Tận mắt màn tranh tài của lính cứu hỏa

Thứ Năm, 06/08/2015, 15:00
Tại Đại hội “Khỏe vì An ninh Tổ quốc” lần thứ VII đang diễn ra tại Hà Nội, có 3 môn thi thuộc loại đặc thù của lực lượng Công an nhân dân (CAND) là: chiến sĩ Công an khỏe, võ thuật ứng dụng và thể thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

1. Đã vài lần đến các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) ở Hà Nội, cũng từng trực tiếp chứng kiến anh em chữa cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo mấy năm trước; rồi chữa cháy, cứu nạn ở chung cư cao tầng, nên chúng tôi cũng phần nào hiểu được cái vất vả, nguy hiểm của lính chữa cháy mỗi khi đi làm nhiệm vụ. 

Các vận động viên thực hiện bài thi chạy tiếp sức 4 x100m cứu người và chữa cháy: Lao mình qua ống cống tới nơi lửa cháy.

Bởi khi xảy ra cháy hay thảm họa, trong khi người khác tìm mọi cách thoát ra thì lính cứu hỏa lại phải xông vào dập lửa, cứu nạn. Vì thế, trên thế giới, người ta đã xếp lính cứu hỏa là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Và để làm được nghề nguy hiểm ấy, ngoài lòng dũng cảm còn cần phải có sức khỏe tốt mới có thể sử dụng được những phương tiện chuyên dụng từ bộ quần áo bảo hộ rất nặng tới những dụng cụ cứu hộ và những thiết bị cứu nạn khác.

2. Nhưng, có lẽ với phần đông mọi người mới chỉ nhìn cảnh lính chữa cháy làm việc qua phim ảnh, truyền hình thôi chứ chưa mấy người biết để làm nghề nguy hiểm này, hàng ngày những người lính cứu hỏa phải tập luyện thế nào. Vì thế, quảng trường Sân vận động Mỹ Đình sáng 1/8, nơi diễn ra Hội thi Thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thu hút hàng nghìn người tới xem.

Vượt chướng ngại vật.

Để đến được vòng chung kết này, 18 đội tuyển đã phải vượt qua các vòng thi tại 10 cụm với 124 đội và hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Vì vậy, đến được vòng này có thể nói không quá rằng hơn 300 chiến sĩ này đều là những người lính cứu hỏa xuất sắc nhất.

Với 3 phần thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy gồm: "Chạy 100m vượt chướng ngại vật, cứu nạn, cứu hộ"; "Chạy tiếp sức 4x100m cứu người, chữa cháy" và "Đội hình máy bơm chữa cháy phun nước tiêu điểm", các vận động viên đã thể hiện được hầu hết các kỹ năng khi làm nhiệm vụ.

Vượt qua bức tường cao 2m.

Ở phần thi chạy 100 m vượt chướng ngại vật, cứu nạn, cứu hộ, bài thi yêu cầu phải vượt qua không gian hạn chế là bò qua một lồng thép dài hơn chục mét thiết kế nhiều địa hình mô phỏng mô hình của hang, hầm, công trình sập đổ, sau đó tiếp tục phải phá cánh cửa sắt có khóa rồi dùng hai tay đu người vượt qua thanh ngang (mô hình cứu người trên cao) để cứu người bị nạn ra nơi an toàn. Nhìn những người lính chữa cháy thoăn thoắt thực hiện các động tác bò qua lồng thép, phá cửa sắt… mới thấy trong những tình huống khẩn cấp đòi hỏi người chiến sĩ phải có sức khỏe tốt, kỹ năng sử dụng các thiết bị, phương tiện thành thạo và phải nắm các kỹ, chiến thuật để đảm bảo an toàn cho mình và nhanh chóng đưa người bị nạn ra nơi an toàn. 

Nhưng ấn tượng nhất là nội dung thi chạy tiếp sức 4 x100m cứu người và chữa cháy. Nội dung thi này yêu cầu các thành viên phải có tính phối hợp, làm việc theo nhóm khi phần thi có tới 4 người tham gia. Bởi ngoài yêu cầu có sức khỏe tốt, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện thành thạo còn phải nắm chắc các kỹ, chiến thuật để đảm bảo an toàn cho mình và nhanh chóng đưa người bị nạn ra nơi an toàn. Rất nhiều khán giả khi xem phần thi này đã bị ấn tượng mạnh khi nhìn các vận động viên - chiến sĩ tay cầm lăng chạy 25m và phải vượt qua 3 rào chắn. Sau khi vượt qua 3 rào chắn lại tiếp tục chạy 37m  và vượt qua bức tường cao 2m. Sau khi nhận lăng từ vận động viên thứ nhất, vận động viên thứ hai lại tiếp tục chạy 25m rồi sử dụng thiết bị phá dỡ cầm tay phá cửa rồi hai tay xách hai can nước dung tích 20 lít và bước qua 10 chiếc lốp xe tải.

Đi qua hết dãy lốp xe mới đặt hai can nước xuống rồi tăng tốc chạy tiếp trao lăng cho vận động viên thứ 3. Nhận lăng từ vận động viên số 2, vận động viên số 3 tiếp tục chạy rồi lao như tên bắn qua đường ống thép chỉ chui vừa một người rồi chạy tới "người bị nạn" để cõng tới nơi an toàn và trao lăng cho vận động viên số 4. Vận động viên số 4 mặc trang phục chống nóng sau khi nhận lăng phải chạy vượt qua 5 cọc lửa, sau đó chạy 20m đặt lăng xuống, sử dụng bình chữa cháy dập tắt lửa trong khay xăng. Sau khi đám cháy được dập tắt mới đặt bình bột xuống chạy về đích.

Để đạt được thành tích cao trong nội dung thi này đòi hỏi các vận động viên phải nắm chắc kiến thức nghiệp vụ, dũng cảm, có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn nhưng lại phải khéo léo để đảm bảo an toàn cho bản thân và hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn những vận động viên dù mặc trang phục chống nóng như chiếc áo bạt lùng thùng nhưng vẫn hết sức nhanh nhẹn, khéo léo chạy mà không làm đổ cọc lửa và nhanh chóng dập tắt đám lửa xăng đang cháy mới thấy để có thể thành thục trong từng động tác, mỗi người lính chữa cháy đã phải rèn luyện rất vất vả.

Cứu người bị nạn.

Với phần thi đội hình máy bơm chữa cháy phun nước tiêu điểm cũng vậy. Với 5 chiến sĩ tham gia phần thi này đòi hỏi mỗi người đều phải thành thục từng động tác nhỏ nhất mới đảm bảo khi làm nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể dập lửa trong thời gian nhanh nhất.   

3. Trong câu chuyện với chúng tôi sau bài thi, Trung sĩ Ngô Điền, chiến sĩ  Phòng Cảnh sát PCCC số 1, Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai, kể rằng hàng ngày bất kể ngày nắng hay mưa, cứ khoảng 7 giờ sáng 11 cán bộ, chiến sĩ trong đội bắt đầu tập luyện tới trưa và 14 giờ tiếp tục tập cho đến tối muộn mới nghỉ. "Hôm nào đi chữa cháy thì bọn em coi đó là buổi tập luyện, một số đồng chí do làm việc quá sức, căng cơ dẫn đến té ngã, nhưng được sự động viên của anh em trong đội lại cố gắng tập luyện".

Là một thành viên trong đội đoạt giải Nhì môn chạy tiếp sức 4x100m cứu người và chữa cháy, Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thuộc Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lào Cai cho biết, ở Lào Cai ít xảy ra cháy nhà dân nhưng cháy rừng thì nhiều, điều đó thể hiện mỗi người lính cứu hỏa phải biết vận dụng sức khỏe, sức bền linh hoạt trong mọi địa hình tham gia chữa cháy. "Khi vượt qua bức tường rào 2m, suýt chút nữa em vấp ngã, tuy nhiên với kinh nghiệm tập luyện đúc rút được em đã lấy lại thăng bằng tăng tốc chạy hết tuyến của mình để trao lăng cho đồng đội tiếp tục cho đồng đội sớm có mặt ở hiện trường và tổ chức chữa cháy".

Dập lửa.

Giành giải Nhất nội dung thi chạy 100m vượt chướng ngại vật, CNCH với thời gian 31 giây 36, Hạ sĩ Nguyễn Văn Định, Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Sở Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ kể rằng trước ngày thi dù gặp một chút vấn đề sức khỏe nhưng anh  vẫn quyết tâm cố gắng hết sức, không để mọi việc phân tâm.

Sau những ngày thi sôi nổi, những người lính lại trở về với công việc hằng ngày. Dù có người thắng, người thua, nhưng điều quan trọng là qua cuộc thi này, mỗi người lại có cơ hội học hỏi kinh nghiệm đồng đội áp dụng vào công việc.

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Công an tặng Đội tuyển Phòng Cảnh sát PCCC số 1 Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai đã có thành tích Nhất toàn đoàn trong Hội thi; Đội chữa cháy và CNCH, Đại học PCCC đạt giải Nhì toàn đoàn; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát PCCC tỉnh Đắk Lắk đoạt giải Ba toàn đoàn… Đồng thời, Ban Tổ chức đã trao Giấy khen của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tặng 15 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong Hội thi Thể thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH…

Cảnh sát PCCC và CNCH TP Hà Nội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức Hội thi.

* Ảnh: Trần Ngọc.

Tân Lương - Minh Hiền
.
.