Xung quanh chuyện phong tặng danh hiệu nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể

Chủ Nhật, 05/04/2015, 08:40
Nghệ nhân chờ đợi được vinh danh. Và có lẽ cũng có những trường hợp không mặn mà lắm với sự vinh danh, mà chuyên chú hơn vào việc thực hành nghề nghiệp, truyền dạy học trò, gieo lại những tinh hoa di sản. Nay khi nhiều nghệ nhân… sẽ được vinh danh, thì lớn hơn vinh danh là cùng với nghệ nhân làm lan tỏa hơn những giá trị của di sản mà họ duy trì và đang nuôi sống di sản bằng chính con người họ.
Không chỉ chuyện đãi ngộ

Hoạt động phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) được ngành văn hóa triển khai, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Nhiều bộ hồ sơ nghệ nhân từ các tỉnh, thành đã được gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), đang được hội đồng xét chọn cấp bộ thẩm định và đưa ra lấy ý kiến cộng đồng trước khi trình lên cấp cao hơn.

Quan tâm, băn khoăn, nhiều thắc mắc, nhiều góp ý là dễ hiểu, vì "sự nghiệp phong tặng" này vốn đã được luận bàn, cân nhắc, đắn đo, chỉnh sửa, chuẩn bị… quá lâu trước khi bước vào… điểm xuất phát!

Nay việc xét chọn đã qua vòng địa phương, cũng cho thấy niềm hy vọng tôn vinh các nghệ nhân hé mở khi đã ở "vòng khởi động".

Tuy nhiên, không phải lúc này, mà đã từ lâu, xung quanh việc phong tặng danh hiệu đã có quá nhiều câu hỏi khác mà sắp tới, nếu không có được những hướng giải quyết khả quan, thì việc phong tặng có thể sẽ nặng về những ghi nhận có tính hình thức tức thời mà hiệu quả sau đó không đi vào thực chất.

Hiện nay, việc phong tặng đang được triển khai trên cơ sở Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nhưng, ngoài mức độ đãi ngộ, bồi dưỡng quá thấp và rất chung chung được đưa ra trong nghị định vốn đã được công luận bàn thảo, góp ý quá nhiều, thì một vấn đề khác, quan trọng, ý nghĩa không kém, cũng đang ở tình trạng tương tự.

Đó là vấn đề "trọng dụng" đối với nghệ nhân, là đòi hỏi "chắp cánh" cho họ trong việc bảo tồn vốn cổ; thể hiện, trình diễn những kỹ năng nghề nghiệp, tác phẩm nghệ thuật truyền thống đặc sắc; và trao truyền, làm lan tỏa những tinh hoa mà họ đã tiếp nhận, gìn giữ.

Vấn đề chính đáng và thiết thực này còn thể hiện mờ nhạt trong nghị định. Cũng như trong thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lâu nay, đã có rất nhiều ví dụ cho thấy phần việc quan trọng trên bị coi nhẹ.

Vài ví dụ về sự… "lơ đãng"

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, 87 tuổi, một gương mặt kỳ cựu của Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội còn nhớ một thời gian dài nhiều chục năm khi ca trù không có điều kiện được vang lên, những người từng có thời gắn bó với cổ nhạc như bà, chỉ âm thầm, lẩm nhẩm tự hát cho đỡ nhớ. Lâu lâu mấy anh chị em mới ngồi lại hát với nhau, "làm" vài bài, tạm để cho thỏa nỗi mòn mỏi chờ đợi ca trù hồi sinh.

Nhưng khi được "phát hiện" trở lại năm 2007 thì đến nay, sự đãi ngộ, hỗ trợ để các cụ được đóng góp, được cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng còn rất hạn chế.

Theo cụ Khướu, việc truyền dạy ca trù cho thế hệ sau ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn do các cháu còn bận học hành, còn có nhiều thứ giải trí khác lôi cuốn.

CLB ca trù Chanh Thôn chọn cách dạy cho một số chị em đã có gia đình, đã ổn định cuộc sống ở địa phương để có điều kiện theo đuổi ca trù lâu dài. Cách làm này có hiệu quả nhưng điều kiện hỗ trợ người dạy, người học còn rất khiêm tốn.

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Thị Bướm ở làng quan họ gốc Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã có nhiều năm gây dựng lớp dạy quan họ cho người học thuộc nhiều lứa tuổi trong và ngoài xã.

Hai ông bà dạy hoàn toàn miễn phí và cũng được xã thỉnh thoảng cho mượn hội trường và sử dụng điện, nước để phục vụ cho việc tập luyện của thầy và trò.

Ở cơ sở, thì việc hỗ trợ này đã là quý, và như bản thân hai vợ chồng nghệ nhân tâm sự, cũng không đòi hỏi, yêu cầu gì về chế độ thù lao, bồi dưỡng gì cả. Tuy nhiên, có lẽ không phải vì thế mà các cơ quan quản lý ngành văn hóa tỉnh, huyện không nghĩ đến sự quan tâm, hỗ trợ nào đó.

Các hoạt động tự nguyện làm lan tỏa giá trị di sản chung của địa phương, của cộng đồng, rất nên được cơ quan chức năng địa phương tìm hiểu, có cách động viên thiết thực và cũng không nên chỉ qua loa một hai lần cho xong.

Nhìn lại trường hợp cố nghệ nhân NSƯT Hà Thị Cầu ở Yên Mô, Ninh Bình - "người hát xẩm huyền thoại", cũng có thể nhìn thấy những sự đáng tiếc khi suốt nhiều năm, không chỉ gia cảnh của cụ thường xuyên ở trong cảnh nghèo khó, mà việc tạo ra các chương trình, dự án nhằm khai thác vốn liếng dồi dào, học tập ngón nghề tài hoa của cụ, và nhân đó có những hỗ trợ thỏa đáng cho cụ, cũng không mấy được chú trọng.

Cho đến gần cuối đời cụ Hà Thị Cầu, tỉnh Ninh Bình mới có một chương trình xây dựng hồ sơ nghệ thuật xẩm nhằm hướng tới việc đề nghị xét phong tặng danh hiệu di sản thế giới cho xẩm, và Nhà hát chèo Ninh Bình khi triển khai chương trình này, có tổ chức đưa diễn viên xuống học tập cụ.

Tuy nhiên những hoạt động "về sau" ấy, hẳn rất mỏng manh trong cả gia tài nghệ thuật mà cụ đã tích lũy, đã duy trì suốt nhiều năm lận đận, và đã mang theo.

Nghệ nhân ca Huế.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền quen biết nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ ở Hải Dương đã nhiều năm, cho đến gần cuối năm ngoái, cùng ngồi ghế giám khảo liên hoan ca trù toàn quốc với cụ, mới chợt giật mình khi cụ đã ở tuổi ngoài 90, trong khi nghi thức hát cửa đình của ca trù mà cụ còn nhớ được thuở xưa, vẫn chưa được truyền lại.

Nỗi lo lắng này dẫn đến cái duyên giữa cụ Đẹ và CLB ca trù Hải Phòng để cụ có thể dạy lại cho các thành viên CLB về nghi thức này.

Nhà nghiên cứu cho rằng, rất may mắn bởi trí nhớ cụ còn tốt, sức lực vẫn đủ để truyền nghề, và các ca nương, kép đàn của CLB ca trù Hải Phòng cũng đầy nhiệt huyết, tự bỏ công sức, kinh phí ra để hàng tuần đến tận nhà cụ Đẹ ở Hải Dương học.

Tuy nhiên, cũng thật đáng tiếc khi qua bao nhiêu năm gìn giữ ký ức của di sản, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chưa có dịp nào, điều kiện nào để truyền lại. Câu chuyện này, không hiểu các cơ quan văn hóa của địa phương vốn có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có suy nghĩ gì chăng?

Hãy gợi mở những kết nối

Liên quan đến việc vinh danh và khai thác các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ từng đưa ra ví dụ với trường hợp các nghệ nhân quan họ cao tuổi, giàu vốn liếng và uy tín.

Theo đó, các cụ là những tập hợp của hệ thống bài bản quan họ phong phú, có nhiều dị bản giữa các làng quan họ gốc, có những trường hợp có sự khác nhau trong nội dung, cách hát. Đó là nguồn tư liệu quý cho nghiên cứu.

Vì thế, nên tranh thủ khi các cụ còn khỏe, tổ chức ghi âm lại tất cả những bài bản các cụ còn nhớ được và trả các cụ một khoản bồi dưỡng lớn. Đây là một ý tưởng đáng lưu ý trong hoàn cảnh mà đã có những chương trình, dự án truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nhưng được tổ chức ngắn hạn, chóng vánh, việc tiếp xúc, tiếp cận nghệ nhân để khai thác, học hỏi chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa".

Đưa di sản văn hóa phi vật thể vào nhà trường mà trong đó, nghệ thuật diễn xướng cổ truyền được lưu tâm khá nhiều, là một giải pháp hay nhằm giúp thế hệ trẻ tìm hiểu về tinh hoa cổ truyền.

Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm chạp, lúng túng và dễ thấy là chưa mấy tận dụng được đội ngũ nghệ nhân ở các địa phương. Trong khi đây lại là những người giúp thế hệ trẻ về với môn nghệ thuật đó gần với nguyên bản, với gốc gác hơn cả.

Có thể coi đây là khoảng trống cần được hai ngành VH-TT&DL, Giáo dục và Đào tạo lấp đầy bằng việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với nhà văn hóa nhằm đưa học sinh của mỗi vùng miền, tỉnh, thành… đến gần hơn với nghệ nhân ở địa phương mình hơn.

Ngay cả ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp về âm nhạc, về sân khấu, việc đưa nghệ nhân tài năng, giàu kinh nghiệm vào truyền nghề, giới thiệu hay giao lưu với các nghệ sĩ tương lai trong các tiết học hay hoạt động ngoại khóa, dường như còn bị xem nhẹ.

Lại rất cần suy nghĩ thêm về việc tạo điều kiện cho các nghệ nhân được có những cơ hội trình diễn, thể hiện tài năng của mình như những đóng góp vào đời sống văn hóa, vào nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc trong những năm cuối đời, vẫn thường được ca ngợi, được trân trọng như một trong vài ngôi sao sáng còn lại của nền nghệ thuật ca trù Việt Nam, nhưng làm thế nào để các tiết mục do bà thể hiện đến được nhiều hơn với học sinh, sinh viên, khán giả, hình như vẫn quá ít câu trả lời đến từ các cơ quan quản lý.

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam là một địa chỉ văn hóa nhiệt tình và khá đều đặn trong việc mời nghệ nhân các phường rối nước dân gian trong và ngoài Hà Nội thay nhau biểu diễn tại bảo tàng vào dịp hè.

Bên cạnh đó, một số chương trình lễ hội văn hóa tại đây có sự xuất hiện của các nghệ nhân làm tò he, làm diều giấy…

Các nghệ nhân trình diễn tạo tác sản phẩm, giao lưu với khách tham quan như một hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa thú vị. Nhưng địa chỉ mở ra không gian, hoạt động cho nghệ nhân xuất hiện như thế còn quá lẻ tẻ.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân hiện nay, rất nên khi các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia về chính sách nghiên cứu, đề xướng các giải pháp hỗ trợ nghệ nhân trong hoạt động, biểu diễn và truyền nghề.

Rất cần việc gợi mở các mô hình phối hợp để khuyến khích các bảo tàng, trung tâm du lịch, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm biểu diễn, đoàn nghệ thuật, khu di tích - danh thắng… ở các địa phương kết nối với các nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Sự phối hợp này, có cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ kinh phí của nhà nước cùng với một phần xã hội hóa, sẽ giúp nghệ nhân đóng góp được nhiều hơn cho di sản, cho cộng đồng, và công chúng được thêm cơ hội thưởng thức, tìm hiểu di sản văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân không chỉ là người gìn giữ di sản. Cuộc đời họ với công sức lao động, sản xuất gắn liền với di sản là sự duy trì, thực hành di sản đó một cách sống động.

Di sản tạo nên sức cuốn hút, khơi gợi tài năng của nghệ nhân, dẫn dắt cuộc đời họ. Và ngược lại, chính nghệ nhân bằng tài năng, tâm hồn và sáng tạo của mình, đã làm giàu thêm cho di sản.

Tôn vinh một nghệ nhân, ý nghĩa và giá trị hơn cả là làm cho giá trị của di sản mà họ gìn giữ, giá trị nghề nghiệp của chính họ được lan tỏa trong công chúng hiện tại và trong thế hệ sau.

Và càng ý nghĩa, càng thiết thực là thực hiện được công việc tôn vinh đó khi họ còn sống, còn sức lực trình diễn, truyền dạy và được ghi nhận chính đáng từ xã hội.

Dương Xuân
.
.