Đầu năm nghệ sĩ bàn về chữ Nhẫn

Thứ Sáu, 27/02/2015, 20:10
Đầu năm xin chữ, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thích chữ Nhẫn. Nghệ sĩ Việt cũng yêu thích chữ Nhẫn và trong mỗi người có lý giải khác nhau về chữ Nhẫn ứng với cuộc sống của mình. có câu rằng: “Bạn chớ nên cáu gắt, cáu gắt sẽ làm tổn thương hòa khí. Bạn chớ nên tức giận, tức giận sẽ làm tổn hại nguyên khí. Bạn chớ nên đùa giỡn, đùa giỡn sẽ làm hỏng tài khí. Bạn phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn sẽ có được thần khí”.

Trong triết học Mác cũng đã khẳng định: “Chỉ có những người nào không sợ chồn chân mỏi gối, trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học thì mới hy vọng đạt đến đỉnh cao xán lạn”.

NSND Lan Hương

Trong các chữ người ta hay đi xin đầu năm thì tôi thích chữ "Nhẫn". Ở nhà tôi treo chữ "Nhẫn" đã 15 năm nay. Và tôi nghĩ rằng sự kiên trì, nhẫn nại sẽ đem lại cho mình rất nhiều thành công. Tôi luôn dặn mình phải biết tiết chế, biết nhẫn nhịn. Mình tiết chế sẽ được nhiều thứ. Tôi nghĩ, trong cuộc sống thất bại là đương nhiên, vậy nên vui vẻ chấp nhận thất bại, nếu biết vui vẻ chấp nhận thất bại thì mới tiến lên được. Cuộc sống thành công, nhưng trước khi đến với thành công thì không có nghĩa là không có thất bại. Bắt buộc phải có thất bại nhưng người ta đối diện với thất bại đấy như thế nào? Phải biết chấp nhận nó!

Trong đời sống thì kỹ năng sống rất quan trọng. Từ thời xưa, có ông lấy một lúc ba bốn bà vợ, bà vợ cả lại phải đi hỏi vợ cho chồng. Hỏi cưới cho ông đến mấy lần vậy mà trong gia đình đấy bao nhiêu năm các cụ sống êm ấm hòa thuận, con cái đứa bé tôn trọng đứa lớn. Anh ra anh, em ra em. Để làm được như vậy thì kỹ năng sống của các cụ cực kỳ giỏi. Người ta phải tìm cho mình một cách sống, một kỹ năng sống tốt. Trong cuộc sống bây giờ con người ta càng ngày càng gấp gáp, hối hả hơn, những giá trị đạo đức cổ truyền ngày mai một đi ít nhiều.

Giá trị cổ truyền nếu như mình không biết nhìn nhận, không biết gìn giữ và không để cho thế hệ sau nhận thức đúng đắn, cái chính là phải nhận thức được đấy là những giá trị rất đẹp mới gìn giữ được. Sống phải có gốc. Tôi nghĩ quan trọng là cái gốc, cái cốt lõi.  Hạnh phúc không bao giờ dễ dàng, không bỗng dưng mà tôi lại có cuộc sống yên ổn. Để có cuộc sống như thế tôi phải nỗ lực rất nhiều và luôn phấn đấu không ngừng nghỉ vì nó. Khi mình thấy điều đó đúng thì mình theo đuổi, nỗ lực hết mình và chịu rất nhiều sự hy sinh và cả thiệt thòi chứ không phải bỗng dưng mà có được.

Hơn 20 năm trong cuộc sống gia đình, mình và anh Đỗ Kỷ luôn gắng vun đắp cho tổ ấm nhỏ bé, đó là nhờ mình học được chữ nhẫn. Nhẫn nhịn để hiểu và yêu thương chia sẻ, đồng cam cộng khổ trên con đường đi. Còn bây giờ mọi người gặp tôi ngoài đường vui vẻ trẻ trung, thoải mái, nhưng trên sân khấu thấy mình  đóng vai này vai kia một cách đơn giản như thế nhưng rõ ràng phải qua bao nhiêu năm thăng trầm, phấn đấu, trải qua bao nhiêu thất bại nữa.

Ngay  trong sự nghiệp của mình cũng có những lần thất bại  nhưng mình đừng đặt cái đấy cao quá và mình cũng đừng nghĩ đó là một cái gì ghê gớm cả. Điều đó rất đỗi bình thường như cơm ăn hằng ngày. Có hôm mình nấu cơm rất ngon, có hôm đầu óc chểnh mảng nấu rất dở, chuyện đấy rất bình thường, nó là cuộc sống.

Như trong xã hội có người tốt, người xấu, người thanh cao, kẻ hèn hạ, mình biết chấp nhận vì đó là xã hội. Đúng là để có một cái gì đó tốt đẹp, như ý muốn thì đòi hỏi phải có sự hy sinh, phấn đấu mà không phải là ngày một ngày hai mà phấn đấu cả một quá trình đến hôm nay. Nếu gặp chuyện không như ý, mình buông bỏ, không nhẫn nại, kiên trì rèn luyện thì không bao giờ mình đi đến đích được.

NSƯT Quốc Anh

Tôi chỉ thích mỗi chữ “Nhẫn” vì rằng khi chiêm nghiệm ở cuộc sống nếu có được chữ “Nhẫn” mọi cái sẽ trôi chảy hơn. Đến tầm tuổi này rồi, mới thấy chữ nhẫn hay lắm, không phải nhẫn là đi lùi đâu. nhẫn không phải để lùi rồi tiến lên, nếu hiểu thế thì đơn giản quá. Nói đến chữ nhẫn người ta vẫn thường chỉ hiểu ở một khía cạnh nhẫn là nhẫn nại, nhường nhịn, chịu đựng hoàn cảnh khó khăn, thậm chí khốc liệt, nếm mật nằm gai để đợi  một ngày mai tươi sáng.

Trong chữ nhẫn đấy thậm chí phải khổ sở, đói rét, đắng cay, nhục mạ, chịu cực trăm bề để rồi: "Qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai". Vì vậy, người ta lầm lẫn cho nhẫn là nhu nhược, thiếu phản kháng, cam chịu một cách thụ động, hay một cảm giác tinh thần và thể xác bị chèn ép, đè bẹp, để tu tâm dưỡng tính.

Nhẫn là chiêm nghiệm anh nhìn lại cái mà sự việc đã xảy ra. Chữ nhẫn lớn lắm. Nhiều khi có chữ “Tâm” ở trong người tất nhiên người nào có chữ ấy thì cực kỳ tốt, nhưng chữ nhẫn không đứng trên chữ tâm thì cũng không làm được gì, nên hai chữ ấy phải song song. Tôi rất thích chữ nhẫn.

Người ta kể lại rằng Tô Đông Pha đời nhà Tống nói về Trương Tử Phòng, một nhân vật tài trí kiệt xuất thời Tiền Hán ở đất nước Trung Hoa: "Kẻ được gọi là hào kiệt thời xưa, tất phải có khí độ hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, nên kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, xông tới mà đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Bậc đại dũng trong thiên hạ, gặp những biến cố bất ngờ mà không kinh hoảng, vô cớ bị lăng nhục cũng không nổi giận".

Chữ nhẫn là người ôm trong mình một hoài bão một ước mơ lớn ấp ủ  mà đã chứng thực rất nhiều trong lịch sử tự ngàn xưa. Tướng tài như nam nhân Hàn Tín không thể mang lụy vô cớ vì một kẻ hạ lưu, nên chấp nhận cái nhục luồn trôn giữa chợ để sau này thi thố với đời. Trương Tử Phòng chấp nhận để một ông lão xa lạ mắng chửi, sai bảo như một kẻ tôi đòi để rồi được truyền thụ binh pháp. Câu Tiễn cam tâm nhẫn nhục chịu đựng để đến một ngày tiêu diệt nước Ngô.

Nữ nhân xinh đẹp như Điêu Thuyền cũng dùng chữ nhẫn để ly gián hai cha con Đổng Trác và Lữ Bố. Hay một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Hoa như Tây Thi cũng dùng chữ nhẫn để thực hiện tâm nguyện  công đầu trong việc giúp Phạm Lãi, Văn Chủng và Việt Vương Câu Tiễn diệt Vua Ngô Phù Sai.

Dùng chữ nhẫn để thay đổi số mệnh một con người, một vương triều,  hay cả một dân tộc. Nhưng có lẽ chữ nhẫn cũng không chỉ dừng ở đó. Chữ nhẫn mang nội hàm của khởi phát của tâm tịnh, của tuệ khí. Đó chính là đạt đến thượng thừa của trí tuệ cao siêu.

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: “Chưa dễ ai là bụt Thích Ca, Mọi điều nhân nghĩa nhẫn thì qua, Lòng vô sự: trăng in nước, Của thảng lai: gió thổi hoa”. Chữ nhẫn ở đây không phải là sự kìm nén, dồn đẩy của tâm tính con người phải chịu lụy, chịu cực hình, chịu khổ hạnh mà là sự thông suốt, an nhiên tự do tự tại  của một người vô sự đủ thông tuệ và đức hạnh để nhìn ra bản chất vô thường.

NSƯT Xuân Hinh

Người Việt Nam ta có câu: “Một câu nhịn, chín câu lành”,  hay: “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Nhẫn là giữ thái độ mềm mỏng, ôn hòa, khả ái, hóa giải những phiền não do sự sân giận đem lại, mà khi sân giận mang lại hầu như không có kết quả tốt đẹp như câu ngạn ngữ: "Giận quá mất khôn". Vợ chồng mà nhẫn được thì con cái vui vẻ. Cha con mà nhẫn được thì giữ được chữ đạo. Anh em mà nhẫn được thì trong gia đình thuận hòa êm ấm. Bạn bè mà nhẫn được thì giữ được chữ tình.

“… Có khi nhẫn để xoay vần

Thiên thời địa lợi nhân tâm hiệp hòa

Có khi nhẫn để vị tha

Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù

Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu

Hơn hơn, thiệt thiệt đường tu khó lường

Có khi nhẫn để vô thường

Không không sắc sắc đoạn đường trần ai

Có khi nhẫn để lắng tai

Khôn khôn dại dại nào ai tránh vòng

Có khi nhẫn để bao dung

Ta vui người cũng vui cùng có khi

Có khi nhẫn để tăng uy

Có khi nhẫn để kiên trì bền gan...”.

Trần Mỹ Hiền
.
.