Dự báo kinh tế toàn cầu 2016: Chỉ ở mức “tàm tạm”

Thứ Sáu, 08/01/2016, 10:10
Kinh tế thế giới năm 2016 sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2015, thậm chí có thể gần xấp xỉ với mức tăng trưởng trung bình dài hạn. Song, tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo “vẫn chưa thể quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ”.


Những nguyên nhân nào tác động đến bức tranh kinh tế toàn cảnh. Mỹ, Trung Quốc, các nước phát triển hay đang phát triển sẽ là những chủ thể quyết định mức tăng trưởng chỉ được dự báo là “tàm tạm” này.

Giới phân tích nhận định rằng trong khi Khu vực đồng euro (Eurozone) có khả năng bắt kịp nhịp độ tăng trưởng của Mỹ thì sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi lại rất mong manh. Nếu như năm 2015, tăng trưởng kinh tế thế giới được mô tả là "Phục hồi trong tình trạng hụt hơi", thì năm 2016, dự báo cho bức tranh toàn cảnh cũng chỉ đứng ở mức là "tốc độ phục hồi không đồng đều" giữa các khối nước do có sự khác biệt về chính sách tiền tệ và chu kỳ kinh tế, với sự chuyển đổi của cả thế giới sang nền kinh tế dịch vụ mang tính khu vực nhiều hơn buộc các nước phải phát huy sức mạnh của chính mình.

Tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 của các nước phát triển - đứng đầu là Mỹ - sẽ rất khả quan, còn các nền kinh tế mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khác nhau trong bối cảnh chung là sự phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại.    

Mặc dù các nền kinh tế trên thế giới đã đón nhận một cách bình tĩnh quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 0,25-0,5% vào ngày 16-12-2015 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua - nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của nó đối với các nền kinh tế mới nổi, đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với đồng USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô.

Giá dầu mỏ có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng trong năm 2016.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde - đã dự báo kinh tế thế giới năm 2016 sẽ "gây thất vọng và tăng trưởng không đồng đều" do lo ngại về những tác động gây mất ổn định có thể xảy ra khi FED tăng lãi suất cơ bản.   

Thực tế cho thấy trong khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực thì quá trình thoát ra khỏi khủng hoảng diễn ra chậm chạp với các nước công nghiệp già nua. Động thái tăng lãi suất của FED càng định hình rõ nét hơn xu hướng đó. Mỹ sẽ là đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu ngay cả khi Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) chỉ tăng khoảng 2,5% thay vì 3% trong giai đoạn trước khủng hoảng vào năm 2008.

Tại Mỹ, thị trường việc làm được cải thiện rõ rệt, nhu cầu trong nước được thúc đẩy bởi tiêu dùng hộ gia đình thông qua việc tăng sức mua, tăng lương và tăng đầu tư đến từ khu vực dân cư. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ chịu tác động tiêu cực từ đồng USD mạnh, thương mại có thể sẽ bị thiệt hại lớn do hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, kinh tế Anh vẫn tăng trưởng một cách vững chắc cho đến giữa năm 2016. Trong khi đó, Eurozone - vốn chỉ thực sự phục hồi vào năm 2014 với mức tăng 0,9% sau một thời gian dài bị tụt lại phía sau - dự báo tăng trưởng 1,5% vào năm 2015 và toàn châu ÂU sẽ đạt 1,8% vào năm 2016 và 1,9% vào năm 2017. Đồng euro yếu, chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2003 sẽ kích thích xuất khẩu.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định hạ lãi suất đồng euro, cùng với việc kéo dài chương trình nới lỏng định lượng, đã tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu. Ngoài ra, sự sụt giảm mạnh của giá dầu cũng cải thiện sức mua các hộ gia đình và tình hình tài chính các công ty.    

Theo giới phân tích, sự phục hồi của kinh tế châu Âu, được kích thích bởi tiêu dùng hộ gia đình và sự tăng trưởng của dòng vốn đầu tư do xu hướng tăng tín dụng lần đầu tiên kể từ hơn 3 năm qua, sẽ trở nên đồng đều hơn, đạt trung bình 0,4% hàng quý. Thực vậy, cuối cùng thì người Đức cũng đã "tiêu dùng"; Italia đã ra khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài 3 năm và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm; kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng một cách vững chắc.

Riêng đối với Pháp, các vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13-11 làm sụt giảm 0,1% tỷ lệ tăng trưởng GDP của Pháp. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ trở nên rõ nét vào năm 2016.

Với các nước mới nổi, đây là năm thứ 5 liên tiếp đà phục hồi bị chững lại, do vậy sự tái khởi động sẽ rất vất vả và cần thời gian. Tại Trung Quốc, tăng trưởng giảm xuống còn 6,9% trong năm 2015 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Tuy nhiên, năm 2016, tăng trưởng sẽ ổn định trong 6 tháng đầu năm, dao động xung quanh mức 1,6% hàng quý, nhờ tiêu thụ hộ gia đình. Có thể nói, sự thay đổi mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả.

Cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng nghiêm trọng ở Brazil, trong khi Nga cũng chỉ vừa mới thoát khỏi khủng hoảng từ mùa hè 2015 và sẽ tăng trưởng trở lại một cách chậm chạp. Tại các nước đang phát triển, những nước đạt được thành tích ấn tượng nhất và đạt mức tăng trưởng từ 5-7% là những nước nhập khẩu nguyên liệu thô. Giá nguyên liệu giảm sẽ mang đến những cơ hội mà họ không ngờ tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dầu mỏ tiếp tục là câu chuyện của năm 2016 khi giá vẫn ở mức dưới 40 USD/thùng, thậm chí "vàng đen" còn được dự báo sẽ tụt xuống mức 20 USD/thùng trong năm nay. Đây sẽ là một "đòn mạnh" tiếp tục giáng vào các nền kinh tế đang phát triển vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, yếu tố rủi ro nhất chính là Trung Quốc. Hàng loạt dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong năm 2016, thậm chí giảm mạnh hơn so với con số dự đoán 6,8% mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra. Đây chính là những yếu tố tác động đến bức tranh toàn cảnh kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới chỉ dừng ở mức "tàm tạm" - 2,9% trong năm 2016.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.