Nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống và con đường mưu sinh: Ê chề với kiếp con tằm nhả tơ

Thứ Năm, 25/06/2015, 07:15
Cuộc sống thực đằng sau cái "mặt nạ" được bôi trát bởi tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo của những diễn viên tuồng, cải lương; là cả một sự khổ công tập luyện, nỗi đau có thật của rất nhiều cú bong gân, trẹo gối, xước xát thịt da, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của những diễn viên xiếc; là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không phải khán giả nào cũng biết, cũng cảm thông, cũng xót xa để có thể mua vé đến rạp sau những lời chào mời trên các phương tiện truyền thông hay những tờ rơi được xem và vứt vội nhan nhản trên các con đường rải nhựa.

Đã nhận đồng lương thì phải làm việc, phải tập luyện, phải đi biểu diễn, dù cái hy vọng mong manh của nhiều diễn viên nghệ thuật truyền thống trước mỗi giờ hóa trang lên sân khấu, là hy vọng sẽ có dăm mười chiếc vé được bán ra để còn có cái gọi là khán giả để gây niềm cảm hứng, nhưng ước vọng nhỏ nhoi ấy, không phải bao giờ cũng trở thành hiện thực…

Không khí vắng lặng, khi các em sinh viên đã về nghỉ hè khiến cho khu tập thể của diễn viên và học sinh ở Nhà hát Tuồng vắng vẻ hơn bình thường. Nếu ai đó từng ví sự sôi động, sự ồn ào, sự lòe loẹt giống như kiểu "phường hát tuồng" thì ở cái nôi của tuồng, hoàn toàn không có sự lòe loẹt, ồn ào kiểu ấy. Cùng hoàn cảnh sống giống nhau, các hộ gia đình diễn viên trẻ ở trong những ngôi nhà 15m², họ bày trí tối giản để dành không gian sinh hoạt, có chỗ để cho con nhỏ vui chơi.

Gia đình cặp nghệ sĩ Trần Văn Long - Nguyễn Thị Quyên và Ngô Ngọc Cường - Nguyễn Bảo Hường là những diễn viên chính của Nhà hát Tuồng, họ là vài trong số những người yêu nghề và đến với tuồng bằng tất cả niềm đam mê của mình.

Hóa trang phải mất cả tiếng đồng hồ mới xong.

Nhưng yêu nghề mà nghề… cứ phụ, cuộc sống của họ ở đất Hà thành, chỉ đủ để trang trải qua ngày, chứ nói đến chuyện mua nhà hay tương lai con cái với những điều xa vời thì dường như họ không bao giờ bàn tới. Vẫn những cái bếp ga, bếp than tổ ong ở hành lang lẫn với hàng dây quần áo phơi phóng, vẫn là những câu chuyện làm thêm đầy nhọc nhằn để cuộc sống bớt khó khăn, các nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát Tuồng đầy tâm trạng đã chia sẻ: Thực tế thì hiện nay, không có một chiếc vé nào được bán ra cho người Việt dù rạp Hồng Hà, nơi được Bộ Văn hóa giao cho nhà hát khai thác và sử dụng mặc dù nhà hát vẫn đỏ đèn từ 18 giờ đến 19 giờ tối thứ hai và thứ năm hàng tuần nhiều năm nay. Hạnh phúc nhất là có những hợp đồng với khách nước ngoài, có khách để diễn, để được thăng hoa trên sân khấu, nhưng có nhiều hôm cả chục con người chuẩn bị trang điểm, phấn son, quần áo, mũ giày đầy đủ, nhìn xuống sân khấu chỉ một vài khách, cũng phải diễn, nhưng tâm trạng thực sự chẳng ai vui cả.

Không vui vì không bán được vé đã đành, nhưng không vui vì rõ ràng, diễn mà không có khán giả làm sao có cảm hứng diễn nữa. Mà trong nghệ thuật tuồng, mỗi khi lên sân khấu, là phải bôi mặt, trang điểm, mất cả tiếng đồng hồ, tẩy trang, sắp đồ đạc, cùng ngần ấy thời gian nữa, nghĩ mà ê chề cho kiếp đào hát con tằm nhả tơ.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình.

Anh Long tâm sự: Nếu như những môn nghệ thuật khác có thể đi hát, đi biểu diễn đi làm thêm quanh năm, thì nghệ thuật tuồng hầu như không có "đất dụng võ". Nhiều lắm thì cũng chỉ 3 tháng lễ hội đầu năm thỉnh thoảng có người mời đi diễn ở các hội nghị, sự kiện lớn cần sự xuất hiện của nghệ thuật truyền thống, còn thì hầu hết họ trông đợi vào các chuyến lưu diễn ở tỉnh xa, hoặc về các sân khấu học đường diễn cho các em học sinh, sinh viên. Tiền tập luyện theo quy định được 20 nghìn một ngày, tiền biểu diễn được 50 đến 100 nghìn, đôi khi ngày lễ lạt, hội hè muốn cho con đi chơi thì bố mẹ lại phải đi diễn, nhưng buồn nhất là tiền cát-xê nhận được lại chẳng đủ để mua cho con một món quà hẳn hoi… Con mình đành chịu thiệt thòi hơn con người, cũng đành chịu vì đây là hoàn cảnh chung của tất cả anh em ở đây.

Còn nhớ, nghệ sĩ Hán Văn Tình, một cán bộ lâu năm của Nhà hát Tuồng Trung ương, đợt vừa rồi phải trải qua một cơn bạo bệnh vì ung thư. Anh là một người nổi danh từ vai diễn Chu Văn Quềnh trong bộ phim "Đất và người" có người vợ đảm đang ở nhà kinh doanh cho thuê quần áo biểu diễn, nhưng cuộc sống vẫn nghèo, vẫn thiếu thốn. Nếu không có sự chung tay góp sức của các nghệ sĩ và những người yêu quý anh, thì khó lòng một mình anh chống chọi nổi qua cơn bạo bệnh.

Một cảnh trong vở diễn tuồng.

Gặp lại nghệ sĩ Hán Văn Tình lần này, trông anh không còn cái vẻ rắn rỏi và hay cười đùa vô tư như ngày xưa, anh gầy và thường mang gương mặt của một người lo lắng, lo lắng trước mọi biến cố cuộc đời mà người diễn viên cả một đời cống hiến như anh không phải lúc nào cũng dư giả để mà xoay xở: “Sức khỏe của tôi chưa hồi phục nên Ban Giám đốc Nhà hát cho tôi một đặc cách không phải diễn, thỉnh thoảng nhớ anh em thì tôi đến chơi thôi.

Nói đến cái nghèo, cái khó của tuồng thì bao giờ mới nói hết được. Đó là chuyện "cơm bữa" rồi. Nghệ thuật truyền thống đang "chết" chung rồi, nhưng dân tuồng như anh em chúng tôi là nghèo nhất so với mức bình quân. Lương thì ăn theo ngạch bậc của Nhà nước quy định, thu nhập bên ngoài hầu như không có gì ngoài mỗi  đêm đi diễn được 50 nghìn đồng, về đói bụng làm bát phở là hết, còn dành dụm được gì đâu. Bởi vậy mà dù vất vả, nhưng nhiều diễn viên trẻ của chúng tôi vẫn phải đi làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào như là  đi đánh trống, múa lân nhân dịp trung thu, ai mà quen biết rộng hơn, thì có những hợp đồng biểu diễn ở các hội nghị, hội thảo tổng kết này nọ.

Bản thân tôi là người "già" trong nhà hát không còn đi làm thêm những nghề lao động tay chân, nhưng các em chúng nó biết có một thời các diễn viên trẻ, các cháu đi làm thêm không phải bằng nghề của mình, bởi vì biết hát tuồng ở đâu mới được, nên họ cứ phải trằn ra để lao động chân tay. Có nhiều em thì bỏ nghề, dở dang cả cái bằng đại học vì nó không thể giúp nuôi sống các em trong cơn "bĩ cực này” - nghệ sĩ Hán Văn Tình tâm sự.

Ở Nhà hát Tuồng Hà Nội có một phòng thờ Tổ đầy trang trọng và uy nghiêm ngay khu làm việc. Dường như việc chăm sóc để giữ hồn thiêng được các lãnh đạo ở đây chú ý ở mức cao nhất. Phòng làm việc của Giám đốc, nghệ sĩ Phạm Mạnh Tuấn treo nhiều ảnh của các bậc trưởng lão, những nghệ nhân, nghệ sĩ một thời đã khởi nguồn nền tảng cho nghệ thuật hát tuồng, tuyệt nhiên, không có một bức ảnh nào của anh, hay gia đình anh, một gia đình truyền thống ba đời trong nghề tuồng.

Anh bảo, làm như vậy để kích thích lòng yêu nghề của các lớp diễn viên trẻ, những người đã và đang dần một ít đi trong nghệ thuật tuồng bởi thời buổi cơ chế thị trường. Nói về câu chuyện của nhà hát, anh lắc đầu chia sẻ: Khó khăn nói mãi rồi, nhưng có giải quyết được gì đâu, đành phải tự thân vận động thôi. Cũng may mà mỗi năm bằng tất cả sự nỗ lực, chúng tôi cũng đã có tới gần 200 đêm biểu diễn hợp đồng các kiểu để lo cho đời sống anh chị em diễn viên. Chủ yếu là diễn cho khách nước ngoài và ở các tỉnh xa. Nhưng không phải lúc nào cũng thành công trở về.

Có những hôm rạp Hồng Hà chỉ có một khách đến xem, chúng tôi cũng đành cáo lỗi xin được trả vé để khán giả ra về. Mấy chục con người không thể diễn trong trạng thái ấy được, nó vừa tẻ nhạt, ê chề và đáng buồn. Chúng tôi thường xuyên bù lỗ nhưng vẫn phải đỏ đèn hàng tuần để tạo được thói quen cho khán giả. Trong đợt kỷ niệm giải phóng miền Nam vừa qua, chúng tôi vào TP HCM biểu diễn theo chương trình của Bộ Văn hóa, tiền Nhà nước chi trả, vậy mà đến một số nhà hát ở thành phố, họ vẫn từ chối nhận tuồng biểu diễn, vì người ta không thích, không có khán giả đến rạp. Đến địa điểm khác cũng nhận được những lời từ chối. Đó là một thực tế buồn mà lỗi không phải ở ai cả, mà là do xu hướng, thời thế.

Chúng tôi đã tổ chức hội nghị khách hàng, mời các công ty du lịch đến để cố gắng tạo quan hệ tốt với khách nước ngoài, khi đó thì nhiều công ty hứa hẹn lắm, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Cũng bởi vì nghèo, vì không có khán giả, lại khó đi làm thêm như các ngành nghệ thuật khác, nên hiện nay Nhà hát Tuồng thiếu nhân lực. Nhà nước cho 109 suất biên chế mà chúng tôi hiện chỉ có 96 biên chế. Không có ai để mà cho vào. Đó là một nghịch lý. Tìm các em trẻ thì như “ngậm ngải tìm trầm”. Các cơ sở đào tạo như Trường đại học Sân khấu điện ảnh thì hiện nay hoàn toàn không có hồ sơ nộp vào tuồng rồi, chúng tôi chỉ còn cách đi khắp các vùng miền để thông báo tuyển sinh, trực tiếp về tuyển các em tại các vùng quê ấy, có em đã học hết phổ thông, có em chưa hết, nhưng cứ thấy em nào có năng khiếu là tuyển về, vừa học văn hóa, vừa đào tạo nghề.

Hiện nay Nhà hát Tuồng có một lớp 39 em đang theo học tạo nguồn. Chúng tôi miễn phí tiền phòng, tiền học phí, tiền điện nước sinh hoạt, các em được hưởng một chế độ tốt, phòng có điều hòa, có máy nóng lạnh… tất cả chỉ để hy vọng sẽ đào tạo được một đội ngũ kế cận cho nhà hát, để nghệ thuật tuồng không bị mai một hoặc mất đi trong lòng thế hệ trẻ.

Tôi vào phòng ký túc xá gặp các em đang ở lại ôn thi tốt nghiệp, những gương mặt sáng nhưng đầy vẻ non nớt của tuổi 17. Các em hầu hết đều ở tỉnh xa: Thảo ở Hà Tĩnh, Châu Anh ở Chương Mỹ (Hà Nội), Phương ở Thanh Oai, Phúc ở Bắc Ninh…

Mỗi em một hoàn cảnh, nhưng đều ở những vùng quê nghèo và khi được tuyển dụng vào Nhà hát Tuồng đã là một đặc ân. Các em đang hào hứng kể về niềm đam mê đến cùng để theo đuổi môn nghệ thuật mà mình được lựa chọn như một định mệnh, nhưng con đường phía trước còn rất dài, có em sẽ đi đến tận cùng, nhưng chắc chắn, có em sẽ rơi rụng, bỏ nghề để đi tìm những cơ hội khác tốt đẹp hơn, khấm khá hơn như nhiều nghệ sĩ khác đã làm. Cũng chẳng thể trách được bởi vì các em không thể nhịn ăn, nhịn mặc để sống qua ngày với đồng lương không đủ chi tiêu tối thiểu với cuộc sống thường ngày, chưa nói đến dư giả.

Câu chuyện của các diễn viên tại các nhà hát truyền thống đang đối mặt không phải là câu chuyện mới mẻ gì. Cũng bởi phải lo miếng cơm manh áo nên họ thực sự không chuyên tâm cho nghệ thuật.

Giáo sư Hoàng Chương, một người cả đời theo đuổi nghệ thuật tuồng chia sẻ rằng, khó có thể có một sự phát triển nghệ thuật truyền thống khi mà các em, các cháu chỉ chăm chắm đi làm thêm mà không chịu "Văn ôn võ luyện", không tập tành sau giờ lên sân khấu. Học nghề này là học cả đời, làm cả đời thì khán giả mới theo mình được. Không nên đòi hỏi khán giả phải đến rạp khi mà bản thân các diễn viên, nghệ sĩ không yêu cái nơi mình gắn bó. Muốn vậy thì Nhà nước phải đưa ra các phương án để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống bằng cách bồi dưỡng, động viên kịp thời và có chính sách nuôi dưỡng nhân tài, tìm nguồn nhân tài, chứ bản thân đầu vào bây giờ không có, không ai đi thi vào tuồng, chèo, cải lương mà chạy hết sang kịch nói, diễn viên, ca nhạc để mong kiếm tiền nhanh hơn, nổi tiếng nhanh hơn.

Bởi vậy, cần sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ để đến gần hơn với công chúng. Bởi xét cho cùng, để phát triển nghệ thuật truyền thống rất cần những người biết giữ lửa, mà để có lửa thì bản thân những người làm nghề phải thực sự yêu nghề và hy sinh cho bộ môn nghệ thuật mà cả đời mình đã trót theo đuổi…

Sắp tới đây, Nhà nước sẽ ban hành một nghị định mới, nâng mức thù lao tập luyện cho nghệ sĩ và thù lao biểu diễn, dù cũng chỉ hơn một chút thôi, nhưng chúng tôi đang mong từng ngày để đời sống anh chị em bớt khổ, chứ thực sự, có theo đuổi nghề mới biết, cần lắm những tấm lòng, những lời động viên khích lệ, để các em, các cháu đỡ buồn khi bên cạnh mình là một đời sống quá chênh lệch giữa nghệ sĩ với nhau, mà không thể không chạnh lòng buồn được.

Nghệ sĩ Phạm Mạnh Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Hà Nội

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.