Người tiêu dùng đang phải ‘gánh’ 5.000 tỷ đồng do giá đường tăng cao

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:11
Đường tinh luyện của các nhà máy đường trong nước có giá đến 10.900 đ/0,5kg; trong khi đường cát Thái Lan nhập lậu cùng chất lượng giá chỉ… 10.200 đ/kg. Vậy ai được hưởng lợi khi giá đường tăng cao? Chắc chắn không phải là người tiêu dùng…

Gian hàng đường của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2015, vừa diễn ra ở TP Long Xuyên, An Giang) lúc nào cũng đông khách.

Mỗi người mua vài kilôgam, vì giá bán rẻ hơn ở siêu thị và chợ từ 3.000 - 4.000 đ/kg. Loại đường túi “con kiến” và “kim cương” giá 15.500 đ/kg, đường tinh luyện 16.500 đ/kg.

Tranh thủ mua ít đường “giá mềm”, chị Lê Thị Kim Cương (ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên), cho biết: Tôi mua đường tinh luyện để pha cà phê, còn đường hạt to để nấu thức ăn”.

Còn chị Lê Thị Bé (ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên), chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ ăn duy nhất đường tinh luyện, giá bán tại hội chợ rẻ hơn ở chợ nên tôi mua 6kg. Tại các chợ, cửa hàng tạp hóa ở TP Long Xuyên, đường tinh luyện túi 1kg giá bán 20.000 đồng. Tại siêu thị, giá bán các loại đường tinh luyện túi 1kg từ 17.500-20.600 đ/túi, tùy loại. Riêng túi 0,5kg, giá bán từ  9.300 - 10.900 đ/túi”.

Đường nội giá cao, nên nhiều năm qua đường cát Thái Lan ồ ạt “chảy” qua biên giới, gây áp lực cho công tác chống buôn lậu của các địa phương biên giới Tây Nam.

Tại chợ Gò Tà Mâu (Campuchia), đường cát Thái Lan bao 50kg, loại đường trung giá 525.000 đ/bao (10.500 đ/kg), còn loại hạt nhuyễn (giống đường tinh luyện Việt Nam) giá 510.000 đ/bao (10.200 đ/kg). Vận chuyển qua khu vực TP Châu Đốc (An Giang), đường trung Thái Lan có giá 10.700 đ/kg; đường nhuyễn có giá 10.500 đ/kg.

Một chủ cửa hàng kinh doanh đường tại TP Long Xuyên cho biết, giá bán sỉ bao 50kg, loại đường trung Thái Lan 13.300 đ/kg và đường nhuyễn là 13.100 đ/kg. Đường lậu sau khi “biến hóa” bao bì đưa ra chợ bán lẻ chỉ có giá 15.000 đ/kg.

Bà N.T. B. (chủ sạp tạp hóa tại chợ Mỹ Bình, TP Long Xuyên), cho biết: Từ trước Tết Ất Mùi đến nay, đường cát Thái Lan dao động mạnh, giá bán lẻ có lúc lên đến 16.000 đ/kg, hiện nay xuống 15.000 đ/kg. Đường lậu lên, xuống theo thị trường, còn đường tinh luyện trong nước vẫn ổn định với giá 20.000 đ/kg.

Đường cát Thái Lan nhập lậu gây áp lực cho công tác chống buôn lậu của các cơ quan chức năng.

Qua tìm hiểu mặt hàng đường cát tại các cửa hàng, các chợ ở TP Long Xuyên, đường cát bán lẻ đựng trong bọc nilon từ 1 - 2kg, cây 12kg và bao 50kg, đa số là đường nhập lậu được thay đổi bao trắng hoặc bao bì của các nhà máy đường trong nước. Do giá bán các sản phẩm đường sản xuất trong nước cao hơn đường nhập lậu nên đường cát Thái Lan chiếm lĩnh thị trường.

Vì sao đường sản xuất trong nước luôn có giá cao? Một chuyên gia ngành đường tính toán, nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 12.000 đ/kg, đứng ở hàng cao nhất thế giới, trong khi Thái Lan là 8.000 đ/kg, mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đ/kg. Giá bán lẻ trên thị trường còn cao hơn, người tiêu dùng trong nước luôn phải mua đường với giá đắt hơn từ 3.000 - 5.000 đ/kg.

Với mức tiêu thụ năm 2014 khoảng 1,3 triệu tấn đường, người tiêu dùng nội địa bỗng dưng phải trả thêm cho khoản chênh lệch giá này lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát có sử dụng nguyên liệu đường cũng kêu trời khi giá mua đường trong nước cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản phẩm của họ khó cạnh tranh với đối thủ ngoại ngay tại sân nhà…

Lâu nay các công ty đường trong nước luôn mong và tìm mọi cách để Nhà nước hạn chế nhập khẩu đường vì chỉ có như vậy họ mới bán được giá cao, hưởng lợi lớn. Thậm chí, có thời điểm, họ còn kiến nghị giãn, hoãn nhập đường theo hạn ngạch mà Việt Nam cam kết để bảo vệ quyền lợi của mình…


Cho phép nhập 50.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai từ Lào với mức thuế ưu đãi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc cho phép nhập khẩu 50.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất từ Lào về Việt Nam với thuế suất ưu đãi. Cụ thể, số lượng hàng này sẽ chỉ bị đánh thuế 2,5% trong hạn ngạch.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về hạn ngạch bổ sung nói trên, trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Trước đó, xung quanh việc nhập khẩu đường này đã nổ ra tranh cãi gay gắt giữa Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Bộ Công Thương.

Phía Hiệp hội phản đối việc nhập khẩu vì lo ngại đường sản xuất trong nước sẽ không thể cạnh tranh nổi vì giá cao (trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan); trong khi đó Bộ Công Thương cho rằng bản thân các DN mía đường trong nước không chịu đổi mới, sức cạnh tranh yếu khiến người tiêu dùng trong nước từ nhiều năm nay luôn phải dùng đường ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực. (Nam Phương)

Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Có nhiều nguyên nhân làm giá đường ở Việt Nam cao, đầu tiên là chính sách bảo hộ. Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất đường chưa quan tâm nghiên cứu, đầu tư để phát triển; không xây dựng vùng nguyên liệu và chưa có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía.

Các giống mía đang trồng có năng suất thấp, quy mô nhà máy nhỏ, công nghệ sản xuất chế biến đường không theo kịp các nước. Vì vậy, giá thành sản xuất đường Việt Nam cao các quốc gia lân cận.

Phương thức kinh doanh chưa tổ chức được mạng lưới phân phối nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng giá cao…

Văn Đức
.
.