Đạo diễn Trần Vịnh: Phim chiến tranh cũng là để nói hiện tại

Thứ Ba, 24/05/2016, 13:15
Nhắc đến Trần Vịnh, người ta nhớ đến những bộ phim về đề tài chiến tranh do ông đạo diễn, như: "Ba lần và một lần", "Vùng ven một thời con gái", "Ninh Thạnh Lợi - đất và lửa", "Món nợ miền Đông"... Đạo diễn Trần Vịnh quan niệm: Làm phim chiến tranh cũng là để nói về hiện tại, là muốn gửi gắm những bài học về lịch sử và sự hy sinh của cha ông cho thế hệ hôm nay.

 

Nghiệp điện ảnh đã ăn vào máu của Trần Vịnh để cả đời ông luôn trăn trở với sáng tạo nghệ thuật, trăn trở với tương lai của nền điện ảnh nước nhà. Với ông, muốn có phim hay phải đầu tư, nhất là đầu tư vào con người. Tức là đầu tư cho vấn đề đào tạo chuyên môn cho những người trẻ làm điện ảnh có kiến thức, kỹ năng và một nền tảng văn hóa tư tưởng phù hợp với thời đại. Đó là điều căn bản để giúp cho nền điện ảnh khởi sắc, phát triển.

Hiểu về đất ấy thì không sợ gì cả

Đạo diễn Trần Vịnh xuất thân là giáo viên, 18 tuổi ông đã đi dạy học ở Cúc Phương. Sau đó ông tham gia đoàn văn công giải phóng. Ông từng ở chiến trường 9 năm, tham gia vào ba cuộc chiến: đánh Mỹ, cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ những trải nghiệm đó và sự gắn bó phần lớn đời mình với người lính, với chiến tranh mà ông luôn muốn làm phim về chiến tranh. Tính đến nay, vị đạo diễn này đã làm 400 tập phim về chiến tranh, được trao 17 giải thưởng quốc gia, 4 giải thưởng của Bộ Quốc phòng.

Đạo diễn Trần Vịnh.

Ngoài chuyện từng là người lính, thì theo đạo diễn Trần Vịnh, sở dĩ ông thích làm phim chiến tranh mà ít làm phim về xã hội đương thời, hiện đang có nhiều vấn đề nóng bỏng, cấp bách là vì ông cho rằng làm phim chiến tranh cũng là một cách nói về hiện tại.

"Khi đoàn phim chúng tôi đứng thắp hương trong nghĩa trang Trường Sơn, trên đầu chúng tôi lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật. Lúc đó tôi nói câu này mà đến giờ vẫn nhớ: "Tôi làm phim chiến tranh là kể lại một câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta hiểu rằng cha anh chúng ta đã chiến đấu như thế nào, máu của biết bao người đã ngã xuống để cho lá cờ Tổ quốc thắm đỏ và bay tự do trên bầu trời. Từ những bộ phim đó, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Tôi làm phim chiến tranh cũng là để nói về hiện tại" - đạo diễn Trần Vịnh bộc bạch.

Các bộ phim về chiến tranh do đạo diễn Trần Vịnh dàn dựng đều khá hay, cảm động. Sự chân thật, khốc liệt của chiến tranh được tái hiện sinh động trong phim. Điều may mắn và cũng là yếu tố giúp các bộ phim của ông thành công, đó là ông đều dựa trên những kịch bản có chất lượng tốt, chẳng hạn như tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai được chuyển thể và dàn dựng thành phim.

Cảnh phim "Bến đò xưa lặng lẽ" của đạo diễn Trần Vịnh (ảnh do nghệ sĩ cung cấp).

Trò chuyện cùng chúng tôi về bí quyết cho thành công đó, ông cười nói: "Phim của tôi làm thật và sống động nên có thể đi vào lòng người xem. Muốn thế phải có kịch bản tốt. Phim tôi làm, hầu hết đều sôi động từ kịch bản. Thậm chí, để có kịch bản phim hay, tôi đã phải tự bỏ tiền túi ra lo mua, chi phí cho biên kịch an tâm viết. Khi biên kịch làm việc với tôi, tôi đều yêu cầu, thậm chí bỏ tiền cho họ đi thực tế để viết. Mới đây, tôi cùng thầy tôi là đạo diễn Huy Thành tới Huế nhiều lần để tìm hiểu thực tế, tìm tư liệu làm phim chiến tranh về Huế, có tên là "Sóng dậy sông Hương", nhưng chưa hoàn thành”.

Tuy nhiên, sau đó đạo diễn Trần Vịnh, như để "trả nợ", đã làm bộ phim "Huế mùa mai đỏ" dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Xuân Thiều. Khi công chiếu trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, bộ phim đã thu hút nhiều khán giả và nhận được nhiều lời khen ngợi từ các đồng nghiệp.

Là người gốc Bắc, nhưng Trần Vịnh thường hay làm phim chiến tranh về vùng đất Nam bộ. Trong các bộ phim về chiến tranh do ông làm đạo diễn, phần lớn những bộ phim để lại ấn tượng cho người xem cũng đều là những phim về miền Nam, như: "Ba lần và một lần", "Vùng ven một thời con gái", "Món nợ miền Đông"…

Đó là một điều khá lạ, và cũng là bí quyết, cái duyên nghiệp của riêng ông. Nghề làm báo khiến chúng tôi luôn nảy sinh tính tò mò đến mức soi mói. Và với cái chuyện hơi tréo ngoe của vị đạo diễn này khi ông rất thành công với dòng phim chiến tranh của vùng Nam bộ, cũng khiến chúng tôi nổi hứng tò mò.

Chúng tôi đem sự tò mò đó đi hỏi ông rằng: Điều gì đã cuốn hút ông làm phim về vùng đất Nam bộ? Là người miền Bắc, ông có gặp khó khăn gì khi làm phim ở một vùng đất có lịch sử, văn hóa khác với nơi ông sinh ra?

Thoáng chút trầm tư, đạo diễn Trần Vịnh thổ lộ: "Vùng đất Nam bộ có chất hào sảng, phóng khoáng và dễ mến, dễ gây thiện cảm. Cùng với nó là những câu chuyện trong chiến tranh ở vùng đất này rất hấp dẫn, dĩ nhiên là không chỉ có vùng đất này thì chuyện chiến tranh mới hấp dẫn.

Mỗi nơi ở Việt Nam đều có những  câu chuyện phim chiến tranh mang tính hấp dẫn và vẻ đẹp riêng. Tôi cũng làm phim chiến tranh ở nhiều vùng quê khác nhau. Nhưng có lẽ tôi có duyên và thành công hơn khi làm phim về vùng đất phương Nam. Ở đâu cũng vậy, tôi đều lăn lộn với thực tế, nghiên cứu tư liệu, sách vở... rồi mới làm phim. Mình phải hiểu về vùng đất đó càng sâu, càng kỹ thì mới làm phim hay được. Mình chuẩn bị kỹ thì không sợ sự khác biệt vùng miền làm khó khăn”.

Trăn trở với tương lai

Cũng như những người yêu mến nền điện ảnh nước nhà, vị đạo diễn gạo cội này luôn trăn trở trước hiện trạng phim điện ảnh và truyền hình của chúng ta chất lượng ngày càng đi xuống. Làm thế nào để vực dậy chất lượng phim điện ảnh và truyền hình của ta? Đó là những câu hỏi luôn đau đáu trong ông và các đồng nghiệp đam mê, tâm huyết với điện ảnh nước nhà.

Cảnh phim "Món nợ miền Đông" (ảnh do nghệ sĩ cung cấp).

Và với tính cách bộc trực của mình, ông nói thẳng: "Phim dở là do các cơ quan chuyên trách thiếu đầu tư. Cái gì cũng phải có đầu tư thì mới hay, từ đầu tư chất xám, tâm huyết đến tiền bạc... Trước đây, những bộ phim, đặc biệt là phim chiến tranh của chúng ta hay là nhờ có một đội ngũ làm phim vừa giỏi nghề, vừa tâm huyết và yêu nghề. Những người làm phim thời đó họ viết, làm từ tâm, đạo diễn có nghề và diễn viên có trình độ. Họ đau đáu làm nghề, hết mình với phim ảnh, chứ không như bây giờ người ta làm phim. Bên cạnh đó là được sự đầu tư, hỗ trợ về phương tiện từ Nhà nước như: máy bay, xe tăng... Cần phải đầu tư vào con người, phải đào tạo bài bản và kỹ càng hơn. Hiện nay chúng ta rơi vào tình trạng là nhiều người tay ngang hoặc học hành chuyên môn chưa tới đâu cũng làm diễn viên, đạo diễn. Như thế không có phim hay là đương nhiên. Nghệ thuật là sự chắt lọc từ cuộc sống để tạo nên những giá trị nhân văn, giáo dục con người, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải học nhiều, trải nghiệm và suy tưởng nhiều... thì mới có tác phẩm, vai diễn hay được”.

Chúng tôi hỏi ông, có ý kiến cho rằng: phim chiến tranh của Việt Nam chỉ dừng ở sự minh họa và tuyên truyền mà thiếu tính nghệ thuật, nhân bản. Là một người chuyên làm phim chiến tranh, ông nghĩ sao?

Đạo diễn Trần Vịnh liền "phản pháo":  "Phim chiến tranh của chúng ta từng có nhiều phim hay, có nghệ thuật chứ. Riêng chuyện làm phim đã là nghệ thuật rồi. Còn tính nhân bản như anh nói là tùy quan niệm từng người, tùy từng đạo diễn khi làm nghề. Với tôi, làm phim chiến tranh là phải rạch ròi. Địch là địch, ta là ta. Anh không thể nhân bản với kẻ thù được, ca ngợi kẻ thù được. Tôi nhớ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi tiếp cựu Tổng thống Bill Clinton đã nói, đại ý: Dân tộc chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, nhưng vì các anh mang quân và súng đạn sang đánh chúng tôi buộc chúng tôi phải đánh lại”.

Ông cũng nổi tiếng là đạo diễn luôn tìm kiếm những gương mặt mới cho phim của mình, trong khi đa số đạo diễn thì làm ngược lại, họ chọn những gương mặt quen, ăn khách để mời hợp tác. Lý giải cho việc đó, đạo diễn Trần Vịnh cho rằng, nghệ thuật luôn cần sự mới lạ thì mới hấp dẫn người xem. Hơn nữa nhiều diễn viên bây giờ chạy show nhiều quá, diễn không còn có hồn và sáng tạo nữa. Họ lại quá quen thuộc với người xem nên yếu tố thu hút bị giảm đi nhiều.

"Do vậy, tôi muốn tìm kiếm những gương mặt mới lạ và hướng dẫn họ đóng phim để tránh sự nhàm chán và tăng tính hấp dẫn cho phim của mình. Ngoài ra, diễn viên mới lạ thì họ sẽ có thời gian đầu tư cho vai diễn nhiều hơn vì không phải chạy show. Dĩ nhiên, khi chọn diễn viên như thế, tôi cũng phải tìm những người có kỹ thuật diễn như các diễn viên ở các đoàn hát tỉnh, hoặc ít ra là có năng khiếu tố chất và phù hợp với vai diễn" - ông nói.

Sau các phim về chiến tranh, đạo diễn Trần Vịnh đang ấp ủ làm phim về Hoàng đế Quang Trung.

"Hoàng đế Quang Trung là một trong những nhân vật lịch sử vĩ đại và hấp dẫn của dân tộc ta mà đạo diễn nào cũng muốn làm phim cả. Tôi cảm thấy vui và vinh dự khi được làm phim về Vua Quang Trung. Nhưng thú thật là làm phim cổ sử ở Việt Nam ta không dễ, vì nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố công nghệ và kỹ xảo làm phim. Bởi vì phim cổ sử cần nhiều người đóng và thường phải quay cảnh chiến trận, tốn kém và quy mô. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để hy vọng mang lại bộ phim thu hút khán giả. Chúng tôi đang trong quá trình khảo sát thực tế, tìm diễn viên… nói chung là đang ở khâu chuẩn bị cho việc quay bộ phim này. Lẽ ra phim đã ra mắt khán giả rồi, nhưng vì gặp những trở ngại ngoài ý muốn nên phải gác lại" - ông cho biết.

Trần Vịnh tâm sự, ông mong muốn làm đủ các phim truyền thống trên toàn quốc. Đến nay đã làm trên 30 tỉnh từ Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vinh, Bình Dương, Bạc Liêu... "Mơ ước của tôi là được làm phim dài tập về thành cổ Quảng Trị - nơi một thời ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc ta. Tôi làm phim về Quảng Trị nhiều, nhưng đặc biệt với thành cổ thì chưa làm. Tôi đã đi tới đó nhiều lần, đã nhen nhóm nhưng chưa làm phim được. Lý do vì chưa có người cùng tâm huyết, chưa có kịch bản hay, ưng ý" - ông nói.

Phạm Huy Văn
.
.