Em chào thầy, cô ạ!

Thứ Năm, 19/11/2015, 15:30
Mấy hôm trước, chúng tôi đi thăm một thầy giáo cũ. Thầy Nguyễn Khoát. Thầy dạy vật lý ở Trường cấp ba Mỹ Đức, Hà Nội (Hà Tây cũ). Chúng tôi, những Hoa, Duyên, Đấu, Thư... là học sinh cũ của các thầy cô.

Trong chuyến về thăm thầy Khoát, chúng tôi mời được thầy Trần Mạnh Hưởng dạy văn, thầy Tích Lăng dạy toán, cô Lưu dạy tiếng Trung, cô Hà dạy hóa về cùng để các thầy cô có dịp gặp nhau. Vậy là đã 40 năm không gặp thầy. Chẳng có lý do nào để được tha thứ cho lỗi này của chúng tôi.

Có một điều kỳ lạ là: chúng tôi, những học sinh cũ của các thầy cô bây giờ lại già hơn các thầy cô giáo cũ của mình. Vì sao? Tôi nghĩ mình đã tìm ra câu trả lời: vì chúng tôi có một cuộc sống đầy đủ vật chất trong khoảng 20 năm gần đây hơn cuộc sống của các thầy cô ở tuổi đó của chúng tôi nhưng lại phải sống trong một cuộc sống đầy áp lực nặng nề - cuộc sống của những ganh đua, đố kị, thị phi, mưu mẹo và nhiều vô cảm.

Nhìn gương mặt thầy cô trong bức ảnh chụp mấy ngày gần đây thấy rất rõ là gương mặt chúng tôi nặng nề và hoang mang. Còn gương mặt các thầy cô vẫn lưu giữ những năm tháng đói nghèo nhưng trong sáng, yêu thương và thanh thản.

Thầy giáo dạy các học trò đan mũ rơm thời chống Mỹ. (ảnh minh họa).

Tôi là người Ứng Hòa nhưng lại học cấp 3 ở Mỹ Đức. Hồi tôi vào lớp 8, Trường cấp 3 Mỹ Đức mở phân hiệu B ở xã An Mỹ. Xã An Mỹ ở bên kia sông Đáy cách làng tôi chừng ba cây số. Thấy vậy, cha tôi xin cho tôi vào học cấp 3 ở đó. Ngày ngày tôi đi đò sang sông đến trường. Sáng phải dậy sớm ăn vội một cái gì đấy rồi đi ra bến đò. Vào mùa đông, sương mù thường giăng kín hai bờ. Đứng từ bờ sông bên này nhìn sang bờ bên kia chỉ thấy một dải sương mù mà không thấy bờ đâu. Người chèo đò đưa tôi sang sông là cô gái tên Chinh.

Ngày ấy, gia đình người chèo đò được chấm công điểm rồi đến mùa thì được chia thóc, ngô, khoai. Tất cả người làng tôi qua sông không phải trả tiền. Tuy vậy, nhưng không bao giờ Chinh để tôi lỡ đò muộn học. Chinh là một cô gái mắt kém nhưng  lúc nào cô cũng cho đò cập bến chính xác kể cả những ngày nước lớn. Chinh không có nhan sắc. Bởi thế cô không lấy được chồng. Rồi cô mất khi còn rất trẻ.

Chính vì những mùa hoa cải rực rỡ bên sông và vì tấm lòng của Chinh và những gì tôi nghe được về đời sống của những con người hai bên bờ sông làng tôi mà tôi đã viết truyện ngắn  "Mùa hoa cải bên sông" sau này chuyển thành phim "Lời nguyền của dòng sông", bộ phim truyền hình đầu tiên của Việt Nam giành Giải Vàng quốc tế tại Bỉ năm 1993.

Tôi học ở cấp 3 B ở An Mỹ đến giữa lớp 9 thì chuyển về Trường cấp ba Mỹ Đức A ở  Văn Giang gần Chùa Hương. Khi tôi vào lớp 10, vì sợ tôi chơi bời lêu lổng không thi đỗ tốt nghiệp, cha tôi xin cho tôi vào ở trong khu tập thể của giáo viên để các thầy kèm cặp. Hồi đó khu tập thể là nhà tranh vách liếp. Tôi ở đó cùng với Thông Hoa, em họ thầy Khoát. Chúng tôi học cùng lớp với nhau. Hai đứa chúng tôi được ở trong một phòng nhỏ đầu dãy chỉ kê vừa một chiếc giường một.

Những ngày mùa đông, chúng tôi thường phải đốt một ít củi dưới gầm giường cho ấm rồi mới đi ngủ. Dãy nhà tập thể giáo viên ở cạnh một bãi tha ma. Chính thế, có đêm chúng tôi nghe tiếng người khóc một ai đó đã mất âm u trong bóng tối và gió lạnh. Giờ nhớ lại những đêm mùa đông ấy, lòng tôi lại ngập tràn những day dứt, buồn bã và hoang vắng. Và tôi nhận thấy; đời sống tuy có quá nhiều đổi thay nhưng nỗi day dứt, buồn bã và cảm giác hoang vắng như chẳng khi nào rời bỏ thế gian.

Buổi tối, chúng tôi thường phải đến phòng của thầy Khoát và thầy Lăng để học bài vì có gì khúc mắc thì hỏi các thầy. Chính những buổi tối ấy, thi ca đã bắt đầu mơ hồ đi qua tâm hồn tôi. Các thầy giáo ở trong dãy nhà tập thể tre nứa ấy thi thoảng lại ngồi đàm đạo văn chương.

Ngày ấy, trên tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình cùng một số báo và tạp chí khác thường thấy xuất hiện thơ của thầy Trần Mạnh Hưởng, thầy Nguyên Hương, thầy Nghiêm Phú Mạnh. Vì là nhà tre nứa nên mọi câu chuyện thơ ca của các thầy tôi đều được nghe. Các thầy là niềm kính trọng và đầy ngưỡng mộ đối với cá nhân tôi. Lúc đó, khi nghe các thầy bàn chuyện văn chương và đọc thơ, tôi lại mơ trở thành nhà thơ. Giấc mơ tuy không ai biết nhưng nhiều lúc tôi thực sự xấu hổ và lúng túng khi gặp các thầy trên lớp. Tôi cứ nghĩ cái gì tôi nghĩ trong đầu các thầy, cô đều biết hết.

Hôm gặp lại các thầy cô, thầy Trần Mạnh Hưởng nói với mọi người về tôi: "Cậu Thiều hồi học văn lúc thì được điểm 8 lúc thì lại điểm 3". Có lẽ thất thường như thế mà tôi trở thành nhà thơ chăng. Ngay khi học đến lớp 7 tôi vẫn lẫn lộn giữa mở bài và kết luận của một bài tập làm văn. Nghệ thuật chẳng bao giờ đi một lối đi định sẵn. Nó luôn mở ra những con đường đôi khi ít ai ngờ tới.

Trên xe đi về thăm thầy Khoát, thầy Hưởng nói với tôi thầy Nguyên Hương đã in hai tập thơ và đang chuẩn bị in tập thơ thứ ba. Tôi bèn xung phong xin giấy phép xuất bản cho thầy Nguyên Hương và có thể giúp thầy một vài việc để thầy ra mắt tập thơ mới. Cũng đã mấy lần, tôi giục thầy Hưởng in thơ. Nhưng lần nào thầy cũng cười và bảo thầy có là nhà thơ đâu mà in. Tôi muốn thầy xuất bản tập thơ. Tôi muốn đọc lại những bài thơ thầy viết trong những năm tháng đói nghèo, vất vả nhưng đẹp đẽ ấy. Tôi muốn được sống lại những năm tháng ấy qua các bài thơ của thầy.

Những bài thơ trong sáng, đầy xúc động và thực sự da diết đã gieo vào lòng tôi những cảm xúc kỳ lạ. Những bài thơ ấy là những trang hồ sơ đặc biệt lưu giữ đời sống tinh thần của con người Việt Nam trong thời đại ấy. Bây giờ nhiều điều đã khác.

Thầy Khoát về hưu và sống ở xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Tây cũ. Cách đây 41 năm, tôi đã đến nhà thầy. Đó là lần đi dự cưới thầy. Tôi được thầy Trịnh dạy hóa dẫn đi. Trên đường đến quê thầy Khoát, thầy trò tôi ghé thăm nhà thầy Tích Lăng. Thầy Lăng dạy toán. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ ngôi nhà cổ của thầy và những cây cam đang mùa quả chín.

Không một lúc nào trong suốt 41 năm qua những quả cam chín đỏ trong vườn nhà thầy lại có thể mờ nhạt đi trong tâm trí tôi. Đêm trước, chị gái tôi đã chuẩn bị cho tôi quà mừng hạnh phúc thầy Khoát. Một chiếc chậu men hoa hồng được bọc giấy đỏ. Tôi buộc kỹ món quà cưới sau xe và đi mấy chục cây số đến nhà thầy. Dọc đường, thi thoảng tôi lại quờ tay ra sau xem món quà cưới mừng thầy có còn không.

Ngày ấy, quà mừng đám cưới không bao giờ có phong bì. Trong trí tưởng tượng hoang dại nhất mà tôi có cũng không hình dung đến một ngày quà mừng đám cưới là chiếc phong bì đựng tiền. Năm tháng đó, mọi điều hình như đều chân thành và đẹp đẽ.

Thầy Khoát đau ốm nhiều năm nay. Tôi nhớ hồi ở trường thầy Khoát hút thuốc nhiều vô kể. Lúc nào tôi cũng thấy thầy kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay. Tôi cũng hút thuốc từ lớp 9. Những buổi tối ngồi học trong phòng thầy Khoát, thầy Lăng, tôi và Thông Hoa hay tìm cách ăn trộm thuốc lá của thầy Khoát. Thầy thường treo áo ở ghế khi đi ngủ. Chúng tôi phân công nhau một đứa che đèn để bóng tối phủ nơi thầy treo áo còn đứa kia thò tay vào túi áo thầy lấy trộm thuốc lá như thế thầy sẽ khó phát hiện ra hành động ăn trộm của chúng tôi.

Có những đêm thèm thuốc lá quá, chúng tôi mò lên lớp học nơi buổi chiều thầy Khoát vừa giảng bài để tìm những mẩu thuốc thầy vứt ở dưới bảng đen. Ngày ấy, thuốc lá không có đầu lọc nên hầu như điếu thuốc chỉ hút hết 3/4. Chỉ cần vài ba mẩu thuốc  dồn lại là được một điếu thuốc ngon rồi.

Thầy không thể nào hình dung sau này tôi lại theo nghề viết văn. Có điều lạ là: trước kia, khi còn rất trẻ, thầy Khoát lúc nào cũng nghiêm nghị và rất ít nói. Bây giờ tuy ốm đau nhưng thầy luôn cười khi chúng tôi gặp lại.

Đúng như bạn tôi, Đào Văn Thư, nhận xét: "Ngày xưa em thấy lúc nào thầy cũng trầm ngâm, suy nghĩ và rất ít khi thấy thầy cười. Bây giờ thầy đã già, lại bệnh tật nhưng em thấy thầy cười nhiều hơn. Cả khi thầy không cười thì gương mặt thầy cũng vui như cười".

41 năm về trước, tôi đã ngủ trong ngôi nhà đơn sơ của gia đình Thông Hoa trên bãi Tự Nhiên. Quanh nhà là những ruộng rau bạt ngàn. Buổi sáng tỉnh dậy, bà mẹ Thông Hoa đã đi chợ bán rau rất sớm. Bà đồ sẵn một chõ xôi và làm thịt một con gà cho anh em chúng tôi. Bây giờ nghĩ lại, lòng xao động và sống mũi thấy cay.

Cũng 41 năm tôi mới trở lại vùng đất bãi ấy và mới gặp lại bà mẹ. Vùng bãi này đã thay đổi hoàn toàn, nhưng ngồi trong ngôi nhà của thầy Khoát giữa các thầy cô giáo cũ, tôi thấy ngập tràn cây lá và những ruộng rau thuở trước của vùng bãi Tự Nhiên, nhớ cây cam chín đỏ trong vườn nhà thầy Lăng, nhớ dãy nhà tập thể tre nứa của các thầy cô đêm đêm vang lên những bài thơ.

Tôi nhớ hồi học cấp 1, một lần cô giáo Chinh chủ nhiệm lớp chúng tôi bị ốm. Cô là người làng Cao Lãm, Ứng Hòa. Chúng tôi đi thăm cô. Quà mang biếu cô chỉ là một nải chuối tiêu đã chín. Chúng tôi xách nải chuối tiêu đi qua cánh đồng đến làng bên cạnh thăm cô. Cô đã cắt nải chuối chúng tôi biếu cô cho chúng tôi ăn. Lũ trẻ con chúng tôi háu đói và ngây thơ ấy đã ăn gần hết nải chuối. Sau này nhớ lại chuyện này, chúng tôi vừa hạnh phúc, vừa xấu hổ và day dứt mãi cho đến tận bây giờ. Ôi những năm tháng của mấy chục năm về trước như chỉ mới diễn ra hôm qua với một đời sống đẹp và da diết như thế lại trở thành những gì hiếm hoi và thưa vắng trong thời buổi này...

Mái trường thuở ấy luôn là nơi lòng ta muốn trở về và các thầy cô thuở ấy là những người lòng ta thường khao khát gặp lại. Có một sự thật rất lạ là: chúng tôi, những học trò cũ giờ đã nhiều người trở thành ông bà nội ngoại nhưng khi gặp lại các thầy cô giáo cũ, chúng tôi lại náo nức như một bầy trẻ, lại lúng túng như 40 năm về trước, lại cất tiếng của một học trò: "Em chào thầy, cô ạ"!

Nguyễn Quang Thiều
.
.