Nhọc nhằn bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình
Do vậy, sẽ không khỏi ái ngại khi tận mắt chứng kiến cảnh người lao động không may mắn phải khó nhọc đội nắng, dầm mưa để xin được nhận lại số tiền trợ cấp còm cõi do chính mình đã nộp trước đó. Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện hộ gia đình cũng chẳng khá hơn, quy định về loại hình này mới chỉ đi vào cuộc sống mấy tháng nay nhưng đã và đang tiếp tục gây khó cho không ít người dân muốn tham gia.
Nhọc nhằn với khoản tiền "còm" trợ cấp thất nghiệp
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp (DN) phải giải thể vẫn ở mức cao nên những năm gần đây, năm nào TP HCM cũng có hàng chục ngàn người đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, từ ngày 9/3 đến ngày 3/4 vừa qua tại TP HCM đã có đến 7.300 người đăng ký hưởng TCTN.
Chen chân kê khai, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM. |
Người đăng ký hưởng TCTN, đăng ký hỗ trợ học nghề, tìm việc làm đông, nhưng lại chỉ dồn về một đầu mối là Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố. Nên đơn vị này có mở nhiều đầu mối tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục chi trả TCTN, hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm cho người lao động, thì hồ sơ cuối cùng cũng sẽ được dồn về trung tâm khiến lượng công việc của đầu mối này luôn trong tình trạng quá tải.
Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hưởng TCTN của Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố, ai tới đây cũng được tận mắt chứng kiến cảnh mở đến 9 cửa để tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cho người thất nghiệp, nhưng luôn có cả trăm người phải chờ đợi. Anh Hà, công nhân vừa nghỉ việc ở KCX Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết, anh đã đến đây nhiều lần để hỏi thủ tục, xin biểu mẫu, rồi để đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ. Thủ tục phức tạp với nhiều loại biểu mẫu, tờ khai nên tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, các dãy bàn dành cho người ngồi kê khai, viết biểu mẫu tại chỗ luôn chật kín người.
Để được hưởng TCTN, ngoài sổ bảo hiểm và giấy tờ tùy thân, bộ hồ sơ còn có nhiều loại giấy tờ khác như: giấy đăng ký thất nghiệp, đề nghị hưởng BHTN, đề nghị xác nhận chưa đăng ký thất nghiệp, tờ khai mở tài khoản ngân hàng… những người đến theo giấy hẹn, nhận được quyết định hưởng trợ cấp nếu muốn chuyển nơi hưởng BHTN đi địa phương khác tiếp tục phải kê khai theo mẫu. Ngay cả những người đã đăng ký thất nghiệp và được giải quyết hưởng TCTN trước đó cũng phải quay lại trung tâm để làm thủ tục nộp thông báo đã có việc làm hoặc nộp đơn đề nghị không hưởng bảo hiểm. Người thất nghiệp đến làm thủ tục đông, nên dịch vụ giữ xe cho người thất nghiệp cũng hốt bạc với giá 4.000đồng/lượt.
Dịch vụ photocopy đặt ngay tại cửa trung tâm cũng hoạt động liên tục để photo chứng minh, quyết định nghỉ việc, sổ bảo hiểm... cho khách rồi thu tiền theo giá dịch vụ bên ngoài chứ không hề nghĩ rằng đang phục vụ đối tượng khó khăn do mất việc làm. Các điểm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục chi trả TCTN khác cũng vậy, tình trạng người thất nghiệp đang trong cảnh khó khăn vẫn cứ phải đi lại nhiều lần để nghe hướng dẫn, chuẩn bị giấy tờ và bổ túc hồ sơ là khá phổ biến.
Để được nhận chút tiền TCTN nhằm trang trải lúc khó khăn của người lao động, quy trình cũng không hề đơn giản. Trong vòng 7 ngày sau khi bị mất việc, người lao động phải đến đăng ký hưởng TCTN nếu không sẽ được xem là từ chối hưởng. Nhưng để có được bước này, trách nhiệm của DN sử dụng lao động cũng được quy định trong 5 ngày kể từ ngày ra quyết định cho người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động phải liên hệ với Bảo hiểm xã hội (BHXH) để xác nhận thời gian đóng BHTN cho người vừa nghỉ việc. Và trong vòng 15 ngày kể từ khi đăng ký thất nghiệp, người lao động phải nộp đủ hồ sơ…
Song với những DN còn nợ đọng tiền bảo hiểm hoặc có đông lao động như ngành may mặc, da giày, việc chốt sổ bảo hiểm, xác nhận cho người nghỉ việc là không đơn giản trong khoảng thời gian khá ngắn này. Để được nhận TCTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố còn đặt ra quy định khác như chỉ trả tiền trợ cấp qua tài khoản thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á.
Tuy được ngân hàng hỗ trợ làm thẻ ATM miễn phí, nhưng người lao động tiếp tục phải chụp hình, trả tiền tại chỗ và chờ để được ngân hàng cấp thẻ ATM mất thêm vài ngày mới có tài khoản để đăng ký. Những người muốn được hỗ trợ học nghề, hồ sơ phải có thêm đơn đề nghị hỗ trợ học nghề và sẽ tiếp tục phải tới đây thêm vài lần nữa.
Anh Nguyễn Hà Văn, ở quận 4 đến làm thủ tục nhận TCTN phàn nàn, sau khi hồ sơ được tiếp nhận vào ngày 17/4, anh nhận được giấy hẹn ghi ngày 20/5 quay lại để giải quyết. Giấy hẹn này cũng chỉ giới hạn giá trị trong vòng có 2 ngày, người được hẹn lỡ có việc không đến coi như sẽ bị hủy.
Thực tế này khiến anh Văn phải nêu thắc mắc: Đã rơi vào cảnh thất nghiệp, lại còn bị hẹn tới hơn 1 tháng sau hồ sơ mới được giải quyết. Trong thời gian chờ hẹn này, người có gia đình ở thành phố còn đỡ, người lao động nhập cư phải đi ở trọ, thất nghiệp biết lấy gì sống qua ngày? Những người thất nghiệp phải trở về quê sinh sống, tiền tàu xe đi lại nhiều lần kiểu này có khi còn tốn kém quá số tiền được trợ cấp. Trải qua quá trình làm thủ tục để được hưởng TCTN, đến công đoạn bị buộc phải làm thủ tục mở thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á, anh Văn cũng có cảm giác giống như bị Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố và ngân hàng liên kết với nhau bắt ép người thất nghiệp(!).
Lý do, anh và rất nhiều người làm thủ tục tuy đã có thẻ ATM của những ngân hàng khác nhưng vẫn không được chấp nhận, bị buộc phải mở thẻ Đông Á để nhận tiền trợ cấp chuyển vào. Nói là mở thẻ miễn phí, nhưng khi rút tiền hoặc chuyển tiền sau này chắc sẽ phải trả phí và bao giờ ngân hàng cũng buộc chủ thẻ phải giữ lại trong tài khoản vài chục ngàn để duy trì thẻ. Những người sau đó không có nhu cầu dùng thẻ ATM, số tiền này cũng coi như mất luôn.
Thực trạng hàng trăm ngàn người phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục, rồi chờ trực đến ngày được hưởng TCTN này đang gây lãng phí cả triệu ngày công lao động của xã hội. Do đó, để tránh lãng phí và bớt làm khó người thất nghiệp, theo anh Văn việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và cả BHXH nên giao về cho các DN tự trích tiền tạm ứng, sau đó có trách nhiệm hoàn tất giấy tờ, thủ tục cho người lao động.
Tự nguyện… vẫn buộc cả nhà phải mua?
Cũng mới chỉ được triển khai từ ngày 1/1 năm nay, mục đích chính là mong muốn các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau, lúc đau bệnh. Thế nhưng thông tin được một số người dân am hiểu về lĩnh vực này đưa ra trong buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội ngày 16/5 vừa qua cho thấy: sau hơn 4 tháng triển khai, số người mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình trên cả nước đã giảm tới 1,2 triệu người và loại hình BHYT tự nguyện này đang khiến không ít người dân TP HCM chưa mua được bảo hiểm bức xúc.
Quá tải bệnh viện, người bệnh phải nằm hành lang khiến nhiều người dân không mặn mà với BHYT. |
Bà Bùi Thị Nhàn, ở phường 9, quận 4 bày tỏ, việc mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình tuy giảm được khoản tiền nhất định cho người dân, nhưng có rất nhiều vấn đề còn vướng mắc. Chẳng hạn, với một địa bàn có đa số hộ dân sống ở mức trung bình như quận 4, tình trạng gia đình có đông anh chị em phải ở cùng một nhà là phổ biến. Tuy chung nhà, nhưng các gia đình nhỏ trong đó lại sinh hoạt riêng rẽ.
Ngoài chuyện nhận thức, nhu cầu về BHYT tự nguyện cũng khác nhau. Thậm chí có người còn nói thẳng ra rằng không cần tham gia BHYT vì không có thời gian chờ đợi khám bệnh theo thẻ bảo hiểm. Do vậy, những thành viên khác trong hộ đã tham gia BHYT tự nguyện nhiều năm liền, nay với quy định những người có tên trong hộ khẩu phải mua, nên đã không thể mua được BHYT tự nguyện kể từ đầu năm nay. Không có BHYT cũng đồng nghĩa với cảnh người dân sẽ gặp khó khi khám chữa bệnh. Chưa dừng lại ở đó, với những trường hợp quá khó khăn hay hộ nghèo, trước đây người dân chỉ cần làm đơn xin được trợ cấp thẻ BHYT, đoàn thể chính quyền địa phương, khu phố sẽ xem xét vận động các nhà hảo tâm tài trợ.
Nhưng nay, với quy định bắt buộc cả nhà phải mua bảo hiểm, việc này sẽ không thể thực hiện được với những hộ có đông nhân khẩu hoặc trường hợp hộ đó có người chưa mua BHYT. Để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT, bà Nhàn cũng góp ý rằng, với những người bệnh nặng như ung bướu, chạy thận… phải chữa trị ở những bệnh viện chuyên khoa mà đã có hồ sơ lưu tại các bệnh viện chuyên khoa này và định kỳ phải đến khám, BHYT nên có hướng mở cho những bệnh nhân nói trên. Chứ đừng bắt người bệnh phải quay trở lại nơi khám ban đầu để xin giấy chuyển viện mới được hưởng BHYT mỗi khi đến tái khám theo định kỳ. Có vậy hiệu quả từ loại hình bảo hiểm mang tính an sinh xã hội này mới được phát huy.
Chung nỗi băn khoăn trên, bà Trần Thị Lan, một người dân ở địa phương này cũng bày tỏ, chủ trương tiến tới bảo hiểm toàn dân, tránh tình trạng chỉ người có bệnh mới tham gia BHYT là đúng. Song mới đi vào cuộc sống có mấy tháng, Luật BHYT tự nguyện đã và đang gây không ít khó khăn cho người dân khi buộc họ phải mua theo hộ gia đình. Bởi những người tham gia BHYT tự nguyện thời gian qua chủ yếu là người có nhu cầu khám chữa bệnh; hộ gia đình nghèo hoặc lao động thời vụ.
Với những hộ ở ghép như trên, nếu không vận động được tất cả các thành viên có tên trong hộ khẩu tham gia, để mua được BHYT tự nguyện, người dân chỉ còn cách tách hộ khẩu. Việc này không chỉ gia tăng áp lực với cơ quan quản lý hộ khẩu, mà còn gây mất thời gian, tốn công sức cho người dân.
Về phía BHXH thành phố, dù quy định về BHYT tự nguyện theo hộ gia đình đã được triển khai từ đầu năm, nhưng phải đến giữa tháng 4 vừa qua, cơ quan này mới có kế hoạch tập huấn cho hơn 25 ngàn tổ trưởng dân phố về chính sách BHYT hộ gia đình để các thành viên này về phổ biến lại cho người dân. BHXH thành phố cũng dự kiến sẽ in 2 triệu tờ rơi có hướng dân cụ thể về các điều kiện, quyền lợi... của người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình để phát đến từng hộ dân.
Nhưng đến nay, khi quy định đã đi vào thực tế cuộc sống được một thời gian dài; tại thành phố hiện cũng chỉ có chưa đầy 1 triệu người dân tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình và những người chưa được tham gia đã lên tiếng phản ứng. Thì xem ra việc làm này đã không thể chậm trễ hơn.