Các biểu giá điện đề xuất của EVN chưa nhận được sự đồng thuận

Thứ Sáu, 18/09/2015, 09:35
Sau khi nhiều bất cập của biểu giá điện 6 bậc thang hiện tại được chỉ ra, khiến số tiền người dân phải thanh toán cao hơn nhiều mức điện họ sử dụng, dư luận đang hết sức chờ đợi biểu giá mới được xây dựng. Mới đây, EVN đã hoàn thiện Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện, đề xuất 3 phương án.

Theo đề án này, phương án thứ nhất được EVN đưa ra là vẫn giữ nguyên 6 bậc như hiện hành, theo đó 50 kWh đầu tiên có mức giá 1.484đ/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh có mức giá 1.533đ/kWh; bậc 3 từ 101-200 kWh có mức giá 1.786đ/kWh; bậc 4 từ 201-300 giá 2.242đ/kWh; bậc 5 từ 301-400 kWh có mức giá 2.503đ/kWh và bậc 6 từ 401 kWh trở lên có mức giá 2.587đ/kWh.

Phương án 2 được đề xuất là áp dụng một mức đồng giá 1.747đ/kWh. Như vậy, các hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng sẽ bị tăng tiền từ 13.150đ đến 23.850đ, trong khi các hộ sử dụng càng nhiều, số tiền phải trả lại càng thấp hơn so với biểu giá hiện tại, như hộ sử dụng 500 kWh/tháng sẽ tiết kiệm được đến 189.150đ. 

Ưu điểm của phương án này là dễ dàng áp dụng, minh bạch, rõ ràng, giảm chi phí gắn mới công tơ do các hộ tách ra để được hưởng bậc thang giá thấp. Ngược lại, nhược điểm là bước đầu sẽ có khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp, nên cần tính toán cụ thể. Phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân vẫn là 1.747đ/kWh... 

Được biết, Đề án này sẽ phải được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và hoàn thiện trong tháng 10 gửi lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng quyết định.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết Hiệp hội chưa nhận được đề án này để phản biện, góp ý, mặc dù Hội đồng khoa học của Hiệp hội đã có trao đổi về nội dung này. 

Theo ông Ngãi, thay vì đưa 3 phương án phức tạp, EVN nên tập trung vào một phương án tốt nhất, tức là vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là giúp người nghèo, người thu nhập thấp không bị ảnh hưởng lớn do tác động của các bậc thang và không làm ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của chính EVN. Những năm tới, EVN vẫn phải đầu tư rất lớn vào nguồn và lưới điện, nên cần cân đối để có một mức lợi nhuận nhất định, song song với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Phương án 6 bậc đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, do khoảng cách giữa các bậc ngắn, khiến số tiền điện người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp phải đóng cao hơn số họ thực sự sử dụng. Với phương án giá điện trung bình 1.747 đồng/kWh, việc này không có cơ sở xác định một cách khoa học. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt giá điện trung bình là 1.622 đồng/kWh, vậy đưa ra giá trung bình là 1.747 đồng là dựa trên cơ sở nào? Nếu đưa ra giá này thì người sử dụng ít số điện cũng chịu tác động như người sử dụng nhiều điện. Phương án này không được hợp lý... Dẫu phương án nào đi nữa, thì chính sách khuyến khích tiết kiệm điện vẫn là chính sách ưu tiên số một. Theo chúng tôi, chỉ nên giữ ở mức 3 bậc thang. Bậc thứ nhất là 0- 100 hoặc 150 kWh, bậc hai đến 200 hoặc 250 kWh, bậc thứ ba là mức còn lại”, ông Trần Viết Ngãi bày tỏ.

Vũ Hân
.
.