Ngư dân phía Nam Phú Yên khó khăn khi lạch sông Ngọn bị thu hẹp

Thứ Năm, 27/02/2020, 15:40
Rất nhiều ngư dân vùng biển phía Nam bày tỏ thái độ bức xúc khi lạch sông Ngọn ở địa phận xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã và đang bị thu hẹp dần, gây trở ngại cho hoạt động của hàng trăm tàu cá.


Tiếp xúc PV Báo CAND, nhiều ngư dân ở Hòa Hiệp Nam cho biết, với chiều dài gần 6km, lạch sông Ngọn rộng 120-300m là “con đường” thuận lợi cho tàu cá vận hành từ phía biển vào cảng cá Phú Lạc sau mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản hoặc khi neo đậu để sửa chữa, tránh bão. Thế nhưng nhiều năm gần đây tình trạng lạch sông bị thu hẹp cứ tái diễn. 

Ngoài nguyên nhân khách quan do dòng chảy và tác động của thiên tai mưa bão gây bồi lấp còn có nguyên nhân chủ quan do hàng chục người lấn chiếm trái phép mặt nước lạch sông để neo lồng bè thả nuôi tôm, vẹm. Đáng lo ngại là nhiều đoạn lạch bị thu hẹp đến mức chỉ còn 10-15m, khi mực nước thủy triều rút xuống, những nơi bị thu hẹp trở thành “lá chắn” tàu cá ra vào. Nghiêm trọng hơn nữa là một số người lấn chiếm mặt nước lạch sông còn xây dựng bờ bao đìa nuôi tôm bằng bê tông kiên cố.

Lồng bè thả nuôi tôm, vẹm lấn chiếm mặt nước lạch sông Ngọn.   Ảnh : Phạm Cường

Chỉ tay về phía tàu cá PY-95174 TS đang bị “mắc kẹt” bên trong lạch sông Ngọn, ông Phạm Lập, trú ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam bày tỏ bằng tâm trạng bức xúc : “Tàu cá này chuyên nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển Trường Sa, đó là phương tiện mưu sinh của gia đình tôi cùng một số ngư dân. Sau mỗi chuyến vươn khơi dài ngày trên biển tôi điều khiển tàu cá này vào lạch sông Ngọn để bốc dỡ cá ngừ đại dương bán cho thương lái, bốc xếp nhiên liệu, đá lạnh, lương thực thực phẩm đưa lên tàu trước khi vươn khơi đồng thời neo đậu an toàn mỗi khi có cảnh báo thời tiết giông bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ. Giờ đây lạch sông Ngọn bị bồi lấp, người nuôi tôm lấn chiếm dòng chảy trong khi mực nước xuống thấp khiến cho tàu cá của tôi bị “giam lỏng” không thể nào vận hành ra cửa biển Đà Nông để vươn khơi, mà phải chờ đến khi nước dâng mới tìm “lối thoát” cho tàu cá”.

Đã có trường hợp lấn chiếm lạch sông Ngọn để xây dựng bờ bào đìa nuôi tôm kiên cố bằng bê tông kiên cố.   Ảnh : Phạm Cường

Cùng tâm trạng đó, một ngư dân khác ở địa phương là ông Phạm Luyện, chủ nhân tàu cá vỏ thép PY-9990 TS cho biết : “Tàu cá vỏ thép này được gia đình tôi đầu tư đóng mới từ chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ. Sau một thời gian vận hành khai thác hải sản ở nhiều vùng biển xa bờ, đến nay tàu cá cần được sửa chữa nhưng không thể nào vận hành vào lạch sông Ngọn do dòng chảy bị thu hẹp nên phải chuyển hướng vào Khánh Hòa để sửa chữa nên chi phí tăng thêm 25-30%.

Một số đoạn trên lạch sông Ngọn bị bồi lấp do tác động thiên tai.  Ảnh : Phạm Cường

Đề cập thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa – ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, khu neo đậu tàu cá trong lạch sông Ngọn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch, đảm bảo cho 1.000 tàu cá công suất từ 500-1.000 CV của ngư dân xã Hòa Hiệp Nam và thị trấn Hòa Hiệp Trung vào cảng cá Phú Lạc và neo đậu tránh giông bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ. Để tàu cá vận hành vào lạch sông thuận lợi, mỗi năm huyện phải dành một khoản kinh phí 120-150 triệu đồng để nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng do tác động của thời tiết nên tình trạng bồi lấp tái diễn. Riêng hành vi lẫn chiếm mặt nước lạch sông để nuôi tôm, vẹm của một số người dân, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp UBND xã Hòa Hiệp Nam lập biên bản vi phạm hành chính và sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu người vi phạm không khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng lạch sông.

Trong cuộc kiểm tra thực tế ngày 20-2, ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo UBND huyện Đông Hòa sớm có biện pháp xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật những trường hợp lấn chiếm lạch sông Ngọn, đồng thời rà soát số lượng tàu cá thường xuyên vận hành, neo đậu trong lạch sông cùng với những khó khăn vướng mắc để đề xuất giải pháp nạo vét, khơi thông lạch sông Ngọn bền vững, đảm bảo dòng chảy thông thoáng cho tàu cá vận hành, đặc biệt là khi cần neo đậu tránh giông bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Hàng trăm ngư dân ở thị trấn Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Hiệp Nam vẫn đang mong chờ những động thái tích cực, hiệu quả từ huyện và tỉnh.


Phan Văn Lương
.
.