Y tế Công an chủ động trước dịch Corona

Thứ Năm, 13/02/2020, 21:50
Một trong những bài học kinh nghiệm xương máu mà ngành Y tế Việt Nam đúc rút từ đợt đối phó với đại dịch SARS 2002, đó là công tác sàng lọc và điều trị cách ly. Cách ly tốt, phòng dịch hiệu quả.

Trong đó có việc thành lập bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh vừa qua hay việc kiện toàn, củng cố lại các khu điều trị cách ly trong các bệnh viện chính là sự ứng phó chủ động, khẩn cấp của ngành Y tế Việt Nam trước một bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm.

Diễn biến khó lường!

Diễn tiến dịch virus Corona đang diễn ra được Tổ chức Y tế thế giới xác định nguy cơ tử vong cao hơn nhiều lần so với SARS, độ nguy hiểm cũng cao hơn. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn từ tết Nguyên đán tới nay, tại TP Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã nỗ lực dành nhiều giải pháp để giám sát phát hiện ca bệnh dương tính, khoanh vùng, xác định khu vực nguy cơ và đưa trường hợp dương tính vào điều trị cách ly.

Riêng trong các đơn vị Công an nhân dân phía Nam hết sức chú trọng tới khâu giám sát ca bệnh và cách ly trường hợp nhiễm và nghi nhiễm. Thành lập "hành lang an toàn" phòng chống dịch bệnh ngay từ khu kiểm dịch y tế quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất cho tới hệ thống khoa nhiễm tại các bệnh viện của ngành trong thành phố.

Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) dẫn đầu làm việc tại Bệnh viện 30-4 sáng 10-2.

21 giờ ngày 9/2, đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch virus Corona của Bộ Công an do Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch virus Corona của Bộ Công an dẫn đầu vừa kiểm tra, giám sát lần lượt tại các điểm trọng yếu như Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh...

Tại khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết những người đến từ vùng dịch sẽ được bàn giao cho bộ phận y tế quốc tế kiểm dịch để cách ly khi có yếu tố nghi ngờ, được hướng dẫn đi theo một con đường riêng, đơn vị tiếp nhận cũng được cách ly theo đúng quy trình.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã chủ động trong công tác phòng, chống để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ, đến nay chưa có cán bộ chiến sĩ nào bị lây nhiễm. Chỉ có một cán bộ sau khi tiếp xúc và làm việc với một Việt kiều (được xác định nhiễm virus Corona đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) đã được cách ly và kiểm tra sức khỏe, hiện có kết quả âm tính với virus Corona

Hiện tại, lượng người đến sân bay mỗi ngày có khoảng trên 1 ngàn người, nên Cục đã tăng cường 100% cán bộ chiến sĩ làm việc để phân luồng khách tại sân bay; phun thuốc khử khuẩn ở tầng hầm, khu tiếp dân..., đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân và du khách phòng chống dịch, sử dụng nước rửa tay và khẩu trang được trang bị sẵn tại sân bay.

Qua thực tế làm việc tại khu vực cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Y tế Bộ công an cũng đã cấp thêm cho Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất các vật dụng như: khẩu trang y tế, dung dịch khử khuẩn chloramin B, dung dịch rửa tay sát khuẩn... cung cấp thêm 10 bộ phòng hộ cá nhân cho Bệnh viện 30-4 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống lây nhiễm tốt nhất cho những y, bác sĩ và cán bộ chiến sĩ.

Được biết, cũng trong ngày 10/2, đoàn kiểm tra của Cục Y tế Bộ Công an đã làm việc tại Bệnh viện 30-4 Bộ Công an. Đại tá, Ths. BS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc phụ trách  Bệnh viện cho biết, cùng với việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, Bệnh viện đã hướng dẫn các phòng ban nghiêm túc thực hiện các nội dung, kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch.

Bệnh viện đã cử 5 bác sĩ đi tập huấn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh về chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, sau đó về tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của Bệnh viện. Đồng thời, thực hiện quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ nhiễm virus Corona tại Khoa Hồi sức cấp cứu và thông báo các bước thực hiện khi có trường hợp nghi nhiễm tại khu cách ly ở Khoa Truyền nhiễm.

Tại buổi làm việc, Ths. BS chuyên khoa 2 Tô Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Công an TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố, bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai công tác đến công an các đơn vị, địa phương, trong đó chú ý đến các nhà tạm giam.

Tình huống tiếp nhận, cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona thể nặng tại bệnh viện dã chiến.

Ghi nhanh bên trong bệnh viện dã chiến

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác định, nhằm đầy lùi vấn đề lây lan của virus Corona, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh triển khai triệt để công tác giám sát ca bệnh, cách ly, theo dõi, điều trị đối với những trường hợp được xác định nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh từ vùng dịch về và người tiếp xúc với bệnh nhân đã được xác định dương tính. Những trường hợp đến TP. Hồ Chí Minh từ vùng dịch hiện đang được cách ly, giám sát chặt chẽ về mặt sức khỏe trong thời gian 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh).

Do đó, đáp ứng công tác giám sát, cách ly chặt chẽ về mặt sức khỏe với khách nhập cảnh vào Việt Nam, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, thành lập bệnh viện dã chiến phối hợp giữa Bộ tư lệnh thành phố với ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó chỉ trong vòng chưa đầy 5 ngày, ngày 10-2 vừa qua, tại xã Nhuận Đức, Củ Chi, một bệnh viện dã chiến đã được ra đời với đầy đủ các khu tiếp nhận, thu dung, điều trị cho bệnh nhân theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành Y tế. Đáp ứng yêu cầu về một hệ thống giám sát của thành phố ở mức "nhạy bén" hơn, phát hiện người bệnh nghi nhiễm càng nhanh càng tốt.

Sáng 10-2, buổi diễn tập tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona cũng đã diễn ra tại bệnh viện dã chiến vào 9h15 phút. Các bộ phận phối hợp gồm Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện huyện Củ Chi và lực lượng tại chỗ - là cán bộ chiến sĩ thuộc Trung đoàn Gia Định, thuộc Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cùng tham gia. 

Một tình huống giả định được đặt ra: một nam bệnh nhân lớn tuổi nghi nhiễm virus Corona được chuyển đến bệnh viện dã chiến trên xe cứu thương. Trong vòng 10 phút, y bác sĩ trực đã phân công nhau, từng vị trí sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân. Các quy trình được thực hiện nhuần nhuyễn, cẩn trọng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong tiếp nhận, cách ly và điều trị cho bệnh nhân truyền nhiễm.

Các khâu vận chuyển bệnh nhân, đưa vào phòng cách ly hồi sức tích cực, sử dụng các máy móc, thiết bị kiểm tra sức khỏe bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, cấp cứu tích cực... được thực hiện đúng bài bản. Ngay sau khi chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu, xe chở bệnh nhân tới lập tức được tiến hành khử khuẩn, phun hóa chất, đảm bảo không lây lan virus ra môi trường.

2 trường hợp bệnh nhân khác gồm 1 nam và 1 nữ (có tiếp xúc gần) được di chuyển đồng thời vào buồng bệnh theo dõi. Việc khai thác bệnh sử, ghi nhận tình trạng dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, ghi nhận các chỉ số, sinh hiệu của bệnh nhân... được tiến hành khẩn trương.

PGS-TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế  TP Hồ Chí Minh cũng cho biết ngành Y tế thành phố đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành phố chuẩn bị một bệnh viện dã chiến cơ sở 2 (tại huyện Nhà Bè) với 200 giường.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng - Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cho hay, bệnh viện dã chiến cơ sở 1 chỉ ra đời trong vòng 5 ngày, từ 6-2 tới 10-2, đã chính thức đi vào hoạt động, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly những bệnh nhân tại các quận, huyện khi có triệu chứng nghi nhiễm virus Corona (sốt, ho, khó thở...).

Trước đó, sau khi họp bàn thống nhất, Ban Tham mưu Bộ Tư lệnh đã khảo sát và chọn Trường Quân sự thành phố (ấp Bàu Đưng, Nhuận Đức, Củ Chi) là nơi đào tạo huấn luyện cho sĩ quan dự bị với cơ sở vật chất, giường, phòng, tủ, bàn ghế đã có sẵn, phù hợp khi tận dụng làm nơi tiếp nhận bệnh nhân cũng như phù hợp  sử dụng các nguồn trang thiết bị y tế.

Theo đó, cơ sở là nhà lưu trú của học viên của Trường Quân sự TP. Hồ Chí Minh đã được tận dụng để thành khu điều trị cách ly. Cơ số giường trước mắt là 300 giường. Trong khuôn viên tại trường hiện có 6 dãy nhà. Mỗi dãy nhà đã bố trí 50 giường.

Các trang thiết bị tại đây đã được trang bị sẵn sàng đón bệnh nhân, đáp ứng 2 yêu cầu: vừa cách ly vừa điều trị. Trong đó, y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới  TP Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, phụ và hỗ trợ có lực lượng nhân lực của Bệnh viện huyện Củ Chi, cùng các y, bác sĩ của nhiều bệnh viện khác trong thành phố được cử tới; tùy thuộc tình hình diễn tiến dịch bệnh. Các phòng cách ly đều được trang bị màn hình ti vi, máy nóng lạnh, sách báo... nhằm  tạo điều kiện bệnh nhân được thoải mái nhất khi điều trị và theo dõi. Khu vực này cũng không có nhà dân nên đảm bảo hạn chế tối đa lây lan ra cộng đồng.

Trung tá Đặng Quang Nhựt - Trưởng Ban quân y Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đây cũng là lần đầu tiên ngành Y tế thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh xử trí tình huống phòng chống dịch truyền nhiễm bằng mô hình bệnh viện dã chiến. Mỗi năm mỗi rút kinh nghiệm để bệnh viện dã chiến không chỉ phục vụ cho đợt dịch virus Corona mà sẽ phục vụ cho cả những loại dịch bệnh khác nếu có xảy ra.

Cùng phối hợp về chuyên môn, bệnh viện dã chiến chia 2 bộ phận. Bộ phận 1 gồm 1 bác sĩ, 1 y tá, và 4 chiến sĩ của Trung đoàn Gia Định tham gia khu cách ly của bệnh viện dã chiến. Còn bộ phận nữa khoảng  6 nhân viên phục vụ đảm bảo công tác hậu cần, ăn uống. Ngoài ra, còn cắt cử 1 bộ phận tham gia công tác canh gác an toàn cho bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Tuy là bệnh viện dã chiến nhưng được trang bị những thiết bị chuyên sâu, đầy đủ thiết bị hồi sức hiện đại. Bệnh nhân khi điều trị cách ly tại đây được  làm đủ các xét nghiệm sinh hóa, huyết học và kể cả xét nghiệm PCR.

Sau đó chuyển mẫu sang Viện Pasteur hoặc chuyển mẫu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm ở mức chuyên sâu hơn. Bệnh viện dã chiến cũng có máy chụp kỹ thuật số hiện đại, máy siêu âm tại giường. Ngoài ra, máy móc hồi sức cơ bản (máy thở, máy truyền dịch, đo điện tim) thì luôn được ưu tiên, kể cả máy sốc tim".

Nói như PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Phó trưởng Ban phòng chống dịch Corona quốc gia: Bệnh viện dã chiến với khu cách ly điều trị tập trung của thành phố ra đời nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho người bệnh. Trong công tác phòng, chống dịch, ngoài việc giám sát, thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị, thì các giải pháp an toàn, không để lây nhiễm bệnh cho "những chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến chống dịch" là các nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, trong khi các bệnh viện phải tổ chức tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly cần tập trung phương án giám sát, điều trị tối đa để nhanh chóng điều trị khỏi cho người được xác định nhiễm bệnh, đảm bảo không lây lan ra cộng đồng, chính là đảm bảo tình hình an ninh trật tự để người dân yên tâm, không gây hoang mang cho công tác phòng chống dịch.

Huyền Nga - Văn Hào
.
.