còn theo một đại diện lãnh đạo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng, so sánh riêng thuốc của các hãng dược phẩm đến từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc trúng thầu của năm 2012 và năm 2013 cho thấy về cơ bản là tương tự nhau. Khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong 2 năm còn cho biết thêm, có 120 mặt hàng thuốc từ Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc từ Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất… trúng thầu ở cả 2 năm. Trong đó có 77 mặt hàng thuốc từ Ấn Độ và 9 mặt hàng thuốc từ các nhà sản xuất Trung Quốc giảm giá mạnh so với năm 2012.
Tuyên bố này của vị đại diện Cục Quản lý dược được hiểu rằng dù có TTLT 01 hay không thì các cơ sở y tế của ta hiện nay vẫn đang sử dụng ngần ấy mặt hàng thuốc đến từ các nhà sản xuất của Ấn Độ, Trung Quốc… vốn không được đánh giá cao về chất lượng. Chỉ có khác, là sau khi TTLT 01 ra đời, đã có sự thay đổi về giá, có lợi cho người bệnh!
Giảm chi phí mà chữa được bệnh mới là có lợi cho bệnh nhân
PGS. TS. Anh hùng lao động Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đưa ra quan điểm phản biện. Nói về phiên đấu thầu thuốc mới đây, ông cho hay lần nào tổ chức đấu thầu thuốc của bệnh viện cũng là công khai. Và dù không gửi thông báo hay chủ định mời, nhưng ông rất hoan nghênh sự quan tâm của các cơ quan báo chí đã tham dự phiên đấu thầu này.
TTLT 01 nhằm mục đích kéo mặt bằng thuốc, giá thuốc về đúng với thực tại. Và thuốc mà Cục Quản lý dược cho nhập vào là thuốc thật, là thuốc đúng. Nhưng chất lượng của thuốc ấy không thể chữa được ở bệnh viện tuyến trên, đa phần là các ca bệnh nặng. Nói cách khác, một số thuốc, đặc biệt là kháng sinh, chỉ dùng được cho những ca viêm nhiễm thông thường. Còn như đối với các ca nhiễm trùng nặng hay bệnh nhân phải phẫu thuật tới 4 - 5 lần thì các loại thuốc giá rẻ ấy không thể có kết quả. Vì vậy, với Bệnh viện Việt Đức, những trường hợp ấy phải dùng thuốc thật tốt. Quan điểm của Bệnh viện Việt Đức là phải mua được thuốc tốt, giá hợp lý. Chứ không đơn thuần là cứ lấy thuốc rẻ vào. Thuốc rẻ không chữa được bệnh!
Còn như mục tiêu của TTLT 01 nhằm vào việc giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh, theo PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết là tốt. Nhưng giảm chi phí mà chữa được bệnh, thì mới gọi là có lợi cho người bệnh. Còn như giảm chi phí mà uống thuốc bệnh không khỏi, điều trị lây nhây thì không thể coi là có lợi được. Chẳng hạn như kháng sinh cũng có dăm bảy loại. Tùy trường hợp, tùy ca bệnh mà dùng loại nào. Thậm chí kháng sinh dùng quá ngày mà chưa khỏi còn phải đổi loại khác. Vậy nếu giờ cứ thuốc cùng hàm lượng, cùng tên thương mại là chỉ cho vào một loại duy nhất thì làm sao chữa bệnh? Đối với bệnh viện tuyến dưới có thể chấp nhận được, nhưng toàn những ca khó mới chuyển lên tuyến trên, mà lại áp dụng các loại thuốc thông thường là không phù hợp.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, như vậy, liệu có phải cần hai văn bản, một văn bản cho bệnh viện tuyến dưới, một cho bệnh viện tuyến trên hay không? PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định ngay rằng không. Trong quản lý vẫn cần phải có sự thống nhất. Chỉ có điều, như TTLT 01 này, cần phải quan tâm hơn tính đặc thù. Quan điểm của Bệnh viện Việt Đức là thuốc đã vào viện phải là thuốc tốt, và giá hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: “2 loại thuốc trùng tên nhưng giá cả có thể chênh nhau 10 lần”. |
Dùng loại thuốc nào: Phải để cho bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn
TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Viện C) vừa là bác sĩ trực tiếp điều trị vừa là thành viên hội đồng chấm thầu thuốc của bệnh viện đã có cuộc chia sẻ thẳng thắn với phóng viên Chuyên đề ANTG về những bất cập hiện nay.
PV: Thưa TS Vũ Bá Quyết, quan điểm của Viện C về vấn đề đấu thầu thuốc ưu tiên giá rẻ như thế nào?
TS. Vũ Bá Quyết: Một viên thuốc, chẳng hạn như Amoxicillin, ở Mỹ giá tiền khác, ở Việt Nam ta giá tiền khác. Và chất lượng cũng khác. Cái này nói đại thể là như một chiếc xe Ford đấy. Xe ở Mỹ khác xe ở Việt Nam, dù cùng một nhãn hiệu ấy, thậm chí là cùng loại xe ấy. Hỏi rằng tại sao, thì rõ ràng nó là bí quyết của người ta thế. Cách họ giữ gìn thương hiệu nó thế. Có dễ đâu mà họ chuyển giao công nghệ được… Với sản phẩm đặc biệt như thuốc chữa bệnh cũng vậy thôi. Cùng một tên thuốc, cùng hoạt chất ấy, thậm chí cùng tên hãng, nhưng sản xuất tại chính các nước Âu, Mỹ nó khác, mà sản xuất tại một nước thứ 3 như Ấn Độ, Trung Quốc nó khác lắm chứ. Bởi thế quan điểm về dòng thuốc chính gốc và dòng thuốc generic là cần phải rõ ràng. Tiền nào của nấy, đó là nguyên tắc.
Đương nhiên Bộ Y tế đưa ra TTLT 01 là để kìm hãm giá thuốc, đừng để các công ty dược lũng đoạn. Đúng là đợt này các hãng dược nổi tiếng uy tín nhưng thuốc bán giá cao đã bị bật ra khỏi các bệnh viện. Đấy cũng là một cơ hội để các công ty này xem lại chính sách của mình. Không phải cứ lúc nào cũng là tối đa hóa lợi nhuận mà phải nghĩ đến người bệnh nhiều hơn… Nhưng đúng là chúng tôi cũng đã có trường hợp cho bệnh nhân dùng thuốc dòng generic, gọi nôm na là thuốc nhái đấy, sau mổ bệnh nhân cứ sốt mãi. Đến khi dùng thuốc tốt thì mới hết. Bởi thế, dùng thuốc này, cũng như tất cả các nhà ngoại khoa chúng tôi gặp nhau, nói chuyện, thì điều lo ngại lớn nhất lại là chi phí điều trị tăng lên.
Cái này phải nói thêm nữa, đó là trong hệ thống y tế của ta, ngày nằm giường bệnh của bệnh nhân thường là rẻ. Trong khi đó, nếu so với nước ngoài, trừ một số loại bệnh phải dùng thuốc đắt, còn thì thường là tiền giường bệnh bao giờ cũng lớn hơn tiền thuốc. Giường dịch vụ thì tự nguyện, không nói. Ngay nằm Bệnh viện Việt - Pháp một ngày cũng mất 300 USD, nhưng thuốc có khi giỏi lắm là hết đến 50 USD. Còn như bệnh viện của ta, ngày giường bệnh có 100 nghìn đồng, tiền thuốc hết vài trăm nghìn. Như vậy là cái tỉ lệ tiền thuốc trên chi phí điều trị chiếm nhiều, nên người ta mới chỉ nghĩ đến tiền thuốc, nó mới nhạy cảm. Còn khi đạt tiêu chuẩn giường bệnh, ví như nằm ở khoa Quốc tế của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xem, ngày hết 3 triệu thì so với tiền thuốc thế nào? Bởi thế, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc giảm chi phí tiền thuốc mà không tính đến hiệu quả điều trị bệnh thì sẽ chỉ như cắt tỉa phần ngọn thôi.
Tuy nhiên, như đã nói, đây cũng là dịp tốt để các công ty dược phải tự mình xem lại chính sách, điều chỉnh lại giá để mà giữ thị phần.
Một ví dụ cụ thể nữa: Đó là với tình hình như hiện nay, cái khó nhất đối với những người đi mổ như tôi, là trước đây chúng tôi hay cho bệnh nhân dùng kháng sinh dự phòng. Có khi chỉ dùng 1 - 2 lọ là yên tâm, cho bệnh nhân về được. Nhưng với thuốc bây giờ thực là không dám dùng dự phòng. Buộc phải tiêm đủ cho bệnh nhân từ 5 đến 7 ngày. Tự nhiên thế là chi phí giường nằm tăng lên, chi phí điều trị tăng lên. Bệnh nhân không được giải phóng sớm, bệnh viện đã đông lại càng thêm quá tải…
PV: Như vậy bản chất của TTLT 01 hướng tới việc giảm chí phí cho bệnh nhân là tốt, nhưng trong một vài tình huống cụ thể, lại là chưa phù hợp?
- Theo Luật Đấu thầu, cùng loại thuốc này, có rồi thì không được có thuốc khác cùng loại nữa. Do vậy vẫn phải chấp hành quy định đã đề ra nhưng linh hoạt, phải sửa thêm phần nào đó để các bệnh viện có thuốc tốt mà phục vụ bệnh nhân. Chẳng hạn như với bệnh nhẹ nhẹ, vừa vừa thì thuốc như thông tư cho mua là hợp lý… nhưng đôi khi các bác sĩ cũng lạm dụng, điển hình như lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế cũng đã xảy ra. Thế nhưng đối với bệnh nặng, chúng tôi phải có thuốc.
TS Vũ Bá Quyết: “Thống nhất một giá thuốc là một việc nên làm”. |
PV: Có quan điểm cho rằng thuốc giá rẻ nên áp dụng cho bệnh viện tuyến dưới, với bệnh nhân nhẹ. Ông có cho rằng bệnh viện tuyến trên ca bệnh nặng hơn, phải có thuốc tốt hơn?
- Điều đó hoàn toàn đúng. Thêm nữa là chúng ta phân tuyến kỹ thuật, bệnh nặng mới lên bệnh viện tuyến trên. Thế mà thuốc ở đâu cũng như nhau thì chữa trị thế nào? Ví dụ như mổ ghép thận, ghép tạng… thì chỉ có bệnh viện lớn trên này mổ. Thế mà lại không được dùng thuốc tốt, thì ghép thế nào? Còn như ở chỗ tôi có những ca mổ đẻ rau tiền đạo cài răng lược, mổ tới 4 - 5 lần. Như hôm nay tôi vừa mổ một ca, truyền tới 30 - 40 đơn vị máu… Những ca như thế thì thuốc phải loại tốt, liều mạnh mới được chứ. Dùng loại làng nhàng kia, nó mà nhiễm trùng một cái thì chết người như chơi, đùa thế nào được…
PV: Thưa TS, không phủ nhận hiện nay nhiều người bệnh có điều kiện, họ muốn dùng thuốc tốt nhất? Trường hợp ấy bác sĩ có kê đơn cho họ ra ngoài tự mua không?
- Chúng tôi cấm việc bác sĩ trong bệnh viện kê đơn cho bệnh nhân ra ngoài mua. Vừa là đảm bảo chất lượng thuốc nằm trong tầm kiểm soát. Để tránh "cò", bác sĩ com-măng với nhà thuốc… Bởi thế bệnh nhân điều trị nội trú trong chỗ chúng tôi, trừ trường hợp thuốc quá chuyên biệt, nhà thuốc không có, còn thì đều phải sử dụng thuốc của khoa Dược hết. Thế nên mới có tình trạng bệnh nhân đến yêu cầu được dùng thuốc tốt nhất. Người ta có điều kiện. Đó cũng là yêu cầu chính đáng. Và nó cũng là một thực tế cuộc sống. Xã hội đi lên, người ta có điều kiện và muốn những điều kiện tốt nhất cho mình và người thân. Và lúc bấy giờ thì chúng tôi… bó tay?
PV: Vậy thì ở bệnh viện mình, các bác sĩ thường xử lý như thế nào, thưa TS?
- Cái này mới. Ở chỗ chúng tôi chưa xảy ra, và chúng tôi cũng vẫn còn một số lượng nhất định thuốc đã mua từ trước, đủ để đáp ứng những ca khó. Nhưng đây rõ ràng cũng là câu hỏi được đặt ra, kể từ khi bắt đầu áp dụng TTLT 01 này. Tôi đang phụ trách khoa Ung thư. Thuốc ung thư buồng trứng đang dùng của Âu, Mỹ, từ khi có TTLT 01 phải dừng, chuyển sang dùng thuốc của Ấn Độ. Có bệnh nhân không chịu. Thế là lại phải họp hội đồng, rồi yêu cầu bệnh nhân phải làm cam kết nọ kia. Người ta có bảo hiểm hẳn hoi, cũng chẳng được tính. Mà ngại nhất là người bệnh đến với bác sĩ, rồi họ lại phải làm đơn xin tự chịu trách nhiệm để được dùng thuốc do chính bác sĩ kê đơn. Anh nghe thế có thấy sao không?
PV: Thưa TS., việc ra TTLT 01 này phải chăng là bởi trước thực trạng thuốc sử dụng quá trần ngưỡng?
- Tất nhiên là cũng có tình trạng bị lạm dụng, ở một số nơi. Do vậy nên Bộ Y tế rất muốn là đấu thầu quốc gia, Bộ Tài chính đứng ra đấu thầu. Một giá thuốc thì đỡ phải rắc rối như bây giờ. Thế nên mới có chuyện cũng đúng loại thuốc ấy, xuất xứ ấy nhưng vào viện này thì chỉ 60 nghìn nhưng sang viện kia thì lại là 80 nghìn chẳng hạn. Đấy là kẽ hở bị lợi dụng. Theo quan điểm của tôi thì thống nhất một giá thuốc là việc cần làm. Còn mua thuốc gì, dùng thuốc gì trong trường hợp bệnh như thế nào thì nên để cho bác sĩ và người bệnh lựa chọn thì sẽ phù hợp hơn.
PV: Xin cảm ơn TS Vũ Bá Quyết!