Dấu tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong ngôi chùa cổ

Thứ Ba, 17/11/2015, 22:05
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng đi đến nhiều nơi để tổ chức hoạt động cứu nước. Những hoạt động yêu nước của cụ đã bị mật thám của thực dân Pháp theo dõi gắt gao. Trong những tài liệu mật của mật thám Pháp ghi lại những chuyến theo dõi ấy, chúng xếp cụ và những hành động của cụ là "nguy hiểm".

Điều kỳ lạ là dấu tích của những tài liệu đó đang được lưu giữ trong một ngôi chùa cổ ở tỉnh Bình Dương. Ngôi chùa này cũng là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng tới hoạt động, gây dựng phong trào yêu nước.

Đó là chùa Hội Khánh ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi. Hòa thượng Thích Huệ Thông, trụ trì chùa Hội Khánh, cho biết: Chùa này do Đại Ngạn thiền sư xây dựng năm 1741. Chùa Hội Khánh có kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn - tức là nối sát nhau liên tục. Cấu trúc chùa gồm: tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các theo kiến trúc chùa cổ như kiểu Thiếu Lâm tự.

Trong khuôn viên của chùa Hội Khánh có tượng Phật nằm và các đệ tử quỳ bên cạnh. Tượng làm bằng đá trắng cẩm thạch rất đẹp. Trong khuôn viên chùa còn có một nhóm tượng mô tả lại cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật. Chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 1993.

Đặc biệt, do cảnh quan nơi đây rất đẹp, nhiều đoàn phim đã chọn chùa cho những cảnh quay liên quan đến Phật giáo. Hiện ở sân chùa còn nhiều ghế đá do các nghệ sĩ từ TP HCM dâng tặng, để mọi người đến vãn cảnh chùa có chỗ nghỉ ngơi, trò chuyện.

Tăng - Chúng một lòng cứu nước

Theo những tư liệu - di tích lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương và nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huệ Thông, khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức, Sài Gòn cũ, nay là quận Thủ Đức, TP HCM đi đến nhà của Gaston và Lê Đức ở tỉnh Thủ Dầu Một - nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Ngai thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ trong chùa Hội Khánh.

Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện tức cụ Tú Cúc. Cụ Phan Đình Viện quê Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp truy lùng, phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước.

Cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc, họ đã cùng nhau khởi xướng nhiều hoạt động cứu nước tại chùa Hội Khánh này. Từ cuộc gặp gỡ đó, họ đã quy tụ được những nhà yêu nước tại địa phương như: ông Khôi, ông Nhẫn, thầy Ký Cội, Giáo Thọ Qưới, thầy Từ Tâm v.v...

Ngoài chùa Hội Khánh, trước đây theo bước chân lưu lạc của mình, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng xây dựng những tổ chức yêu nước cứu quốc ở các nơi mà cụ từng sinh sống, như: ở chợ Gạo, Vĩnh Kim, Sớm Dầu (Tiền Giang), chùa Hòa Khánh, chùa Giồng Thành và nhiều nơi khác.

Do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn khá lớn ở trong vùng nên họ quyết định thành lập Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh. Mục đích Hội là thông qua các buổi thuyết giảng giáo lý chấn hưng Phật giáo, các lớp dạy chữ Nho, dạy bốc thuốc… để truyền bá tư tưởng yêu nước.

Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp  để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây.

Chùa Hội Khánh.

Để hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước được hiệu quả và che mắt mật thám Pháp, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã mượn những buổi thuyết pháp về đạo Phật để nói về lòng yêu nước và khuấy động phong trào cứu nước. Cụ cũng là người nghiên cứu về Phật giáo rất kỹ.

Thời gian hoạt động của Hội Danh dự yêu nước không bao lâu thì bị thực dân Pháp phát hiện. Cụ Phó bảng phải rời chùa Hội Khánh về khu vực miền Tây tiếp tục hoạt động. Nơi cụ đến ở đầu tiên là khu vực tỉnh Tiền Giang, sau chuyển xuống làng Hòa An, sống tại chùa Hòa Long, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tại đây, cụ Phó bảng lại thành lập, khởi xướng phong trào yêu nước trong dân chúng và bị mật thám Pháp theo dõi đến cuối đời… Tại chùa Hội Khánh và khu di tích lăng mộ cụ ở thành phố Cao Lãnh còn để lại những công văn mật của Sở Mật thám Pháp ra lệnh theo dõi cụ. Ngày 26-10 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 26/11/1929) cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mất tại chùa Hòa Long, thọ 67 tuổi.

Những di vật lịch sử

Hiện nay, ở chùa Hội Khánh còn lưu giữ nhiều di vật liên quan tới quãng đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong điện thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ còn giữ đôi câu đối do cụ viết. Nội dung đôi câu đối như sau:

"Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong"

Nghĩa là: “Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước/ Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây”.

Ngoài ra, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và chiếc la bàn, hiện được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Trong chùa Hội Khánh còn bức tranh vẽ Hòa thượng Từ Văn cùng đàm đạo với cụ Phó bảng và vị phụ tá cho hòa thượng. Bên cạnh đó còn tấm bảng ghi câu văn, chụp hình ảnh liên quan đến cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như: bản đồ vẽ sơ đồ những nơi cụ từng ghé thăm và hoạt động cứu nước, hình ảnh cuốn sách coi địa lý, hình ảnh la bàn.

Trên tấm bảng có ghi câu nói nổi tiếng của cụ: "Quan trường nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ". Nghĩa là: “Quan trường là nô lệ trong đám nô lệ lại càng nô lệ hơn”.

Tấm bảng còn chụp lại bản nhân dạng của cụ Phó bảng lúc ấy, hình ảnh các tài liệu của mật thám Pháp yêu cầu theo dõi cụ. Những tài liệu này được viết bằng tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Việt. Từ những công văn yêu cầu theo dõi đó cho thấy thái độ của chính quyền Pháp thời đó đối với nhân vật Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc như thế nào. Thực dân Pháp đánh giá những hoạt động của cụ là "nguy hiểm, cần phải theo dõi".

Ngoài ra, những tài liệu đó còn cung cấp thêm cho chúng ta nhiều thông tin về cuộc đời và hoạt động yêu nước của cụ. Chẳng hạn tài liệu hồ sơ A37801I do Phủ Toàn quyền Đông Dương - Phủ Mật thám Trung ương ký ngày 21, tháng giêng, năm 1920, ghi: "Họ và tên: Nguyễn Sanh Huy, biệt danh còn gọi là Nguyễn Xuân Sắc, Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Phan Diêu. Nòi giống (quốc tịch): Người An Nam ở Bắc Trung kỳ. Tuổi: sinh năm 1862. Nghề nghiệp hay chức vụ: (bỏ trống). Chức tước hay cấp tước: Phó bảng, cựu tri huyện ở Trung Kỳ bị cách chức…".

Công văn mật số 280s do Cảnh sát Đông Dương Nam Kỳ, Sở Mật thám, do Chánh mật thám (không đọc được tên) ký tại Sài Gòn, ngày 28, tháng giêng, năm 1928, ghi lại: "Trong tháng 11 vừa rồi. Nguyễn Sanh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc cùng con gái tên là Nguyễn Thị Thanh đi theo đã qua đêm tại nhà tên Vũ Hoành ở Sa Đéc. Sau đó ông đến chùa Hòa Long, chùa này còn có tên là "Miểu trời sanh"  ở làng Hòa An. Sau khi trú tại chùa này một tháng, ông ta đến nhà Hương chủ Sành làng Hòa An và ở lại nhà nầy khoảng 15 hôm. Sau đó ông ta đi Sài Gòn và có thể từ nơi này đi ra Bắc Kỳ…".

Công văn trên gửi cho Thống đốc Nam Kỳ, Chánh Sở Cảnh sát và Tổng Mật vụ Hà Nội, quan cai trị: chủ tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp - NV), Chánh Sở Mật thám Trung Kỳ Huế, Ủy viên đặc nhiệm khu 1 Sài Gòn. Nguồn cung cấp công văn là Chỉ huy trưởng Đội cơ động Vĩnh Long. 

Cuối công văn trên, viên Chánh mật thám yêu cầu: "Tôi yêu cầu ông ủy viên đặc nhiệm khu ủy trưởng khu 1 điều tra xem Nguyễn Sanh Huy đã trở về Sài Gòn chưa và ông ta có thực hiện ra Bắc Kỳ không?".

Bấy nhiêu di vật, không đủ nói hết về cuộc đời và sự cống hiến thầm lặng mà lớn lao của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhưng trong một ngôi chùa cổ tĩnh mịch, tôi đã chứng nghiệm được lòng yêu nước của những bậc tiền nhân đáng kính. Để từ đó, chúng tôi hiểu rằng: Lòng yêu nước của người Việt nơi nào và thời nào cũng có. Và đó là sức mạnh to lớn, trường tồn của dân tộc này.

Phạm Huy Văn
.
.