Bộ Công Thương lên tiếng về giá thép tăng phi mã

Thứ Bảy, 08/05/2021, 08:23
Theo phản ánh, tất cả thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với quý cuối năm trước. Mức tăng giá này được nhận định là rất cao, gây khó khăn cho nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Trước sự tăng giá đột biến này, có nghi ngại cho rằng có sự bắt tay của các công ty thép nhằm đẩy giá mặt hàng này một cách phi mã. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương chính thức lên tiếng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.

Về nguồn cung thép xây dựng, Bộ Công Thương khẳng định, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất của Tập đoàn Hoà Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 nên năng lực sản xuất của thép xây dựng khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Về thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn - xuất khẩu 0,7 triệu tấn). Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.

Thống kê cho thấy, về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu. Do đó, Bộ Công Thương khẳng định, nghi vấn có sự  “bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là “không có cơ sở”.

Trước tốc độ giá thép tăng phi mã như hiện nay, để kiểm soát giá thép, Bộ Công Thương cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ chủ động tiến hành triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

L.Hiệp
.
.