Cần tháo gỡ vướng mắc cho tàu cá vươn khơi

Thứ Hai, 12/08/2019, 07:43
Do chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi sản lượng hải sản đánh bắt thấp, giá bán bấp bênh, dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi sau mỗi chuyến biển nên ở tỉnh Quảng Nam đã có nhiều ngư dân cho tàu… nằm bờ, chuyển sang làm việc khác kiếm sống...

Hơn 3 tháng nay, dù đang trong cao điểm mùa đánh bắt hải sản nhưng ngư dân Nguyễn A. (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) đành neo đậu con tàu đóng theo Nghị định 67 số hiệu QNa-93188TS, mới đưa vào hoạt động đầu năm 2017, tại Cửa Đại. Theo lời ông A., con tàu có công suất 829CV, vỏ composite, chuyên hành nghề lưới rê hỗn hợp. Chi phí đóng tàu cá hơn 12 tỷ đồng, trong đó 11,3 tỷ đồng là số tiền gia đình ông phải vay ngân hàng.

“Chi phí cho mỗi chuyến biển giờ đắt đỏ lắm. Mỗi chuyến đi dài 20 ngày mất khoảng 150 triệu đồng, đó là chưa kể tiền công trả cho 10 “bạn tàu”. Trong khi đó, sản lượng hải sản đánh bắt thấp, giá bán bấp bênh, dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi sau mỗi chuyến biển… Còn nếu cứ kéo dài tình trạng không đi biển thì không biết xoay xở đâu ra tiền để trả ngân hàng”, ông A. bày tỏ.

Tại khu vực Cửa Đại thuộc xã Duy Nghĩa, ngoài tàu cá của ông A còn có một số tàu cá vỏ gỗ khác của ngư dân địa phương cũng trong tình trạng “đắp chiếu”. Không ra khơi, ngư dân dùng bạt phủ kín thành tàu để giảm tác động của thời tiết đến vỏ tàu.

Tàu cá đóng theo Nghị định 67 của ông A. đang neo đậu tại cửa biển Cửa Đại.

Theo ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, địa phương là một xã bãi ngang ven biển nên có số lượng tàu thuyền tương đối lớn, trong đó có 15 tàu có công suất hơn 100CV và 2 tàu đóng theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt hải sản của các tàu cá ở Duy Nghĩa từ đầu năm đến nay không hiệu quả. Tổng sản lượng đánh bắt hải sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 670 tấn, giảm 40 tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Sản lượng hải sản đánh bắt giảm, cộng với giá bán không ổn định, trong khi chi phí tăng cao đã dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá phải nằm bờ. Đã có không ít ngư dân lên bờ, bỏ nghề đi biển để tìm việc làm tại các dự án du lịch đang triển khai ở vùng Đông của Quảng Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng, qua khảo sát nhận thấy lực lượng lao động, thị trường cũng như ngư trường đánh bắt của ngư dân một số huyện như Duy Xuyên, Thăng Bình có gặp khó khăn. Do đó, Sở đã khuyến cáo ngư dân cần chủ động trong xây dựng phương án tổ chức sản xuất.

Riêng về tàu cá đóng theo Nghị định 67, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 63 tàu, trong đó có 13 tàu lưới rê hỗn hợp. Vì nghề lưới rê hỗn hợp hoạt động không hiệu quả nên có 5 tàu đã chủ động chuyển đổi qua nghề chụp mực và đạt được hiệu quả bước đầu; 8 tàu lưới rê hỗn hợp còn lại đang tính toán phương án, kế hoạch sản xuất sao cho hiệu quả để tiếp tục đưa tàu vươn khơi, bám biển.

Ngọc Thi
.
.