Yêu thương để lại…

Thứ Năm, 01/03/2018, 12:42
Vào một ngày đầu năm mới, trên trang chủ nhiều tờ báo trang trọng đặt bản tin về câu chuyện mẹ và em bé Hải An hiến tặng giác mạc của em trước lúc mất do trọng bệnh. Bản tin không đăng tải hình ảnh em bé Hải An, tôi ngồi yên lặng trước màn hình, đọc đi đọc lại vài lần, cố lục lọi trải nghiệm để hình dung ra khuôn mặt, ánh mắt thiên thần của bé Hải An, cảm xúc liên tục va đập mạnh bởi câu chuyện quá xúc động.

“Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!", người mẹ đau thắt lòng nghẹn ngào cất lên câu nói và đặt nụ hôn lên trán cô con gái 7 tuổi đang ngủ như một thiên thần. Tôi tin rằng quyết định gửi tặng lại giác mạc của cô bé, đối với người mẹ và cả con, hẳn là một quyết định đầy nhân văn nhưng lại đòi hỏi cả sự dũng cảm. Còn đó nhiều định kiến cũ, quan niệm tâm linh của người Việt đã ghi sâu trải qua nhiều thế hệ dành sự trọn vẹn cho người đã khuất. Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để bước qua được quan niệm đó của bản thân, họ mạc, để gửi lại cho người còn sống một cơ hội thứ hai là được sống khỏe mạnh hơn.

Bé Hải An vừa bước qua tuổi thứ 7 được vài tháng, gia đình phát hiện con mắc ung thư thần kinh thể sao từ tháng 9-2017. Sau nhiều tháng điều trị tại Bệnh viện K, khi thấy con gái khó lòng qua trọng bệnh, thời gian rời khỏi vòng tay mẹ tính từng giờ, mẹ bé đã gọi điện thoại tới Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để gửi gắm nguyện vọng xin được hiến tạng con, cứu người khác khi bé qua đời.

Cuộc trao đổi đó đã khiến tất cả nhân viên Trung tâm Điều phối chùng xuống đúng giờ nghỉ cơm trưa. Được biết, không chỉ mong muốn hiến giác mạc của con, gia đình của Hải An còn muốn tặng trái tim của em với mong muốn có cơ hội được nghe lại nhịp đập trái tim con trong lồng ngực một bạn nhỏ khác. Dù vậy, mong ước này đã không thể trở thành hiện thực. Pháp luật quy định chỉ nhận tạng hiến của người đủ 18 tuổi trở lên, do đó dù mong muốn có thêm nhiều phép màu nhưng trung tâm chỉ có thể nhận giác mạc của cháu. 2 cán bộ của Trung tâm Điều phối xuống tận nhà bé để lấy giác mạc.

Trước khi bắt đầu, người mẹ lặng nhìn con gái và trìu mến nói: “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!" rồi đặt nụ hôn lên trán cô bé Hải An.

“Hình ảnh ấy làm tôi thấy sống mũi cay cay. Cô bé nằm đó như một thiên thần đang ngủ. Chúng tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành kia”, một bác sĩ trung tâm xúc động chia sẻ với báo giới.

Sau khoảng 30 phút, ca lấy giác mạc hoàn tất. Người mẹ ngắm con gái một lần nữa và âu yếm nói: "Mẹ tự hào về con!".

Cô giáo và bạn học cùng lớp đến tiễn biệt Bé Hải An.

Có lẽ, ông trời đã gửi xuống cho gia đình bé mượn một thiên thần có ánh mắt sáng trong đẹp đến vậy, và giờ Hải An cũng đã đến lúc chia tay gia đình để trở lại nơi ấy.

Anh Hoàng, vị bác sĩ trực tiếp tham gia công việc đã chia sẻ, trong suốt hơn 10 năm đi làm, chưa bao giờ anh xúc động đến vậy. Đây cũng là lần đầu tiên anh có một trải nghiệm chưa từng bước qua và cảm giác thấy vô cùng hài lòng.

Anh Hoàng cho biết, khác với các mô tạng khác cần hoà hợp với người hiến về nhiều mặt, việc ghép giác mạc dễ dàng hơn. Với giác mạc của người trẻ, nếu được ghép cho người càng trẻ càng tốt. Tại Việt Nam, ca hiến giác mạc trẻ nhất là 6 tuổi.

Cách đây hơn một năm, tôi có cơ hội được ngồi trò chuyện cùng bà Cấn Thị Ngần, một người phụ nữ gần 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở nông thôn Bắc Bộ. Bà mất đi người con trai Trịnh Đình Vàng sau một tai nạn giao thông. Khi con được bệnh viện xác định đã chết não, người mẹ ấy đã nén nỗi đau để làm được một việc từ tâm mà bà tâm sự chưa bao giờ bà có khái niệm để nghĩ tới, hiến tạng con để các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 thực hiện ca ghép đa tạng mang lại sự sống cho 5 người vào tháng 7-2016.

Trong buổi gặp đó, cũng là lần đầu tiên bà Ngần gặp anh Nguyễn Xuân Hưng, người được con trai bà hiến tặng giác mạc. Những giọt nước mắt lăn dài, vội vã trên gương mặt lam lũ của người mẹ khiến anh Hưng xúc động.

Bà Ngần ngồi thật lâu, ngắm nhìn kỹ đôi mắt anh Hưng, chắc hẳn đâu đó bà tìm thấy lại được ánh mắt thân thuộc của người con trai.

Vì nhiều lý do bảo mật, mất rất nhiều công sức, gia đình anh Hưng mới tìm được nhà bà Ngần. Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 không cho biết thông tin nơi ở của gia đình bà Ngần theo quy định của Luật cho, hiến tạng. Gia đình anh Hưng thậm chí đã đi lần tìm từ những manh mối thông tin nhỏ nhất xung quanh khu vực bệnh viện để tìm được người mẹ anh Vàng, có cơ hội thắp nén nhang cảm tạ ân nhân.

Anh Vàng đột ngột ra đi như vết thương sâu chất thêm vào chuỗi biến cố đau đớn trong đời người mẹ. Bà Ngần làm nông nghiệp, chồng mất sớm ở tuổi 37 do bị điện giật khi sử dụng bếp điện lò xo. Khi đó, bà mới 30 tuổi, con trai Trịnh Đình Vàng 5 tuổi. Người phụ nữ một mình làm ruộng vườn, gồng gánh nuôi 3 con nhỏ.

Cuộc sống thực sự khó khăn, 4 mẹ con dựng chiếc lều tạm giữa đồng nước để bắt cá, chăn vịt. Cơm chẳng đủ ăn nhưng rồi 3 đứa con cũng khôn lớn. Năm 2015, bà xây được căn nhà mái bằng cất trên nền ao ngày trước. Anh Vàng học hết phổ thông thì vào miền Nam theo học cơ khí đôi, ba năm. Sau đó, chàng trai về quê làm cho công ty xây dựng.

Khi kể lại sự việc, ánh mắt đẫm nước, nhưng bà Ngần không hối tiếc vì những điều mình đã làm. Người mẹ bảo: “Vàng mất nhưng không chết hoài chết phí. Em nó ra đi nhưng còn để lại tiếng thơm, còn cứu được nhiều người. Bệnh viện Quân y 103 tổ chức đám tang trang nghiêm như của một liệt sĩ. Sáng hôm ấy, mưa gió mịt mùng nhưng nhiều đoàn xe của quân đội về tận nhà tôi lo hậu sự cho Vàng”.

Ca ghép đa tạng diễn ra thành công. Người được nhận trái tim là một anh bộ đội 36 tuổi bị bệnh cơ tim thể xốp, suy độ bốn đã có một quãng thời gian dài nằm giường bệnh thắc thỏm đến tuyệt vọng. Hai bệnh nhân còn lại nhận thận 49 tuổi và 47 tuổi, đều bị suy thận đã nhiều năm nay. Hai người nhận giác mạc là anh Nguyễn Xuân Hưng và một người phụ nữ lớn tuổi.

Bà Ngần kể đã thức trắng một đêm để nghĩ và đi đến quyết định thay cho con, thương con, thương người nhưng bà còn phải đối diện với một thực tế khác, đó là những sự phản đối gay gắt xung quanh không dễ thay đổi quan niệm cũ.

Thay cho lời kết bài, tôi muốn viết gì đó như lời tri ân tới gia đình và những người đã khuất có tấm lòng cao cả nhưng không thể thành lời. Xin mượn lời dẫn trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, “Người ta trở về đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo xuống mồ điều thiện và ác khác nhau. Ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên mả đẹp, nhưng mong muốn hơn và an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức người quá cố để lại cho đời…”.


Minh Trí
.
.