Vụ đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP: “Đạo nhạc” dưới những góc nhìn khác nhau
![]() |
Phóng viên (PV): Hiện nay hiện tượng đạo nhạc làm dư luận bức xúc vậy Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Theo điều lệ và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thì Trung tâm phải có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích về tiền bản quyền cho tác giả theo luật định mà điều quan trọng hơn là bảo vệ cả giá trị tinh thần trong tác phẩm của tác giả. Từ khi thành lập đến giờ Trung tâm vẫn đang làm ráo riết để trả lại lợi ích vật chất cho các nhạc sĩ và phần thứ hai là bảo vệ quyền nhân thân của tác giả. Đó chính là sự trọn vẹn tác phẩm, không bị xâm phạm, không bị làm méo mó, tất cả những gì liên quan đến giá trị tinh thần của tác phẩm là phải được bảo vệ. Mặc dù vậy nhưng trong thực tế Trung tâm quá bận rộn, vì nhân lực, thời gian có giới hạn, trường hợp nào dư luận thực sự bức xúc, những vấn đề về quyền nhân thân như đạo nhạc bị xâm hại nghiêm trọng thì trung tâm phải lên tiếng. Và đấy cũng là đúng trách nhiệm, nhiệm vụ của Trung tâm.
PV: Thưa nhạc sĩ, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN có thấy hiện tượng đạo nhạc có thể coi là vấn nạn hay chưa?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vài năm trở lại đây, qua các kênh thông tin nhiều luồng từ bạn bè, truyền thông, dư luận xã hội quy trình sản xuất tác phẩm âm nhạc hay còn gọi quy trình "sáng tạo" của tác giả ở đời sống âm nhạc hiện nay rất lệch lạc. Hiện tượng đạo nhạc khá phổ biến. Trường hợp bài "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng chỉ là một trong những thí dụ điển hình.
Vụ này gây dư luận ồn ào nhiều ngày qua cho nên Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đứng ra để thẩm định việc này. Công việc này đúng với trách nhiệm, nhiệm vụ của Trung tâm. Trung tâm đã làm kỹ càng và đầy trách nhiệm. Trung tâm đã thiết lập hội đồng thẩm định gồm các tác giả thuộc các lứa tuổi và đều là những người gắn bó sâu trong lĩnh vực âm nhạc, có uy tín, gồm nhạc sĩ Doãn Nho, Trương Ngọc Ninh, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Dương Khắc Linh. Sau khi đã làm kỹ càng và đầy trách nhiệm thì tất cả các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều thấy rằng không thể có cách gọi nào khác mà phải gọi đây là đạo nhạc. Đương nhiên chữ “đạo nhạc” hiểu đơn giản “đạo” tức là lấy cắp, lấy trộm.
PV: Hiện tượng đạo nhạc là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Nhưng trong nghệ thuật thì người ta thường chống chế và dùng từ “học hỏi” hay nói là na ná giống nhau. Và có sự nhập nhèm giữa hai ranh giới này. Vậy theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN sẽ phân xử trường hợp này cụ thể như thế nào?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tác giả của bài “Chắc ai đó sẽ về” ghi nhận là chỉ lấy phần beat, beat là nhịp đập, nhưng thực ra là lấy phần nền, phần đệm. Trong đó có quy định của hòa thanh, tiết tấu, nhịp độ của bài "Because I miss you". Phần nền ấy là sản phẩm của một nhạc sĩ khác làm ra. Vậy anh lấy một sản phẩm khác đã có chủ, lấy mà không xin phép, không đề tên, không chia sẻ lợi ích mà đề tên mình vào có gọi là đạo không? Nhưng ở đây không phải chỉ lấy phần nền không xin phép tác giả, không chia sẻ lợi ích thì điều đó rõ ràng là phải chấm dứt vì cái đó là đạo rồi. Nhưng tác giả "Chắc ai đó sẽ về" còn nói là giai điệu của bài hát là không đạo. Nhưng tôi nói ngay cả hợp âm, phần nền, giai điệu của bài hát ấy thì chỉ có chuyên gia trong âm nhạc quan tâm họ sẽ phát hiện ra ngay, chứ chuyên gia mà lơ đãng thì cũng không nhận ra.
![]() |
Sơn Tùng |
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nghe hai tác phẩm âm nhạc và xem xét kỹ thì cái giai điệu ấy là mô phỏng và đang lần từng bước và đi theo giai điệu gốc của bài hát gốc "Because I miss you". Giai điệu ấy hội đồng thẩm định có thể phân tích từng câu một. Nhìn các nốt nhạc của hai bài hát thì không hoàn toàn khớp nhau nhưng ta có thể nói các tuyến đi, các điểm dừng của mỗi câu nhạc, hướng phát triển của giai điệu và hình dáng vị trí của các cao trào của bản nhạc. Vậy là bố cục, nhịp điệu, tốc độ, sắc thái của hai bài hát là như nhau. Và trạng thái cảm xúc, hình tượng mà bài hát định đưa ra, thậm chí cách diễn đạt, màu sắc, cách thể hiện bài hát cũng là mô phỏng của tác phẩm gốc. Tóm lại giai điệu của bài hát mới này cũng đi theo lộ trình của giai điệu gốc.
Mặc dù từng dấu chân cụ thể thì không khớp nhau, nhưng ta có thể hình dung giống nhau là một đứa bé đi theo vết chân của người lớn, của anh chị, bố mẹ. Nghĩa là phải đi theo từng bước. Chỉ có điều là nó không trùng các vết chân. Trùng vết chân là trường hợp đi trong bãi mìn nếu không đi đúng vào vết chân lệch ra là có thể bị nổ. Không trùng từng vết bàn chân nhưng đi theo từng chặng, từng bố cục, cao trào cho đến giai điệu. Giai điệu cũng đang mô phỏng giai điệu chính. Tác giả của bài “Chắc ai đó sẽ về” tự ghi nhận là lấy phần nền. Nhưng mà lấy không hỏi, không xin phép là đạo rồi. Hội đồng thẩm định cũng đưa ra kết luận kể cả giai điệu cũng là mô phỏng đi theo từng bước của bài “Because I miss you”.
PV: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thấy các nhạc sĩ phản ứng ra sao với hiện tượng được cho là đạo nhạc này. Họ cho đây là “chuyện bình thường” hay cần phải triệt tiêu, làm rõ, và đưa ra ánh sáng?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Cho đến nay tác giả của bài “Chắc ai đó sẽ về” cũng chỉ là trường hợp của rất nhiều trường hợp dư luận trong vài năm gần đây lên án. Đây là tình trạng chung của sự "sáng tạo", quy trình để đưa ra các sản phẩm âm nhạc trên thị trường hiện nay như thế này thì rất lệch lạc, nguy hiểm. Có những nhạc sĩ không sâu sát việc này, nghe loáng thoáng bảo thôi kệ người ta người ta có quyền, vẫn có thể sáng tác trên nền của người khác. Tôi thay mặt 7 nhạc sĩ trong hội đồng thẩm định không chấp nhận quy trình này, vì việc làm này không sòng phẳng, không đúng đắn, không phải là một công việc sáng tạo mà đây là một quá trình sao chép tệ hại. Tệ hại cho chính người làm việc đó bởi họ sẽ nhầm lẫn. Đây là quá trình lưu cữu nhiều năm trào lưu này không bị phê phán, nên tác giả trẻ này nhầm lẫn và cứ đi theo con đường này. Tôi nghĩ chúng ta có những nhận định, hành động nghiêm khắc không chỉ tốt cho công chúng yêu âm nhạc mà tốt cho chính tác giả này. Phân tích rõ như vậy để tác giả này chấm dứt quy trình sáng tạo ra sản phẩm âm nhạc. Đây là vi phạm sáng tạo của người cầm bút vì anh vi phạm công việc sáng tạo thực sự. Vi phạm luật, vì anh đang xâm hại sản phẩm của người khác.
Đây là một quy trình tạo ra sản phẩm âm nhạc rất nguy hiểm và rất phản lại nguyên tác sáng tạo của nhạc sĩ. Phải dừng ngay, chấm dứt ngay không chỉ tác giả này mà với đời sống âm nhạc, phải tẩy chay và ngăn cấm cái quy trình "sáng tạo" làm ra sản phẩm âm nhạc kiểu này. Nó sẽ rất nguy hại, làm cho công chúng yêu nhạc lẫn lộn hết tất cả. Nó sẽ làm mất danh dự của giới âm nhạc VN trước con mắt của bạn bè quốc tế và nhất là công chúng giới trẻ sẽ không biết thế nào là sáng tạo đích thực nữa.
Cách làm ra sản phẩm âm nhạc kiểu này sẽ làm nghèo nàn sự sáng tạo đích thực của những nhạc sĩ chân chính, nó cũng sẽ không đem lại thêm cho đời sống âm nhạc một giá trị nào cả. Vậy, thà cứ lấy nguyên là tác phẩm của nước ngoài xin phép họ để đặt lời VN vào còn hơn. Thì công chúng còn biết đây là lời của Hồng Kông, nhạc này là của Hàn Quốc, nhạc này là của Nhật Bản, Mỹ… Một tác phẩm âm nhạc đến với công chúng thì phải minh bạch, đừng để làm cho công chúng lẫn lộn. Nhạc của nước ngoài lại tưởng là nhạc VN. Nó tạo một tình trạng rối ren, đưa vào đời sống âm nhạc một thứ không rõ lai lịch, công chúng không biết cái sản phẩm âm nhạc đấy là từ đâu ra, bị lẫn lộn. Nhạc nước ngoài để đúng vị trí và xin phép người ta đàng hoàng, nếu được sự đồng ý thì đặt lời mới vào. Ở đây, nếu như đặt lời thì còn giá trị hơn kiểu làm này.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Bách đã từng nói về tình trạng âm nhạc của thị trường phía Nam đã lan ra phía Bắc. Ông không dùng từ nhạc Việt mà nói là "nhạc Vẹt" để nói về sự nhái, đạo này. Tình trạng này không chỉ tác giả của bài "Chắc ai đó sẽ về" vì dăm năm nay đã trở thành một thói quen xấu khi mà không có cơ quan hoặc cá nhân nào đứng ra để nói thẳng, phân tích một cách rạch ròi về hiện tượng âm nhạc bất thường này. Điều đó gây nên kết quả là thị trường âm nhạc trong mấy năm trở lại đây ngày càng tràn ngập những loại hàng như vậy. Nếu trường hợp này không có sự cảnh tỉnh thì một thời gian nữa đời sống âm nhạc VN sẽ toàn là thứ vay mượn, nhái hàng giả để cả một thế hệ trẻ sẽ không biết thế nào là đúng sai phải trái. Và họ yên tâm đấy là nhạc VN.
![]() |
PV: Là một người gắn bó lâu năm và có uy tín trong làng nhạc Việt, trước tình trạng đạo nhạc như hiện nay, nhạc sĩ có ý kiến gì?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trước tiên ta phải phân biệt rạch ròi những người làm nghệ thuật và những người làm âm nhạc. Có hai loại, loại thứ nhất là những người mang nghiệp sáng tạo, người ta tạo ra ngôn ngữ mới, tâm hồn mới, và những người như thế chỉ lập lại chính họ thì họ cảm thấy buồn, thậm chí là xấu hổ chứ đừng nói là giống hay "ăn theo" người khác. Còn loại thứ hai thì nhiều lắm, đó là những người hành nghề. Hành nghề trong âm nhạc thì cũng như các nghề khác thôi. Đi buôn cũng có chiếm dụng vốn của nhau, buôn gian bán lận, trốn thuế. Đó là chuyện bình thường. Những người làm nhạc thị trường họ cũng buôn gian, bán lận, chiếm dụng vốn của nhau. Trường hợp đạo nhạc là như vậy. Tôi không quan tâm đến dạng thứ hai là dạng hành nghề vì nó chỉ như các ngành nghề khác. Tôi cũng không đau khổ, trăn trở về việc đó. Thử hỏi xem hàng triệu, hàng vạn doanh nghiệp trên thế gian này có bao nhiêu doanh nghiệp không chiếm dụng vốn, không buôn gian bán lận?!
PV: Chuyện đạo nhạc có thể coi là chuyện bình thường hay chuyện bất thường, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Buôn gian bán lận thì có đứa lộ liễu mọi người thấy, có đứa ăn cắp không lộ liễu, chỉ đạo 30, 40%, người ta khó phát hiện ra. Chuyện đạo này cũng như các ngành khác, không có gì để làm to chuyện. Và trong nghệ thuật thì luôn luôn có ranh giới người mang nghiệp và người hành nghề. Chuyện đạo nhạc bây giờ phổ biến rất nhiều chứ không phải là một mình Sơn Tùng là trường hợp cá biệt đâu. Đấy là chuyện bình thường vì ngay cả những ông lớn, những doanh nghiệp lớn cũng buôn gian, bán lận, chiếm dụng vốn nữa là một cậu thanh niên mới lớn lên. Nên cũng đừng làm quá lên, có khi cậu ấy nổi tiếng hơn vì chuyện này.
PV: Hiện tượng được coi là đạo nhạc lại rơi vào bộ phận giới trẻ, được coi là mầm xanh của đất nước, liệu có quá nguy cho âm nhạc Việt hay không?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Giới trẻ vì không có bản lĩnh, tuổi mới lớn lên hám danh, hám lợi, hám đủ mọi thứ. Ngay cả giới trẻ có những người âm thầm sáng tạo, người ta đau đáu đi tìm những tâm hồn riêng, giọng điệu riêng. Lớp trẻ bên cạnh những người làm nghề còn có cả người mang nghiệp sáng tạo. Lớp trẻ hành nghề mà dân hành nghề thì đến 90%, thậm chí là 95%, 98%. Những người mang nghiệp thì ít, những người mang nghiệp sẽ trở thành những nghệ sĩ lớn, những người đóng góp lớn về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Còn những người hành nghề cứ để họ hành nghề. Ai bị bắt quả tang thì chịu vậy. Việc đạo trong âm nhạc cũng như hàng trăm doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau, trốn thuế, lậu thuế chứ có gì đâu!
PV: Trong nghệ thuật rất khác với toán học, khó phân định được đáp số. Làm sao để chúng ta phân định rạch ròi?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi khẳng định cái này không phân định được chỉ có những cái gì như bài hát vừa rồi của Sơn Tùng thì quá đáng quá, lộ liễu quá nên mọi người biết được, chứ bình thường thì âm nhạc lẫn lộn cả ấy mà. Trong âm nhạc, người mang nghiệp sáng tạo, số này ít lắm.
PV: Nếu không phân định trắng đen rạch ròi, thì thị trường nhạc Việt liệu có bị lũng đoạn, nhiễu nhương, theo chiều hướng xấu…?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Đạo nhạc thì có gì mà lũng đoạn âm nhạc Việt Nam, sự đạo nhạc ấy chẳng đáng gì so với âm nhạc Việt Nam. Ngay cả các nước tiên tiến cũng thế, cái gì nổi phùng phình lên người ta tưởng đó là nghệ thuật, đó không phải là âm nhạc của đất nước. Âm nhạc của đất nước là cả một nền dân ca, giao hưởng, cả nền khí nhạc, những tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ mới. Đó mới là nền âm nhạc dân tộc. Một cái bài hát lọt thỏm trong hàng triệu bài thì chả có đáng gì cả. Tác giả đạo giống nhạc Hàn Quốc, giống nhạc Tây, nhạc Tàu… quan trọng gì đâu. Còn nếu đạo mà đến 80-90% thì người ta sẽ lôi ra cơ quan có trách nhiệm thẩm quyền thì người đó phải tự chịu hành vi vi phạm của mình.