Italia: Xứ sở đầy vị đắng dành cho các cầu thủ đến từ châu Phi

Thứ Bảy, 10/10/2015, 10:30
Người ta thường nghĩ châu Âu là một thiên đường dành cho bóng đá, nhưng chẳng mấy ai biết nơi đó đầy rẫy sự phân biệt chủng tộc, đặc biệt ở Italia, nơi các ngoại binh đến từ châu Phi chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng để theo đuổi sự nghiệp bóng đá với hy vọng thoát nghèo.

Khi ngôi sao bóng đá Đức  Kingsley Boateng (gốc Ghana) bị gọi xúc phạm là "mọi đen" ở  giải bóng đá Italia anh chỉ biết nín nhịn trong lòng và cười xòa để khỏa lấp. Nạn phân biệt chủng tộc trong nền bóng đá Italia hiện vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng, tuy Liên đoàn Bóng đá Italia (FIGC) đã có các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nạn phân biệt chủng tộc nhưng thể chế và thái độ xã hội vẫn tiếp tục gây khó khăn cho các cầu thủ nước ngoài hiện đang thi đấu ở Italia.

Trong các giải bóng đá chuyên nghiệp Italia mùa 2014-2015, theo dữ liệu sơ bộ từ Trung tâm Giám sát và chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá (ORAC), tổng cộng có 14 tập phim phản ánh về nạn phân biệt chủng tộc được ghi hình. Con số này là mức thấp nhất trong 15 năm qua, giảm 50% so với mùa giải 2013-2014 và khoảng 1/6 trong tổng số 80 thước phim tư liệu phát hành năm 2005-2006. Hầu hết các hành vi hò hét hoặc la ó với lời lẽ phân biệt từ đám đông, nhiều trường hợp cầu thủ bị đối phương thóa mạ ngay trên sân. Theo Giám đốc ORAC kiêm nhà xã hội học Mauro Valeri, xu hướng này đang giảm có thể do biện pháp ngăn chặn cứng rắn của FIGC kể từ tháng 8/2013.

Cầu thủ Boateng rất buồn vì nạn phân biệt chủng tộc tràn lan trong bóng đá châu Âu.

Theo đó, các câu lạc bộ chuyên nghiệp có những người ủng hộ nạn phân biệt chủng tộc sẽ chịu án phạt bao gồm: đóng cửa sân vận động, phạt tiền tối thiểu 57.000USD và truất bỏ ngôi vô địch nếu vi phạm nhiều lần. Biện pháp trừng phạt dành cho cầu thủ cũng tăng: cấm thi đấu ít nhất 5 - 10 trận, phạt tiền từ 11.210 - 22.400USD. Theo ông Valeri, trong khi thế giới bóng đá chuyên nghiệp có chuyển biến tích cực, nạn phân biệt chủng tộc vẫn phổ biến ở các giải trẻ và nghiệp dư.

Những người nhập cư không phải gốc châu Âu có thể nhập tịch Italia nếu họ có thể chứng minh sống ở quốc gia này ít nhất 10 năm. Sau đó, con cháu họ có thể trở thành công dân hạng I Italia theo diện đoàn tụ gia đình, đó là điều mà Boateng được hưởng sau khi anh chuyển đến Italia kể từ khi 5 tuổi. Người được sinh ở Italia có bố mẹ là người nhập cư chỉ có thể xin nhập quốc tịch khi 18-19 tuổi. Những người dân ngoại quốc bị áp dụng các thủ tục hành chính khắt khe hơn, đặc biệt trong công việc,  so với người bản xứ. Chẳng hạn, các cầu thủ trẻ không có gốc châu Âu buộc phải trình diện bản sao hợp đồng lao động, hộ chiếu và visa của cha mẹ khi đăng ký với FIGC và đơn từ đó cần được chính quyền địa phương phê duyệt.

Ông Valeri phê bình "sự phân biệt theo thể chế" đang kìm hãm bóng đá Italia nói riêng và châu Âu nói chung thực sự hòa nhập và tạo nên sự tiến bộ xã hội. Trong khi các liên đoàn khúc côn cầu, boxing Italia đã cải cách quy định từ 2 năm qua tạo điều kiện cho vận động viên trẻ là người nước ngoài được hưởng quyền lợi tương đương đồng nghiệp (gốc) Italia. Quốc hội Italia hiện đang thảo luận một dự luật sẽ mở rộng sáng kiến này cho tất cả những liên đoàn thể thao trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngoài rào cản quan liêu, các cầu thủ trẻ đến từ nước ngoài thường phải đối mặt với thái độ không mấy mặn mà từ một bộ phận dân Italia.

Giấc mơ của các cầu thủ trẻ châu Phi thường tan vỡ ngay khi họ đặt chân đến châu Âu và phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc.

ORAC đã ghi hình ít nhất 44 tập phim tư liệu phản ánh từng góc cạnh của nạn phân biệt chủng tốc ở mùa giải bóng đá không chuyên từ năm 2014-2015, trong đó có 9 trường hợp "ngoại binh" bị xúc phạm ngay trên sân cỏ. Con số này ít hơn 10 vụ so với mùa giải trước, đó là lần đầu tiên ban tổ chức giải bắt đầu giám sát những giải đấu nghiệp dư. Nhưng ông Valeri cảnh báo có nhiều vụ việc không được báo cáo vì tính chất của giải đấu không cao.

Vào tháng 1/2015, cựu huấn luyện viện Đội tuyển Quốc gia Italia, Arrigo Sacchi bị phê bình kịch liệt khi lỡ miệng nói "có quá nhiều cầu thủ da đen ở giải trẻ, đó là bằng chứng cho thấy quốc gia này (Italia) không có danh giá và niềm tự hào". Tuy nhiên, ông Sacchi một mực bác bỏ cáo buộc về phân biệt chủng tộc đồng thời ra sức bênh vực cho một số huấn luyện viên và cầu thủ Italia. Vận động viên nhảy xa từng đạt Huy chương Vàng Thế vận hội Fiona May (đã giải nghệ), người được bổ nhiệm lãnh đạo một phong trào chống phân biệt chủng tộc của FIGC bắt đầu từ tháng 2 cho biết: "Thể thao không chỉ phản ánh xu hướng xã hội, mà cần phải là một chất xúc tác cho sự thay đổi". Cựu vận động viên sinh ra ở Anh cho biết, cô đề nghị Italia cần phải tìm ra giải pháp tích cực để giải quyết vấn nạn phân biệt chủng tộc trong thể thao.

Nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá không chỉ ở Italia mà tại hầu khắp châu Âu đều xảy ra tình trạng này, nhà báo Anh Richard Gizbert tiết lộ ở nhiều quốc gia châu Âu, sân bóng đá trở thành diễn đàn cho những đối tượng có tư tưởng tân phát xít gieo rắc ý thức hệ tiêu cực. Người ta có thể nghe rõ tiếng cổ động viên la ó hoặc càu nhàu khi một cầu thủ da màu của đội đối phương chạm bóng. Còn nhớ, khi Pháp giành chức vô địch World Cup ngay trên sân nhà vào năm 1998, một chính trị gia từng chế giễu đội tuyển "không xứng đáng" với nước Pháp vì có quá nhiều cầu thủ không phải là người da trắng.

Thực trạng này đang ở tầm mức đáng báo động khi có những cổ động viên giơ cao biểu ngữ "yêu mến trại tập trung Auschwitz" - một "lò thảm sát người Do Thái", biểu tượng của tội ác diệt chủng của chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II - ngay trong trận bóng. Thậm chí có những cổ động viên Italia xúc phạm cả cầu thủ đội bóng của họ. Khi một đội bóng thay một cầu thủ da màu vào sân, trên khán đài bắt đầu rộ lên tiếng la ó: "Chúng tôi không muốn có người da đen".

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.