Khó có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay

Thứ Năm, 21/07/2016, 14:15
Kinh tế có thể khó đạt mức tăng trưởng như dự kiến, lạm phát có thể cao hơn dự kiến và bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ có thể vượt trần cho phép là những dự báo khá bi quan của Chính phủ về tình hình nửa cuối năm nay.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Chính phủ cho biết: Nửa đầu năm nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi không lường trước được. Tăng trưởng GDP 6 tháng có dấu hiệu chững lại: Quý I năm 2016, GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53% so với tốc độ tăng của Quý IV năm 2015; Quý II tăng cao hơn Quý trước nhưng cũng chỉ tăng 5,55%. Tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.

Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%), tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, cũng chỉ đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm 2015. 

Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép. 

Chính phủ đưa ra dự báo khá bi quan về tình hình kinh tế cuối năm nay

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, theo kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy những cải thiện trong tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ,... là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn những tháng cuối năm.

Việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Theo dự báo của ADB, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (6/2016) còn cho rằng Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, sẽ góp phần bù đắp đà tăng trưởng chậm lại của các nước trong khu vực.

Do đó, Chính phủ cho rằng nếu tất cả các ngành, các cấp ngành phấn đấu nỗ lực và có sự đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục các khó khăn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, phấn đấu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm khoảng 1,8% đến 2%; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo (nhóm này hiện nay đang có xu hướng tăng trưởng tốt: 

Quý I tăng 7,9%, Quý II tăng 10,1%, 6 tháng cuối năm cũng là chu kỳ tăng trưởng của nhóm hàng này, tập trung cho xuất khẩu vào các tháng cuối năm); thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, đồng thời tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn có nhiều tiềm năng, như: xây dựng (6 tháng đã đạt 8,8%, đạt mức cao nhất trong 6 năm qua); dịch vụ, du lịch,... thì vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội đề ra.

Chính phủ cũng cho rằng lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới. Giá dầu thô thế giới đã xuống đáy và đang tăng trở lại, hiện đang dao động quanh mức 45 USD/thùng, thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 70% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm. 

Dự báo giá dầu thô còn có nhiều biến động khó lường, có thể còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Xu hướng tăng của mặt bằng giá thế giới và giá dầu thô sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu. Đặc biệt, đối với nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng trở lại sẽ tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra.

Việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, như: giá dịch vụ y tế dự kiến tăng trong 4 đợt, học phí dự kiến tăng vào tháng 9/2016,... cũng sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm.

Hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng cả đến vụ Hè thu, vụ mùa và đến nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, làm giảm sản lượng, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.


V.Hân
.
.