Đừng để hầu đồng bị biến tướng trục lợi!

Chủ Nhật, 31/05/2015, 14:25
Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt trình UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của thế giới sắp tới sẽ được xét duyệt vào năm 2016. Trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ hạt nhân là hầu đồng, một nghi thức văn hóa không thể thiếu đối với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong nhiều năm trở lại đây, nghi thức hầu đồng ngày càng trở nên rầm rộ, phát triển với quy mô lớn đến độ, khắp trong đền to phủ lớn quang cảnh thanh đồng vào ra tấp nập chốn đèn nhang. Trong khung cảnh đó không ít sự hỗn loạn và có nhiều ý kiến trái chiều về bảo tồn văn hóa phi vật thể hình thức trình đồng của các thanh đồng. Không ít kẻ xấu trục lợi vào việc buôn thần, bán thánh làm méo mó, dị dạng văn hóa tôn nghiêm chốn tâm linh.  Dưới đây là ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và thanh đồng.

Ý kiến của một thanh đồng

Theo "Cậu Nghĩa" một thanh đồng, thì hầu đồng ai cũng muốn oai, oai cái gì và oai đến đâu. Oai phải là phong thái lên đồng, các cụ bảo: "Đồng khôn bóng ngoan, đồng sang bóng lịch sự". Lịch sự không phải là nhiều tiền, lịch sự là cung cách biết xử sự, thánh biết cho ai trước ai sau, thánh biết nghe hát nghe văn thế nào. Đấy là lịch sự. Chứ bây giờ lên đồng lại cứ nhảy loạn lên bảo tôi sang, tôi nhiều tiền thì không phải. Bây giờ các vị đồng đền rất nên cho ai ra đồng và không nên cho ai ra đồng. Vì đồng bây giờ người ta chả làm sao, nó thua cờ bạc nó cũng ra đồng. Hồi xưa các cụ bảo "Sạch sành sanh mới được anh áo đỏ, không ốm đau không điên rồ làm sao ra đồng, không chiêm bao báo mộng làm sao mà ra đồng”.

Một trong những giá hầu của ca sĩ Ưng Anh Tuấn.

Tôi không nói sai, nhà tôi một năm mở phủ 200 người. Ba năm nay tôi chỉ mở phủ có 40 người tôi chả mở nhiều, mở nhiều làm gì?! Nó cờ bạc nó thua nó lại bảo thánh không thiêng rồi nó lại đi thay thầy khác, thế thì hơi đâu mà mở. Có người thì bảo: "Con phải ra đồng”. Tôi bảo: "Không, có căn có mạng con ạ, chờ ba năm sau hãy ra đồng".

Ba năm sau người ta làm ăn được thì ra đồng, không thành thì họ bỏ. Bây giờ ông đồng bà đồng nào cũng thích đi mở phủ kiếm được vài triệu bạc cứ tưởng là to thì tự nhiên mất tiếng của thánh đi, lại không đúng. Tôi kính mong nhất các vị đồng đền, các vị thủ nhang, các vị thanh đồng giữ làm sao chấn chỉnh cái việc hầu thánh vì GS Ngô Đức Thịnh và nhiều nhà khoa học đã rất dày công để đưa đạo Mẫu của Việt Nam tới đây để được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Nhà nghiên cứu - PGS Nguyễn Thị Hiền (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

Nghi thức trong lên đồng Việt Nam chúng ta phải đảm bảo bản chất của đạo Mẫu, theo đạo Mẫu là chúng ta thờ thánh trong điện thờ. Chúng ta phải đưa nghi lễ lên đầu trong việc thờ Mẫu, chúng ta muốn phát huy giá trị nghệ thuật tâm linh của người Việt thì chúng ta phải tuân thủ một số quy ước, quy định của Chính phủ cũng như các công ước quốc tế đã đề ra, Nhà nước đã đưa ra Luật Di sản văn hóa năm 2001 và điều chỉnh năm 2009 thì tất cả những công việc chúng ta làm phát huy bảo tồn các giá trị lên đồng của đạo Mẫu tuân thủ Luật Di sản Việt Nam.

Hai quy ước tiếp theo mà chúng ta phải tuân thủ quy ước quốc tế là Công ước đa dạng văn hóa năm 2005 của UNESCO và Công ước 2003 về bảo tồn di sản phi vật thể, mà chính theo công ước này chúng ta đang hoàn chỉnh hồ sơ tín ngưỡng thờ đạo Mẫu trình UNESCO xét duyệt vào năm 2016.

Một trong những giá hầu đồng. Ảnh: Việt Thanh.

Nguyên tắc trong ba quy định này là Luật Di sản và một số văn bản khác của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Cái gì nên hay không nên, cái gì tuân thủ hay không tuân thủ, cái gì đúng hay sai. Sự đa dạng văn hóa hay chúng ta trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ được xem xét năm 2016 nếu được công nhận thì không hẳn là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (đã được UNESCO công nhận) hay tín ngưỡng thờ Mẫu xứng tầm thế giới.

Theo Luật Di sản Việt Nam vinh danh là để tôn trọng sự đa dạng văn hóa, nâng cao nhận thức của mọi người, của thanh đồng đạo quan và các nhà quản lý, tầng lớp công chúng nhận thức được ý nghĩa giá trị di sản văn hóa đối với cuộc sống xã hội. Ý nghĩa nữa là tăng thêm giao lưu văn hóa giữa cộng đồng, cá nhân. Việc lên đồng ở Hà Nội, Huế, TP HCM và lên đồng cộng đồng người Việt ở hải ngoại ở California (Mỹ) chúng ta giao lưu mở rộng là chúng ta tuân thủ quy ước quốc tế đa dạng văn hóa.

Một vấn đề nữa là vấn đề truyền dạy mà luật của UNESCO đã nhấn mạnh không có truyền dạy thì các di sản văn hóa khó có thể tồn tại trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Nghi thức lên đồng làm sao đúng với truyền thống, đúng với việc bảo tồn các giá đồng như thế nào, trang phục ra sao, chầu văn như thế nào thì dựa vào bảng thăm dò như thế nào  để cho những thanh đồng căn cơ số đầy phải ra mở phủ để biết được. Vì chủ yếu các thanh đồng biết được nghi thức hầu đồng là qua các đồng thầy, nếu không có bản tương đối mang tính truyền thống

PGS-TS Tô Văn Trụ - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Trước đây nhiều khi chúng ta cứ đao to búa lớn tổ chức  hội thảo trong nước, quốc tế rất là rầm rộ hằng trăm, hàng nghìn các đại biểu đến dự và đến thì mỗi người đem bản tham luận lên phát biểu, nhưng cuối cùng đọng lại trong mỗi người cái gì.

Tôi đi dự rất nhiều, nhưng sau mỗi hội thảo chẳng đem lại cái gì nên một trong hình thức chúng ta phải đổi mới, cải tiến chúng ta lấy chất lượng làm chính chứ không phải lấy độ hoành tráng. Hiện nay, có nhiều nơi nghiên cứu về tín ngưỡng thờ đạo Mẫu  và lên đồng của người Việt nhưng theo quan niệm của tôi thì Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là uy tín nhất. Tôi vẫn nói đùa GS Ngô Đức Thịnh là "giáo chủ" của lĩnh vực này, khi ông rất tâm huyết và có nhiều ý kiến đóng góp cho vấn đề phát huy và bảo tồn văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Tôi thấy trong xã hội có nhiều người còn nghi ngại khi nói đến hầu đồng. Khi tôi còn làm việc ở Bộ VH-TT&DL thì Bộ phân công cho tôi làm chủ biên lịch sử của Bộ VH-TT&DL. Có một thời kỳ thì trong tất cả các văn bản của Nhà nước và Quốc hội, người ta nhìn con mắt về hầu đồng rất nghi hoặc, "đố kị" với lĩnh vực này. Trước đây đã có thời gian hầu đồng bị cấm kị nhưng mấy năm gần đây được coi là phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, xã hội, Nhà nước nhìn nhận lĩnh vực hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng tốt, chưa bao giờ nghi thức hầu đồng, đạo Mẫu lại được xã hội  tin tưởng đón nhận và phát triển mạnh như bây giờ.

Nhưng để làm xã hội nhìn nhận cho đúng đưa vào danh mục Di sản phi vật thể quốc gia  mà chúng ta tiến tới đệ trình UNESCO công nhận văn hóa phi vật thể thế giới. Có một điều không ai làm thay cho cộng đồng của chúng ta được, chúng ta phải giữ uy tín của di sản này. Vẫn còn những hiện tượng lợi dụng, thương mại hóa… Chả hầu đồng bao giờ, bây giờ thấy ai cũng hầu đồng được.

Vậy thì chính trong giới của chúng ta phải định hướng cho đúng, chứ hầu đồng nhiều người không theo một nghi thức nào mỗi người một kiểu linh tinh, không có tiêu chí nào, không nhất quán. Các bà đồng, thanh đồng chê bai, dè bỉu lẫn nhau, ngay trong cộng đồng thanh đồng nhóm này bài xích nhóm khác diễn ra như cơm bữa. Muốn để xã hội tôn trọng, Nhà nước  tôn trọng xứng đáng với di sản của chúng ta thì bản thân mỗi thanh đồng phải làm tốt vấn đề này.

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam

Hầu đồng thường hay tập trung nhiều vào mùa xuân và mùa thu thế nên mới có câu: "Xuân thu nhị kỳ". Bắt đầu từ tháng Giêng cho đến hết tháng 3 âm lịch. Cả nước mỗi ngày tính trung bình có đến hàng trăm người hầu, hầu ở đền, ở điện, ở phủ…

Trao tiếng nói cho cộng đồng, trao quyền chủ thể cho cộng đồng để khẳng định lại cộng đồng là chủ thể của văn hóa, mặc dù tiếng nói có thể trái ngược nhau chứ không phải cộng đồng là một khối thống nhất, không phải là nhà nghiên cứu đứng ra để nói mà chính là các nhà nghiên cứu tạo điều kiện cho cộng đồng và đấy là xu hướng rất khoa học. Hầu đồng nên biến thành văn hóa của quần chúng của người dân. Mà trong văn hóa phi vật thể thì chủ thể phải là cộng đồng, phải là nhân dân cùng tham gia, hợp tác và xây dựng chứ không phải chủ thể là nhà nước.

UNESCO đã nói rất nhiều về vấn đề này, nếu dấu ấn của Nhà nước nhiều là sẽ không bao giờ công nhận như chúng ta thấy rất rõ khi UNESCO trao giải về Nghi thức thờ cúng Hùng Vương được vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại thay vì trao bằng khen cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, hay ông Chủ tịch tỉnh Phú Thọ thì UNESCO trao cho 3 cụ thủ nhang đồng đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Người ta trao cho cộng đồng, để nói rằng đây mới là người chủ của văn hóa. Tất nhiên có vai trò của Nhà nước nhưng Nhà nước không thể làm thay cho cộng đồng.

Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt, hạt nhân là hầu đồng, một thời bị coi là mê tín dị đoan xóa bỏ, bây giờ đã được Nhà nước nhìn nhận, nhưng hiện nay cũng bị biến tướng nhiều. Nhiều người lợi dụng  để kiếm tiền trục lợi chuyện hầu đồng.

Hầu đồng có hai loại: Một là người có căn quả, còn một dạng nữa mà dân gian gọi là đồng đua, đồng đú, đó là hiện tượng ra đồng để giải tỏa những dồn nén của kinh tế thị trường xã hội hiện đại.

Mỹ Trân (thực hiện)
.
.