Y đức ví mà… xét nghiệm được

Thứ Tư, 28/08/2013, 18:45

Hàng loạt vụ việc dồn dập liên quan đến lĩnh vực y tế cũng như ngành y những ngày qua khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại. Ăn bớt liều vắcxin phòng bệnh của trẻ, những tử vong do sự bất cẩn của nhân viên y tế, khống kết quả xét nghiệm để rút ruột Bảo hiểm y tế… đều là những vụ việc đau lòng không đáng có đối với một lĩnh vực mà y đức luôn luôn phải được đề cao. Những bất ổn tiềm ẩn trong ngành y, đã đến lúc phải nhìn cho thấu đáo hơn?

Tiềm ẩn từ những vụ việc

Tạm lấy theo tuyến tính thời gian, thì có thể nói gần đây nhất là câu chuyện đau lòng xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Cho rằng người nhà tử vong là do lỗi của bệnh viện, thân nhân người bệnh đã đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ. Không mất mát gì lớn bằng mạng người và tử vong trong điều trị, đối với ngành y là điều hoàn toàn có thể xảy ra, song chắc chắn không ai mong muốn. Hành vi côn đồ đập phá bệnh viện, thiết bị y tế, đánh bác sĩ là không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ phải xử lý nghiêm.

Chỉ có điều, nhìn từ sự việc nói trên và một số vụ việc xảy ra gần đây có thể thấy, một khi người bệnh, thân nhân bị mất lòng tin vào người thầy thuốc thì hệ quả sẽ vô cùng lớn. Ngành y là một lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Người bình thường một khi có bệnh, chỉ còn biết "vái tứ phương", trông cậy cả vào chuyên môn và y đức của người thầy thuốc. Ấy vậy mà câu chuyện về lòng tin vào người thầy thuốc, nếu lại được dựa trên những "phán đoán" của người bệnh, thì quả thực quá nguy hiểm, cho cả hai phía!

Nhiều người chưa kịp mừng vì những sự thật "động trời" tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức vừa mới được phanh phui thì đã lại nhanh chóng chuyển sang trạng thái lo âu cho số phận của người tố cáo tiêu cực. Sự lo ngại ấy rõ ràng không phải không có cơ sở, bởi cách đây ít lâu, một câu chuyện khác tương tự cũng đã từng xảy ra tại một đơn vị liên doanh sản xuất ôtô. Người tố cáo, cuối cùng thì cũng có hậu, song rõ ràng hành động đứng lên giữa đám đông quả thực là một sự hy sinh quá lớn.

Nhìn hình ảnh y tá Nguyệt bật khóc trước những lá đơn tố cáo ngược mới thấy được rằng, sẽ còn không ít gian truân cho người dũng cảm đứng lên phanh phui tiêu cực đang ở phía trước. Còn đâu tình bạn bè, còn đâu tình đồng chí đồng nghiệp giữa rừng đơn tố cáo nhau? Sự vào cuộc của các cấp, các ngành thành phố tính cho đến thời điểm này được đánh giá là kịp thời. Khen thưởng cho người dũng cảm tố cáo tiêu cực cũng là sự khích lệ cần thiết. Nhưng cần thiết hơn cả là phải thiết lập lại được môi trường sạch, để những người đứng về lẽ phải có thể yên tâm công tác, yên tâm tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Không còn lo đến chuyện bị trù dập, sớm hay muộn nữa.

Xét nghiệm: Ma trận bao vây y đức

Giáo sư - Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Hòe ngao ngán khi nhắc đến những sự vụ trong lĩnh vực y tế thời gian qua. Giáo sư Hòe nguyên là Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông vẫn được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về tiết niệu ở Việt Nam hiện nay. Học trò và rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè đều kính nể ông bởi năng lực chuyên môn và là một tấm gương sáng về y đức.

Ảnh minh họa.

Là người có chuyên môn sâu và thâm niên công tác hàng chục năm trong ngành, Giáo sư Hòe bảo, lúc ban đầu, chính bản thân các cơ quan truyền thông đại chúng đã đi chệch hướng khi phanh phui ra hơn 1.000 bản kết quả xét nghiệm khống tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. "Nếu thực sự đó là những tờ kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân để bác sĩ dựa vào đó mà chẩn đoán bệnh thì khủng khiếp quá!” - Giáo sư Trần Đức Hòe nói.

Trong ngành y, những yếu kém về chuyên môn dẫn đến chẩn đoán sai cho bệnh nhân đã là không chấp nhận được rồi, nữa là cố tình ngụy tạo ra kết quả sai, thì bệnh nhân còn biết trông chờ vào ai? Rất may là sau đó sự việc đã được xem xét lại đúng với bản chất của nó. Đó là một vụ cố tình khai khống để "ăn" thanh toán bảo hiểm y tế của Nhà nước.

Có một thực tế là sau khi vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được phát giác, đã xuất hiện quan điểm bày tỏ lo ngại rằng liệu trong số hàng ngàn, hàng vạn xét nghiệm y tế diễn ra hằng ngày có xảy ra trường hợp người ta chỉ tập trung vào các chỉ số liên quan đến chẩn đoán của bác sĩ mà bỏ qua hoặc đại khái các chỉ số còn lại trong tờ giấy xét nghiệm ấy không? Nếu thực sự có điều ấy, thì chỉ riêng tiền "tiết kiệm" vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm đã là một con số không hề nhỏ?

Ngoại Tiết niệu xưa nay vẫn là một trong những chuyên khoa chẩn đoán bệnh hầu hết dựa trên kết quả các xét nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, Giáo sư Trần Đức Hòe cho rằng việc nghi ngờ này có vẻ như không có cơ sở. Thứ nhất, để các xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán một loại bệnh cụ thể, bác sĩ bao giờ cũng là người trực tiếp viết giấy yêu cầu xét nghiệm sinh hóa, và đồng thời sẽ đánh dấu luôn vào các chỉ số yêu cầu phải có. Kế toán dựa trên đó tính thành tiền và các xét nghiệm viên cứ thế mà làm. Không thừa và cũng không được thiếu.

Thứ hai, đối với mỗi thông số được yêu cầu xét nghiệm cụ thể, sẽ có hoặc không có các chỉ số đi kèm bắt buộc, và các "gói" hóa chất đi kèm cũng sẽ được tính toán sẵn theo như thế. Một khi được chỉ định thực hiện, xét nghiệm viên sẽ chỉ cứ theo quy trình mà áp dụng, không có chuyện tách rời cũng như càng không có chuyện thêm vào.

Tuy vậy, không phải là không có các cơ sở y tế thiếu y đức, coi các hình thức xét nghiệm, chụp chiếu là… nguồn thu chính. Hễ bệnh nhân bước vào là yêu cầu xét nghiệm, chụp chiếu tràn lan. Vừa chụp hôm trước xong, hôm sau chụp lại. Vừa thử hôm trước, hôm sau lại thử. Thậm chí có bệnh nhân vừa xét nghiệm ở nơi khác về, chỉ sau có mấy tiếng đồng hồ nhưng chuyển sang cơ sở mới vẫn bị yêu cầu phải xét nghiệm lại, nếu không thì "có sai sót gì chúng tôi không chịu trách nhiệm!".

Đối với những trường hợp này, các xét nghiệm vừa có sự chênh lệch về giá, vừa tù mù về chỉ số, bởi thực chất nhiều khi căn bệnh của con bệnh hoàn toàn không cần đến kết quả xét nghiệm đấy. Tuy nhiên, qua trao đổi với một vài chuyên gia trong lĩnh vực y tế, thì kể cả nếu tồn tại một kết quả xét nghiệm ngụy tạo với các thông số không có gì đặc biệt như thế, thì người bệnh cũng như thân nhân không có chuyên môn cũng không cách nào phát hiện ra được.

"Thực ra những lo ngại này cũng là chính đáng. Và ở các nước tân tiến, người ta giải quyết vấn đề này bằng bác sĩ gia đình" - một chuyên gia y tế xin được giấu tên cho biết: "Bác sĩ gia đình ngoài việc xử lý một số vấn đề sức khỏe thông thường, thì còn có trách nhiệm tư vấn cho gia chủ cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu, loại bệnh cũng như những khúc mắc về chuyên môn để sao cho đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho gia chủ".

Nếu bác sĩ không vì quyền lợi của người bệnh

Hái thuốc, trị bệnh cứu người luôn là một nghề được trọng vọng trong xã hội, bất kể xưa nay. Nhưng cũng bởi đối tượng của công việc ấy trực tiếp là con người, nên mọi yêu cầu, ràng buộc lại càng phải khắt khe hơn. Sinh viên Trường Y, đầu vào đã khó, thời gian học cũng lâu hơn các bạn cùng trang lứa. Đến khi ra trường lại cũng chưa chắc đã kiếm được một công việc tốt ở một cơ sở y tế đủ quy mô cho phát triển nghề nghiệp. Tính nhẫn nại, lòng quyết tâm và cả khả năng chu cấp tài chính cho việc học hành của mỗi sinh viên Trường Y đều được thử thách ở mức tối đa. Vì thế, sẽ là vô cùng lãng phí đối với người làm nghề y mà không giữ được mình.

Giáo sư Trần Đức Hòe luôn tâm niệm y đức và dạy học trò như thế. Mọi sai sót, cẩu thả trong nghề y đều phải trả giá đắt, thậm chí là cả mạng sống của con người. Nếu vị trí quản lý càng cao, những quyết định, ảnh hưởng lại càng lớn, càng tác động đến nhiều người.

Trở lại vụ việc tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, Giáo sư Trần Đức Hòe cho rằng mặc dù số tiền rút ruột bảo hiểm ước tính chưa phải là lớn, song đứng trên quan điểm y đức, đây là một việc làm không thể chấp nhận được.

"Rõ ràng họ làm việc ấy vì động cơ kiếm tiền chứ không phải vì quyền lợi của người bệnh. Làm vậy là lừa gạt nhân dân, lừa gạt đồng nghiệp. Những người như thế, nên phải loại bỏ ra khỏi ngành y, khỏi tổn hại y đức của những người làm nghề chân chính" - Giáo sư Trần Đức Hòe nghiêm quan điểm

Việt Ba
.
.