Mối tình của nhà văn Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh:

Âm vang biển sóng

Thứ Năm, 17/03/2016, 10:25
Nhà văn Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Thị Cẩm Thạnh sống lặng lẽ, giản dị trong một góc nhỏ của Hà Nội. Con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo mà những người mới chuyển đến không biết ai với ai, chỉ những người già ở cái làng cũ nhỏ ngay trong nội thành ấy may ra còn biết đến hai nhà văn già đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Hai con người, một tình yêu đẹp đã trọn vẹn đi bên cạnh nhau, chia sẻ mọi buồn vui, hạnh phúc ngót một đời người. Họ bình lặng và yên ổn để lại phía sau một thời tuổi trẻ say mê, lãng mạn, bôn ba và đầy hoài bão.

Cho đến nay, ở tuổi ngót bách niên, hai nhà văn già cũng chẳng có gì nhiều, thứ họ đắm đuối và trân quý nhất, bên cạnh một mối tình sâu nặng, bên cạnh những người con hiếu thảo, là một tủ sách gồm những tác phẩm riêng nằm cạnh nhau như chứng nhân của một thời vang bóng...

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, năm 1961.

Căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ ấm cúng của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - Nguyễn Thị Cẩm Thạnh nằm gần cuối một con ngõ nhỏ ở phố Vũ Ngọc Phan. Năm nay ông đã 96 tuổi, cái tuổi gần bách niên giai lão nhưng ơn giời, ông vẫn còn khỏe mạnh, dù trí nhớ không còn minh mẫn, đôi mắt của ông đã bị mờ, nhòe với thời gian. Bà khỏe hơn ông, nước da trắng hồng, tươi tắn, giọng nói Quảng Bình nhẹ nhàng, tình cảm luôn vỗ về ông.

Dạo này, chân của hai ông bà đều bị khớp nên đi lại khó khăn. Ông thường ngày vẫn từ tầng hai xuống ăn cơm nhưng dạo này phải bê lên tận giường vì ông không đi được. Anh Hà, người con trai út sống cùng ông bà phải ở nhà chăm sóc ông cả ngày, bế ông đánh răng, rửa mặt, tắm rửa cho ông.

Không chỉ thế, khi tôi cần bất cứ một tài liệu gì của ông, kể cả một bài báo nhỏ nhất, anh cũng tìm ngay được. Anh đã dành nhiều thời gian soạn lại tất cả sách của ông bà, mua những cuốn album để lưu giữ hình ảnh của hai ông bà từ thời trẻ đến già theo tháng năm. Những bài báo, những bài phê bình về thơ văn của hai ông bà được anh cho vào các file để tiện tìm kiếm.

Anh còn cẩn thận photocopy ra nhiều bản để mất tờ này còn có tờ khác thay thế. Anh tay năm tay mười, vừa tìm tài liệu cho tôi, nhưng đến giờ ăn của nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, anh dừng hết việc, rời phòng văn nhỏ nhắn của ông bà để mang cơm cho cha mình ăn đúng giờ. Nhìn anh chăm sóc cha, nói với ông những lời lễ độ, cưng nựng, dỗ dành đỡ ông dậy ngồi đúng tư thế, bón cơm cho ông ăn... mà người chỉ vừa gặp anh một thời gian ngắn ngủi như tôi cũng cảm thấy kính nể vì lòng hiếu thảo.

Ở tầng 1, chiếc ghế salon bình thường vẫn làm chỗ ngồi cho khách nay trải một chiếc đệm, chăn gối ấm áp để nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh nằm luôn ở dưới đỡ phải leo lên cầu thang. Ngồi cạnh mẹ là chị Việt Triều, con gái thứ hai của ông bà, cái tên chị được đặt theo ngày ký hiệp định Việt Nam - Triều Tiên.

Chị là PGS. TS Hóa học của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cũng vừa nghỉ hưu nên chị có thời gian đến thăm nom bố mẹ. Chị ngồi cạnh mẹ, không quên bất cứ kỷ niệm nào mỗi khi bà nhắc lại những ký ức về gia đình mình. Thậm chí, vì tuổi đã cao nên đôi khi bà nhầm lẫn về thời gian, chị còn nhắc lại cho đúng. Chị toát lên vẻ nhanh nhẹn, tháo vát của người làm khoa học, nhưng vẫn mềm mại theo cách riêng của chị khi nói về những trang viết của cha mẹ, dù chị không “nối dõi” nghề của ông bà.

Văn chương là nơi gặp gỡ

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Cha ông là một nhà nho ở Quảng Bình, sau di cư vào Đà Lạt nên ông đã ra đời nơi ấy. Nguyễn Xuân Sanh học trung học và đại học ở Hà Nội. Ông làm thơ sớm, năm 16 tuổi, đã có truyện thơ Lạc loài đăng nhiều kỳ trên báo.

Từ trái qua phải: Nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.

Năm 1939, ông và các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tác, gồm các nhà văn, nhà thơ: Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6 năm 1942, thì nhóm ấy xuất bản được một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật của nhóm.

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn văn nghệ liên khu IV, phụ trách tạp chí Sáng tạo. Từ năm 1950, ông ra Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông lần lượt được cử làm Ủy viên Ban chấp hành hội các khóa I, II và III. Từ năm 1966 đến 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và làm Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch.

Trong thơ, nhà văn Nguyễn Xuân Sanh coi trọng cấu trúc, đặc biệt thận trọng từng chữ, từng lời. Từ một nhà thơ thuộc nhóm Xuân thu nhã tập, văn nghệ theo chủ nghĩa tượng trưng, nhưng khi đến với cách mạng chưa bao lâu ông đã rũ bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, đi vào cuộc sống phản ánh hiện thực. Song cho dù đi theo hướng nào, sáng tác của ông vẫn hướng tới con người.

Trong gia tài sách dày dặn hàng chục tập của ông trên giá sách, nhiều người vẫn nhắc đến với bài thơ “Buồn xưa” được ông viết năm 1939 với câu thơ đặc sắc, lạ “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”: “Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa/ Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái du ngươi/ Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa/ Hồn xa trĩu sách nhánh say sưa/ Hiến dâng/ Hiến dâng quả bồng hường/ Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa/ Đường tàn xây trái buổi du dương/ Thời gian ơi tưới hận chìm tường/ Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi/ Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương”.

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh là người vị nể chồng và chiều chuộng chồng hết nỗi. Là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát nhưng dường như bà chấp nhận làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp văn chương của chồng thăng hoa.

Bà kể: Sau khi học hết bậc tiểu học năm 1941, bà vào học trường nữ sinh Đồng Khánh. Tại đây bà đã sớm tham gia cách mạng, hoạt động bí mật trong phong trào học sinh. Sau Cách mạng tháng Tám, bà là Bí thư Tỉnh hội Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Sau đó được điều ra công tác phụ nữ tại Liên khu 4. Hòa bình lập lại, bà công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương và Hà Nội, rồi làm biên tập viên NXB Kim Đồng và tuần báo Văn học, bà là Ủy viên Ban chấp hành khóa 2 (1963-1983). Ủy viên Ban phụ trách tuần báo Văn Nghệ trong nhiều năm.

Bà tự bạch: “Tôi lớn lên giữa một làng biển Quảng Bình, dưới chân đèo Lý Hòa có danh thắng Đá Nhảy, cảnh sắc tuyệt đẹp, nhưng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Quanh tôi là bà con ngư dân quần quật lam lũ. Tôi tận mắt chứng kiến những cơn gió cuồng thổi loạn, bốc lửa đồi cát làm gần một nửa làng cháy trụi tro than. Tiếng khóc than buốt nhức trái tim bé nhỏ. Các sáng tác văn xuôi của tôi chủ yếu đi sâu vào hai mạch nguồn viết về những vấn đề của phụ nữ và những ngư dân vùng biển...”. Các tác phẩm truyện ngắn của bà của bà như “Những người bạn gái”, “Làng cát”, “Chớp nguồn” hay các tiểu thuyết “San hô đỏ”, “Âm vang biển sóng”... đều thể hiện được tư tưởng ấy.

Là hai người viết văn, hai cá tính văn khác nhau, nhưng tôi và anh Sanh có điểm chung là tôn trọng tác phẩm của nhau. Thường thì chúng tôi sẽ gợi mở cho nhau những cảm xúc, mạch văn và là độc giả đầu tiên của nhau”.

Tình yêu viên mãn

Nếu như có một mối tình nào bền chặt, gắn kết yêu thương dài lâu mà vẫn nhịn nhường nhau, kề vai sát cánh cùng nhau, thì đó là hai nhà văn Xuân Sanh - Cẩm Thạnh. Cuốn album gia đình với những tấm hình bé xíu đen trắng từ ngày còn nhỏ cho đến tận bây giờ được ông bà gìn giữ như những thước phim cuộc đời hơn 90 năm có lẻ. Trong đó có những bức ảnh hai ông bà từ hồi mới quen nhau, gặp nhau rồi yêu nhau, cưới nhau.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Sanh, năm 2016.

Kể lại câu chuyện tình yêu của chính mình, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh chia sẻ: “Hai chúng tôi cùng ở Quảng Bình. Nhưng ngày đó anh Sanh đã rất nổi tiếng, còn tôi mới 17 tuổi, đang học Trường Đồng Khánh, Huế. Có lần về nhà, thầy mẹ tôi nói nhà anh Sanh xin cưới tôi. Tôi phản đối vì tôi chưa gặp anh Sanh, chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Ngày đó tôi nghĩ, con trai đi học ở Hà Nội về, đôi khi lại nhiễm thói chơi bời. Bốn năm sau, tôi đi học lớp bồi dưỡng Huyện ủy viên Khu 4, thì anh Sanh lại là người tổ chức lớp học ấy. Đúng như mẹ tôi nói, có duyên thì còn gặp lại, vậy là bén duyên nhau. Đám cưới của tôi và anh Sanh do anh Nguyễn Chí Thanh làm chủ hôn, khách dự chủ yếu là anh em văn nghệ sỹ. Đám cưới giản dị, đầm ấm. Và chúng tôi giữ nếp giản dị từ bấy đến tận bây giờ”.

Câu chuyện tình yêu của hai người sau này đã được bà viết thành cuốn tiểu thuyết tình yêu dày gần 500 trang “Âm vang biển sóng” với tiêu đề được lấy câu thơ của Pierre Reverdy: “Một trái tim nơi mỗi từ còn hằn vết cắt/ nơi mỗi lúc cựa mình rỏ máu cuộc đời tôi”. Cuốn sách kể lại một mối tình nhưng trong cái riêng có cả cái chung, có những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, có chia xa, có ngậm ngùi, có khổ đau... Nhưng tất cả đã vượt qua để có một ngày hạnh ngộ”.

Chị Việt Triều kể lại: Trong cuộc sống, cha mẹ tôi luôn nhường nhịn nhau. Tôi hiếm khi thấy họ cãi nhau hay to tiếng. Mẹ tôi là người quán xuyến công việc trong gia đình, con cái, còn cha tôi, ông miệt mài bên những trang văn. Ngày còn khỏe mạnh minh mẫn, ông ngồi suốt ngày bên bàn làm việc, ông đọc nhiều, viết nhiều và cũng bởi vậy, ông sống lãng mạn, nhẹ nhàng như những trang viết đầy xúc cảm của ông. Ông không bao giờ quát mắng con, cũng không ép con phải theo nghề này, nghề kia mà hoàn toàn được chọn lựa theo sở thích của mình. Ngày xưa chúng tôi đi học, cô giáo biết con của nhà văn thì hướng chúng tôi đi theo văn học, nhưng vì không có năng khiếu rõ ràng nên chúng tôi có những lựa chọn của mình. Cha mẹ tôi luôn đồng ý với con, nên gia đình chúng tôi sống hòa thuận và ấm áp.

Trong căn phòng khách nhỏ nhắn của ông bà, vẫn nếp sống giản dị ấy, gia tài của ông bà chẳng có gì nhiều ngoài những tấm hình chụp chung cùng các nhà văn nhà thơ hồi đi kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc như Nam Cao, Xuân Diệu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi... Bức ảnh ông bà trân trọng nhất được treo phía trên cùng, đó là bức ảnh đen trắng chụp Bác Hồ đang cho một em nhỏ uống nước.

Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh nói trong đôi mắt chực đỏ hoe: “Đó là bức hình Bác Hồ cho cậu con trai cả của chúng tôi, Nguyễn Việt Lưu uống nước. Lưu vào chiến trường năm 1968 rồi ở lại và hy sinh tại Phú Yên. Bức hình này chụp năm con tôi chừng 3 tuổi ở Việt Bắc”.

Trước khi ra về, tôi xin hai nhà văn Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Thị Cẩm Thạnh ký tặng vào mấy cuốn sách của ông bà để làm kỷ niệm. Nhà văn Nguyễn Xuân Sanh mắt đã nhòe và tay cầm bút đã run, ông cứ lau kính, lau đi lau lại vẫn chưa hài lòng. Anh Hà, con trai ông đến bên cạnh đỡ lấy tay ông, nhẹ nhàng mở bút đặt tay của cha lên trang sách. Anh bảo, ngày xưa ông viết chữ đẹp lắm, cẩn thận lắm, viết như in hoa ấy, nhưng giờ thì tay ông run rồi nên viết không còn được đẹp như xưa. Anh nói như an ủi người cha đã ngót trăm tuổi của mình.

Và từ trong tận đáy lòng, tôi cảm thấy ông bà thực sự hạnh phúc. Nỗi hạnh phúc nhỏ nhoi của tuổi già đôi khi chỉ giản đơn như thế. Dường như tình yêu trọn vẹn, thủy chung của họ đã lan truyền được cho các con, là được con nâng dậy lúc không thể tự mình đứng lên, là được nghe con nói những lời ngọt ngào động viên dù mình không làm thật tốt, gia tài ấy, không tiền của nào mua lại được chỉ có thể chắt chiu qua từng năm tháng sống...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.