Umberto Eco - “Nhà văn bác học”

Thứ Hai, 29/02/2016, 18:15
Cả thế giới bàng hoàng khi hay tin nhà văn huyền thoại người Italia Umberto Eco (1932-2016), người được công chúng ngưỡng mộ tôn vinh qua danh hiệu “Nhà văn bác học” đã từ trần vào ngày 19-2 vừa qua, để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi trong lòng bạn đọc năm châu. Chúng tôi muốn lưu ý độc giả rằng trong tiếng Italia “Eco” có nghĩa là “Tiếng vang”, “Tiếng vọng”, “Dư âm”, hay “Lời hiệu triệu”.

Sinh ngày 5-1-1932 tại thành phố Alessandria, miền Bắc Italia, trong một gia đình có cha mẹ đều là nhân viên ngành hỏa xa. Sau khi tốt nghiệp trung học, bất chấp lòng mong mỏi của gia đình muốn con trai trở thành luật sư, Umberto Eco lại theo ngành triết học. Umberto từng là thành viên của Tổ chức Thanh niên Công giáo, sau đó xin ra vì bất đồng với đường lối bảo thủ cố hữu của Tòa thánh Vatican. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Torino, U. Eco làm việc tại Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Italia (RAI). Tuy đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, nhưng Ban lãnh đạo RAI lại đánh giá: "U. Eco không hoàn thành công việc một cách xuất sắc", khiến ông bất mãn bỏ ngang rồi chuyển sang hành nghề sư phạm và viết sách từ đó.

Giáo sư Umberto Eco tại phòng làm việc Trường Đại học Tổng hợp Bologna.

Sau 30 năm tham gia giảng dạy ở bậc cao học, giáo sư U. Eco đã được tín nhiệm cử làm Trưởng Khoa Semiotica (Ký hiệu học) Trường đại học Tổng hợp Bologna. Eco đã từng nói: "Thực ra chỉ có độ 100 người trên hành tinh này là hiểu rõ những luận điểm của tôi". Nhiều chuyên gia tiên đoán cuộc sống ngắn ngủi của "cơn sốt semiotica" hiện nay; số khác thì cho rằng đó sẽ là ngành khoa học cơ bản trong tương lai. Semiotica là bộ môn khoa học về những hệ thống từ các ký hiệu - được khám phá ra trong ngôn ngữ, kiến trúc, âm nhạc v.v… nhằm mục đích phân tích và giải đáp các mã số sinh ra từ mọi hệ thống ký hiệu.

Chúng ta có thể cho rằng U. Eco là một nhà bác học kiểu mẫu vốn đóng khung trong cái "tháp ngà" của khoa học thuần túy và niềm đam mê lớn nhất trong ông là việc nghiên cứu châu Âu thời Trung cổ. Nhưng Eco đã tự nguyện đi ra khỏi "tháp" để xem xét nó bằng cách lật lại mọi vấn đề. Trước đây ông từng cho công bố một luận văn có tựa đề "Latratus", theo tiếng Latinh có nghĩa là "Tiếng chó sủa", đầy chất hài hước, trong đó Eco phân tích: "Tại sao, bằng cách nào và bao nhiêu lần chó đã sủa trong thời Trung cổ, và tiếng sủa có liên quan thế nào với giới khoa học thời ấy?". Chính kiến của U. Eco thiên về tả khuynh pha với một chút hài hước. Ông từng viết: "Vai trò của người công dân trong xã hội là biết phê phán giới chức quản lý, một dạng đối lập được vũ trang bởi tính hài hước - chí ít có thể hướng vào các uy tín lớn lao…".

Bìa cuốn tiểu thuyết bất hủ "Tên của đóa hồng" bản in lần đầu tiên.

Eco thường đi sâu nghiên cứu với mối quan hệ giữa xã hội và nền văn hóa phổ thông đại chúng. Trong nhiều năm liền ông luôn quan tâm đến cấu trúc của loài cá voi, hoặc là những nguyên nhân bạo lực trong giới cổ động viên bóng đá. Ông thường viết bài cho các báo cười,  tạp chí Playboy, chuyên san Disneyland, cho số chuyên đề của Bảo tàng Tượng sáp Madame Tussauds… Về người Mỹ đương đại, ông viết: "Họ thích nhìn hành động thực tế của mình qua một lăng kính siêu nhiên. Giới trí thức Mỹ cho đến bây giờ vẫn chưa nhận ra điều đó, bởi họ quá mực khuôn mẫu để có thể hòa đồng với quan niệm của công chúng".

Kể từ năm 1980, khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên "Il nome della rosa" (Tên của đóa hồng) của ông phát hành, chỉ một thời gian ngắn sau tên tuổi của tác giả đã lan truyền khắp thế giới. Bí quyết của cây bút được tôn vinh danh hiệu "Nhà văn bác học" này là đã cho ra đời tác phẩm có khả năng chinh phục hoàn toàn mọi giới độc giả, mọi tầng lớp cũng như trình độ học vấn khác nhau. Cuốn tiểu thuyết bất hủ cũng được dịch ra gần 40 thứ tiếng, với hơn 10 triệu bản đã được bán ra trở thành một trong những đầu sách bán chạy nhất mọi thời. Bộ phim cùng tên của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud cũng gặt hái được thành công rực rỡ. Và tất nhiên mối lưu tâm của độc giả toàn cầu với "Nhà văn bác học" ngày một tăng.

Còn U. Eco chấp nhận sự vinh quang của mình như thế nào? "Giờ đây tôi có thể mua tất cả mọi cuốn sách mà mình muốn - ông nói - Ngay cả các ấn phẩm hiếm nhất; và tôi cũng có thể đi bất cứ nơi đâu tùy thích". Còn các nhà phê bình thì cho rằng, cách viết của ông quá trừu tượng. Eco đáp lại: "Tất cả những điều tôi làm đều hướng tới một mục đích duy nhất là để hiểu được thứ cơ cấu, mà chúng ta đặt tên và ý niệm cho thế giới này".

U. Eco giải thích về nỗi đam mê thời Trung cổ trong ông: "Cội nguồn của châu Âu hiện đại chính là thời Trung cổ. Đó chính là lý do khiến chúng ta xem xét giai đoạn này đặc biệt hơn. Dù rằng lịch sử đã đi qua lâu rồi, chúng ta có thể cất giữ nó vào các kho lưu trữ… Nhưng cho tới giờ chúng ta vẫn sống trong những ngôi nhà của thời Trung cổ - theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tất cả những vấn đề hiện nay đều phát sinh từ thời ấy: các quốc gia cùng quân đội của họ và cuộc đấu tranh giai cấp, hệ thống ngân hàng tân kỳ, các cơ sở cao học v.v… Với chúng ta, thời Trung cổ xa xưa ấy hầu như chưa kết thúc".

6 cuốn tiểu thuyết kế tiếp do ông viết, tất cả đều thuộc dạng bán chạy nhất ngay sau khi phát hành.

Tang lễ của Umberto Eco đã được cử hành tại tư gia ở thành phố Milano vào ngày 23-2 vừa qua. Thi hài ông được hỏa táng theo đúng ý nguyện của "Nhà văn bác học".

Quang Long (theo L'Unità)
.
.