Ba trăm năm một cội “mai thần”

Thứ Tư, 10/02/2016, 10:15
Từ ngàn năm trước, hoa mai được nhắc đến trong thi ca là loài mai trắng, nó khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân, mặc khách. Từ Mãn Giác Thiền sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Sương Nguyệt Anh đến các thi nhân đương đại…


Nhưng có lẽ với Cao tiên sinh (Cao Bá Quát), một người tự phụ chiếm 2 trong số 4 bồ chữ nghĩa trong thiên hạ, đã phải thốt lên hai câu thơ đầy tôn kính dành cho loài hoa này thì e rằng, phẩm chất của nó không có gì sánh được: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai. (tạm dịch: Mười năm chu du tìm gươm cổ/ Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai).

“Lão Mai” nay đã hóa thần

Nếu như hoa mai vàng mang mùa xuân đến với phương Nam, thì ở phương Nam cũng có một loài mai trắng, chưa từng được xem là biểu tượng Tết, nhưng nó được thi vị hóa gọi là cội “mai thần”. Đó là cây Bạch Mai hơn 300 tuổi ở đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre), hay còn gọi là cây Mai Khê, Nam Mai, có ít người còn gọi mai mù u – vì có hoa giống hoa mù u. Khác với nhị độ mai, hay mai trắng (mận) ở miền Bắc, Bạch Mai chỉ nở hoa một lần vào đầu xuân, nhưng là xuân muộn. Năm nào hoa cũng nở rộ đúng vào ngày Tết Nguyên tiêu và kéo dài đến hết tháng Giêng.

Cổng chính vào đình Phú Tự.

Hoa có 4 cánh dày, từng chùm màu trắng tinh, nhụy vàng, mùi thơm dễ chịu. Khi trổ hoa cây tự rụng lá. Hình dáng hoa gần giống như hoa cây mù u ở Nam Bộ. Trong những ngày hoa nở rộ, tán cây bao phủ một màu trắng tinh, mang vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Đêm về hoa nở, gió thoảng đưa hương ngào ngạt, lan tỏa cả vùng. Hoa nở chừng hai tuần thì mãn khai nhưng cánh hoa vẫn còn trắng muốt.

Theo tiến sĩ sử học Lê Sơn (Thư ký Hội đồng giải thưởng Trần Văn Giàu) – người đã bỏ ra 6 năm ròng để tìm hiểu về cây mai này, ông cho biết đến khoảng cuối thế kỷ XX, cây Bạch Mai này đo được chiều cao 14m. Trong một trận mưa bão lớn, thân cây mẹ không còn, chỉ còn lại 9 thân cây con xòe ra như hoa sen nở, cây cao nhất đo được 6m, tán cây rộng khoảng 200m². Thân cây to, trên mình phủ một lớp địa y dày bóng, mang dáng dấp phong sương của loài “cây quân tử”. Đặc biệt, từ trước đến giờ đã có rất nhiều người đến xin chiết cành, bứng cây con đem về trồng nhưng đều thất bại. Thế nên, cây Bạch Mai vốn rất quý lại càng quý hơn. Quả là “khí thiên sinh hoa quý”.

Theo các nhà nghiên cứu thực vật, ngày xưa Bạch Mai mọc nhiều trong rừng núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Song ngày nay hình như không còn nữa. Hiện ở Nam Bộ, ngoài cây mai này, chỉ còn lại 2 cây ở chùa Giác Viên (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) và lăng Mạc Cửu (Kiên Giang). Nhưng chẳng cây nào sánh được với “lão mai” có thân to như cây cổ thụ ở đình Phú Tự. Tiến sĩ Lê Sơn cho rằng đây là cây mai to nhất, thọ nhất Việt Nam, được người dân trong vùng gọi là “mai thần”?

Mặc dù cây Bạch Mai đã được nhiều người biết đến, song, xung quanh cây “mai thần” vẫn còn bao phủ một màn sương bí ẩn. Theo các bô lão kể, ngày xưa Bạch Mai trổ bông đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, nhưng do người dân trong vùng kéo nhau đến bẻ cành, hái lộc về chưng ba ngày Tết. Tổ đình thấy vậy xin Thần Hoàng cho Bạch Mai trổ bông vào sau Tết. Linh ứng thay, ngay năm sau đó Bạch Mai trổ bông đúng ngày Tết Nguyên tiêu. Kể từ đó, Bạch Mai được người dân trong vùng gọi là “mai thần”. Mỗi năm, dân làng chờ đến dịp “mai thần” trổ bông đến chiêm ngưỡng chứ chẳng ai nghĩ tới việc bẻ cành, hái lộc. Chờ đến khi bông rụng, nhặt về pha trà uống được cho là khỏe khoắn!

Những năm sau đó, khi “mai thần” trổ bông, Ban khánh tiết của đình trải lưới dưới gốc hứng bông, phơi khô cho vào từng túi nhỏ, đến lễ Kỳ yên dân làng đến thỉnh lộc mai đem về. Tục này đến nay vẫn còn. 

Ở đây có một câu chuyện khác cũng đáng để suy gẫm, được đề cập trong bộ sách mang giá trị học thuật cao “Gia Định thành thông chí”, tác giả Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ XIX, ông nhắc lại cái thời vàng son của thắng cảnh Gò Cây Mai: “Cách cự trấn (Bến Nghé – thành Gia Định) 13 dặm rưỡi về phía Nam nổi lên một gò đất cao mọc nhiều cây Nam Mai cổ thụ, đó là gò Cây Mai. Loài mai này khi nở bông không có tuyết (phấn hoa), chỉ có lá hộ hương. Nam Mai thụ linh khí mà mọc, không đem trồng nơi khác được. Trên chùa có ngôi chùa Ân Tôn, đêm đêm tiếng cầu kinh lẫn trong tiếng chuông trống vang rền thấu tận từng mây, tưởng như cảnh núi Linh Thứu nơi đất Phật. Suối nước trong xanh lượn quanh chân gò, khi trời mát mẻ, chiều chiều các cô gái khua mái chèo đi hái sen. Gặp khi trời đẹp khí lành, văn nhân thi sĩ cắp theo bầu rượu leo từng bậc cấp lên tới đỉnh gò, ngồi dưới những gốc mai già uống rượu ngâm thơ, thưởng thức cảnh quan kỳ thú. Nơi đây quả thật là thắng địa thu hút khách du lịch…”.

Theo tiến sĩ Lê Sơn, cây Mai Nam mà cụ Trịnh Hoài Đức đề cập trên chính là cây “mai thần” hiện nay đã được nhân dân xã Phú Hưng bảo tồn tại đình Phú Tự suốt hơn 300 năm qua. Căn cứ để tiến sĩ Lê Sơn khẳng định, rằng Bến Tre là đất “tỵ địa” của những nhà văn hóa lớn ở Nam Bộ, khi Pháp chiếm mất 3 tỉnh miền Đông. Đó là Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu… Rồi, qua cây Bạch Mai quý hiếm tại đình Phú Tự, trở thành cây Di sản Việt Nam còn cho thấy Bến Tre bảo tồn thành công loài cây vốn tượng trưng cho miền đất Gia Định với thắng cảnh nổi tiếng Gò Cây Mai bị thực dân Pháp hủy hoại để xây đồn lính, gọi là đồn Cây Mai. Bảo tồn cây Bạch Mai quý hiếm thành công thì khác chi cho rằng Bến Tre là đất “tỵ địa” của loài Bạch Mai quý hiếm vốn một thời nổi tiếng ở đất Gia Định bị Pháp xâm hại.

Bạch mai lưu dấu tiền nhân

Theo ông Đoàn Văn Mười, Trưởng ban Khánh tiết đình Phú Tự, cho biết sử liệu ghi nhận khoảng giữa thế kỷ XVII, một số lưu dân Đàng Ngoài đến lập nghiệp ở đây đã thấy cây Bạch Mai xanh tốt. Khi ấy cây Bạch Mai nằm ở bên hông ngôi đình nhỏ làm bằng tre lá đơn sơ, có cửa quay về hướng Đông. Rồi vào một ngày tháng 3 năm 1904 (năm Giáp Thìn), trong lúc đình tổ chức Lễ kỵ thì gặp trận bão phá tan hoang.

Cùng năm ấy, ông Trần Văn Cương, cư dân giàu có của làng thấy vậy hiến tặng thêm phần đất liền kề của mình để mở rộng đình. Lúc bấy giờ Ban tế tự mới giao việc xây cất lại đình cho thầy địa lý Nguyễn Chí Mưu. Đình được dựng lại trên nền đất cũ theo hình chữ Tam, nhưng cửa đình quay về hướng cây Bạch Mai như hiện tại. Đình Phú Tự sau đó được sắc phong vào năm 1910 (Khải Định nhị niên).

Bạch mai trổ bông từ thân, bông, lá giống hoa mù u nên còn goi là mai mù u.

Kiến trúc đình Phú Tự và cây Bạch Mai còn minh chứng cho sự có mặt của ông cha ta từ rất lâu đời trên mảnh đất ba dãy cù lao. Nó vừa là di sản văn hóa vật thể vừa là văn hóa phi vật thể gắn bó với đời sống tâm linh của cư dân địa phương từ rất lâu. Nhiều thế hệ đặt chân đến vùng đất này đều coi “mai thần” là “linh khí” của vùng đất anh hùng. Hiện bên cạnh gốc mai còn có bài thơ đề trên tấm bia có tên “Bạch mai bi ký” của tác giả Trần Hoàng Huấn, song không thấy đề năm sáng tác. Chính dưới cội mai này, ngày xưa cụ Phan Thanh Giản từng đến ngồi đọc sách. Tài liệu này hiện vẫn còn lưu trong thư viện Bến Tre.

PGS.TS Phùng Chí Sĩ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết cây Bạch Mai này là cây di sản thứ 514 được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận vào ngày 13-2-2014. Rồi đây, rất có thể ở vùng đất linh thiêng này, nó trở thành “kỳ hoa dị thảo”. Hơn nữa, cây Bạch Mai đã từng là chứng nhân lịch sử ghi nhận quá trình đấu tranh, gìn giữ, xây dựng quê hương Đồng Khởi của con người Bến Tre. Cây Bạch Mai xứng đáng được xem là vốn quý của địa phương – thậm chí còn quý hơn vàng, bởi những cây cổ thụ như Bạch Mai là nơi chất chứa tâm tư, tình cảm, hơi ấm của bao lớp tiền nhân gắn bó từ thời khai hoang mở cõi, tạo nên sức hút và lan tỏa bền bỉ không gì sánh được.

Đình Phú Tự là ngôi đình cổ, được công nhận là Di tích lịch sử  - văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt đã bảo tồn được cây mai quý có trên 300 năm tuổi, cho thấy Đình Phú Tự là kho báu vô giá không chỉ của địa phương, mà của cả nước. Hàng năm ngoài các lễ cúng Kỳ yên, thượng điền, hạ điền, đình Phú Tự còn là nơi người dân tổ chức các lễ hội văn hóa như Tết Nguyên tiêu, Ngày Thơ Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương, Thương binh Liệt sĩ… dưới cội “mai thần”.

Bạch Mai đã được dựng bia cây di sản Việt Nam.

Khi viết đến đây kẻ hậu sanh bất chợt nhớ đến Mãn Giác Thiền Sư (1052 - 1096), một vị cao tăng uyên bác cả Nho và Phật vào thời Lý. Tên của ông là Lý Trường. Mãn Giác Thiền sư là pháp danh do Vua Lý Nhân Tông tặng khi ông viên tịch. Nhắc đến ông hầu như ai cũng nhớ về bài thi kệ lừng danh “Cáo tật thị chúng” ông làm trước phút lâm chung. Bài thơ có 6 câu, thuộc loại ẩn ngữ thi kệ, ý tưởng thật rõ ràng, mạch lạc, rất thiền mà cũng rất thi sĩ. Cái thần của 2 câu cuối bài thi kệ vượt lên triết lý tuần hoàn của nhà Phật, về cái lẽ tử sinh của đời người, và có thể vượt ra ngoài cuộc sinh hóa của trời đất, cũng giống như cội mai ấy, đã đi vào cõi trường sinh: “…Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai” (Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch).

Phải chăng lẽ sống con người nằm ở chỗ tử sinh? Một quan niệm rất xưa nhưng đáng để chúng ta suy ngẫm trong những ngày nhàn rỗi đầu Xuân.

Phương Kỳ
.
.