Nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ Hai, 19/10/2020, 06:43
Sau gần 3 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh cáo với thủy sản Việt Nam khi chưa đáp ứng được các khuyến nghị về ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong khắc phục “thẻ vàng” thông qua các khuyến nghị của EC đưa ra. Trong đó, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã làm tốt vấn đề này…


Thông qua các khuyến nghị của EC, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, không có các tàu cá của Sóc Trăng khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Người dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác thủy sản, thông qua công tác tuyên truyền về IUU. Hiện, số tàu đánh bắt cá trên địa bàn tỉnh là 1.212 tàu, tổng công suất trên 204.000 CV.

Trong đó, có 366 tàu có chiều dài hơn 15m hoạt động ngoài khơi, sản lượng khai thác 67.200 tấn (năm 2019), mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn. Đồng thời, mỗi năm tại cảng cá Trần Đề tiếp nhận từ 90.000 - 100.000 tấn thủy, hải sản, hàng hóa qua cảng. Với số lượng tàu cá như trên, để tăng cường quản lý tàu cá một cách chặt chẽ hơn, Sóc Trăng đã quyết định thành lập Tổ thực hiện IUU đặt tại Ban Quản lý cảng cá Trần Đề.

Tàu, thuyền khai thác hải sản neo đậu tại Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng).

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp gửi thông báo đến từng chủ tàu về các quy định của IUU. Đồng thời giao ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các ban, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản đến ngư dân khai thác trên biển, kể cả gặp gỡ trực tiếp các chủ tàu để tuyên truyền, hướng dẫn ghi sổ nhật ký khai thác. Ngoài tuyên truyền cho các tàu cá về IUU, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các cuộc thanh kiểm tra các loại giấy tờ, trang bị, thiết bị trước khi ra khơi của các tàu cá ra, vào Cảng cá Trần Đề.

Ông Nguyễn Văn Ơn (một chủ tàu cá ở huyện Trần Đề) cho biết: “Lúc đầu thực hiện cũng có khó khăn vì từ trước tới giờ mình chỉ biết ra khơi khai thác thôi chứ có cần phải ghi chép gì đâu, nhưng giờ cố gắng khắc phục để làm tròn trách nhiệm của một ngư dân. Ra vào cảng thực hiện xuất trình đầy đủ giấy tờ, báo cáo việc khai thác, đánh bắt, số lượng cho cơ quan chức năng.

Có như vậy thì mình mới sống được lâu dài với nghề”. Theo ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Tổ trưởng Tổ kiểm tra IUU Sóc Trăng, nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của EC còn được xem là đợt lập lại trật tự trong quản lý khai thác biển, chất lượng, nguồn gốc hải sản của nghề cá nước ta là hướng đi quan trọng để phát triển nghề cá bền vững.

Sản phẩm đánh bắt của ngư dân trên biển từng bước vươn xa ra thị trường quốc tế nên việc thực hiện tốt các quy định về kê khai nguồn gốc hải sản thông qua nhật ký khai thác và khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt để hàng thủy, hải sản nước ta xuất khẩu an toàn.

Vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền để ngư dân nắm rõ các quy định, chế tài xử phạt của nhà nước về việc cấm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tháng 5-2018, đoàn Thanh tra EC đã kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại Việt Nam, trong đó đã kiểm tra tại Kiên Giang và Bình Định. Tiếp tục từ ngày 7 đến 8/11/2019, đoàn Thanh tra EC đã kiểm tra tại Kiên Giang về tình hình triển khai thực hiện 4 nhóm: Hoàn thiện khung pháp lý; hệ thống giám sát tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục khuyến nghị của EC. Cụ thể, UBND tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ nghề cá trên địa bàn. Đây là cơ sở quan trọng để các lực lượng thể hiện vai trò trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng biên phòng, kiểm ngư trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thuỷ hải sản. Về hoàn thiện khung pháp lý, Kiên Giang đã thành lập tổ thông tin tuyên truyền Luật Thuỷ sản và hoạt động rất hiệu quả, cụ thể đã tổ chức được 27 lớp tuyên truyền Luật Thuỷ sản cho hơn 1.260 lượt người và in tờ rơi thông báo cho các chủ tàu, người dân…

Đức Văn
.
.