Đền Bà Đế - di tích lịch sử đang bị biến dạng

Thứ Hai, 15/12/2014, 20:15
Ngôi đền Bà Đế nằm dưới chân núi Độc, sát mép biển thuộc phường Ngọc Hải, Đồ Sơn là một chứng tích lịch sử liên quan đến triều đại suy vong đời thứ bảy của chúa Trịnh. Dù mang chính sách xâm lược nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn xem đền Bà Đế là một trong những di tích của dân tộc Việt Nam cần lưu giữ và bảo tồn. Họ đã đưa hình ảnh ngôi đền vào con tem để phát hành rộng rãi trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay người ta đã xây mới ngôi đền thành một ngôi chùa ngoại lai một cách vô tội vạ. Không những thế, bà Lưu Quế Hoa thủ hương đền còn tự in ấn và phát hành một tài liệu chưa được các cơ quan chức năng kiểm duyệt. Tài liệu này có tiêu đề là “Sự tích đền Bà Đế. Núi Độc - Đồ Sơn” đã viết sai lệch dẫn đến ngộ nhận lịch sử.

Ngôi đền giải oan

Một cán bộ lão thành của Công an Hải Phòng, tạm gọi là ông X cho biết, khi còn đương nhiệm, chính ông đã "mượn" sự linh thiêng của đền Bà Đế để giải oan cho một người. Vụ án này đã lùi vào quá khứ, khi nhắc lại sẽ làm "đau" một số người trong cuộc, vì vậy, vị cán bộ này không muốn nêu chi tiết câu chuyện.

Vụ án xảy ra trong thời kỳ bao cấp. Một cán bộ cấp huyện bị tạm giam điều tra vì tình nghi tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa gây thất thoát hàng chục triệu đồng (thời đó hàng chục triệu tương đương hàng tỉ đồng hiện nay). Ông ta bị tình nghi chỉ vì cơ quan chức năng nhận được một lá đơn tố giác nặc danh. Trong quá trình điều tra, ông ta luôn kêu oan. Tuy nhiên, căn cứ vào một số sổ sách chứng từ được thu giữ, cơ quan chức năng nhận thấy số tiền bị nghi tham ô trùng khớp với số tiền thất thoát của đơn vị do nghi phạm quản lý. Vụ án đã hoàn tất hồ sơ điều tra, chờ mở phiên tòa xét xử.

Ngay thời điểm đó, vị chỉ huy điều tra vụ án được điều chuyển sang đơn vị khác nhận nhiệm vụ mới. Ông X được điều sang bộ phận điều tra và tiếp nhận hồ sơ vụ án. Ngay khi đọc hồ sơ, ông X đã nhận thấy có một số điều bất thường.

Điều bất thường khiến vị cán bộ công an suy nghĩ là gia cảnh đối tượng rất khó khăn, hầu hết các mối quan hệ đều khẳng định đối tượng sống rất tình nghĩa với mọi người và nghiêm khắc với bản thân. Hằng ngày, gia đình đối tượng sinh hoạt rất đạm bạc và khắc khổ nếu tham ô ngần ấy tiền mà sống kham khổ thì hơi lạ.

Dù án đã khóa, ông X vẫn cho trinh sát đi tìm hiểu thêm những chứng cứ. Một trinh sát cho biết, những ngày bị đình chỉ chức vụ để chuẩn bị hầu tra, nhiều người trông thấy đối tượng đạp xe về núi Độc, Đồ Sơn. Nghi là đối tượng giấu của cải hoặc có bồ nhí, vợ hai ở vùng đó, ông X tiếp tục chỉ đạo trinh sát tìm hiểu đối tượng đến những địa chỉ nào ở Đồ Sơn, đến đó tiếp xúc những ai. Sau mấy ngày quan sát, trinh sát báo cáo, đối tượng chỉ đến đền Bà Đế thắp hương, khấn nguyện mà không tiếp xúc với bất kỳ ai kể cả người giữ đền, thắp hương xong, đối tượng đạp xe về nhà.

Năm 1956, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn tất bản "Dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam". Đến năm 1957, sau khi từ miền Nam ra Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn đã về Đồ Sơn "ẩn cư" suốt mấy tháng để hoàn chỉnh bản thảo "Đề cương cách mạng miền Nam". Trong thời gian này, ông X có tham gia bảo vệ bí mật cho đồng chí Lê Duẩn. Nhờ đó, ông X có cơ hội tìm hiểu về ngôi đền Bà Đế. Ông X biết rằng, thời đó người ta đến ngôi đền ấy chỉ với 2 lý do: Cầu xin hạnh phúc cho những mối tình trắc trở hoặc xin Bà Đế phù hộ giải một nỗi oan nào đó.
Nguyên mẫu ngôi đền Bà Đế in trên tem xưa...

Điều tra thêm, ông X phát hiện đối tượng là một người sùng tín đạo Mẫu. Không thuộc tuýp người duy tâm nhưng ông X biết những người sùng tín như đối tượng không vào đền để cầu xin điều vớ vẩn. Ông tin rằng, đối tượng bị oan khuất nên quyết tâm phục hồi điều tra vụ án. Ông X kể: "Nếu không có niềm tin ông ấy bị oan khuất, sau vài cản ngại về thủ tục, tôi đã bỏ cuộc".

Sau khi phục hồi điều tra, ông X phát hiện đối tượng bị hàm oan do một kế toán đã bị đuổi việc âm mưu hãm hại. Trước khi bị đuổi việc, viên kế toán đã kịp lập một chứng từ giả mạo nhét vào tủ hồ sơ để vu oan cho đối tượng. Nhờ sự tận tâm với nghề của ông X và cũng nhờ sự nổi tiếng của ngôi đền mà đối tượng được giải oan. Sau này, hàng tháng, người được giải oan đến tạ lễ Bà Đế đều đặn cho đến khi qua đời.

Đó chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện giải oan của cư dân Hải Phòng và khu vực phía Bắc liên quan đến sự tích đền Bà Đế được lưu truyền thành nhiều giai thoại ly kỳ suốt từ đầu thế kỷ XVIII đến nay.

Sự tích và một góc sử Việt

Người dân Đồ Sơn, ai cũng biết và tự hào về sự tích đền Bà Đế.

Những bậc kỳ lão địa phương lưu truyền cho con cháu rằng, vào năm 1736, chúa Trịnh đời thứ 7 là Trịnh Giang về Đồ Sơn rong chơi dạo cảnh bằng thuyền.

Theo chính sử, Trịnh Giang là con trai trưởng của An Đô Vương Trịnh Cương. Vì Trịnh Giang chơi bời trác táng, chí không lớn, trí không cao nên Trịnh Cương không trao quyền kế vị. Chúa Trịnh Cương chưa kịp lập người kế vị thì đột ngột qua đời vào tháng 4-1730. Trịnh Giang chiếm ngay ngôi chúa.  

Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Giang bỏ bê việc nước, chỉ chú tâm vào hưởng thụ đàn ca xướng hát và dâm loạn.

Khi rong chơi ở biển Đồ Sơn, thuyền rồng đến gần núi Độc, Trịnh Giang bỗng nghe một giọng hát con gái lanh lảnh vang lên. Giọng hát hay đến mức sóng ngừng rì rào, chim ngừng hát, đất trời lặng đi để lắng nghe. Giọng hát khiến chúa xao xuyến, mê mẩn nên truyền lệnh cho thị vệ tìm cho được người con gái, chủ nhân giọng hát, bắt đem lên thuyền.

Thị vệ rời thuyền lên núi Độc truy tìm thì phát hiện giọng hát là của một cô thôn nữ “hoa nhường nguyệt thẹn” tên Đào Thị Hương vừa tròn 18 tuổi. Hương là con gái duy nhất của một ngư dân làng chài nghèo khó. Từ khi chào đời, da thịt Hương có một mùi thơm quyến rũ lạ thường. Khi bắt đầu biết nói, Hương đã làm lay động lòng người bởi giọng hát trữ tình, lanh lảnh như chim hót. Hằng ngày, cô xuống bãi biển bắt ốc, đổi gạo, nuôi cha mẹ già.
...và rất nhiều tượng lạ, không ai biết nguồn gốc

Thị vệ bắt Hương đem lên thuyền cho chúa. Động lòng tà dâm, Trịnh Giang cưỡng dâm nàng thôn nữ. Sau khi thỏa mãn thú tính, Trịnh Giang đe dọa, nếu nàng kể cơ sự cho người khác biết, cả làng sẽ bị tru di. Trịnh Giang sai thị vệ ném nàng xuống biển rồi dong thuyền đi.

Nàng Hương không chết nhưng một sinh linh trong bụng bắt đầu hình thành. Biết nàng chửa hoang, hương chức làng bắt nàng khai chủ nhân của bào thai. Nàng nghĩ, nếu khai ra sự thật, bạo chúa Trịnh Giang sẽ giết hết dân làng, trong đó có cha mẹ mình, nên cương quyết không khai.

Tức giận vì nàng Hương chửa hoang làm ô uế thanh danh của làng, các hương chức đem nàng ra mép biển núi Độc trói lại rồi dìm xuống nước. Trước lúc bị dìm, nàng Hương cất tiếng than oán: "Tôi vì sinh mạng dân làng mà chịu chết. Nỗi oan này thấu trời động đất. Khi chết oan hồn tôi quyết ở lại trần gian khi nào giải được tội mới về trời".

Một người trong họ Hoàng Đình được sai dùng dây thừng trói nàng vào cối đá rồi dùng sào cắm xuống đáy nước. Nỗi oan khuất động lòng biển, sóng cồn nổi lên đẩy thi thể nàng Hương cùng dây thừng, cối đá dạt vào một hang đá dưới chân núi Độc.

Người họ Hoàng Đình lại dùng sào cắm thi thể nàng Hương xuống đáy biển. Sóng lại dâng cao nhổ sào đẩy thi thể cùng cối đá dạt vào hang. Người họ Hoàng Đình lại cắm sào xuống đáy nước. Thi thể nàng lại bị sóng đẩy vào hang. Sự việc cứ lặp đi lặp lại như thế đến lần thứ ba thì không ai còn thấy thi thể nàng Hương đâu nữa. Hang đá chỉ còn trơ lại dây thừng và cối đá.

Từ đó, hàng đêm, dân làng nghe thấy từ hang đá văng vẳng tiếng hát cao vút, bi ai. Tiếng hát than oán nỗi oan khiên. Lắng nghe tiếng hát, dân làng thấu hiểu nỗi oan và nhận ra nàng chấp nhận chết để tránh họa bạo chúa cho dân làng. Điều kỳ lạ là những người có nỗi oan khiên, khi tìm đến hang đá than khóc đều được nàng Hương hiển linh báo mộng chỉ cách hóa giải. Vì lẽ đó, một số người gọi hang đá đó là “Hang giải oan”.

Ba năm sau (1739), Trịnh Giang loạn luân, gian dâm với phi tần của cha bị phát giác. Người phi tần họ Đặng này bị xử tội tự uống thuốc độc. Còn Trịnh Giang bị trời đánh, không chết nhưng mắc bệnh tự kỷ, tâm thần luôn sợ sệt, tự xây huyệt mộ dưới đất cho mình để làm nơi lẩn trốn ánh sáng mặt trời. Bạo chúa Trịnh Giang ẩn mình dưới huyệt mộ suốt 11 năm cho đến khi qua đời.

Kể từ khi Trịnh Giang mắc bệnh, con trai là Trịnh Doanh lên thay ngôi chúa.

Sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Doanh đã về núi Độc giải oan cho nàng Hương. Chúa Trịnh Doanh bắt dân làng lập đền tại hang đá để tưởng nhớ. Dân làng gọi là đền Giải Oan.

100 năm sau (khoảng năm 1850), có lần Vua Tự Đức đến viếng đền. Nghe dân làng kể lại tích xưa, cảm thương nàng Hương, vua ban chỉ sắc phong nàng Hương là: Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh Chúa Phu nhân. Đồng thời, Vua Tự Đức xuất ngân xây dựng mái đền nơi cửa hang để dân làng tiện cúng bái, chiêm ngưỡng sự tích và răn dạy con cháu.

Giai thoại trên và mốc lịch sử đều trùng khớp nhau. 

Nỗi oan của ngôi đền

Tuy nhiên, một tài liệu có tiêu đề là "Sự tích đền Bà Đế. Núi Độc - Đồ Sơn" do bà Lưu Quế Hoa tự in ấn và phát hành đã giới thiệu về di tích một cách sai lệch. Tài liệu này viết rằng, kẻ tạo ra bào thai oan khiên cho nàng Hương là Chúa Trịnh Doanh.

Theo chính sử, năm 1736 Trịnh Doanh chưa lên ngôi chúa. Lúc đó, Trịnh Giang đang tại vị. Vả lại, Trịnh Doanh là vị chúa có công điều chỉnh lại những điều cha mình (là Trịnh Giang) làm quấy. Chính Trịnh Doanh là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực hiện thiết chế "song quyền lập pháp phong kiến". Ông đã đưa Vua Duy Diêu (tức Lê Hiển Tông) lên ngôi vua, tức chế độ có 2 ngôi vua, chúa song quyền. Nói cách khác, Trịnh Doanh được dư luận dân gian thời đó đánh giá là một vị chúa anh minh. Tài liệu của bà Lưu Quế Hoa đã bóp méo một góc lịch sử, khiến Chúa Trịnh Doanh mang tiếng oan, Trịnh Giang mới là bạo chúa.

Một cụ ông 87 tuổi, chỉ dám xưng biệt danh là Cả Nh, là cựu giáo viên môn sử, hiện cư ngụ tại phường Bàng La, Đồ Sơn cho biết: "Từ hồi tóc còn để chỏm, tôi đã nghe các cụ ngày xưa kể về sự tích Bà Đế để răn dạy con cháu giữ luân thường đạo lý làm người. Sự tích đó đã phê phán Chúa Trịnh Giang sống sai đạo làm người. Đồng thời góp phần làm con trẻ nhớ được một góc lịch sử nước nhà. Các cụ kể dứt chuyện đều kết luận, con trai làm chúa cũng không nên gieo oán vào bụng con gái, kẻo người ta chết oan; con gái thì giữ mình trong sạch đừng để chết oan vì chửa. Để tránh lầm lạc mê tín dị đoan, các cụ còn giải thích thêm, gió biển thổi xéo vào hang đá dưới chân núi Độc giống như người ta thổi vào ống sáo tạo ra tiếng gió âm cao giống như tiếng hát opera chứ không có linh hồn nào hát cả. Khi dân làng xây đền, tiếng hát không còn nữa vì lỗ sáo của hang núi bị bịt mất. Không hiểu vì sao người ta lại cho in một tài liệu sai lịch sử đến như thế mà không cơ quan nào lên tiếng. Tôi nghĩ, đền Giải Oan còn gọi là đền Bà Đế xứng đáng là một di tích lịch sử cần được bảo tồn. Bây giờ, ngôi đền Bà Đế không còn nguyên mẫu là đền Giải Oan nữa. Người ta đã xây cất vô tội vạ, đưa các loại tượng không tích, không xuất xứ để biến đền thành một ngôi chùa hỗn tạp văn hóa tín ngưỡng nửa đạo Phật của Trung Quốc, nửa đạo Mẫu".

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thu hồi loại tài liệu dị sử có tiêu đề là "Sự tích đền Bà Đế. Núi Độc - Đồ Sơn" của bà Lưu Quế Hoa để… giải oan cho Chúa Trịnh Doanh, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại những dị bản tín ngưỡng đang được xây dựng tại khu đền này để bảo vệ nguyên mẫu một di tích gắn liền với lịch sử dân tộc.

Nông Huyền Sơn
.
.