Căng thẳng phiên tòa xử Vinasun kiện đòi Grab bồi thường

Thứ Sáu, 19/10/2018, 07:42
Ngày 18-10, phiên toà xét xử lại vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (gọi tắt là Grab) bước sang ngày thứ hai.


Trong phần đặt câu hỏi, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Grab hỏi Vinasun có phải con số thiệt hại Vinasun đưa ra yêu cầu Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng là từ kết quả giám định của Công ty Cửu Long hay không? Vinasun trả lời, con số thiệt hại đưa ra từ nhiều kết quả tính toán, trong đó kết quả giám định thiệt hại của đơn vị giám định.

Về các kết luận giám định của Công ty Cửu Long, trả lời câu hỏi của luật sư Grab hỏi Vinasun có đồng ý hết với kết quả giám định này?, đại diện Vinasun nói, tôn trọng báo cáo của Công ty Cửu Long và là cơ sở để HĐXX xem xét và cân nhắc.

Lúc này, luật sư Grab công bố kết quả giám định của Công ty Cửu Long cho thấy nhiều khách hàng không sử dụng dịch vụ của Vinasun do cước phí đắt, xe có mùi hôi, chất lượng dịch vụ kém... dẫn tới hoạt động của Vinasun bị thiệt hại. Ngoài ra, theo Grab, đối thủ của Vinasun, không chỉ Uber hay Grab mà còn các hãng taxi khác.

Đại diện Grab trả lời luật sư Vinasun tại toà.

Trước đó, trả lời luật sư Vinasun, mô hình hoạt động của Grab có giống Uber hay không?, đại diện Grab cho biết: “Không giống và có sự khác biệt”. Theo giải thích, đó là khác biệt về hệ thống, cách quản lý điều hành, công nghệ... Luật sư phía Vinasun nói, sở dĩ đặt câu hỏi này là do nhiều người cho rằng mô hình hoạt động của cả hai giống nhau.

Khẳng định mô hình hoạt động của Grab thực chất là “kinh doanh vận tải”, trong buổi sáng 18-10, luật sư Vinasun đặt nhiều câu hỏi xoay quanh có hay không Grab phạt tiền tài xế, nếu tài xế từ chối đón khách?

Đại diện Grab cho biết, vẫn có trường hợp Grab phạt tiền tài xế và đối với một số tài xế thì hình thức phạt tiền sẽ tốt hơn là ngừng kết nối hoặc chấm dứt, đây là nguyên tắc ứng xử đạo đức trong hợp tác của các bên. Theo luật sư Vinasun, trong thỏa thuận về biện pháp xử lý và mức bồi thường thiệt hại giữa Grab và đối tác, có nội dung “khi tài xế vi phạm, Grab buộc tài xế lên trụ sở của Grab để lập biên bản và nộp phạt.

Trong thời gian chưa thực hiện đầy đủ thì Grab sẽ khóa hoặc tạm ngưng kết nối”, quy định này nghĩa là gì? Đại diện phía Grab thừa nhận “có quy định như trên” vì Grab muốn cho tài xế đối tác một cơ hội thứ hai để kiếm sống và thu lợi nhuận. Luật sư phía Vinasun “phản công”: Báo cáo 4 năm từ 2014-2017, Grab báo lỗ 1.700 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 20 tỷ đồng thì lấy tiền đâu hoạt động? Đại diện Grab từ chối câu trả lời này và cho rằng đó là “bí mật kinh doanh”.

Đối với việc Grab quản lý lái xe, khách hàng, giá cước, hóa đơn... Grab cho biết họ hợp tác với đối tác, cụ thể là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã để quản lý. Theo Grab, họ sử dụng công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết nối giữa tài xế và hành khách...

Từng bị Vinasun “tố” cung cấp thông tin khách hàng cho “bên thứ ba” khi app ứng dụng, Grab cũng đặt những câu hỏi cho Vinasun về ứng dụng đặt xe, thông tin khách hàng khi đăng ký ứng dụng đặt xe... Trả lời, đại diện Vinasun cho biết: Vinasun không kinh doanh phần mềm và không giao kết với nhau bằng hợp đồng điện tử. Ứng dụng Vinasun chỉ là phương tiện để Vinasun kết nối với khách hàng thông qua phần mềm. Về thông tin của khách hàng có được bảo mật hay không, Vinasun khẳng định được bảo mật và chỉ cung cấp cho bên thứ 3 là các cơ quan tiến hành tố tụng theo luật định khi họ được yêu cầu… Hôm nay 19-10, phiên toà tiếp tục.

A.Huy
.
.