Ăn uống và thuật dưỡng sinh trường thọ

Thứ Bảy, 06/02/2016, 21:00
Để truy cầu niềm vui trong cuộc sống hiện tại, thực hiện nguyện vọng "trường sinh bất lão", Đạo giáo không chỉ áp dụng những đạo thuật như điều tức, đạo dẫn, phòng trung… mà còn rất chú trọng đến ăn uống, xem ẩm thực là phương pháp tu luyện quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày.


Tư tưởng và thái độ ẩm thực của Đạo giáo ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa ẩm thực và văn hóa dưỡng sinh Trung Hoa.

Ăn uống là nền tảng của sinh mệnh

Khoảng 300 triệu năm trước, trên địa cầu đã xuất hiện sự sống, đồng hành với sự sống chính là dinh dưỡng. Sự sống và dinh dưỡng không thể tách rời nhau, không có dinh dưỡng thì không có sự sống và bản thân sự sống là sinh vật thể không ngừng hấp thu nguồn dinh dưỡng vật chất cùng năng lượng từ bên ngoài để tiến hành đồng hóa, đồng thời cũng không ngừng phân giải năng lượng để tiến hành dị hóa. Khi hoạt động này chấm dứt cũng là lúc sinh mệnh cáo chung.

Những món ẩm thực quen thuộc của Đạo giáo.

Đối với con người thì nguồn dinh dưỡng là từ ăn uống, cho nên Đạo giáo nói "Ăn uống là nền tảng của sinh mệnh". "Thông huyền chân kinh" nói rằng: "Một ngày không ăn thì khí suy, mệt mỏi; hai ngày không ăn thì khí tàn, bệnh tới; ba ngày không ăn thì khí kiệt mà chết. Cái cấp thiết nhất của con người không gì hơn cái ăn".

Trong "Đạo đức kinh" của Lão Tử, người được tôn xưng là giáo chủ Đạo giáo, đề cập rất nhiều đến cái ăn. Ông vẽ ra một cuộc sống thuần phác mà người dân chỉ biết "ngon với thức ăn của mình, đẹp với y phục của mình, yên với chỗ ở của mình, vui với phong tục của mình". Lão Tử nhấn mạnh rằng: "Ngũ sắc khiến người ta mờ mắt, ngũ vị khiến người ta sướng miệng, rong ruổi săn bắn khiến người ta loạn tâm, vì thế bậc thánh nhân vì bụng chứ không vì mắt, nên bỏ cái kia mà lấy cái này vậy".

Đạo giáo xem ẩm thực cùng phục khí và phục dược là 3 phương pháp dưỡng sinh cơ bản. "Nhiếp sinh nguyệt lệnh" cho rằng: "Ăn giúp đẩy tà khí mà an tạng phủ, thỏa mái thần chí mà tư dưỡng huyết khí. Người biết dưỡng sinh là làm cho khí chính, khí chính thì vị thuận, vị thuận thì thần khí thanh, thành khí thanh thì linh, linh thì ngũ tà bách bệnh không thể quấy được".

Trong các truyền thuyết về thần tiên của Đạo giáo thường nói về những yến tiệc với bao món ngon vật lạ mà "ăn một miếng có thể trường sinh", hoặc những người đắc đạo có pháp thuật tạo ra thức ăn ngon lành cho vô số người cần… điều này chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa ẩm thực với Đạo giáo.

Ăn uống là nền tảng của sinh mệnh, phương pháp ăn uống thích hợp sẽ rất có ích cho sức khỏe. Đạo giáo ý thức rất rõ về lý luận này, đề xướng cụ thể sự kết hợp ăn uống với dưỡng sinh.

Ăn uống có mức độ

"Tứ khí nhiếp sinh đồ" nói: "Trăm bệnh sinh ra phần lớn là do ăn uống. Họa hoạn do ăn uống còn hơn cả sắc dục, sắc dục có thể tuyệt lâu ngày nhưng ăn uống không thể nghỉ một bữa. Ích cho người cũng nhiều, mà hại cho người không ít". Đạo sĩ Tôn Tư Mạo sống hơn trăm tuổi, viết "Thiên kim yếu phương" rằng: "Lời nói phải cẩn thận, ăn uống phải mức độ. Kẻ giỏi dưỡng sinh thì ăn trước khi đói, uống trước khi khát, ăn nhiều lần mà lượng ít, không nên dồn ăn thật no. Thường làm sao cho tuy đói mà no, tuy no mà đói. Quá no thì hại tỳ phế, đói thì hại khí".

Đào Hoằng Cảnh trong "Dưỡng tính diên mệnh lục" đưa ra nguyên tắc "Am thực hữu tiết", cho rằng mức độ no đói, thời gian sớm tối và lượng thức ăn phải tuân theo mức độ và hạn chế nhất định, phản đối ăn uống quá no. Từ góc độ Trung y thì ăn uống có mức độ bảo vệ được gốc hậu thiên là tỳ vị, tỳ vị hoạt động tốt sẽ bảo đảm được sự chuyển vận dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Lý Cảo nói rằng "Tổn thương tỳ vị, trăm bệnh sinh ra".

Đạo sĩ Chu Hạc Đình hướng dẫn ẩm thực theo Đạo giáo.

Trong "Hoàng đế nội kinh - Thượng cổ thiên chân luận" có đề cập đến vấn đề này: Hoàng đế hỏi Kỳ Bá rằng: "Ta nghe người thượng cổ đều sống đến trăm tuổi mà sức chưa suy. Người thời nay tuổi mới 50 mà động tác đã suy yếu, đó là do thời thế khác chăng?

Hay người tự làm mất?", Kỳ Bá đáp rằng: "Người thượng cổ hiểu về đạo, rập theo âm dương, hòa cùng thuật số, ăn uống có mức độ, nghỉ ngơi có mức thường, không làm nhọc mình, vì thế mà dưỡng được hình và thần, sống trọn tuổi trời, qua trăm tuổi mới đi. Người thời nay thì khác, uống rượu như nước, lấy vọng làm thường, say rồi nhập phòng, chân tinh cạn kiệt, chân khí hao tán, không biết thỏa mãn, chẳng chế ngự thần, thức ngủ vô độ, cho nên 50 tuổi đã suy…".

Ăn uống đạm bạc

"Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra" không thể không cẩn thận. Đạo giáo cho rằng ăn nhiều thịt béo sẽ làm cho cốc khí thắng nguyên khí, tuy con người béo tốt ra nhưng sức khỏe suy giảm, tuổi thọ ngắn đi. Long Tuân Tự nói: "Người ăn nhiều món béo bổ thì càng ăn khí càng tối. Ăn uống đạm bạc, giảm bớt ham muốn, thường xuyên tiết chế bản thân thì dù ăn cơm thô cũng thấy ngon, thọ mệnh sẽ dài". Thiệu Khang Tiết cho rằng: "Món ăn ngon miệng thường gây bệnh, chuyện vui quá mức lại gây lo". Vì thế Đạo giáo đề xướng ăn uống thanh đạm, lấy ngũ cốc, rau quả làm chính, thịt cá là phụ.

Hốt Tư Tuệ, người Mông Cổ, là nhà dưỡng sinh nổi tiếng đời Nguyên, lo việc ăn uống cho hoàng đế. Trong tác phẩm "Am thiện chính yếu", ông có nói đến bí quyết dưỡng sinh của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt - 81 tuổi, một trong 5 hoàng đế thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa: "Xưa Thế tổ trong việc ăn uống luôn chú ý đến lựa chọn thảo mộc, thức ngủ nghỉ ngơi bao giờ cũng đúng pháp độ, nhờ đó mà trường thọ". Ông khẳng định "ăn uống là việc quan trọng nhất trong dưỡng sinh" và "ăn uống phải dựa vào cây cỏ, ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu, dùng ngũ vị để điều hòa ngũ tạng”.

Thói quen ăn uống thiên lệch, thường ăn quá mặn, quá cay hay quá ngọt đều không tốt cho sức khỏe. Trong "Tu chân bí yếu" của Vương Thái, đời Minh, nói rằng: Ăn vị chua nhiều làm tổn thương gân, vị đắng làm tổn thương xương, vị ngọt làm hại thịt, vị cay làm bại chính khí, vị mặn làm giảm thọ".

Sau khi ăn nên tản bộ

"Chẩm trung ký" dạy rằng: "Sau khi ăn xong, đi lại trăm bước, rất có ích. Đừng nên ăn đêm, nếu ăn thì đi lại 5, 6 dặm sẽ không bị bệnh". "Tu thân thập thư" nói: Ăn xong đi lại trăm bước, lấy hai tay xoa bụng, nửa đêm thức dậy thì há miệng thổ trọc khí ra. "Dưỡng tính diên mệnh lục" cũng nói: "Ăn xong thì đi lại, đi xong thì dùng tay xát bụng vài trăm lượt, rất có ích". Từ góc độ y học hiện đại, ăn xong đi bộ và xoa bụng sẽ thúc đẩy nhu động ruột, tăng cường công năng tiêu hóa, có lợi cho việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.

Tiệc "Bát quái" của Đạo giáo ở Hạc Minh Sơn.

Đời Minh, đạo gia Ngô Chính Luân trong "Dưỡng tính loại yếu tiền tập" nói rằng: "Người ta biết rằng ăn có thể dưỡng thân mà không biết rằng ăn uống vô độ cũng hại đến dưỡng sinh, vì thế sự tiết chế thích hợp là phương pháp của các bậc hiền triết phòng khi chưa bệnh. Nói đến ăn uống, dù là lúc nào cũng phải lấy sự nóng chín làm chính.

Những tháng mùa hạ tuy dương nhiệt thịnh nhưng khí âm tàng phục bên trong, càng cần ăn thức nóng. Nếu ăn quá nhiều thứ đắng mát thì hại cho gân mạch, ruột sa dễ thành trĩ. Nóng mà uống quá nhiều sẽ khiến khí đại nghịch. Đạo dưỡng sinh là sau khi ăn không nên nằm ngay vì sẽ hại phế khí, gây phong ở đầu; không nên ngồi yên cả ngày, vì như thế sẽ làm ứ kết khí huyết, lâu ngày sẽ tổn thọ.

Sau khi ăn nên thường đi lại nhưng không đi nhanh, không leo cao; dùng tay xoa bụng vài trăm lượt, ngửa mặt lên há miệng thở ra vài chục lần… Mới ăn thức ăn lạnh thì không ăn thức ăn nóng, lạnh nóng giao nhau sẽ gây đau răng, nhức đầu. Các món rau quả không đúng mùa, thịt cầm thú tự chết, thức ăn tái, nhiều dầu mỡ đều gây sinh đờm động hỏa, tích chướng trong người, không nên ăn".

Tịch cốc tu tiên

Tịch cốc hay tuyệt cốc, hưu lương, khước lạp, tỵ cốc là pháp môn nhịn ăn ngũ cốc để tu luyện của Đạo giáo. Thuật này bắt nguồn từ tiên nhân Xích Tùng Tử - vũ sư của Thần Nông. Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên thì đầu đời Hán, danh thần Trương Lương "muốn theo Xích Tùng Tử vân du, học thuật tỵ cốc, đạo dẫn nhẹ người".

 Đạo sĩ Cát Hồng cho rằng ăn uống là rất quan trọng, nhưng nếu như cơ thể hấp thu được những thứ có giá trị hơn cả thức ăn thông thường thì con người sẽ càng khỏe mạnh và trường thọ hơn. Trên cơ sở Thần tiên, Đạo giáo cho rằng trong cơ thể có loại trùng độc gọi là "Tam thi trùng", là căn nguyên của dục vọng, tội lỗi. Loại trùng này sống nhờ vào cốc khí trong thức ăn, nếu người có thể không ăn ngũ cốc thì chúng không thể sống được, tiêu trừ tà ma trong cơ thể, từ đó được trường sinh. "Vân cấp thất thiêm" nói: "Thực cốc (ăn ngũ cốc) là người trí, thực khí là thần, vì thế lấy tuyệt cốc làm sinh đạo".

Tịch cốc chỉ phù hợp với những đạo sĩ bền chí tu đạo nơi thâm sơn cùng cốc. Tất nhiên, tịch cốc không phải là nhịn ăn hoàn toàn mà chỉ không ăn các thức ăn thông thường. Các đạo sĩ có thể bào chế bột phục linh, mè, hoàng tinh, bạch truật… thành hoàn, thành bánh để ăn thay cơm.

Thượng Văn
.
.