Đi qua vùng hạn mặn

Thứ Hai, 29/02/2016, 21:40
Đợt hạn mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua đang gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kênh, rạch kiệt nước, đồng ruộng khô khốc, nứt nẻ…, người dân phải chịu cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Về lâu dài, người dân miền Tây Nam Bộ còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều hệ lụy do hạn mặn lịch sử này gây ra.

Hạn mặn bủa vây, kéo dài

Sau Tết Nguyên đán, người dân vùng ĐBSCL như ngồi trên đống lửa. Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn 2 tháng, khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng. Trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, qua vùng Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nhiều cánh đồng lúa khô hạn, nứt nẻ. "Chưa năm nào, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt và sớm như năm nay!" nhiều người dân ở Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) khẳng định.

Chỉ vào ruộng lúa nứt nẻ, mất trắng vì nhiễm mặn, lão nông Liêng Văn Phước buồn rầu nói: "8 công lúa của gia đình coi như mất trắng. Năm nay nhiễm mặn sớm quá, người dân ai cũng rầu vì phải trắng tay và lỗ nặng".

Theo lời lão nông này, ban đầu phát hiện nước nhiễm mặn, gia đình còn nỗ lực bơm nước cứu lúa. Nhưng mặn ngày càng nghiêm trọng, ông đành bất lực. "Thà chịu lỗ tiền công, giống ban đầu 4-5 triệu đồng, chứ đeo hết vụ thì càng lỗ nặng", ông Phước trầm ngâm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phải thốt lên: "Đây là thiên tai lần đầu tiên trong hàng trăm năm qua, nhưng trong 100 năm tới nhiều khả năng nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn". Tính đến ngày 26-2, đã có 5 tỉnh công bố thiên tai hạn mặn, gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An và Sóc Trăng. Đây là những tỉnh lần đầu tiên ở ĐBSCL công bố thiên tai, hứng chịu những thiệt hại nặng nề.

Hôm chúng tôi đến xứ dừa Bến Tre, độ mặn 4%o đã xâm nhập sâu cách cửa sông từ 40-50 km, ranh mặn 1%o đã xâm nhập sâu cách cửa sông khoảng 75 km. Nước mặn bủa vây hầu hết diện tích sản xuất. Không phải chỉ có lúa, hàng trăm ha vườn cây ăn trái ở các huyện như Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng năng suất. Việc sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng.

Chị Phạm Minh Thư (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) trên cánh đồng lúa bị nứt nẻ, khô hạn.

Vĩnh Long là tỉnh ít bị mặn tấn công nhưng mặn đã xuất hiện ở huyện Trà Ôn và xã Quới Thiện (huyện Vũng Liêm), gây ra tình trạng vỡ đê, ảnh hưởng đến hành chục ha trồng bưởi da xanh, sầu riêng, xoài. Tương tự, những năm trước Hậu Giang chỉ có nước biển Tây xâm nhập vào, còn năm nay nước biển Đông cũng tấn công, khiến 400 ha lúa của người dân ở TP Vị Thanh mất trắng.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh nhìn nhận: "Hạn hán không thì còn dễ, còn đã xâm nhập mặn rồi thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động tai hại của nó".

Theo dự báo, hiện tượng El Nino từ năm 2014-2016 kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua kết hợp với việc chi phối nước của các hồ chứa ở thượng lưu làm cho hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn ra gay gắt. Những tháng mùa khô 2016, nền nhiệt vùng ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,50C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33-370C. Nguồn nước ngọt ở ĐBSCL sẽ rất khan hiếm. Nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn và làm gia tăng nhu cầu nước cho cây trồng.

Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự kiến đến tháng 5-2016, tình hình hạn, mặn mới lắng xuống khi El Nino giảm dần. Nếu như không có mưa thì hạn, mặn sẽ kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào trữ nước ở biển Hồ (Campuchia) và dòng chảy chính sông Mê Kông. Dòng chảy từ thượng nguồn về ĐBSCL hạn chế dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nguy hiểm hơn. Vào mùa lũ, nước từ thượng nguồn mang phù sa, thủy sản dồi dào, giúp đẩy xâm ngập mặn ra khỏi đồng bằng.

Thời gian qua, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát sinh hàng loạt công trình đê bao khép kín. Thay vì nước lũ tràn đầy đồng như trước đây, thì nay co cụm lại theo các dòng sông và lại theo sông Mê Kông rút nhanh về các tỉnh phía hạ nguồn. Vào mùa khô, nước đã khan hiếm lại càng rút nhanh hơn khiến hạn hán gay gắt, xâm ngập mặn ngày càng tăng.

Lão nông Liêng Văn Phước (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) trên cánh đồng lúa 8.000 ha bị thiệt hại do hạn hán, nhiễm mặn.

Thiệt hại tăng từng ngày

Toàn vùng ĐBSCL đã gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016 đạt trên 1,5 triệu ha (99% kế hoạch). Thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn tiếp tục căng thẳng, diện tích ảnh hưởng có thể tăng thêm. Qua vùng Ba Tri (Bến Tre) nhìn những cánh đồng lúa khô khốc, đất nứt nẻ, lúa cháy vàng, ai cũng xót xa khi tiền của, công sức lao động của người dân mất trắng. Nhiều nơi diện tích bị thiệt hại 100%, nông dân phải cắt lúa về cho bò ăn.

Chị Phạm Minh Thư (ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) than thở: "Gia đình xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2015-2016, với diện tích 4.000m2 nhưng vì hạn hán, xâm nhập mặn khiến lúa bị chết khô".

Tại vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ (Cà Mau), ông Lê Thanh Dũng - Phó giám đốc VQG cho biết: "Nắng nóng, mực nước dưới chân rừng xuống rất nhanh. Tại khu vực nghiêm ngặt, mực nước xuống tới đáy kênh chỉ còn 1,9m; so với năm trước thấp hơn 30cm". Gần 2/3 lâm phần của VQG bị khô hạn (5.134 ha).

Những tuyến kênh, rạch trong nội đồng đang dần kiệt nước.

Trời cuối tháng 2, nắng như đổ lửa. Cùng với nhân viên của Trạm kiểm lâm Kênh Đứng trong VQG trên đài quan sát cao 18m, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều con kênh trong lõi rừng đã kiệt nước; rừng phủ đầy dây choại bám theo thân tràm chết khô… Rừng tràm đang đối diện với nguy cơ cháy rất cao.

"Trạm chịu trách nhiệm trông coi 800 ha rừng tràm 30 tuổi. Anh em trên tháp canh lửa đã căng mắt, còn anh em lội rừng còn vất vả hơn nhiều vì đây là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Mùa này, dân giữ rừng sợ nhất là người vào rừng bắt cá và lấy mật ong. Chỉ cần một tàn thuốc thôi là rừng bốc cháy".

Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.