Đừng đứng xem như khán giả lịch lãm!

Thứ Tư, 09/03/2016, 07:40
Tôi nhớ đại văn hào William Shakespeare từng nhận định về cuộc sống. Lòng tốt là thứ mà khiến người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy được và người điếc cũng có thể nghe thấy được.

Thời đại mạng xã hội phát triển, mọi vấn đề hành xử giữa con người với con người đều dễ dàng được đưa ra mổ xẻ sau bất kỳ sự việc ồn ào nào đó. Và chủ đề của tuần vừa qua, cộng đồng người dùng mạng kết hợp vô số phương tiện truyền thông có tương tác cao hăng hái tranh luận vô cùng sôi nổi vấn đề "Vô cảm". Đó là những góc nhìn ở nhiều thái cực khác sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Ái Mộ, Hà Nội khiến 3 người tử vong trong đó có một bé gái 6 tuổi. Câu hỏi đặt ra rằng liệu có phải một góc xã hội đang ngày càng vô cảm hơn hay chăng bởi không ít người chứng kiến vụ việc đau lòng kể trên đã thờ ơ hoặc từ chối chuyển người bị nạn đi cấp cứu.

Nhưng cũng ở một luồng dư luận khác thì cho rằng việc cấp cứu người bị nạn luôn thuộc về lực lượng chuyên biệt đã qua đào tạo, "không có kĩ năng nhưng cứ lăng xăng góp sức, là giết người đó các bạn" là một nhận định được nhiều người tung hô. Đó cũng là lời nhận xét có phần ác ý đánh giá về việc cô giáo của cháu bé nạn nhân trong vụ tai nạn khi chị có mặt tại hiện trường và kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ cấp cứu.

Bất kể vụ việc gì xảy ra có nạn nhân là trẻ em thì luôn nặng nề thêm phần đau xót, để chúng ta, những người lớn nên ngoảnh đầu nhìn lại và suy nghĩ.

Anh Nam và cháu Huy.

Sau vụ tai nạn kể trên,  sách vở của cháu bé G.H tung tóe hòa lẫn với máu, cát và sự vô cảm của người lớn trên vỉa hè cách ngôi trường vài trăm mét trong buổi sáng định mệnh 29/2/2016.

Gã tài xế chiếc xe "điên" sau này được xác định tên là Nguyễn Quang Vinh, không giấy phép lái xe bước ra khỏi chiếc xe gây họa, việc đầu tiên là đá tung vào chiếc điện thoại trên tay một nhân chứng rồi bình thản móc iPhone bấm bấm và biến mất, bỏ mặc sau lưng 3 thân thể tan nát vẫn còn nóng ấm. Đó hẳn nhiên không phải là một hành vi thuộc về con người cho lắm, khi ngôn ngữ cũng bất lực để miêu tả. Phía trước tay lái là sự sống, đó là những người con, người cha, người mẹ và có thể còn là người thân của chúng ta.

Tôi bị ám ảnh, bởi G.H chỉ kém con trai tôi 1 tuổi, chắc hẳn bàn tay con cũng nhỏ xíu và giọng nói cũng trong vắt như vậy. Trong khoảnh khắc chiếc xe hung hãn lao vào hai ông cháu, con chỉ kịp co rúm lại cúi mặt sợ hãi, 3 thân phận đón cái chết trong bất lực. Chiếc mũ hồng trên đầu đứa trẻ bay khắc khoải lên không trung. 1, 2, 3…những chiếc xe hơi đi qua hiện trường chầm chậm ngó nghiêng hiếu kỳ nhưng không một ai mở cửa trong chới với những bàn tay van xin đưa cháu bé vào bệnh viện, nạn nhân còn sống sót duy nhất khi ấy co giật đầm đìa trong màu đỏ, cô đơn và lạc lõng trong cả những lời khắc khoải năn nỉ của cô giáo với người xung quanh. Không ai đưa bàn tay ra cả.

Tôi bỗng nhớ đến trường hợp cháu Quốc Huy, cháu đã có hành trình trở về từ cõi chết khi còn là một bào thai bị cưỡng ép rời khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn năm 2014 đã lấy đi rất nhiều tiếc thương của cộng đồng.

Vụ tai nạn xảy ra vào tháng 10/2014 tại An Giang đã khiến đôi vợ chồng trẻ là anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi) phải lìa xa mãi mãi. Thời điểm ấy, anh Nam chở chị Ngọc đến bệnh viện để sinh con thì bị xe trộn bê-tông do tài xế Đỗ Công Vũ cầm lái chạy cùng chiều đâm từ phía sau, cán tiếp tục qua người anh Nam, chị Ngọc khiến thai nhi trong bụng chị rớt ra ngoài văng xa cách hiện trường 6m.

Chị Ngọc đã trút hơi thở cuối cùng sau khi quay sang hỏi chồng về sự sống của đứa con trong bụng.

Thật may mắn, tại hiện trường, một người dân chứng kiến tai nạn đã chạy tới ôm thai nhi cùng bàn chân bị cán đến bệnh viện để cấp cứu. Sau 25 ngày chống chọi, giành giật mạng sống với tử thần, bé sơ sinh đã hồi sinh một cách kỳ diệu. Sau khi xuất viện, bé Huy theo bố về An Giang sống cùng ông bà nội. Sự bình phục của cậu bé sau khi được các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nỗ lực giành giật sự sống được coi như một phép màu.

Câu chuyện sống sót kì diệu của bé Quốc Huy đã khiến nhiều người theo dõi không kìm được nước mắt. Nếu khi ấy người qua đường vô cảm, nếu khi ấy không có sự giành giật từng phút của các y bác sĩ, chắc chắn hạnh phúc đã không mỉm cười đẹp đến vậy.

Giúp đỡ người gặp nạn trên đường là một nét ứng xử đẹp.

Với một góc nhìn tương đối bi quan qua câu chuyện không một chiếc xe nào dừng lại giúp cháu bé T.G.H giữa cơn nguy kịch sau vụ tai nạn do xe Camry gây ra, tôi tin rằng đó  chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bàng quan khi gặp người tai nạn.

Trong diễn đàn mạng Otofun, cộng đồng những người mê xe hơi có một văn hóa rất đẹp là giúp người đi đường. Họ thường xuyên chia sẻ các hình ảnh, clip của bản thân hoặc ai đó xa lạ có hành động đẹp trong văn hóa giao thông hay cứu người bị nạn. Đó là một điểm sáng, những tấm gương chân thực cần nhân rộng để cộng đồng có ý thức hơn, bản năng hơn để biết chìa bàn tay của mình ra trước hoạn nạn của người khác.

Nếu có một luồng dư luận nào đó cho rằng hãy đứng đó, đừng làm gì cả vì đó không phải là trách nhiệm của bạn, hãy đợi người có kỹ năng sơ cứu hay 115, tôi tin rằng không riêng cá nhân tôi và nhiều độc giả khác sẽ không đồng tình. Hãy tự đặt địa vị bản thân khi gặp nạn, mặt nằm áp xuống đất lạnh lẽo bất lực và chới với đôi bàn tay, liệu ai sẽ mong rằng này đám đông kia hãy đứng im như những khán giả lịch lãm?

Theo thống kê của Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An, trong năm 2015 có đến 950 chuyến xe xuất bến nhưng không đón được bệnh nhân. Nguyên nhân là các cuộc điện thoại hoang báo, năm 2014 là 870 chuyến và năm 2013 là 700 chuyến. Bình quân mỗi ngày, tổng đài của đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An nhận được hàng trăm cuộc gọi quấy rối. Cũng lại là một hiện tượng độc ác cần cảnh báo và có biện pháp xử lý, bởi đây không đơn giản là trò đùa, nó khởi nguồn cho những động thái chậm chạp xen lẫn hoài nghi khi họ, lực lượng chuyên biệt đi cứu người.

Không ít người có thói quen đọc báo mạng luôn bi quan cho rằng sự tử tế, tốt bụng đang chạm ngưỡng tuyệt chủng. Cứ mở mạng ra là màn hình tin tức đỏ màu máu và nhan nhản sự thờ ơ trước những nỗi đau khác của đồng loại. Theo tôi bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều  cay đắng xấu xa và tất nhiên là cả lòng  tốt. Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế.

Minh Trí
.
.